Than đá sẽ soán ngôi dầu mỏ?

19:00 | 05/01/2013

4,485 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Than đá - một trong những nhiên liệu thải nhiều khí độc gây biến đổi khí hậu nhất, sẽ soán ngôi của dầu mỏ và trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ nữa. Đây là cảnh báo của các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo công bố mới đây.

Sức hấp dẫn chưa bao giờ chấm dứt

Than đá là một nguồn tài nguyên phong phú, có thể khai thác được ở khắp nơi trên thế giới. Không giống như dầu mỏ và khí đốt, than có thể khai thác và bán buôn với giá rẻ. Kết quả là, than đá đã được sử dụng để đáp ứng gần một nửa của sự gia tăng nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới trong thập kỷ qua. Và theo bà Maria van der Hoeven, Giám đốc điều hành của IEA, “thị phần than đá trong thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mỗi năm, nếu không có thay đổi trong các chính sách hiện hành, than đá sẽ thống trị thị trường năng lượng thế giới”.

Báo cáo của IEA cho biết, vào năm 2017, tiêu thụ than đá toàn cầu có thể đạt 4,32 tỉ tấn dầu tương đương vào năm 2017, “đuổi kịp” tiêu thụ dầu mỏ là 4,4 tỉ tấn, bất chấp tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn so với thập niên trước. Các chuyên gia IEA - cơ quan tư vấn chính sách năng lượng cho các nước công nghiệp phát triển cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do sự gia tăng sử dụng khí đốt và giảm sử dụng than đá tại Mỹ, khiến cho giá than đá liên tục giảm, làm gia tăng tiêu thụ than từ những nước sử dụng nhiều năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ. Giá than giảm cũng hấp dẫn nhiều quốc gia vốn ít sử dụng than đá, ngay cả ở châu Âu, như Tây Ban Nha, Anh, Đức.

Than đá vẫn là loại nhiên liệu rẻ tiền nhất để cung cấp điện, để sưởi ấm và cung cấp năng lượng cho công nghiệp

Than đá hiện chiếm 18% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Nhu cầu với loại nhiên liệu hóa thạch này trong năm 2011 đã tăng lên 4,3% so với năm 2010, thể hiện sức hấp dẫn chưa bao giờ chấm dứt với thế giới của nguồn nhiên liệu đã từng là động lực của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ XIX. Theo dự báo của IEA, thế giới sẽ đốt cháy nhiều hơn khoảng 1,2 tỉ tấn than đá/năm so với hiện tại, bằng tiêu thụ than hiện tại của Nga và Hoa Kỳ cộng lại.

Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển ngoài khối, đặc biệt ở khu vực châu Á, mới là động lực chính dẫn dắt nhu cầu sử dụng than đá. Dự báo, với trữ lượng than dồi dào, nhu cầu điện tăng cao và bùng nổ dân số, Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ, trở thành quốc gia tiêu thụ than nhiều thứ hai thế giới. Nhu cầu sử dụng than của đất nước Nam Á dự kiến sẽ tăng 6,3%/năm lên 643 triệu tấn/năm vào năm 2017. Tiêu thụ than ở Trung Quốc cũng tăng đột biến ở mức gần 3.200 tấn, nhiều hơn so với tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại và nghiễm nhiên thay thế Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn nhất loại nhiên liệu này, thay thế Hoa Kỳ là nước sử dụng than đá gây ô nhiễm nhất thế giới trên bình quân đầu người. Trong khi đó, Australia sẽ tiếp tục thống trị thị trường than trong 5 năm tới, với lượng xuất khẩu 356 triệu tấn than tương đương, vào năm 2017, nhờ đầu tư mở rộng các mỏ và tiến bộ của cơ sở hạ tầng thương mại đường biển.

Nếu như các nền kinh tế châu Á vẫn “thiết tha” với than thì ở Mỹ lại chứng kiến một sự suy giảm đáng kể nhu cầu với loại nhiên liệu này. Dự báo, nhu cầu than đá của Mỹ sẽ giảm 3,7%/năm đến năm 2017 chủ yếu do thực hiện chính sách tăng cường hiệu quả năng lượng trong sản xuất công nghiệp, cắt giảm sản lượng thép và gia tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, mặc dù vốn không mấy “mặn mà” với than và đang nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo nhưng do giá khí đốt tự nhiên trên thị trường châu Âu vẫn còn cao nên dự báo nhu cầu than đá của lục địa già chỉ có thể tạm thời giảm từ năm 2015.

Lợi bất cập hại

Mặc dù đã từng là động lực của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ XIX, mặc dù được dự báo sẽ vẫn là “trụ cột” năng lượng của thế giới trong tương lai gần, nhưng việc gia tăng sử dụng than đá cũng là sự cảnh báo với toàn cầu. Bởi than đá cũng là loại nhiên liệu thải carbon cao nhất so với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Việc đốt than đá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Sử dụng than đá còn cho ra khí thải lưu huỳnh và các chất ô nhiễm khác như thủy ngân và các hạt bồ hóng – nguyên nhân gây mưa axít. Hiện Trung Quốc đang là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm 23,4% lượng khí CO2 của toàn cầu. Các nước và khu vực có lượng khí carbon lớn tiếp theo là Mỹ (18,2%), Liên minh châu Âu (14,1%), Ấn Độ (5,78%), Nga (5,67%) và Nhật Bản (4,1%).

Theo IEA, thế giới cần học tập kinh nghiệm của Mỹ, cần khai thác được nguồn năng lượng bản địa độc đáo và bền vững, như khí đốt, mới có thể ngăn chặn được đà tăng trưởng của việc đốt than đá. Trong tương lai, nếu không có những chính sách quyết liệt hơn, thế giới phải đối mặt nhiều rủi ro do sự gia tăng nguy cơ biến đổi khí hậu, kết quả tất yếu của cơn say than đá, thủ phạm hàng đầu gây hiệu ứng nhà kính.

Tác hại lớn nhất của việc sử dụng năng lượng từ than đá là sản sinh ra quá nhiều khí C02, đây cũng là vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, mục tiêu đề ra là giảm thiểu tối đa tác động lên môi trường bằng cách tách khí C02 ra khỏi khí thải từ quá trình đốt than và không cho nó giải phóng vào khí quyển.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Queensland (Australia) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công một công nghệ mới xử lý khí thải CO2 khi đốt than đá. Dự án về công nghệ có tên Direct Carbon Fuel Cells (DCFC). Công nghệ mới sẽ tạo ra năng lượng gấp đôi khi sử dụng than đá so với công nghệ hiện nay đồng thời giảm thiểu tối đa các khí thải phụ gây hiệu ứng nhà kính.

Các chuyên gia hóa học cho rằng, hiệu suất năng lượng cao sẽ giảm phân nửa khối lượng than đá cần thiết để sản xuất điện khi sử dụng công nghệ này.  Như vậy, ngành công nghiệp đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến sẽ tiết kiệm đáng kể năng lượng và chi phí và lợi ích của người tiêu dùng cũng được nâng cao.     Cùng với hiệu quả tiết kiệm năng lượng và chi phí, công nghệ DCFC cũng sẽ cung cấp năng lượng sạch hơn. Với công nghệ DCFC, sản phẩm phụ từ quá trình đốt than, khí C02 sẽ được lọc lại, xử lý và lưu trữ một cách an toàn.
 


Minh Châu (tổng hợp)

 

DMCA.com Protection Status