Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 13)

06:50 | 29/06/2014

1,841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất nước ta có nhiều suối, nhiều sông, nguồn cát cung cấp cho các công trường xây dựng cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, thứ cát nào dùng cho công trình vĩnh cửu này cũng được lựa chọn khắt khe.

Năng lượng Mới số 333

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 12)

 Thời Pháp thuộc, trong một công trình nghiên cứu còn ghi rõ: "Nguồn cát vàng sông Lô là tốt số 1". Chúng ta cũng đã dùng nguồn cát vàng này cho nhiều công trình xây dựng ở miền Bắc. Nhưng các chuyên gia xây dựng vẫn chưa hài lòng vì trong cát còn chứa một tỷ lệ nhỏ mùn tạp. Qua các cuộc tìm kiếm, đã phát hiện cát vàng Kim Bôi (Hòa Bình). Loại cát này từ sỏi vỡ vụn ra, rắn và sạch, hầu như không có tạp chất, màu vàng óng. Cát vàng Kim Bôi được tuyển chọn về xây Lăng Bác. Toàn bộ khâu khai thác do nhân dân địa phương đảm nhiệm. Đồng bào các dân tộc vùng Kim Bôi, Hòa Bình thời trước sống trong đói khổ, bị đè nén, áp bức nhiều bề.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đời sống của đồng bào dần dần được nâng cao. Công ơn Đảng và Bác Hồ mang lại cho họ như rừng cây, mạch suối. Được đóng góp vào công trình Lăng Bác, họ không còn niềm vui nào hơn. Hàng ngàn mái đầu xanh xen lẫn những mái đầu điểm bạc, từ nhiều vùng khác nhau của Hòa Bình đã đổ về Kim Bôi. Cát từ các lòng suối được moi xúc lên thuyền chở ra bãi trung chuyển. Cát được đổ thành đống như những quả đồi vàng rực, óng ánh. Những đoàn xe vận tải nhộn nhịp ngày đêm chở cát về Hà Nội. Tấm lòng nhân dân các dân tộc Hòa Bình đối với Bác kính yêu gửi qua từng hạt cát là vô hạn. Ngoài cát Kim Bôi, cát ở Thanh Xuyên (Bắc Thái) cũng được khai thác dùng vào việc san lấp hố móng và cải tạo Quảng trường.

Những tờ lịch cuối cùng của tháng 10 năm 1973 sắp qua - tín hiệu của mùa mưa bão vùng Hà Nội đã chấm dứt. Bức tường bằng cọc bản thép đã hoàn thành. Hố móng đã mở rộng. Thiên nhiên, lòng đất, lòng người đang tạo thành sức mạnh tổng hợp để công trường chuyển sang giai đoạn đổ bê tông cốt thép tạo thành khung của Lăng - một giai đoạn hết sức quan trọng.

Ngày 27 tháng 10 năm 1973, công trường chính thức đổ mẻ bê tông cốt thép đầu tiên ở nền lót. Thời hạn quy định phải đổ xong bê tông phần ngầm của công trình trước mùa mưa lũ 1974.

Công việc tiến hành chưa được bao lâu thì hàng loạt trắc trở ập đến, khiến nhiều người nghĩ đến khả năng không hoàn thành kế hoạch theo thời hạn quy định...

Mặc dù cán bộ công nhân và các đồng chí chuyên gia ngày đêm bám hiện trường, lao động quên mình, nhưng kế hoạch đổ bê tông vẫn chưa đạt. Tiến độ ngày càng bị đẩy lùi. Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch trước mùa mưa ngày càng rõ rệt. Những khó khăn về thiếu nguyên vật liệu, những trục trặc trong các khâu kỹ thuật, các giải pháp thi công... Công tác lãnh đạo, chỉ huy ở một công trường lớn, tập hợp nhiều lực lượng khác nhau đã bộc lộ nhiều mặt yếu kém. Những vướng mắc xảy ra trong điều kiện vừa thiết kế vừa thi công khiến cho nhiều lúc công việc phải tạm dừng lại hàng tuần lễ để chờ cán bộ ta bàn bạc với bạn. Chẳng hạn, việc đổ bê tông mới tiến hành vừa tròn hai tuần lễ thì cơ quan bảo vệ kinh tế phát hiện trong các loại đá đang dùng có chất phóng xạ quá quy chuẩn cho phép. Đây là một phát hiện cực kỳ hệ trọng, cần có ngay kết luận chính xác để lãnh đạo có chủ trương kịp thời.

