Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 8)

07:00 | 10/06/2014

1,988 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau sự cố kể trên, đồng chí Ngạch, Lữ trưởng Lữ đoàn 144 đã cho đào gấp một vũng lớn bên bờ tả ngạn, gọi là âu thuyền để cho xe Páp dễ dàng lên xuống.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 6)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 7)

Một lần khác, sau khi diễn tập về bến K84, chiếc xe Páp đang bò lên một cách dễ dàng thì tụt xuống mất hút dưới mặt nước ngầu bọt vì độ dốc cao và trơn. Giữa lúc mọi người còn đang hốt hoảng thì chiếc Páp lại từ từ nổi lên như một chiến hạm ngầm và lại tiếp tục bám vào bến. Rất may, đó chỉ là một cuộc hành quân tập luyện.

Qua những vất vả trong việc sửa chữa đường sá và những cuộc tập luyện, nhưng hầu như không ai nghĩ đến mình mà chỉ canh cánh một nỗi lo: Làm sao có thể đưa Bác đi thật an toàn. Bởi thế, chừng nào chưa đưa được Bác đi K2 thì còn phải luyện tập cho thật thuộc đường, thuộc bến.

Trung tuần tháng 7, khi việc cải tạo K2 được mang mật danh H21 đang ở vào giai đoạn cuối thì những đêm luyện tập cũng được lệnh tạm dừng và bước vào công tác chuẩn bị di chuyển. Đêm mồng 9 tháng 7, thi hài Bác được chuyển vào quan tài kính và đến 21 giờ ngày 11 tháng 7, đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh rời khỏi K84. Đoàn xe chậm chạp bò qua những triền đồi, những làng mạc nằm rải rác, hẻo lánh ở hai bên đường. Bầu trời chi chít những chòm sao. Màn đêm hơi bàng bạc. Con đường hiện ra đỏ sẫm trước đầu xe. Bên dưới, dòng sông hiện ra mờ nhạt như một dải lụa mềm mại.

Khi đoàn xe đến bến, đã thấy ba chiếc xe lội nước K61 chờ sẵn. Mặc dù đã tập luyện nhiều, nhưng khi chiếc xe Páp từ từ bò xuống bến sông, tim mọi người thót lại và lo lắng. Đêm đó nước sông chảy xiết. Những đám bọt sôi ào ạt ở đầu và hai bên thành xe. Ánh đèn pha quét trên mặt sông từng vệt sáng lấp lánh. Đoàn xe lặng lẽ rời bến, xuôi theo dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chưa đầy nửa giờ, đoàn xe đã lần lượt cập bến bên bờ tả ngạn. Do được tập luyện tốt nên cuộc vượt sông diễn ra hoàn toàn thuận lợi. 0 giờ 15 phút ngày 12 tháng 7, đoàn xe vào tới K2. Cả khu rừng bạt ngàn trong một khoảnh khắc như đã yên lặng mở rộng lòng ra đón Bác.

6. Đưa Bác về K2, những hoạt động của Đoàn trở nên phân tán. Đoàn buộc phải chia làm ba bộ phận, một ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ duy trì nghiên cứu khoa học và bảo quản công trình 75A, một bộ phận ở K84, còn phần lớn lực lượng di chuyển lên K2.

Để giữ nền nếp, chế độ sinh hoạt, Ban Chỉ huy Đoàn quyết định thành lập bộ phận K84 do đồng chí Lê Quang Châm phụ trách. Đảng ủy Đoàn cũng ra quyết nghị thành lập Chi bộ K84 do đồng chí Châm làm Bí thư Chi bộ.

Ở K2, đời sống và sinh hoạt của các chiến sĩ Đoàn 69 có nhiều khó khăn. Hầu hết các bộ phận đều bắt đầu từ con số không. Vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải bắt tay ngay vào việc xây dựng lán trại, nên chỉ một thời gian ngắn, các bộ phận đều đã có đủ chỗ ăn, ở và sinh hoạt.

Để khắc phục sự khan hiếm thực phẩm, một mặt Ban Chỉ huy Đoàn cử cán bộ vào liên hệ với địa phương xin đất trồng rau, mặt khác duy trì sự tiếp tế sẵn có ở K84. Những đàn gà, lợn ở K84 dần dần cũng được nhân đàn và san sẻ sang K2.

Một điều đáng kể là ở K2 có rất nhiều rắn. Rắn đầy trong rừng, trong hang đá, nhiều khi nằm ngủ hoặc ngồi họp, rắn bò qua dưới chân người. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, rắn cũng đã trở thành một nguồn thực phẩm đáng kể, mặc dù không phải ai cũng có thể săn bẫy được rắn.

