Nếu ‘tiền trảm, hậu tấu’ sẽ không cho quyết toán vào ngân sách

17:10 | 28/07/2016

366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 28/7, QH đã thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Tăng chi chuyển nguồn 45.949 tỷ đồng

Đây là số chi chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm sau được Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐinhTiến Dũng cho biết khi trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Trong đó, số chi chuyển nguồn chủ yếu để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2014 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, do cân đối ngân sách Nhà nước năm 2014 khó khăn, nên chỉ bố trí được 15.484 tỷ đồng để giải ngân vốn ODA. Trước sức ép của các nhà tài trợ, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân theo đúng tiến độ ký kết với nhà tài trợ để sớm đưa công trình vào sử dụng, vì thế số giải ngân thực tế là 41.653 tỷ đồng, vượt so với dự toán là 26.169 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ chế giải ngân vốn ODA rất phức tạp, trình tự, thủ tục giải ngân mỗi nhà tài trợ có sự khác biệt nhất định. Do vậy khó dự toán được đầy đủ, chính xác ngay từ đầu năm kế hoạch; khi thực hiện, phải theo tiến độ giải ngân rút vốn thực tế với nhà tài trợ. Vì vậy, Chính phủ đề nghị QH cho phép bổ sung dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 đối với số giải ngân vốn ODA vượt dự toán này.

Về vấn đề này, trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc tăng bội chi để thực hiện giải ngân vốn ODA năm 2014 cao hơn dự kiến chủ yếu cho các dự án giao thông, thủy lợi... cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh là tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thực hiện theo các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, phải đến ngày 7/7/2016 Chính phủ mới có Tờ trình với UBTVQH về việc giải ngân vốn lượng vốn này và đề nghị QH cho phép điều chỉnh dự toán là chưa bảo đảm tính kịp thời theo quy định. Do đó, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong điều hành ngân sách Nhà nước những năm tiếp theo.

Phải nộp tăng thêm 8.287,3 tỷ đồng

Tại phiên thảo luận này, lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày trước QH về Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Báo cáo kết quả kiểm toán chỉ rõ, trong thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2014 vẫn diễn ra khá phổ biến tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước… Từ quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm là 8.287,3 tỷ đồng.

Đối với chi thường xuyên, Báo cáo kết quả kiểm toán cho biết, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt; 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng.

Báo cáo Kết quả kiểm toán về quyết toán ngân sách Nhà nước cũng cho rằng, QH nên bổ sung dự toán, quyết toán khoản 26.169 tỷ đồng giải ngân vốn ODA, chưa đủ điều kiện thực hiện đối với quyết toán. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH băn khoăn với đề nghị này của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, đây là việc làm tiền trảm hậu tấu, sai quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của QH.

“Đây không chỉ là kỷ cương, kỷ luật, mà thực chất là chấp hành pháp luật không nghiêm. Do đó, Chính phủ cần giải trình đầy đủ về lượng vốn cấp từ Trung ương, vốn ứng trước của ngân sách địa phương, để làm rõ trách nhiệm” - ĐB Ngô Văn Minh yêu cầu.

Cùng quan điểm này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Chính phủ cần rút kinh nghiệm sâu sắc khi chỉ báo cáo UBTVQH sau 2 năm tiến hành ứng ngân sách để giải ngân vốn ODA. Và dù đồng ý cho phép quyết toán khoản chi này, song ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, nếu còn lặp lại việc chi trước, báo cáo sau, thì sẽ không đồng ý cho phép quyết toán khoản chi như vậy.

neu van tien tram hau tau se khong cho quyet toan
ĐB Trần Hoàng Ngân

Với sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, những khó khăn đã từng bước được khắc phục, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng kinh tế đạt 5,98% cao hơn kế hoạch đặt ra là 5,8% đã được cử tri cả nước ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuấn - Hà Nội cho rằng, bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 6,33% GDP thực hiện được, vượt con số bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định là 5,3% GDP. Nợ công năm 2014 bằng 58,02% so với GDP.

Mặc dù nằm trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và Quốc hội song đại biểu quan ngại tốc độ nợ công tăng nhanh, tăng 17,1% so với năm 2013; chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế do công tác tổ chức quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo; Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng để xác nhận số dự nợ công này là đầy đủ, chưa ghi thu, chi vốn vay nước ngoài kịp thời, đúng tiến độ; một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay, không bố trí đủ dự toán để trả nợ.

neu van tien tram hau tau se khong cho quyet toan
​ Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, các cơ quan hữu quan cần nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế, tìm ra giải pháp cụ thể để hạn chế nợ công tiếp tục phi mã bởi nợ công là một trong những chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn tiền nhàn rỗi để giảm thiểu rủi ro sức ép về tỷ giá và lãi suất.

Trong buổi chiều, QH cũng nghe Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hành Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết này bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Chính phủ trình QH xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2014 như sau:

- Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính);

- Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015);

- Bội chi ngân sách Nhà nước 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).

neu van tien tram hau tau se khong cho quyet toan

Ngân sách Nhà nước: Thu lỏng lẻo, quyết toán chi… dễ dãi

Thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 tại phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/6, nhiều đại biểu lo lắng trước thực trạng thất thu thuế, nhiều khoản chi không có dự toán nhưng vẫn cho quyết toán…

Thanh Huyền