Đồng chí Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước đề nghị cần đem mẫu đá sang Liên Xô nhờ các phương tiện hiện đại của bạn xét nghiệm và kết luận. Đồng chí Nguyễn Trọng Quyền được giao phụ trách công việc này, mang theo các mẫu đá và bản kết quả xét nghiệm ở trong nước sang Lăng Bác để bạn xét nghiệm. Cùng đi còn có hai đồng chí Kiểm, San, chuyên gia thí nghiệm vật liệu của Bộ Xây dựng. Đồng chí Đỗ Mười cũng điện cho đồng chí Võ Thúc Đồng, Nguyễn Tu, yêu cầu sứ quán phối hợp giải quyết việc này thật nhanh chóng để đỡ ảnh hưởng tốc độ thi công.

Đặc khu Quảng Đà làm lễ dâng gỗ quý xây dựng Lăng Bác

Những lúc ta gặp khó khăn, lại sáng ngời lên sự giúp đỡ vô giá của các bạn Liên Xô. Các bạn Liên Xô coi những trắc trở trong quá trình xây dựng Lăng Bác như mọi trắc trở trong những việc trọng đại của chính mình, nên đã tìm mọi biện pháp nhanh chóng nhất để giúp đỡ giải quyết. Ngày 19 tháng 11 năm 1973 mẫu đá của ta được đem thí nghiệm tại Viện nghiên cứu khoáng sản toàn Liên bang. Kết quả cho thấy đá của ta có những thông số kỹ thuật bảo đảm cho phép sử dụng ở các công trình xây dựng quan trọng. Mặc dù vậy, từ lúc phát hiện vấn đề tới khi có kết luận chính thức, công trường phải chờ đợi mất hai tuần.

7. Công việc lắp máy tới lúc đã trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn công trường. Tiến độ xây bị chậm khiến cho tiến độ lắp máy cũng bị đẩy lùi. Bộ chỉ huy lắp máy ngày đêm bồn chồn không yên. Hiệp định ngày 9 tháng 2 năm 1971 đã nói rõ việc thi công xây - lắp là do Việt Nam đảm nhiệm. Với một công trình đồ sộ, kỹ thuật phức tạp như thế, cán bộ chiến sĩ ta mới tiếp xúc lần đầu trong khi quỹ thời gian hết sức eo hẹp. Đồng chí Phùng Thế Tài đã hai lần gặp đồng chí tham tán kinh tế sứ quán Liên Xô và đồng chí Xucunốp, đại diện Tổng cục Kỹ thuật Liên Xô tại Hà Nội.

Thông cảm với những khó khăn của ta, hai đồng chí đã viết thư về nước đề xuất các giải pháp giúp đỡ cụ thể. Hệ trung tâm điều hòa không khí được coi như "lá phổi" của công trình, bạn đã thiết kế xong và đặt hàng cho một nước khác sản xuất vào năm 1974. Thời gian lắp và hiệu chỉnh chúng rõ ràng là quá muộn. Việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng tới lắp ráp các hệ kỹ thuật khác. Các thiết bị khác, bạn cũng cho biết phải tới cuối năm 1974 mới về tới công trình. Vậy muốn hoàn thành lắp máy để khánh thành Lăng vào đúng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1975 thì cần tăng lực lượng kỹ thuật và các cơ sở vật chất khác lên bao nhiêu? Có cách nào khác giải quyết tốt hơn?

Sau khi cân nhắc mọi mặt, Bộ chỉ huy lắp máy đã xác định phương hướng hành động: Một mặt, bám sát bạn, bám sát cấp trên để tiếp nhận nhanh vật tư thiết bị, làm trước những gì có thể làm được trong công tác lắp đặt. Mặt khác, đề xuất với cấp trên cho phép làm việc với các chuyên gia một phương án dự phòng.

Theo phương án này, bạn sẽ đảm nhiệm lắp các thiết bị phức tạp và hướng dẫn kỹ thuật cho Việt Nam lắp đặt các thiết bị còn lại. Bạn cần cử sang Việt Nam 59 kỹ sư và một số công nhân kỹ thuật. Nếu bạn lắp toàn bộ các thiết bị của công trình thì bạn phải cử sang Việt Nam 169 kỹ sư và một số công nhân kỹ thuật, còn cán bộ và công nhân ta chỉ làm việc phụ trợ và học tập để quản lý vận hành sau này. Đồng chí Xucunốp đã gửi về Liên Xô dự thảo phương án này để xin ý kiến.

Ban phụ trách xây Lăng thấy cần thiết phải cử một Đoàn cán bộ cấp cao đủ quyền hạn giải quyết công việc, sang Liên Xô trực tiếp làm việc với bạn. Đoàn do đồng chí Phùng Thế Tài dẫn đầu.

Đoàn cán bộ Việt Nam được đồng chí Nôvicốp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô tiếp, khẳng định lại quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ nhân dân Việt Nam hoàn thành xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp mồng 2 tháng 9 năm 1975.

Ban phụ trách xây dựng Lăng đánh giá rất cao sự giúp đỡ cao cả và chí tình của nhân dân Liên Xô. Song cũng thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn công trường nêu cao ý thức tự lực, tự cường. Thời gian lúc này là lực lượng. Mùa mưa sắp tới, nếu không kết thúc được việc đổ bê tông phần ngầm của công trình, tiến độ xây và lắp sẽ phải lùi tới mùa khô năm sau.

E259B - Đoàn Ba Đình là lực lượng trực tiếp thi công, lắp đặt thiết bị công trình Lăng Bác

Từ cuối năm 1973, cơ quan đặc trách của Bộ chỉ huy lắp máy và của ban phụ trách đã dự báo với lãnh đạo về khả năng xây không bảo đảm tiến độ. Dự báo trên đã được thực tiễn những tháng 11, 12 năm 1973 và tháng 1 năm 1974 chứng minh.

Ban phụ trách xây dựng Lăng đã nghĩ tới khả năng huy động thêm lực lượng quân đội tham gia chi viện cho công việc xây dựng và giao cho cơ quan đặc trách dự thảo các phương án thực hiện chủ trương này.

Thường vụ Quân ủy Trung ương nêu ra nguyên tắc: Nếu công trường có yêu cầu và quân đội có khả năng thì quân đội phải sẵn sàng tích cực chi viện. Ban chỉ huy công trường yêu cầu bộ đội chi viện thợ sắt, quân đội đã cử một bộ phận thợ ưu tú của đoàn công binh Hùng Vương tới ngay Ba Đình. Các chiến sĩ được lệnh hành quân về công trường đúng ngày 28 Tết và chỉ sau vài giờ nhận lệnh những người lính thợ đã khoác ba lô và trang bị lên đường. Họ gác lại niềm vui đón tết ở đơn vị, gác lại chuyến đi phép sum họp gia đình, và cả những cuộc hẹn hò đâu đó. Không khí chuẩn bị đón xuân không níu được bước chân của họ. Đoàn xe lướt nhanh qua rừng đào, rừng quất và rừng người đi sắm tết, đưa họ tới Ba Đình đang bộn bề công việc. Họ mang đến công trường khí thế hồ hởi quyết tâm.

Đêm 30 tết, những nồi bánh chưng đang reo trên bếp lửa hồng của mọi nhà, tiếng pháo nổ ran khắp các ngõ phố của Hà Nội cũng là lúc họ ra quân. Với hình thức phối thuộc cho công trường, đơn vị đã hình thành một đội sắt riêng, nhận làm gọn một hạng mục công trình từ đầu đến cuối. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gây niềm tin cho toàn công trường. Bộ đội trên công trường Lăng Bác đón cái tết Giáp Dần năm ấy bằng những thành quả lao động đầy ý nghĩa. Đoàn lắp máy Ba Đình vinh dự được đón nhận lẵng hoa đầu xuân của Bác Tôn trao tặng.

Ban chỉ huy công trường tiếp tục đề nghị quân đội chi viện thêm 120 thợ sắt nữa. Hai đại đội thuộc tiểu đoàn 2, đoàn Hùng Vương lại được điều động về nhập với đại đội 34 thành một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này phụ trách đặt sắt móng bè cho khu giữa. Tới giữa tháng 3 năm 1974, riêng quân đội đã đặt 920 tấn thép. Năng suất bình quân 121kg/công, tăng năng suất hơn hai lần quy định.

Lực lượng bộ đội tăng cường cho công trường và kết quả công việc đã mở ra một khả năng mới: nếu quân đội tham gia với lực lượng đông hơn nữa vào những khâu căng thẳng của công trình, thì tiến độ thi công có thể hoàn thành đúng thời hạn quy định. Một trong những việc trọng điểm lúc này là đổ bê tông. Quân đội phải tham gia gách vác công việc, nay góp phần nâng cao tiến độ xây Lăng rõ ràng đã trở thành tất yếu, thành yêu cầu, nguyện vọng của mọi người.

Vào lúc này, Đoàn đại diện Ban phụ trách xây dựng Lăng do đồng chí Phùng Thế Tài dẫn đầu sang Liên Xô đã mang về nước bản tổng tiến độ thi công. Ta và bạn thỏa thuận việc đổ bê tông phần ngầm khu giữa phải hoàn thành vào ngày 30 tháng 4 năm 1974. Nhưng cho tới lúc này, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn, thời gian để hoàn thành nó lại không còn bao nhiêu.

Theo yêu cầu của ban chỉ huy công trường, Ban phụ trách chính thức đề nghị với Quân ủy Trung ương đưa lực lượng quân đội vào tham gia đổ bê tông phần ngầm.

Ngày 8 tháng 3 năm 1974, đồng chí Phùng Thế Tài mời Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy công trường họp phổ biến quyết định của Ban phụ trách dùng lực lượng quân đội tham gia trong việc đổ bê tông. Ngay chiều hôm đó, đồng chí Phùng Thế Tài giao nhiệm vụ này cho đoàn công binh Hùng Vương. Ngoài đoàn Hùng Vương, đồng chí Văn Tiến Dũng còn cho phép có thể sử dụng cả đoàn Bắc Sơn (trung đoàn 289) tham gia. Với nhiệm vụ được giao, quân đội sẽ đảm nhận toàn bộ khu trung tâm (phần ngầm).

Ngày 11 tháng 3 năm 1974, bộ đội đoàn Hùng Vương có mặt đầy đủ tại vị trí tập kết. Chỉ sau hai ngày, hàng nghìn người đã làm xong công tác chuẩn bị. Sáng ngày 15 tháng 3, họ đã đổ mẻ bê tông đầu tiên bắt đầu những ngày dầm mình trong nắng nóng, vật lộn với cát - sỏi - xi măng và giành giật với thời gian. Vài ngày sau, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đoàn Bắc Sơn cũng hành quân về tới công trường. Sau buổi làm lễ ra quân, họ đã triển khai đội hình tác nghiệp và đổ mẻ bê tông đầu tiên tại khu hầm đặc biệt.

Bắt đầu từ đây, công trường xây dựng Lăng Bác được tiếp thêm sức mạnh mới. Dọc các lối đi lại xung quanh công trường, các lán trại "dã chiến" của bộ đội mọc lên san sát. Công trường ngập sắc màu áo lính. Tiếng búa, tiếng máy, tiếng hát cười vang vọng một góc trời Thủ đô.

Cả hai đơn vị Hùng Vương và Bắc Sơn đều đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy lắp máy và sự chỉ đạo nghiệp vụ của các cơ quan chức năng thuộc Ban chỉ huy công trường. Khó có thể nói hết được không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương và hết sức căng thẳng ở công trường trong những ngày này. Để tạo điều kiện cho lực lượng quân đội làm tốt nhiệm vụ, công trường đã cử hai đội mộc, một đội thép hình, một đội hàn, một đội giàn giáo và hai tổ trắc đạc phối thuộc với lực lượng quân đội. Ngoài ra, cán bộ công nhân công trường xây nhận nhiệm vụ làm các công việc ở hai lễ đài phụ của Lăng. Bộ Xây dựng cũng điều gọn từng đội sản xuất ở các địa phương về chi viện cho công trường như đội sắt ở Thác Bà, Hà Bắc... Bộ Xây dựng còn cử thêm đồng chí Thứ trưởng Vũ Quý về giúp đỡ công trường với chức năng cố vấn.

Cả hai mũi thi công (quân sự và dân sự) đều ra quân với những lực lượng mới, tổ chức mới, trong "trận quyết chiến" có tính chất quyết định này. Song trung tâm của sự chú ý vẫn nhằm vào khu giữa của Lăng - nơi lực lượng quân đội đảm nhiệm.

Từ mọi miền đất nước, mọi người cũng đang hướng về thủ đô Hà Nội, về Quảng trường Ba Đình chờ đợi những tin tức về xây dựng Lăng, nhân dân khắp nơi nô nức khai thác và đóng góp những vật liệu đặc sản của địa phương mình cho công trình. Công trường sôi nổi hẳn lên và cảm động vô cùng khi đoàn xe chở gỗ của Quân giải phóng miền Nam cắm cờ nửa xanh, nửa đỏ lấp lánh dưới nắng chiều từ từ lăn bánh vào công trường. Cán bộ chiến sĩ chạy ào đến vây quanh lấy những chiến sĩ đội mũ tai bèo, xúm xít quanh những chiếc xe đầy bụi đường. Đây là những cỗ xe của đồng bào miền Đông Nam Bộ, nơi có những cánh rừng bạt ngàn, có nhiều gỗ quý.

Nhân dân miền Đông đã tìm chọn cây gỗ quý nhất là cây nu gửi ra xây Lăng Bác. Gỗ nu không chỉ là loại gỗ tốt nổi tiếng mà còn có màu sắc hấp dẫn. Ở mặt cắt gỗ nu, giữa có màu vàng tươi, viền xung quanh là màu nâu sẫm, đường vân gỗ thanh thoát, chỗ góc bướu cuốn xoắn thành những dáng hình mây bay, sóng lượn. Cây gỗ được chở từ Lộc Ninh và tới công trường Lăng Bác sau 20 ngày lặn lội vất vả. Trong buổi lễ đón nhận gỗ quý miền Nam, đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Quân giải phóng đã thay mặt đồng bào, chiến sĩ miền Nam biểu lộ tấm lòng với Bác Hồ kính yêu.

"Cây gỗ nu quý giá sống mấy trăm năm trong căn cứ miền Đông tượng trưng cho sức sống kiên cường bất khuất của nhân dân. Với tấm lòng trung trinh vô hạn, đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ kính dâng lên Bác để đời đời ghi nhớ công ơn vị Cha già dân tộc...". Những lời nói thân thương từ nơi tuyến đầu Tổ quốc có sức lay động tới tận trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ công nhân viên ở công trường, đã cổ vũ mọi người tiến công vào phần việc của mình, xứng đáng với đồng bào, đồng chí miền Nam ruột thịt.

Những tuần tiếp sau đó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lại tiếp nhận những xe gỗ của Tây Nguyên kiên cường bất khuất, của Quảng Nam - Đà Nẵng nổi danh "Đi đầu đánh Mỹ", của Trị Thiên đất lửa anh hùng... Bộ đội Trường Sơn cũng gửi cây gỗ trắc đại thọ ra góp phần xây dựng Lăng Bác, dự kiến sẽ làm khuôn cửa ra vào Lăng bằng gỗ trắc. Phải chăng những người lính từng bất chấp mọi gian nguy mở đường mòn Hồ Chí Minh mong mỏi được gửi lòng mình qua cây gỗ trắc đứng canh giấc ngủ cho Người. Những nhà thiết kế phải chăng đã lắng được tiếng lòng thầm thì đó, ghi nhận nó và vì vậy cây gỗ trắc đã được dành làm những khuôn cửa bền vững, làm sáng đẹp thêm "Ngôi nhà của Bác".

Hai trung đoàn Hùng Vương, Bắc Sơn đã qua nhiều năm xây dựng các công trình quốc phòng. Tuy nhiên chưa quen thi công cơ giới với mức độ cao, với quy trình công nghệ chặt chẽ và việc hợp đồng đòi hỏi nghiêm ngặt. Các cán bộ chỉ huy từ cấp trung đoàn trở xuống của cả hai đơn vị do thời gian gấp, chưa được nghiên cứu kỹ bản thiết kế thi công nên trong chỉ huy chỉ đạo dễ xảy ra sai sót. Cơ quan đặc trách đã trình lên Ban phụ trách xây dựng Lăng một phương án thi công thích hợp: Hai đơn vị chịu sự chỉ đạo của các phòng nghiệp vụ nhưng phải chủ động về kế hoạch và tự quản lý con người theo các chế độ của quân đội quy định.

Cơ quan đặc trách cũng đề ra một số yêu cầu, một số chỉ tiêu cụ thể để hướng dẫn hai đơn vị. Ban phụ trách xây dựng Lăng cân nhắc các điều kiện thực tế ở công trường đã đồng ý lấy mức đổ bê tông 400m3/ ngày và quy định thời hạn hoàn thành việc đổ bê tông vào ngày 19 tháng 5 năm 1974.

Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn công trường và lực lượng bộ đội tham gia xây dựng Lăng đã mở "chiến dịch" đổ bê tông phần ngầm, lập thành tích kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo Giữ yên giấc ngủ của Người

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc