Mãi mãi tuổi xuân

19:48 | 17/07/2012

1,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Học xong phổ thông, đang chờ kết quả thi vào đại học, nhưng khi đất nước có chiến tranh, hai trong số 4 người con trai của bác tôi đã viết đơn tình nguyện xếp bút nghiên lên đường đánh giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và cả hai anh đã không trở về…

Anh Nguyễn Trấn Nhi, con trai cả của bác hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, còn con trai út Nguyễn Hồng Kỳ lại hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam khi bước sang tuổi 20. Chưa nguôi nỗi đau khi nhận được tin anh Nhi hy sinh thì mấy năm sau tin dữ lại đến với sự hy sinh của anh Kỳ. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, ngày ấy sức khoẻ của bác tôi suy sụp hẳn, chưa đến 60 tuổi mà tóc bác bạc trắng. Vượt lên nỗi đau, bác tham gia tích cực vào các công tác xã hội của phường, đặc biệt vào việc thăm hỏi, chăm sóc những gia đình liệt sĩ.

Đất nước hoà bình, nhưng kinh tế quá khoá khăn, bác tôi cứ canh cánh một lần được vào nghĩa trang Quảng Trị và Tây Ninh thăm phần mộ của các con.

Thế rồi, cuối năm 1992, lặn lội đi tàu suốt đêm vào nghĩa trang Quảng Trị tìm mộ con, phần vì thương con, phần vì sức khoẻ yếu, bác tôi đã qụy xuống ngay bên mộ anh Nhi. Từ đó, bác tôi liệt cả người và không bao giờ đi lại được nữa. Cho đến tận lúc sắp qua đời, bác tôi vẫn luôn đau đáu được một lần đi thăm mộ con và luôn mong đưa được hài cốt của hai người con liệt sĩ về quy tụ tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.

Mãi cho đến cuối năm 2005, khi đã biết cụ thể hài cốt của người em Nguyễn Hồng Kỳ được quy tụ tại nghĩa trang xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) vậy mà anh Nguyễn Linh Giác (con trai thứ ba của bác tôi) vẫn không chắc chắn tìm được mộ của em trai mình. Trước khi vào Tây Ninh, anh đã cẩn thận nhờ người quen điện thoại cho bạn ở Ban Dân vận, Hội đồng nhân dân huyện Bến Cầu nhờ giúp đỡ nếu gặp khó khăn, trắc trở. Và rồi sự việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi ngoài sự tưởng tượng của anh và gia đình.

Đồng đội bên mộ Liệt sĩ Nguyễn Hồng Kỳ

Nghĩa trang liệt sĩ xã Lợi Thuận nằm cách biên giới Campuchia khoảng 6 km có 429 mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều liệt sĩ vô danh. Đây là phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979, song chỉ có vài ngôi mộ được đưa về địa phương và gia đình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các cán bộ Phòng Thương binh – Xã hội xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu và tấm lòng của người quản lý nghĩa trang, chỉ hai ngày sau, anh Giác đã đưa được hài cốt của em trai về Hà Nội.

Suốt chặng đường dài hơn 2.000 cây số từ Nam ra Bắc, Giác ôm khư khư cái bọc ni lông quấn vải, trong đó có hài cốt của em mình với lòng thương nhớ vô hạn. Chỉ hơn tôi một tuổi, anh Kỳ trắng trẻo, đẹp trai và rất thông minh. Hồi học lớp 9, nhờ có năng khiếu về hội hoạ, anh đã đoạt giải 3 trong một cuộc thi vẽ của Thành phố Hà Nội. Rồi trong những ngày chờ kết quả thi vào Đại học Mỹ thuật, anh đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Những lúc tâm sự với tôi về tương lai sau này, anh luôn ao ước trở thành hoạ sĩ hoặc kiến trúc sư để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp. Thế rồi, anh lên đường vào mùa hè năm 1978 và hy sinh sau đó 1 năm.

Nằm cách Thị trấn Nhổn gần 1 km, nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội là nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ quê ở Hà Nội. Trong tiếng thông reo rì rào của mùa đông giá lạnh, với người thân, bạn bè, bà con khối phố, lễ truy điệu và an táng hài cốt của con bác tôi được Đảng uỷ, UBND phường Quang Trung, UBND Quận Đống Đa, Quận đội Đống Đa tổ chức rất long trọng và cảm động. Trước tượng đài liệt sĩ với lư đồng hương nghi ngút và những vòng hoa trắng, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hồng Kỳ được phủ cờ Tổ quốc. Hai hàng chiến sĩ bồng súng đứng hiên ngang càng làm cho không khí buổi lễ thêm trang nghiêm và xúc động.

Tôi còn nhớ, cách đây 5 năm, khi vào viếng nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị, tôi đã nấc lên khi nhìn thấy những ngôi mộ khắc tên các bạn tôi quê ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hồi còn nhỏ, chúng tôi học chung một lớp và thường múa hát, sinh hoạt đội dưới ánh trăng sáng sau luỹ tre làng. Các bạn tôi cầm súng lên đường cùng đợt với anh Kỳ và đã mãi mãi nằm lại nơi đây khi chưa bước qua tuổi 20.

Sau phút mặc niệm, bà Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung đọc tiểu sử và thành tích chiến đấu của anh tôi trong nghẹn ngào xúc động và bản nhạc chiêu hồn tử sĩ. Là chiến sĩ trẻ, song anh Kỳ luôn tỏ ra dũng cảm và mưu trí trong chiến đấu nên sau khi hy sinh, anh đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Campuchia. Còn ông Vũ Xuân Dũng, cán bộ Phòng Thương binh – Xã hội Phường Quang Trung cũng nói lên lòng biết ơn đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những người đồng đội cùng gia đình, bà con khối phố đi thành hai hàng dọc đưa hài cốt anh tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng với lòng thương tiếc và tự hào của tất cả mọi người.

Mộ của anh tôi phủ đầy hoa trắng nằm cùng khu mộ của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và hàng trăm ngôi mộ trẻ khác. Tôi dễ dàng tìm ra mộ chị bởi những bông hồng trắng và dòng chữ "Mãi mãi tuổi xuân” khắc trên mộ. Thắp nén hương, tôi đứng lặng người ngắm nhìn khuôn mặt nhân hậu và đôi mắt rực lửa của Đặng Thuỳ Trâm trong bức ảnh.

Bên mộ Đặng Thùy Trâm

Cũng như nhiều người, tôi đã đọc nhật ký và xem những thước phim về chị với lòng khâm phục và ngưỡng mộ sâu sắc. Từ đất nước Nhật Bản xa xôi, các con tôi cũng đã tìm đọc bằng được cuốn nhật ký này trên mạng. Lúc này, giữa nghĩa trang tĩnh lặng, mênh mang với những ngôi mộ mà trên đó có ngôi sao vàng năm cánh, lòng tôi thắt lại khi nhớ tới Việt, Quyết, Đại, Huấn, những bạn học thuở sinh viên Văn Khoa với tôi đã viết đơn bằng máu để được ra chiến trường đánh giặc và họ đã không trở về.

Những cuốn nhật ký thời chiến tranh của người lính tuổi 20 được viết bằng cả trái tim, thể hiện lý tưởng và quyết tâm của tuổi trẻ khi đất nước lâm nguy. Tết nào cũng vậy, đến thăm nhà các bạn, chúng tôi không quên đọc lại những dòng nhật ký ấy, lòng thầm biết ơn và cảm phục họ.

Vậy là 26 năm kể từ ngày hy sinh, hài cốt của anh tôi đã được đưa về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nguyện vọng của bác tôi lúc còn sống đã được con cháu thực hiện, nhưng hai bác lại không còn. Dự kiến, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Trấn Nhi cũng sẽ được gia đình bác tôi đưa từ Quảng Trị ra Hà Nội vào năm sau.

Chiến tranh đã qua đi, những người đang sống đã và đang làm tất cả để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, thể hiện lòng biết ơn với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc và an ủi, động viên những gia đình có người thân hy sinh. Nhân ngày thương binh liệt sĩ, tôi kể lại câu chuyện của chính gia đình mình không chỉ để thắp một nén hương lên mộ anh tôi, mộ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – những người sống mãi tuổi 20, mà còn để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của gia đình tôi đối với cán bộ và nhân dân xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và chính quyền và bà con nhân dân phường Quang Trung, Quận Đống Đa (Hà Nội).

Trần Thị Sánh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc