Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân

06:55 | 22/12/2014

3,695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
70 năm đã qua kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập. 70 năm ấy, từ những anh “vệ túm” chân đất, đầu trần, lưỡi lê, súng kíp, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành quân đội anh hùng, tiến lên chính quy hiện đại.

Năng lượng Mới số 384

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ; luôn luôn gắn bó máu thịt với dân, được nhân dân chở che, đùm bọc và tôn vinh danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ khi ra đời đến nay, quân đội nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ chí Minh; trung với nước, hiếu với dân. Đó là những nét đặc trưng nhất, là giá trị vĩnh hằng mà không phải quân đội của nước nào cũng có được.

Ngay từ lễ thành lập (22/12/1944) ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), 10 lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng luôn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động mà quân đội ta đã thể hiện đến nay: “Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh: Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập, dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”!

Lời thề vốn mang ý nghĩa thiêng liêng và hướng đến một mục tiêu cao thượng, là tượng trưng cho lòng khảng khái, ý chí quyết tâm, lòng thủy chung son sắt, gian lao không sợ, khó khăn không nề, hiểm nguy không lùi bước. Ngay ở lời thề thứ nhất đã bắt đầu bằng cụm từ “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam…”. Và có thể khẳng định rằng, đức hy sinh của người chiến sĩ quân đội là phẩm giá rất đáng kính trọng! Bởi không có phẩm giá nào cao cả, vĩ đại hơn đức hy sinh!

Đất nước có giặc ngoại xâm, “Bộ đội Cụ Hồ” xông pha nơi tuyến đầu giết giặc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hàng vạn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc đã chứng minh điều đó.

Lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” từng vang vọng trên phố phường Hà Nội mùa đông năm 1946. Người chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, chấp nhận hy sinh để bảo vệ thủ đô. Biết bao tấm gương anh hùng trên khắp các chiến trường đã ngã xuống cho trận chiến đấu giành thắng lợi. Đó là Cù chính Lan, La Văn Cầu trong Chiến dịch Đông xuân 1950. Đó là Bế văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là Nguyễn Viết Xuân hiên ngang giữa làn bom đạn của máy bay Mỹ để chỉ huy trận địa pháo cao xạ với lời hô đanh thép: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Đó là Vũ Xuân Thiều, phi công lái máy bay tiêm kích đã lao thẳng vào máy bay Mỹ, ngăn chặn hành động gây tội ác của kẻ thù. Đó là Trung úy Trần Văn Phương dũng cảm giữa vòng vây của lưỡi lê, họng súng quân bành trướng xâm lược để bảo vệ lá cờ cùng chủ quyền Tổ quốc ngoài quần đảo Trường Sa…

Máu đào của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đổ xuống đã tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn thắng 30/4/1975. Đó là những đỉnh cao thắng lợi huy hoàng, khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết về nghệ thuật quân sự, về đường lối chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Quân đội nhân dân anh hùng của một dân tộc anh hùng đã cùng toàn đảng, toàn dân đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Thắng lợi đó đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

70 năm qua, quân đội ta còn hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang với hai nước Lào và Campuchia anh em; đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, quét sạch bọn xâm lược, tiễu phỉ và các thế lực phản động chống phá cách mạng ở 3 nước Đông dương.

Không chỉ hy sinh xương máu mà “Bộ đội Cụ Hồ” còn hy sinh tình cảm riêng tư vì nhiệm vụ. Xa gia đình, vợ con trong những năm trường kỳ kháng chiến, người chiến sĩ để lại hậu phương những ông bố, bà mẹ, người vợ và người yêu bao tháng năm dằng dặc đợi chờ. Và không chỉ thời chiến, ngay trong thời bình hôm nay, biết bao cán bộ, chiến sĩ vẫn sống xa gia đình như thế. Bố mẹ già, vợ yếu, con thơ; những mảnh vườn, thửa ruộng thiếu bàn tay người đàn ông đỡ đần, gánh vác. Làm nhiệm vụ ở nơi xa xôi, gian khổ, độc hại, ít được về nhà mà đến nay toàn quân có 1.400 cặp vợ chồng bộ đội rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, chưa có con. Sự thiệt thòi ấy không gì bù đắp nổi.

Chiến sĩ đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phẩm chất và truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng. Hình ảnh những người lính xông pha nơi gió mưa, bão táp để xả thân cứu giúp dân trong lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai. Những người lính vật lộn với sóng dữ biển khơi để kịp thời cứu ngư dân gặp nạn. Những đơn vị bộ đội trèo đèo, lội suối, luồn rừng, vượt sông để đến những nơi xa xôi, hẻo lánh vùng biên giới, hải đảo để cùng bà con các dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới. Những chiến sĩ biên phòng đến từng bản làng dạy các em thơ học chữ; những chiến sĩ quân y ân cần khám, chữa bệnh cho dân nghèo vùng ở vùng sâu, vùng xa. Những chiến sĩ hóa học, công binh dũng cảm đến những nơi sập hầm lò, cháy nổ, nhiều khí độc, bom mìn để khắc phục hậu quả, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Trên khắp nẻo biên cương, cửa khẩu, bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra bảo vệ từng tấc đất biên giới; ngăn chặn và bắt giữ bọn buôn lậu, vận chuyển ma túy và vũ khí. Có những chiến sĩ đã đổ máu hy sinh ở mặt trận thầm lặng mà nguy hiểm này.

Ngoài biển khơi muôn trùng sóng gió, các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển thường xuyên đương đầu với với các lực lượng hiếu chiến nước ngoài, tham vọng độc chiếm biển Đông. Đó cũng là mặt trận đấu tranh lâu dài, phức tạp để gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những hy sinh thầm lặng, những cống hiến không ngừng nghỉ ấy suốt 70 năm qua của những người lính Cụ Hồ đã tự thân làm nên một giá trị cao đẹp, “đi dân nhớ, ở dân thương”. Họ đã thể hiện đúng vai trò, vị trí của mình là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.

Chiến tranh qua đi, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, quân đội tiếp tục làm tròn hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quân đội vừa sản xuất vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để gìn giữ hòa bình. Kinh tế thị trường có tác động không nhỏ tới tâm tư, đời sống người chiến sĩ. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, thử thách, dù làm gì, ở đâu, trên cương vị nào, mỗi người quân nhân hôm nay vẫn giữ trọn niềm tin, lý tưởng “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Bởi từ trong sâu thẳm trái tim, Bộ đội Cụ Hồ thấm nhuần một điều sâu sắc rằng: Khi đã mang trên mình bộ quân phục, tự nguyện đi theo con đường binh nghiệp, lấy môi trường quân đội làm điểm tựa cho cuộc đời thì phải luôn luôn vững chí bền gan, thủy chung son sắt với lời thề: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!

Đức Toàn

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc