Chính phủ đồng ý xây dựng sân bay quốc tế Long Thành

21:09 | 30/09/2014

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, các thành viên Chính phủ đã nhất trí chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành” – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đưa ra thông tin trên trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014.

Thủ tướng yêu cầu cải thiện năng suất lao động

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến những con số ILO công bố mới đây.

Theo Báo điện tử Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền giải thích, năng suất lao động của 1 quốc gia được ILO tính theo công thức: Lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc. Kết quả là Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN.

Người đứng đầu ngành lao động giải thích, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp.

Lao động Việt Nam bị đánh giá kém năng suất (Ảnh minh họa)

Trước thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, phân tích tổng thể vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải chỉ rõ được những yếu kém, hạn chế do nguyên nhân chủ quan, khách quan; chỉ rõ chúng ta hạn chế ở khâu nào, do đào tạo kỹ năng lao động hay do công nghệ lạc hậu hay do cách tính. Từ đó, hiểu đúng vấn đề này, đưa ra đánh giá chính thức năng suất lao động của Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực và trên thế giới, hướng phấn đấu cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh, ngành lao động phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

“Muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Tiếp đó, khuyến khích, tạo động lực để DN đầu tư cho KHCN thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan xem xét đánh giá trên có đúng không. Nhưng rõ ràng đây là 1 trong 3 yếu tố liên quan đến năng suất lao động rất đáng báo động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.

Hiện Việt Nam có một số doanh nghiệp được đánh giá có năng suất, chất lượng lao động thuộc loại cao trên thế giới như dệt may, da giày, cá ba sa, cà phê... Điều đó cho thấy năng suất, chất lượng của lao động, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được vị trí cao trong khu vực và thế giới.

“Chúng ta cần có kế hoạch tổng thể, tính kỹ những yếu tố quyết định năng suất lao động, từ đó có các tiêu chí, giải pháp hết sức cụ thể để cải tiến, nâng cao năng suất lao động, năng suất tổng hợp từ đào tạo lao động đến KHCN, tái cơ cấu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bản chất kinh tế là năng suất lao động, vậy thì nguyên nhân như thế nào? Chúng ta cải cách được gì? Khắc phục cái gì? Chúng ta nhìn cần thẳng và phân tích vấn đề này. Tôi đề nghị Chính phủ phải thảo luận theo hướng đó. Chúng ta hạn chế ở khâu nào, do đào tạo kỹ năng lao động hay do công nghệ lạc hậu, hay do cách tính? Cần phải phân tích tổng thể, để đưa ra kế hoạch cải tiến, nâng cao năng suất lao động”.

Sân bay Long Thành: Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 6 tỉ USD

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra trong 2 ngày 29 – 30/9, Chính phủ đã nghe tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó Chính phủ cũng nghe báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án này.

Các thành viên Chính phủ cũng đã nhất trí về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thủ tướng giao trực tiếp cho Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Chính phủ đã thống nhất sẽ xây dựng sân bay Long Thành.

Thủ tướng cũng yêu cầu tờ trình cần nói rõ hơn sự cần thiết của sự án tại sao không mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hoà; quy mô, hiệu quả dự án, nguồn vốn cho dự án có ảnh hưởng đến nợ công hay không?

Trước đó Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã biểu quyết thông qua Báo cáo đầu tư dự án đầu tư công trình hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Bổ sung thông tin về dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, nếu Quốc hội chấp thuận phương án do Chính phủ trình, dự án sẽ được tách thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 6 tỉ USD, là sân bay hoàn chỉnh với công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm và được khởi công ngay trong năm 2015. Sau khi đưa vào khai thác, Long Thành sẽ thay thế sân bay Tân Sơn Nhất để trở thành sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam và trung tâm trung chuyển khách lớn trong khu vực.

Nếu thuận lợi, sau 2020, giai đoạn 2 nâng công suất đón khách lên 60-80 triệu lượt sẽ được tiến hành gồm bốn đường cất hạ cánh song song với mỗi đường dài 4.000 mét và rộng 60 mét.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xem là một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông nhằm tăng năng lực cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam, giải quyết bài toán quá tải của các cảng hàng không, góp phần hình thành mạng lưới kết nối giao thông vận tải hàng không cho cả vùng và khu vực.

Bộ GTVT phát hiện vết nứt trước khi thông xe Nội Bài – Lào Cai

Xung một nội dung khác liên quan đến ngành GTVT, đó là vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong quá trình kiểm tra cuối cùng trước ngày thông xe Bộ GTVT đã phát hiện được vết nứt này, chứ không phải sau khi thông xe vài ngày như báo chí đăng tải. Bản thân Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã báo cáo lên Chính phủ sau khi phát hiện sự cố.

“Với vai trò là chủ đầu tư, gần như Bộ GTVT tổ chức họp bàn, trao đổi với nhà thầu chính của dự án để tìm giải pháp khắc phục,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên phát biểu. “Sự cố xảy ra đều có nguyên nhân của nó, việc xuất hiện vết nứt trên các tuyến đường không phải chuyện quá ghê gớm, kể cả trên thế giới. Hiện nhà thầu chính đang khắc phục sự cố trên. Với tư cách cơ quan quản lý, Bộ GTVT đang ráo riết giám sát và thẩm định, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân chính xác”.

Người phát ngôn Chính phủ cũng khẳng định, chỉ sau khi có kết luận điều tra mới có thể đưa ra được chính xác nguyên nhân vết nứt do đâu, hay quy trách nhiệm thuộc về ai, bộ phận nào, tiêu cực ở khâu nào...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Nên cũng đưa ra thông tin, ngay sau khi phát hiện vết nứt trên tuyến đường trên, Bộ GTVT đã chủ động mời một số báo chí tới khảo sát và lắng nghe báo cáo giải trình cũng như phương án khắc phục sự cố trong thời gian tới của Bộ. Tuy nhiên, vẫn có một số thông tin được báo chí đăng tải chưa chính xác.

“Những gì báo chí nói chưa chính xác, một phần trách nhiệm do người và cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin chưa đầy đủ” – Bộ trưởng Nên nêu quan điểm.

Như báo chí đưa tin, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được thông xe đã bị phát hiện vết tại vị trí Km 83 với chiều dài 73 m là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến.

Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá vết nứt tại Km 83 tương đối lớn là bất thường. Để xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp xử lý triệt để, chủ đầu tư đã cho khoan bổ sung địa chất với mật độ dày hơn, kết quả lỗ khoan cho thấy vết nứt nằm trên triền đá yên ngựa dưới tầng đất yếu có độ nghiêng 30 độ, với nền đường đắp cao từ 7 – 9 m cùng với hai bên bị tích nước sau các cơn bão số 3 và số 4 vừa qua đã tạo nên vết nứt nêu trên.

9 vị trí xung yếu còn lại cũng sẽ tiếp tục lún và có thể nứt như tại Km 83, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư quan trắc theo dõi thường xuyên bù phụ để đảm bảo ATGT theo đúng thiết kế sau khi tắt lún.

Để khắc phục, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư trước mắt xử lý vết nứt để chống thấm nước và xử lý lún bằng bù phụ mặt đường, tạo sự êm thuận trong quá trình khai thác, đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối, trong thời gian tới tiếp tục khảo sát, quan trắc tìm hiểu nguyên nhân chính xác để xử lý triệt để theo đúng thiết kế. Toàn bộ kinh phí do nhà thầu chịu.

Lê Tùng (ghi)