“Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa

10:04 | 27/12/2012

3,103 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hồ B52 luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đêm 27/12/1972, một chiếc máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn hạ, rơi xuống hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Đây là điểm duy nhất mà máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội còn được lưu giữ đến hôm nay, nên nơi đây được người dân gọi là “hồ B52” và được giữ lại thành chứng tích lịch sử. Hồ B52 luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Một phần xác chiếc máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp.

Đến phường Ngọc Hà sau gần 40 năm kể từ khi chiếc máy bay B52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, chúng tôi được nghe những câu chuyện vẫn còn in đậm trong trí nhớ của người dân nơi đây về trận chiến 12 ngày đêm anh dũng của quân và dân Hà Nội.

Bà Lê Thị Huệ, đội viên đội dân quân tự vệ làng Hữu Tiệp năm nào bồi hồi nhớ lại, chiến dịch rải thảm bom bằng máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/1972 đã khiến một nơi thanh bình như làng Hữu Tiệp cũng trở thành mục tiêu bắn phá. Làng hoa thành lũy thép và mỗi người dân là một chiến sĩ. Với bà Huệ, ký ức không phai mờ trong cuộc chiến quyết liệt giữa “Rồng lửa Thăng Long” với “pháo đài bay Mỹ” là hình ảnh chiếc máy bay B52 bị Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 tên lửa phòng không bắn rơi ngày 27/12/1972, mà một phần của nó đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Chiếc B52 đó bị bắn hạ khi chưa kịp “cắt bom” gây tội ác. Cũng rất may cho người dân trong làng, khi rơi xuống hồ, trong thân pháo đài bay Mỹ vẫn còn nguyên bom đạn. Ngay sau đó, lực lượng công binh đã đến ngay để tháo gỡ bom đạn trong xác chiếc máy bay.

Ông Nguyễn Lê Huy, người dân làng Ngọc Hà vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc, tự hào khi được thấy máy bay B52 bị bắn rơi xuống chính mảnh đất quê mình. Đêm ấy, làng Hữu Tiệp có một đêm không ngủ, mọi người đều nói cười, vui sướng. Tiếng người gọi nhau vang khắp làng, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến con ngáo ộp Mỹ phơi xác như thế nào.

“Chiếc B52 bị trúng đạn cháy sáng cả một vùng. Khi máy bay rơi xuống lòng hồ thì nước hồ sôi lên sùng sục. Lúc đó, một số người còn ở lại làng để sản xuất thấy máy bay rơi đều chui lên khỏi hầm để xem. Lúc máy bay rơi mọi thứ chìm trong im lặng, khác hẳn với trước đó khi máy bay quần thảo ầm ĩ trên bầu trời. Rồi không khí vỡ òa ra khi người dân trong làng vừa chạy vừa hoan hô máy bay rơi. Chưa bao giờ người dân Ngọc Hà lại vui như vậy, cả đêm thức trắng. Đến giờ người dân nơi đây cũng không sao hiểu nổi chiếc máy bay Mỹ to đến vậy mà lại rơi đúng cái hồ nhỏ của làng” - ông Huy kể lại.

Là người con của làng Hữu Tiệp, ông Nguyễn Trọng Hiển luôn tự hào vì được trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Sau nhiều năm chiến đấu ở những mặt trận nóng bỏng xa nhà, ông được điều động về Hà Nội để tăng cường, ông Hiển nghĩ sẽ có cơ hội được gặp vợ con. Nhưng khi đóng quân ở một huyện ngoại thành, chỉ cách nhà hơn chục cây số, mà ông chưa một lần được về thăm nhà. Vợ ông khi đó cũng tham gia lực lượng tự vệ làng Hữu Tiệp để có thể sát cánh chiến đấu cùng chồng.

Ông Hiển tâm sự: “Chiến đấu vì Tổ quốc đã rất thiêng liêng rồi, nhưng là người Hà Nội lại được về bảo vệ Hà Nội, tôi cảm thấy nhiệm vụ này thiêng liêng vô cùng. Dù rất gần vợ con, có khi chỉ cách chỗ con tôi sơ tán có hơn một cây số, nhưng bố con cũng không gặp được nhau, vì cuộc chiến quá ác liệt. Hôm biết tin máy bay B52 bị bắn rơi xuống đúng nơi gia đình mình đang sinh sống tôi lo lắng lắm, nhưng tôi không thể về nhà và cũng không có cách nào để liên lạc được với vợ con. Hôm sau, tôi tranh thủ xin đơn vị về thăm nhà. Về nhà không thấy vợ con mình đâu, tôi rất hoang mang. Nhưng khi được bà con hàng xóm cho biết là vợ tôi đang cùng lực lượng bộ đội tham gia gỡ bom trong xác máy bay, dù không gặp được vợ con ngay lúc đó nhưng tôi yên tâm trở về đơn vị, tiếp tục nhiệm vụ của mình”.

Hồ Hữu Tiệp luôn là niềm tự hào của người dân Ngọc Hà, biểu tượng của chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Hiện khu vực quanh hồ này đã được cải tạo thành con đường nhỏ, trở thành nơi dạo chơi của trẻ em, nơi tập dưỡng sinh, thể dục của các cụ già và ngay cạnh đó là Trường Tiểu học Ngọc Hà. Ít có nơi nào, học sinh lại được dạy lịch sử từ một bài học truyền thống sống động, trực quan như ở đây.

Em Vũ Thị Thảo Anh, lớp 5A3, Trường Tiểu học Ngọc Hà, là gia đình gốc làng Hữu Tiệp. Từ nhỏ em cùng các bạn trong “làng” đã được ông bà, bố mẹ đưa ra hồ B52 để chơi và kể cho em biết về lịch sử gắn liền với xác chiếc máy bay đang nằm ở đây. Khi đi học em lại được các cô giáo giảng giải thêm, khiến các em càng trân trọng di tích này hơn.

Vừa nhắc đến hồ B52, em Thảo Anh rất tự hào khoe: “Hàng ngày chúng em được học ở ngôi trường kế bên di tích lịch sử này, được giáo dục về truyền thống lịch sử của vùng đất nơi mình đang sống. Hàng tuần, chúng em đều ra đây làm vệ sinh, nhặt rác quanh hồ để cùng mọi người giữ gìn cảnh quan. Bây giờ, khi gặp khách du lịch, chúng em có thể tự tin giới thiệu với họ về lịch sử của chiếc máy bay rơi tại hồ của làng mình”.

Cô Vũ Thanh Hương, giáo viên lớp 5A3, Trường Tiểu học Ngọc Hà tâm sự: “Chúng tôi có một may mắn khi giáo dục các em về lịch sử, về truyền thống uống nước nhớ nguồn bởi ngay trước mặt trường học của chúng tôi đây là một chứng tích lịch sử, ngay trong mỗi gia đình các em đều có những nhân chứng lịch sử. Và như thế, mỗi buổi học về lịch sử, đạo đức với chúng tôi đều nhẹ nhàng và đầy xúc động.”

Cùng với Đài tưởng niệm nạn nhân của bom Mỹ ở phố Khâm Thiên, xác pháo đài bay B52 ở Ngọc Hà không chỉ góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn giúp thế hệ sau thấm thía rằng chiến thắng hào hùng đã phải trả bằng máu và nước mắt của những thế hệ đi trước, để càng cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp.

Tin Tức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc