Nếu vẫn còn “kiếm chác” sao có thể được “dân kính, dân yêu”?

06:23 | 12/05/2018

337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi được giao một việc gì đó, điều đầu tiên mà một số­ cán bộ nghĩ tới là “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó. Ít ai nghĩ rằng việc này có nên ủng hộ hay không, có làm được hay không, muốn làm được thì phải làm thế nào”.
neu van con kiem chac sao co the duoc dan kinh dan yeu

Đây là một thực tế đầy cay đắng mà người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã “nói trắng ra” ngay trên báo chí.

Ông Dũng còn dẫn chứng: “Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...”.

Vô hình chung, quyền lực của Nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân bị một bộ phận những cán bộ đó lợi dụng biến thành quyền lực cá nhân. Sự lạm quyền đã đến mức công khai trắng trợn.

Vì sao lại có tình trạng “lạm quyền” như vậy? Vì quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa được “nhốt vào lồng” như Tổng Bí thư từng nói, hay vì quyền lực đó vốn được “chạy”, được “mua” bằng quan hệ, bằng tiền tệ nên ngay cả những người có chút quyền lực trong tay ngay lập tức đã phải vun vén để thu hồi lại vốn? Hay là cả hai?

Ông Dũng nói không sai: “Điều này đang khiến cho người dân xem thường cán bộ, lãnh đạo”. Làm sao không bị xem thường khi vị trí của những cán bộ, lãnh đạo đó sử dụng quyền lực không nhằm mục đích vì dân vì nước, mà chỉ vị thân. Nói thẳng ra là họ nằm trong một chuỗi thương vụ “mua bán, đổi chác” chức tước.

Và làm sao mà không xem thường khi có những người vẫn vô tư đến vô tâm đi xe đẹp, ở nhà sang, mải mê làm giàu, chạy đua xây biệt phủ… giữa lúc người dân trên địa bàn còn lam lũ, khó khăn. Thế mới có những công trình hoành tráng được vẽ ra, xây dựng rồi bỏ hoang, đắp chiếu; có cả những dự án chưa biết sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương được bao nhiêu nhưng nhãn tiền đã thấy gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.

Ngày xưa trong bức thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghiêm khắc lên án những cán bộ biến chất ở địa phương: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải là để cậy thế với dân”. Những cán bộ như thế thiết nghĩ người dân chẳng bao giờ cần đến và phải bị loại bỏ khỏi bộ máy càng sớm càng tốt để tránh gây thêm thiệt hại cho đất nước, nhân dân.

Muốn thế, phải sớm khắc phục được tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu” như yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua.

Phải làm sao để bất cứ cán bộ ở vị trí nào, chức vụ nào, dù lớn hay nhỏ cũng biết tâm niệm rằng: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” như Bác Hồ từng dạy.

Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc