EVN cấp điện cho huyện đảo

Nên tách bạch giữa công ích và kinh doanh?

08:28 | 26/08/2017

2,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước những khó khăn trong việc cấp điện tới các huyện đảo, đặc biệt là hiệu quả đầu tư, câu hỏi “có nên tách bạch giữa công ích và kinh doanh?” đã được đặt ra. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của một số chuyên gia, người trong cuộc về những vấn đề cấp điện cho huyện đảo.  

PV: Đưa điện đến các huyện đảo là một nhiệm vụ rất khó khăn, tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực đầu tư, đưa điện đến 11/12 huyện đảo của cả nước. Nên đánh giá như thế nào về kết quả này?

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việc EVN đưa điện đến các huyện đảo nhằm thực hiện Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020, cải thiện đời sống, văn hóa, tinh thần cho người dân trên đảo. Nhờ có điện, kinh tế trên các đảo mới phát triển mạnh, đặc biệt đối với những nghề như đánh bắt, chế biến hải sản.

Điện còn góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ, giúp người dân yên tâm bám biển, giữ gìn biển đảo, tạo sinh kế lâu dài. Đó cũng là cách khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo: Xây dựng lộ trình giảm lỗ kinh doanh điện trên đảo

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: EVN đã xác định rất rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, chủ động đề xuất tiếp quản, vận hành lưới điện tại nhiều huyện đảo cả nước. Điều này cũng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời xác định phương thức quản lý điện năng thống nhất trong cả nước của EVN.

Ngoài ra, EVN đã thỏa mãn khát khao của người dân trên đảo từ bao đời nay là được sử dụng điện quốc gia. Cùng với nước ngọt, điện đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên đảo.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh

Ông Trần Viết Ngãi: Đưa điện ra đảo là góp phần làm tăng thêm sức mạnh quân sự của Việt Nam. Quân đội mạnh trên cơ sở có trang bị vũ khí mạnh, sức chiến đấu mạnh và sức khỏe tốt. Đưa điện ra đảo góp phần củng cố quân đội theo 3 yếu tố đó.

Đối với nhân dân, khi có điện ổn định, đời sống của người dân được nâng lên, từ đó sức mạnh của biển đảo được phát huy và sức chiến đấu của quân đội được nâng lên. Ngoài ra, đảo chính là trung tâm hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ có thể vào cư trú và bổ sung nhiên liệu.

PV: EVN sẽ gặp khó khăn như thế nào khi cấp điện và quản lý điện tại các huyện đảo?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Theo tôi, khí hậu ở các đảo tương đối khắc nghiệt, độ ăn mòn thiết bị điện do khí hậu biển là rất cao, thiết bị điện nhanh bị hư hỏng. Cùng với đó, dông tố, thiên tai và sự cố do con người gây ra cũng là những khó khăn, buộc EVN phải đầu tư tốn kém.

Chính vì những khó khăn đó, EVN cần phải có nguồn điện dự phòng, bảo đảm duy trì cấp điện liên tục cho quân, dân trên đảo, trong khi hỗ trợ từ đất liền không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Ngoài ra, khi đã có điện, vấn đề an toàn điện phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế EVN cần tuyên truyền, tập huấn cho người dân trên đảo sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: EVN sẽ gặp một loạt khó khăn trong quản lý, vận hành lưới điện trên đảo, từ khâu vật tư, thiết bị, sự bất thường của thời tiết, sự ăn mòn thiết bị từ muối biển... Do đó, phải tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và yêu đảo ra làm việc. Đặc biệt là đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn kéo dài, thậm chí có nơi không thể thu hồi được, đó cũng là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Ông Trần Viết Ngãi: Khi tiếp quản lưới điện ở các đảo, EVN phải tiến hành cải tạo hệ thống lưới điện cũ, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn. Ngoài ra, việc vận chuyển nhiên liệu phục vụ sản xuất điện ở đây không đơn giản, chi phí sản xuất điện rất lớn, trong khi giá bán điện phải thực hiện theo quy định của Chính phủ như trong đất liền.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long - Cục Bảo vệ chính trị V (Tổng cục An ninh, Bộ Công an): Đưa điện ra đảo là phục vụ mục tiêu an ninh Quốc gia

PV: Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải đưa điện lưới quốc gia tới các đảo mà cần phát triển nguồn điện tại chỗ.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Theo tôi, những đảo lớn gần bờ, đông dân cư, có thể đưa điện lưới quốc gia ra đảo để có nguồn điện ổn định. Còn những đảo chính, đảo lớn đông dân cư, nhưng xa đất liền thì nên xây dựng nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời. EVN có thể xin ý kiến Chính phủ về những đảo có quá ít dân cư, có cần thiết phải đưa điện lưới đến đó không?

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Tôi đã từng đi đến 10 tiếng đồng hồ mới thấy 1 đảo, vì thế tôi nghĩ rằng, không cần thiết đưa điện lưới quốc gia đến đó, cần xây dựng nguồn điện tại chỗ sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn, như điện gió, điện mặt trời hoặc nguồn điện diesel là tốt nhất. Thực tế, đưa đường dây vượt biển, chắc chắn việc bảo đảm an ninh sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi, EVN cần làm quy hoạch, tính toán tổng mức đầu tư về đưa điện đến các đảo, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

PV: Việc đưa điện đến các đảo được xác định là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng khiến EVN chịu lỗ trong kinh doanh. Vậy, có cần tách bạch tính công ích với nhiệm vụ kinh doanh điện?

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: EVN cần tính toán tổng mức đầu tư đưa điện ra đảo

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi cho rằng, hoàn toàn nên tách việc đưa điện ra đảo, vùng sâu vùng xa là công ích và hạch toán riêng, báo lỗ hằng năm cho Chính phủ và nhân dân biết để có cách điều tiết nguồn kinh phí. EVN cần công khai mức đầu tư như thế nào, quản lý vận hành ra sao, nhiên liệu đầu vào cũng như doanh thu bao nhiêu… Đưa điện ra đảo, vùng sâu vùng xa chắc chắn không thể có lãi, mà chỉ có thể phấn đấu giảm lỗ.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Theo tôi, nếu tách bạch khâu công ích và kinh doanh đơn thuần thì Chính phủ đâu cần EVN. Bởi, xây dựng là để bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc để xây dựng đất nước. Hiện nay, kinh tế gắn với quốc phòng, những gì người dân không làm được thì Chính phủ làm, mà EVN chính là thay mặt Chính phủ để làm nhiệm vụ đó. EVN đưa điện ra đảo chính là phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia. Nếu nói về lợi nhuận kinh tế đơn thuần, việc đưa điện tới các đảo hay vùng sâu vùng xa chắc chắn bị lỗ, nhưng EVN vẫn phải làm, phải ưu tiên đầu tư và lấy lãi từ chỗ khác bù vào. Giá điện hiện nay tại các đảo, vùng sâu, vùng xa không thể hạch toán độc lập, Chính phủ vẫn đang hỗ trợ bằng những cơ chế cụ thể. Đó là thể hiện chính sách nhân văn của đất nước xã hội chủ nghĩa.

PV: Để đưa điện tới các đảo, xã còn lại cần nguồn kinh phí rất lớn. Vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để EVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện đầu tư xây dựng các dự án điện trên đảo. Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình từng bước giảm lỗ khi kinh doanh bán điện trên đảo. Muốn làm được điều này, cần sớm ban hành chính sách tam ngư (ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường), giúp dân trên đảo phát triển mạnh kinh tế, thu nhập tăng gấp 2 lần đất liền.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Theo tôi, để tạo cơ chế đặc thù cho EVN vay vốn là rất khó. Vì thế, Chính phủ, hay EVN cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, huy động nguồn lực từ Việt kiều, các tập đoàn kinh tế tư nhân, chung tay đưa điện tới các đảo, nhưng EVN phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch về sử dụng các nguồn vốn.

Ông Trần Viết Ngãi: Chính phủ nên phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vay dài hạn, cho vay trong nước với giá ưu đãi và vay dài hạn có thể tới 50 năm. Ngoài ra, còn cho phép vay từ các ngân hàng quốc tế như WB, ADB… Nhưng trước mắt, Chính phủ phải có bảo lãnh vốn vay.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN:

“Bảo đảm cấp điện tại các đảo là chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước, không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển, đảo, mà trên hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, dù phải vượt qua nhiều khó khăn, EVN vẫn nỗ lực và quyết tâm triển khai”.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh
Đảo Cồn Cỏ

11/12 huyện đảo được EVN trực tiếp quản lý

Với việc tiếp quản thêm 2 hệ thống điện trên đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) dự kiến được thực hiện trong năm 2017, EVN sẽ nâng tổng số huyện đảo trực tiếp quản lý vận hành và kinh doanh bán điện lên tới 11/12 huyện đảo. Trong đó, huyện đảo Bạch Long Vỹ, Trường Sa, Cồn Cỏ và Côn Đảo do cách xa đất liền, khó khăn trong việc kéo điện lưới quốc gia nên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo gồm: điện mặt trời, điện gió, diesel.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh
Công trình cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc

57,33km là chiều dài của tuyến cáp điện ngầm 110kV xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á, thuộc Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tuyến cáp có kết cấu 1 sợi cáp 3 lõi 630mm2, dài 57,33km, điểm đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc.

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.336 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành vào tháng 2-2014, dự án góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quốc, tạo tiền đề cho Phú Quốc phấn đấu trở thành đặc khu kinh tế - hành chính vào năm 2020.

nen tach bach giua cong ich va kinh doanh
Đường dây 110kV vượt biển, cấp điện quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang)

24,5km là đường dây điện cao thế 110kV vượt biển trên không dài nhất Việt Nam từ trước đến nay, thuộc Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang. Để thực hiện thành công dự án, vượt qua nhiều khó khăn do thời tiết xấu trên biển, các đơn vị thi công đã xây dựng 48 trụ điện trên biển có độ sâu trên 11m và 2 trụ tiếp bờ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 848,5 tỉ đồng, nằm trong chuỗi dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo thuộc các huyện Kiên Hải, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế biển, đảo.

Xuân Tiến - Huyền Thương