Nêu gương nói, nêu gương làm

07:00 | 21/03/2017

2,566 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cán bộ phải nêu gương là một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ.

Cụ thể là: Hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là: kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ của người công bộc của dân. Bác căn dặn: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, H.1984, tập 4, tr.84).

neu guong noi neu guong lam

Trong cuộc sống hôm nay, không hiếm những “tấm gương sống” như lời Bác Hồ đã dạy. Ngày 27-2 vừa qua, kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta được nghe những câu chuyện cảm động về các y sĩ, bác sĩ, cùng nhiều cán bộ y tế. Không ai nhắc chuyện nêu gương, họ chỉ nói tới trách nhiệm, tới bổn phận của một công dân mặc áo blu trắng. Nhưng thật sự đó là những tấm gương sáng. Đó là những bác sĩ hàng mấy chục năm ngoài đảo xa, gắn bó cả cuộc đời với người dân biển, hết lòng cứu chữa người bệnh, giành lại sự sống cho bà con. Đó là bác sĩ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn dành những năm tháng cuối cùng động viên, chữa bệnh cứu người, trước khi mất còn hiến giác mạc, mang lại ánh sáng cho người bệnh…

Một chuyện thời sự: chuyện giải tỏa vỉa hè. Vâng, tưởng như chuyện nhỏ nhưng lại là vấn đề nan giải, nhức nhối kéo dài. Trước tết Đinh Dậu 2017, quận 1 TP Hồ Chí Minh mở đầu chiến dịch làm thông thoáng lòng đường vỉa hè. “Chiến dịch” đó đã thực hiện được 2 tháng. Cuộc “điểm huyệt vỉa hè” mở đầu cho việc xây dựng văn minh đô thị đã gặp được sự ủng hộ của nhân dân và lan nhanh một làn sóng của tinh thần tiến công. Hành động kiên quyết đó có tên là: người phụ trách phải luôn nêu gương về trách nhiệm trong công tác.

Nhiều đồng chí khi thảo luận về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thường nhấn mạnh, nêu gương trước hết và chủ yếu là nói đi đôi với làm. Phải quyết liệt chống căn bệnh kinh niên nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Có vị lãnh đạo nói rất hay, rất “thuộc bài”, nhưng đến đâu cũng một “bài” như thế. Và người dân nơi xóm thôn, đường phố thì thấy rằng suốt một nhiệm kỳ vị này chẳng làm được việc gì, nên đã đặt cho cái tên là “Ông hứa”.

Vì vậy, trong sự nêu gương theo chúng tôi không chỉ có nói đi đôi với làm, mà chú ý cả hai mặt - nêu gương nói và nêu gương làm.

Nêu gương nói là nói ít, nói trúng, nói những vấn đề thiết thực, nói giữa dạ mình. Cán bộ ta không phải ai cũng có khả năng hùng biện, nói hay như báo cáo viên, nhưng nói thật, nói phải, nói trúng thì ai cũng nhận ra cả. Được như thế thì câu nói mang hàm ý chê trách “nói vậy mà không phải vậy” sẽ dần bị quên đi, bị xóa đi trong bầu không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.

Nêu gương nói còn là nêu gương về sự nghiên cứu thấu đáo, nắm vững tình hình. Không sát cơ sở, chỉ đạo theo kiểu ngồi bàn giấy thì chẳng bao giờ nói trúng. Ngay trong những cuộc họp bàn về những vấn đề hệ trọng như ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và lớn hơn như bàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng có vị thao thao bất tuyệt, nhưng thật tình chẳng hiểu bao nhiêu.

Nêu gương làm, như đã trình bày ở trên, được hiểu một cách đơn giản nhất là dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc lớn. Một nhà quản lý giỏi giang nói rằng, thành công của chúng tôi là, mọi công việc phải tạo ra niềm vui cho người lao động, chứ không đem đến sự cực nhọc, buồn phiền.

Có những người phạm tội cho đến lúc phải hầu tòa mà họ vẫn còn đẩy quả bóng sang chân người khác. Rằng cái việc tôi làm là do tập thể quyết định, tôi chỉ là người thực hiện quyết định của tập thể. Căn bệnh “thành tích của tôi, khuyết điểm của chúng ta” đã kéo quá dài và suy tới cùng là do cái tôi cá nhân lớn quá. Cụm từ “suy thoái về đạo đức, lối sống” dùng trong trường hợp này tuyệt đối chính xác.

Một câu hỏi đặt ra: Cơ chế nào để ràng buộc người cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt nêu gương? Hay chỉ trông đợi vào sự tự giác? Phải nói rằng không có cơ chế nào cụ thể yêu cầu bắt buộc cán bộ, đảng viên nêu gương, nhưng toàn bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, nhất là về công tác kiểm tra, giám sát có thể coi là tiêu chí đánh giá cán bộ. Bởi khi mỗi người làm việc thật sự say mê, tận tụy, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất cho mình, cho tập thể thì không ai nghĩ mình đang làm việc này là để nêu gương cho người khác. Vả lại, không ít người rất ngại nói về mình, về những “nỗ lực”, “thành công”, “đỉnh cao” của bản thân. Bởi phía trước họ bao giờ cũng là những đỉnh cao mới.

Cho nên nói về sự nêu gương của người cán bộ, đảng viên trong lúc này, nhân dân luôn trông đợi ở những việc làm mắt thấy, tai nghe. Gương sáng mà mọi người đều có thể học được, chứ không phải là những điều quá cao xa. Tính thuyết phục của sự nêu gương là ở đó. Hãy khoan nói tới những điều to tát. Hãy bắt đầu từ những việc bình thường trong cuộc sống, trong lối sống của mỗi người. Những cán bộ có đủ cả “uy” và “tín” chắc chắn là những người thường xuyên nêu gương về mọi mặt.

Hải Hà