Công việc gìn giữ thi hài Bác ở K2 phức tạp và vất vả hơn nhiều, nhất là với tổ y tế đặc biệt, vì ở đây không có nơi hấp sấy quần áo nên sau mỗi lần làm thuốc, anh em phải cử người gánh gồng quần áo đi bộ qua rừng, qua sông về K84 giặt giũ, hấp sấy. Cứ như vậy mỗi tuần hai lần trong suốt 7 tháng trời ròng rã.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ đối ngoại cũng vất vả không kém. Do ở K2 thiếu tiện nghi, dễ lộ, nên không thể để chuyên gia ở đây mà phải bố trí ở Hà Nội. Mỗi tuần hai lần làm thuốc, Đoàn phải đưa xe về Hà Nội đón bạn. Việc đưa đón bạn đi về từ K2 đến Hà Nội phải tiến hành trong ban đêm rất khó khăn, vất vả. Các đồng chí chuyên gia cũng hết lòng phục vụ. Họ là những người bạn tận tụy, thủy chung.

Tháng 12 năm 1972, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá Hà Nội, việc đưa đón chuyên gia gặp nhiều trở ngại. Ban Chỉ huy Đoàn đã đề nghị với bạn ở lại K84 vì dù sao ở K84 cũng an toàn hơn ở Hà Nội.

Đầu năm 1973, sau những xáo động lớn, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 ở K2 dần dần đi vào ổn định. Những vườn rau, nương sắn trong thung lũng đã lên xanh. Sự vất vả đã trở nên quen thuộc đối với mọi người lính. Giữa lúc đó, lúc mà mọi người xác định giữ gìn thi hài Bác lâu dài ở K2 thì Hiệp định Pari, một hiệp định mà nhân dân ta đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lấy từng dòng, từng chữ đã được ký kết. Ních-xơn buộc phải tuyên bố triệt thoái toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Một nửa nguyện vọng của Bác "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" đã được thực hiện. Sự kiện này làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Cũng như ở tất cả các vùng rừng núi khác, tin Hiệp định Pari được ký kết bay về K2 rất nhanh. Hòa bình, hai tiếng ấy trở nên hết sức thiêng liêng. Khi mọi người trong cùng một lúc đều nghĩ rằng, Bác sẽ không còn phải vất vả nữa, sẽ không còn những chiếc máy bay B.52, F.4, F.5 quần lượn nữa, Bác sẽ không còn phải nằm trong hang đá, điều đã trở thành nỗi đau âm thầm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong suốt một năm vừa qua.

Bằng sự nhạy cảm của một người lính, các đồng chí chỉ huy Đoàn nhận thức ngay rằng, đơn vị ở lại đang đứng trước một đợt di chuyển mới, bởi ở K2 điều kiện làm việc quá khó khăn, việc đưa đón chuyên gia cũng đầy những bất lợi, nhưng di chuyển về đâu, K84 hay 75A thì không một ai có thể lường tính trước được.

Bấy giờ đang vào những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, tiết trời ấm dần lên và mùa xuân, mùa xuân hòa bình đầu tiên đã thấp thoáng trở về...

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Chính ủy Nguyễn Văn Hanh được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho đơn vị tổ chức đón Bác về lại K84. Đã là những ngày giáp tết rồi. Trong lúc cán bộ, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp được về quê ăn tết với gia đình thì các chiến sĩ Đoàn 69 vẫn lặng lẽ chuẩn bị một cuộc di chuyển mới. Phương án di chuyển vẫn bằng phương tiện cũ và đi đường cũ.

Sau bảy, tám tháng trời không sử dụng, bến cũ phù sa đã lấp đầy. Do đó các chiến sĩ Lữ đoàn 144 lại được lệnh làm gấp một bến mới và nghiên cứu cải tạo đường lên ở chân đồi. Thời gian gấp, các chiến sĩ Lữ đoàn 144 bắt tay ngay vào công việc, không kể ngày đêm. Sau ba ngày, bến mới đã được làm xong, để xe có thể bò xuống an toàn và một con đường hình chữ chi cũng đã được mở từ mép sông lên con đường đất đỏ dưới chân đồi K84. Bằng con đường này, thi hài Bác sẽ luôn luôn được giữ ở trạng thái ổn định, thăng bằng bởi độ dốc đã được giảm đi tới mức thấp nhất.

Chiều 30 tết, tất cả các hệ thống bến bãi, đường sá đã được chuẩn bị hoàn tất nhưng vẫn chưa có lệnh di chuyển. Trong khi đó, đồng chí trưởng đoàn lại có lệnh về Hà Nội đón trưởng đoàn chuyên gia Đêbốp mới từ Mátxcơva sang. Mọi người đều có ý nghĩ: nếu có di chuyển thi hài Bác về K84 thì cũng phải tới sang Giêng hoặc sau tết ít nhất một tuần lễ. Chính bởi tính toán như vậy mà nhiều bộ phận đã linh động cho các cán bộ, chiến sĩ quê ở gần tranh thủ về nhà ăn tết.

Đêm hôm ấy, trong dãy lán lợp lá cọ dưới chân núi, mọi người quây quần quanh cành đào đón giao thừa và chờ nghe thư chúc tết của Bác Tôn. Đồng chí Chính ủy Nguyễn Văn Hanh thay mặt Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đoàn công bố quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, đồng thời phổ biến quyết định và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận. Sáng mồng một tết, phá cửa hang, chuẩn bị đón Bác về lại K84.

Lúc ấy, mọi người trong đoàn mới ngớ ra, sửng sốt vì quân số còn lại kể cả Ban chỉ huy Đoàn và các chiến sĩ nuôi quân chỉ vẻn vẹn còn 25 người. 25 người với một khối lượng công việc đồ sộ. Tuy vậy, sáng mồng một, buổi sáng đầu tiên của năm mới, 25 cán bộ, chiến sĩ đã lao vào công việc đầy sôi nổi và hào hứng, 12 giờ trưa cửa hang đã được phá mở rộng để xe Páp có thể vào đón Bác.

Ngày mồng bốn tết, tức là ngày 8 tháng 2 năm 1973, sau khi các chuyên gia Liên Xô và Ban chỉ đạo xem xét, kiểm tra lại việc quản lý thi hài, lệnh di chuyển chính thức được công bố. 21 giờ đoàn xe rời hang đá ra bến sông. Hình như cho đến lúc ấy, những người dân trong vùng mới biết niềm vinh dự mà quê hương mình thời gian qua đã được giao phó. Họ đã lặng lẽ đổ ra hai bên đường. Những ánh mắt, những bàn tay giơ lên vẫy chào tạm biệt, những nụ cười ngập ngừng đã nói lên tất cả tấm lòng của họ đối với Bác, với các chiến sĩ Đoàn 69.

Đoàn xe nhẹ nhàng rời bến sông, xuôi dòng chảy chếch sang bờ bên kia nơi có ánh đèn sáng làm tín hiệu. Dòng sông vào mùa xuân chảy êm đềm trong vắt. Hai bên bờ sông sương mù phủ mỏng trông như một tấm khăn voan khổng lồ mờ ảo. Chiếc Páp vừa cập bến K84, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã có mặt dưới bến sông để đón Bác. Họ im lặng khiêng linh cữu Người ra khỏi xe, thận trọng nhích từng bước trên con đường đã được dọn mở, sửa sang lại. Những "chiến sĩ cận vệ" khiêng linh cữu Bác trên vai, thành kính và trang nghiêm. Đêm ấy trời sáng đầy sao. Những tán lá rừng, những cánh hoa rừng rơi đầy ở hai bên lối đi thỉnh thoảng lại thả một vài cánh hoa mềm nhẹ lên linh cữu Người. Rừng ngào ngạt hương xuân. Đây là lần đầu tiên kể từ bốn năm lại đây, các chiến sĩ Đoàn 69 được khiêng linh cữu Bác trên vai, đi trên một đoạn đường dài, trong một thời gian dài đến như vậy.

Khi mọi người từ ngôi nhà kính, nơi đặt thi hài Bác trở ra thì gà nhà, gà rừng đã bắt đầu cất tiếng gáy. Công việc di chuyển kết thúc, đấy cũng là lần di chuyển thứ năm thi hài Bác. Sau này, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trong một lần nói chuyện với đồng bào tỉnh Long An, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại những chuyến đi đầy gian khổ, qua sông, qua núi, ở rừng, ở hang của Bác sau khi Người qua đời, nhiều người nghe chuyện đã không cầm được nước mắt.

Còn khi ấy, vào buổi sáng ngày mồng 5 tết Quý Sửu, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong lần di chuyển thứ năm đã nghĩ ngay tới lần di chuyển thứ sáu và chắc chắn là lần di chuyển cuối cùng. Đón Bác về lại Thủ đô, về lại ngôi nhà vĩnh hằng của Người mà giờ đây đang được các nhà kiến trúc thông qua lần cuối bản đồ án thiết kế và các lực lượng thi công đang triển khai để chuẩn bị khởi công xây dựng.

IV. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

1. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành một vấn đề bức xúc. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ cuối cùng của Bác thể hiện được phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra. Bầu bạn khắp nơi mỗi khi tới Việt Nam cũng có dịp được vào Lăng chiêm ngưỡng Bác - người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

Ngay sau những ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể lễ tang Bác, "Ban phụ trách quy hoạch A" gồm các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài... đã nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người.

Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh kiểm tra sơ đồ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực Quảng trường Ba Đình

Trong phiên họp sáng ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định:

I. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971.

II. Mọi công tác có liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Người.

Vì vậy, gối và đệm của Người nên là màu trắng, quần áo bằng vải kaki và theo kiểu mà Người vẫn mặc khi Người còn sống; nên phủ một chăn mỏng từ bụng đến hết hai bàn chân, có thể dùng chăn vải hoặc chăn len màu mỡ gà hoặc màu cà phê sữa nhạt, hai tay đặt như cũ ở trên chăn. Ngoài ra trong quan tài kính không để một thứ gì khác nữa. Đôi dép đặt trong một hòm kính nhỏ khác.

III. Cần thấu suốt, nắm vững và đáp ứng những yêu cầu sau đây trong công tác thiết kế Lăng:

1. Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, có kế hoạch giữ gìn an toàn, phòng chiến tranh, địch phá, v.v...

2. Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị.

3. Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục, bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.

4. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử.

IV. Xúc tiến ký Hiệp định với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Bộ Chính trị còn quyết định:

Ban phụ trách quy hoạch A có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, chăm lo chung các công việc đã được phân công.

Quân ủy Trung ương tiếp tục phụ trách các công tác về bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ Kiến trúc có trách nhiệm chính trong việc xây dựng Lăng, cần chuẩn bị để làm tốt với các chuyên gia bạn; bảo đảm làm tốt, làm nhanh công tác thiết kế, khẩn trương bắt tay vào công việc để Bộ Chính trị có thể duyệt sớm phương án thiết kế, mô hình Lăng và kế hoạch thi công.

Từ ngày 9 đến 23 tháng 1 năm 1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn bạc về thiết kế Lăng Bác. Đoàn gồm 7 đồng chí do đồng chí Kadukốp, đại diện ủy ban liên lạc kinh tế với nước ngoài thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô làm trưởng đoàn. Thành viên là đại diện của Viện Nghiên cứu thiết kế cục tổ chức xây dựng Mátxcơva, viện kỹ thuật vệ sinh, viện kỹ thuật chế tạo máy lạnh, v.v...

Đoàn cán bộ Việt Nam làm việc với bạn gồm 12 đồng chí thuộc Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng. Bốn đồng chí được quân đội cử tham gia đoàn là các đồng chí:

- Thượng tá Trần Bá Đặng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh.

- Trung tá Lương Soạn, Trưởng phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh.

- Đại úy Nguyễn Trọng Quyền, Trưởng ban Thiết kế thuộc Phòng Công trình.

- Trung tá Nguyễn Gia Quyền, bác sĩ quân y, phụ trách công tác giữ gìn thi hài Bác.

Đoàn ta đã thông báo cho bạn quyết định của Bộ Chính trị Đảng ta về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Những yêu cầu đối với công trình này được thể hiện trong bản dự thảo "nhiệm vụ thiết kế" do phía Việt Nam chuẩn bị.

Các chuyên gia Liên Xô thông báo quyết định của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về kỹ thuật trong việc thiết kế, xây dựng và trang bị cho Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệp nghị giữa hai Chính phủ về việc Liên Xô giúp Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được ký kết tại Mátxcơva như đã thỏa thuận giữa hai nước.

Trong quá trình hội đàm, các chuyên gia Liên Xô đã tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ những bản phác họa và các mô hình Lăng, từng vấn đề trong bản dự thảo "nhiệm vụ thiết kế" do phía Việt Nam chuẩn bị. Những kinh nghiệm thực tiễn phong phú qua những lần nhân dân Liên Xô xây dựng và tôn tạo Lăng Lênin, được các đồng chí chuyên gia Liên Xô chân tình trao đổi với các cán bộ ta nhiều điều hết sức bổ ích để bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo "nhiệm vụ thiết kế" Lăng Bác.

Chỉ trong một tuần lễ ngắn ngủi, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã soạn xong bản "Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ngày 19 tháng 10 năm 1970, bản dự thảo "nhiệm vụ thiết kế" này đã được thông qua tại phiên họp Bộ Chính trị, đánh dấu một cột mốc lịch sử đầu tiên của thời kỳ chuẩn bị thiết kế Lăng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo "Giữ yên giấc ngủ của Người"

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc