Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Hai đề xuất của tướng Nguyễn Hữu An

07:00 | 13/04/2015

12,882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhớ lại những ngày lịch sử tháng 4/1975, Thượng tướng Nguyễn Hữu An có 2 điều tâm đắc mà khi đề xuất đều được Tổng hành dinh và Bộ Chỉ huy tiền phương chấp thuận. Đó là Binh đoàn Hương Giang được tổ chức mũi tiến công hướng duyên hải, dọc đường 1 tiến vào Sài Gòn, sau khi giải phóng Huế - Đà Nẵng và… nếu Binh đoàn vào Sài Gòn trước thì được phép cắm cờ trên Dinh Độc lập.

Năng lượng Mới số 411

Thượng tướng Nguyễn Hữu An

Thượng tướng Nguyễn Hữu An được cử đi học chỉ huy chiến lược ở Liên Xô về nước, ông nhận chức vụ Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang. Đầu tháng 4/1975, khi cử đồng chí Hoàng Đan, Phó tư lệnh Binh đoàn ra Hà Nội báo cáo Tổng hành dinh, Thượng tướng trao đổi về việc đề xuất xin cho binh đoàn tiếp tục tham gia tác chiến hướng duyên hải, dọc theo Quốc lộ 1. Ông dặn kỹ, nếu trên đồng ý, lập tức điện ngay vào binh đoàn, sau đó bay trực thăng về ngay. Đúng như dự tính, trên đồng ý cho Binh đoàn Hương Giang nhanh chóng theo trục đường số 1 thần tốc tiến công các địa bàn còn lại của Việt Nam cộng hòa (VNCH).

Thượng tướng bộc bạch: tuy binh đoàn còn lực lượng pháo binh, bộ binh vẫn ở khu vực Thượng Đức chưa ra hết ngoài lộ 1, do xe pháo gặp đường xấu nhưng trước đó, một số phân đội của binh đoàn đã bố trí hành quân. Trước đó các đơn vị trong khi tiến đánh các mục tiêu ở Bắc và Nam Hải Vân, thu được rất nhiều pháo 105mm, 155mm và gần 500 xe cơ giới, chủ yếu là xe GMC, xe DOGE của quân VNCH. Thượng tướng  đã trao đổi với Bộ Tư lệnh, cơ quan tác chiến, cơ quan kỹ thuật và ngành vận tải hậu cần, rồi quyết định cho phép thay pháo 122 ly và Đ74 (xuất xứ Liên Xô) của Lữ đoàn Pháo binh 164, cũng như các khẩu pháo kém hiệu quả của các sư đoàn bộ binh bằng pháo 105mm, 155mm của Mỹ. Sẽ có hai thuận lợi, thứ nhất pháo Mỹ bắn ổn định, bền, hiệu quả hỏa lực cũng cao. Thứ hai, đạn pháo Mỹ có nhiều, không phải lo chở theo dự phòng cơ số lớn, vì “đi đâu cũng có đạn Mỹ!”. Đó là chưa nói việc kéo pháo bằng xe bánh hơi, tốc độ hành quân cao hơn xe bánh xích (loại ATN) chậm chạp. Các đơn vị cử người ở lại giữ xe xích, pháo 122 ly. Lái xe thiếu hụt ư?, không hề khó! Mượn dân, sử dụng hàng binh, họ đều có tay lái vững vàng, sẽ có cách giải quyết đãi ngộ bằng chính sách… Sau này cho thấy chủ trương này là rất đúng, lái xe hàng binh rất tận tụy, tích cực.

Thượng tướng trầm ngâm rồi kể tiếp: Vào tháng 4/1975 việc hành quân cả vạn bộ đội và binh khí nặng được bảo đảm bằng xe cơ giới của trên và của binh đoàn, nhưng với chiều sâu chiến đấu khoảng 1.000 cây số, làm sao tổ chức tác chiến trong hành tiến được tốt, ít tổn thất?  Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã bàn bạc, phân tích kinh nghiệm cuối tháng 3, từng tiến công trên đường 1, bắc Huế và từ hướng Hải Vân vào Đà Nẵng cho thấy, nếu tổ chức phối hợp tốt công binh, pháo binh, cao xạ, tăng - thiết giáp với bộ binh, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, mũi đột kích sẽ rất rắn, tạo sức mạnh đột kích liên tục, sẽ nhanh chóng đè bẹp lực lượng địch.

Ngày 14 và 15/4, Sư đoàn 3 Sao Vàng, dưới sự bắn phá mãnh liệt của các phân đội pháo binh, tiến đánh từ hai hướng vào phòng tuyến “Lá chắn thép Phan Rang”. Phòng tuyến Du Long - Ba Tháp vỡ từng mảng. Mờ sáng ngày 16-4, Bộ Tư lệnh Binh đoàn lệnh cho mũi thọc sâu dẫn đầu là tiểu đoàn 4 xe tăng (thuộc lữ 203) cùng một bộ phận của bộ binh Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 Sao Vàng đột phá trên đường số 1. Mặc đầu lực lượng chốt chặn của VNCH do tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Văn Sang, có quân lữ dù, biệt động, được sự chi viện của không quân điên cuồng chống đỡ, xe tăng ta bị tổn thất, nhưng trước tốc độ tiến công nhanh, hỏa lực mạnh, sức đột phá dũng mãnh của xe tăng, bộ binh trên xe, lần lượt các cứ điểm Gò Đền, Hội Diên, Xuân An, Cà Đú... bị đánh chiếm. Chỉ sau chưa đầy 2 giờ chiến đấu, hướng tiến công dọc lộ 1 đã tiến đánh tới thị xã Phan Rang. “Lá chắn thép Phan Rang” vỡ vụn trong ngày 16/4/1975. Đây là trận tiến công trong hành tiến “quy mô lớn” đầu tiên của quân đội ta, đạt hiệu quả rất cao, chiều sâu tiến công đạt gần 70km/ngày. Sở dĩ đạt được kết quả như vậy là nhờ phát huy tối đa sức mạnh của tăng thiết giáp làm lực lượng đột kích chủ yếu, vừa đi vừa đánh, bỏ qua những mục tiêu nhỏ lẻ để nhằm tới mục tiêu mang tính quyết định. Thượng tướng Nguyễn Hữu An khẳng định, từ trận thực chiến trong hành tiến này đã góp phần không nhỏ vào quyết định tổ chức “binh đoàn thọc sâu” của cánh quân phía đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh sau đó hơn 1 tuần.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Tướng Harold Moore (cựu binh Mỹ) thăm lại chiến trường I-AĐrăng (Tây Nguyên) năm 1993

Sau 1 tuần, tại Rừng Lá, lực lượng tập kết chiến dịch chủ yếu của Binh đoàn Hương Giang đã có mặt. Thượng tướng kể, Sài Gòn đã gần lắm, lá chắn Xuân Lộc vừa mở toang. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tổ chức binh đoàn thọc sâu hướng đông tiến đánh vào nội đô Sài Gòn, binh đoàn xin ý kiến Bộ Chỉ huy tiền phương, đại ý: “Nếu đơn vị nào vào trước, có được phép cắm cờ hay không?”. Đại điện Bộ chỉ huy tiền phương trả lời “đồng ý” đơn vị nào vào trước thì được cắm cờ. Ông nhắc lại hai lần, tôi rất tin tưởng vào tốc độ và sức đột phá của Binh đoàn Hương Giang, nhất định chúng tôi sẽ vào trước.

Rất khẩn trương, toàn binh đoàn tổ chức thành từng khối. Mỗi khối hành quân công binh đi đầu, có một trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ, bộ binh và pháo binh đi sau. Hồi 17 giờ ngày 26/4, xe pháo, bộ binh từ các rừng cao su ào ào xông ra đường số 1. Cùng lúc, trận địa pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn một chập hơn 300 quả đạn pháo xuống sân bay Tân Sơn Nhất… Binh đoàn Hương Giang được nổ súng trước 1 ngày. Chỉ mấy ngày sau, các đơn vị hợp quân với lực lượng xe tăng và bộ binh vừa tiến công căn cứ Nước Trong, Long Thành. Đúng sáng 30 tháng 4 toàn binh đoàn là một mũi thọc sâu, dưới sự chi viện của 3 trận địa hỏa lực, có đặc công, biệt động dẫn đường, tiến công trong hành tiến, vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai nhằm thẳng hướng nội thành Sài Gòn. Dọc đường, xe tăng, pháo đi cùng dùng hỏa lực diệt các ổ đề kháng địch ở Thủ Đức. 9 giờ 30 phút, bộ phận đi đầu đến cầu Rạch Chiếc. Cầu này đã được quân biệt động, kiên cường đánh chiếm trước và giữ, đón mũi thọc sâu tới. Điều đáng nói là lần đầu tiên lực lượng xe tăng được giao chỉ huy mũi thọc sâu binh chủng hợp thành, tốc độ tiến công nhanh chưa từng thấy, đè bẹp mọi ổ đề kháng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ chiến thắng được Binh đoàn Hương Giang cắm bay phần phật trên nóc tòa Dinh Độc Lập. Hai điều tâm huyết của Thượng tướng đều toại nguyện.

Hôm nay, tôi lại nhớ về vị tướng chiến trận, một người chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, một vị chỉ huy quyết đoán và nhạy bén trong xử lý tình huống thực tiễn chiến trường, một con người có tư duy rất hiện đại. Đôi mắt nhân từ của ông trong ảnh cũng như ngoài đời khiến chúng tôi mãi nhớ về một người chỉ huy luôn suy nghĩ trong thực chiến và trên bài giảng, trong cả đề tài khoa học, làm sao trong đánh giặc “bộ đội ít bị thương vong nhất”. 

Năm nay, 2015, Nhà nước vừa truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Thượng tướng Nguyễn Hữu An, vì những chiến công lẫy lừng từ trận Đông Khê, đồi A1 Điện Biên, chiến trường Lào, I-AĐrăng, Đường 9 nam Lào… và mũi tiến công trong hành tiến (tiến công vượt điểm) tại chiến dịch cuối cùng, Giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trần Danh Bảng