Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói về những điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi

08:22 | 29/04/2013

1,174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 1/5, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động. Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 28/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp, chia sẻ những điểm mới của Bộ luật về chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

- Thưa Bộ trưởng, những thay đổi trong Bộ luật Lao động lần này liệu có đáp ứng được những kỳ vọng của người dân hay không?

Tôi nghĩ rằng Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có một số nội dung có liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người lao động và người sử dụng lao động và nhiều chính sách cũng đã đáp ứng được một phần quyền lợi mà người lao động mong muốn cũng như giải đáp được một phần chia sẻ khó khăn đối với những người sử dụng lao động.

Cụ thể những chính sách đó như là đối với người lao động thì được chế độ thai sản hiện nay là 4 tháng thì từ 1/5 này được nghỉ 6 tháng. Thứ hai là ngày nghỉ lễ tết, hiện hành nghỉ 9 ngày, theo Luật Lao động sửa đổi người lao động được nghỉ 10 ngày; Thứ ba về tuổi nghỉ hưu, trong quy định tại khoản 3, Điều 187 có quy định giao Chính phủ nghiên cứu, quy định một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu so với quy định của luật đó là những người quản lý, những người có trình độ cao và một số trường hợp đặc biệt. Như vậy thì đáp ứng được phần nào việc sử dụng chất xám của những người có trình độ, góp phần giải quyết vấn đề về bình đẳng giới và tạo điều kiện để chị em có cơ hội tiếp tục phát triển.

- Một trong những quy định được người lao động quan tâm trong Bộ luật Lao động 2012 là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, liệu có cơ chế điều chỉnh lương như thế nào đó để sát với thực tế đời sống của người làm công ăn lương hay không?

Hiện nay theo số liện thống kê, mức lương tối thiểu mới đảm bảo được xấp xỉ 60% nhu cầu sống tối thiểu đó. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn cho người lao động. Chính vì vậy mà Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ, TB&XH nghiên cứu lộ trình tăng lương để đảm bảo đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên phương án đấy sẽ khó thực hiện khi điều kiện kinh tế đang rất khó khăn. Đặc biệt các doanh nghiệp họ đang rất khó khăn với việc trả mức lương tối thiểu như hiện nay. Chính vì vậy mà chúng tôi thấy rằng cần có một lộ trình… chậm nhất là đến năm 2017, phấn đấu mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên cũng phải chịu chi phối nữa đó là khả năng phát triển kinh tế của đất nước, nếu vẫn khó khăn thì cái mục tiêu này cũng không phải dễ mà thực hiện được.

- Trong thời gian vừa qua, câu chuyện nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm. Việc này đã tạo ra những bất công cho người lao động. Vậy chúng ta phải giải quyết bất công này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề nợ đọng bảo hiểm là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm vì đây là quyền lợi của người lao động. Đến giai đoạn hiện nay, số liệu đến bây giờ thì số nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp đối với người lao động là trên 4 nghìn tỉ đồng. Và số này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi người ta phải chốt sổ bảo hiểm, người ta chuyển lao động đi nơi khác.

Tình trạng nợ đọng có 3 loại: Loại thứ nhất là do cơ chế của mình về phần phạt chậm trả bảo hiểm thì mức phạt còn thấp so với mức vay ngân hàng nên có doanh nghiệp có thể có được điều kiện đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng người ta cũng tận dụng nguồn này để người ta đưa vào sản xuất kinh doanh. Người ta chịu phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động vì nó còn thấp hơn lãi vay ngân hàng để người ta có vốn kinh doanh.

Loại thứ 2 là có doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì bản thân họ rất khó khăn trong kinh doanh thì người ta cũng khó thực hiện được ngay đúng theo quy định của luật với người lao động. Thứ ba là có doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình.

Trong tổng số ba loại trên thì trong hướng xử lý tới cũng phải rõ ràng: Thứ nhất, đối với đơn vị quá khó khăn thì mình cũng phải xem xét, có biện pháp hỗ trợ, cho phép người ta chậm trả. Thứ hai, đối với với những doanh nghiệp có khả năng nhưng vì so sánh lãi suất với phần phạt do chậm trả thì tôi nghĩ rằng thì phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại. Thứ ba, đối với những doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng lại chậm trả thì phải xử lý nghiêm với phương hướng là tới đây đưa vào sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội, trình Quốc hội cuối năm nay, chúng tôi đề nghị có doanh nghiệp nếu cứ cố tình thì phải đưa vào một trong tội của Bộ luật Hình sự. Tôi nghĩ rằng như vậy với nghiêm được.

Còn với người lao động thì do doanh nghiệp không chốt sổ cho người lao động phải chuyển nơi khác, thì nơi nhận, phải tiếp tục cho người ta được đóng bảo hiểm và doanh nghiệp cũ tiếp tục thanh toán để được nối tiếp cái bảo hiểm của người ta.

- Như Bộ trưởng vừa chia sẻ thì con số nợ đọng bảo hiểm đã lên tới hơn 4 nghìn. Trong đó nợ trên 6 tháng là một nửa. Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta phải xử lý tình trạng này thế nào để chúng ta có thể đảm bảo độ an toàn cho quỹ bảo hiểm trong thời gian tới?

Tôi nghĩ là con số 4.600 đó thì có 4.200 của nợ BHXH, còn hơn 300 là nợ của bảo hiểm thất nghiệp. Gần đây, bằng tác động của phía công tác tuyên truyền và trách nhiệm của doanh nghiệp người lao động người ta nhận biết được cái quyền lợi, người ta đòi hỏi thường xuyên. Thứ nữa là công đoàn phải phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động phải nộp bảo hiểm. Và sau khi đã phát hiện rồi, phải kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình. Như vậy mới có thể giảm thiểu được nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Văn Dũng

(ghi)