Nếu Ukraina gia nhập NATO…?

06:55 | 03/09/2014

6,302 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Kiev đang đẩy nhanh tiến độ xin gia nhập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong lúc cuộc khủng hoảng tại quốc gia này ngày càng trầm trọng. Điều gì sẽ diễn ra nếu Ukraina chính thức trở thành thành viên của NATO?

Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen: NATO không có ý định phá vỡ thỏa thuận về hợp tác với Nga

Ngày 29/8, Chính phủ Ukraina đã bày tỏ ý định khôi phục tiến trình trở thành thành viên NATO. Hiện Ukraina đang tìm kiếm sự bảo trợ của các thành viên NATO sau khi Kiev và phương Tây cáo buộc Nga mở rộng hoạt động quân sự trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraina.

Phát biểu trong cuộc họp nội các cùng ngày, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk nói sẽ trình lên Quốc hội một dự luật để bãi bỏ quy chế không liên minh của Nhà nước Ukraina nhằm mở đường cho Ukraina trở thành thành viên của NATO.

Trước đề xuất này, NATO cho hay nếu Ukraina thực sự muốn gia nhập khối này, các nước thành viên NATO sẵn sàng thảo luận khả năng đó  trong cuộc họp toàn thể các nước thành viên NATO dự kiến vào ngày 4 và 5/9  tại Anh.

Theo Tổng thư ký Anders Rasmussen, NATO tôn trọng quyền của Ukraina trong việc tìm tư cách thành viên và nếu NATO dự định mở rộng Hiệp ước phòng thủ chung với Ukraina, đó sẽ là thay đổi lớn nhất trong kiến trúc an ninh của châu Âu từ những năm 1990.

Còn Liên minh châu Âu cho tới lúc này chưa có phản ứng gì cụ thể trước lời kêu gọi trợ giúp của Ukraina.

Ngày 31/8, NATO thông báo kế hoạch lập 5 căn cứ mới ở Đông Âu. Cụ thể trên lãnh thổ Latvia, Litva, Estonia, Romania và Ba Lan, NATO sẽ có 600 binh sĩ đồn trú thường trực. Kế hoạch này sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Ngày mai, 3/9, Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến thăm Estonia với mục tiêu cảnh cáo Nga không được tấn công một quốc gia thành viên khối NATO, cho dù là quốc gia nhỏ cỡ nào. Ông Obama cũng sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh khối NATO ở Anh và sẽ gặp Tổng thống Ukraina tại đây. Chính quyền Kiev chờ đợi tại cuộc họp thượng đỉnh này, khối NATO sẽ đưa ra những “quyết định quan trọng” và thông qua một sự “ trợ giúp cụ thể” cho Ukraina.

Việc Ukraina trở thành thành viên chính thức của NATO sẽ khó có thể diễn ra trong tương lai gần. Bầu cử Quốc hội Ukraina sẽ được tổ chức vào tuần tới. Phe cải cách dân chủ theo phương Tây khó có khả năng đạt được đa số áp đảo trước những đại biểu thân tín của cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch. Một khi không được quốc hội thông qua, “quy chế không liên minh” sẽ là hàng rào ngăn cản Ukraina đến với NATO. Tuy nhiên, việc Kiev tuyên bố tìm kiếm quy chế thành viên NATO là một bước đi táo bạo nhằm tìm kiếm sự bảo trợ về mặt quân sự từ phương Tây.

Theo nhận định của giới phân tích, nếu Ukraina gia nhập NATO thì quá trình tan rã của Ukraina sẽ càng diễn ra nhanh chóng. Căn nguyên của những lo lắng chiến lược của Nga chính là việc NATO mở rộng biên giới về phía Nga. Ukraina, vùng đất được xem như thành trì bảo vệ Nga trước những mối đe dọa đến từ phía Tây.

John Mirshaymer, Giáo sư Đại học Chicago cho rằng, nguồn gốc gây ra sự bất ổn ở Ukraina là vì kế hoạch mở rộng NATO và chiến lược lôi kéo Ukraina ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Giáo sư Mirshaymer nhắc lại rằng ngay từ giữa những năm 1990, các nhà lãnh đạo Nga đã phản đối mạnh mẽ việc mở rộng NATO, và trong những năm gần đây họ đã cho thấy rằng Nga sẽ không ngồi yên nhìn nước láng giềng chiến lược của họ chuyển thành pháo đài của phương Tây.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc