Nên làm như Bình Dương!

21:42 | 28/06/2015

1,491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000ha đất. Theo các dữ liệu chính thức, để đầu tư tất cả những dự án này phải đầu tư khoảng 4,5 triệu tỉ đồng (tương đương 210 tỉ USD) và sẽ có 3 triệu căn hộ mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội của nước ta.

Năng lượng Mới số 424

Thế nhưng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, với số lượng dự án như vậy sẽ vượt quá xa khả năng của nền kinh tế. Chúng ta không thể nào trong thời gian trung hạn có thể giải quyết được nguồn vốn lớn như vậy. Trên thực tế, do những khó khăn của nền kinh tế, nhiều dự án nhà ở tuy được cấp phép rồi nhưng vẫn phải dừng triển khai, đồng thời Bộ Xây dựng và các địa phương đã tạm dừng cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội mới.

Nên làm như Bình Dương!

Các căn hộ 100 triệu đồng ở Bình Dương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, TP Hồ Chí Minh có đến 689 dự án, tương đương với hơn 7.000ha đất; thành phố Hà Nội cũng có gần 100 dự án phải tạm dừng thực hiện vì chưa thu xếp được vốn… Các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp cũng có một số dự án nhà ở xã hội chưa thể thi công dù đã được cấp phép.

Được biết, từ năm 2011, Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đây là một điểm đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, yêu cầu cùng lúc chúng ta phải phát triển đồng thời nhà ở thị trường để đáp ứng thỏa mãn khả năng thanh toán của những người dân có thu nhập cao và nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Đây là loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm giá thành để những người thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở thị trường thì sẽ có chỗ ở.

Song mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là có nhiều người dân lao động, làm công ăn lương, công nhân, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân khu công nghiệp thu nhập thấp nhưng thiếu nhà ở hoặc đang ở rất chật chội, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu. Lần này Nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó, Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở được mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường, do Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế VAT đầu ra, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất thấp…

Tuy nhiên, kết quả của việc xây dựng nhà ở xã hội hết sức khiêm tốn, vì hầu hết các dự án vẫn còn trên giấy. Triển khai dự án đã khó nhưng việc phân phối nhà ở xã hội cũng rất phức tạp. Cái chăn quá hẹp, được đầu hở chân, co kéo thế nào cũng hở. Mặc dù đã có hàng loạt quy định hết sức chặt chẽ nhưng vẫn có tình trạng “nước chảy chỗ trũng”. Nhà ở xã hội được bán cho người không đủ tiêu chuẩn và rốt cuộc căn hộ đã bị bán sang tay kiếm lời dăm chục triệu… Tại Hà Nội đã xảy ra việc lợi dụng chính sách để vụ lợi, sau rất nhiều cố gắng mới thu hồi được căn hộ bán nhầm này. Lại có tình trạng nhà ở xã hội ở nơi này xây sai tọa độ, thiếu hạ tầng nên không có người mua, trong khi ở chỗ khác, đơn xin mua nhiều gấp cả chục lần số căn hộ sẽ bán. Điều đáng quan tâm là rất nhiều khu công nghiêp, khu chế xuất không có quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân. Hàng chục vạn người lao động vẫn phải tá túc tại các khu nhà trọ tồi tàn, bẩn thỉu. Tại TP HCM có công dân gửi thư phàn nàn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng việc ông bị “hành” khi xây nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp. Đơn xin xây nhà trọ của công dân bị đùn đẩy từ huyện lên thành phố cho đến khi nguyện vọng của ông được “bàn giao” đến tận tay người đứng đầu cơ quan chức năng mới được chấp thuận.

Trong bối cảnh ấy, Bình Dương là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nhà ở cho người lao động. UBND tỉnh Bình Dương lập đề án xây dựng lần lượt hơn 64.000 căn hộ cho người lao động. Đây là đề án lớn nhất, chưa có địa phương nào có. Mới đây khi kiểm tra các căn hộ nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao cách nghĩ và cách làm nhà ở xã hội của tỉnh này. Bộ trưởng Xây dựng nhận xét rằng, bàn bạc về nhà ở xã hội thì nhiều lắm, nhưng làm có bài bản, hiệu quả thì chưa. Công nhân, người lao động nghèo mơ ước có căn nhà và đã bao năm chỉ là giấc mơ. Nay ở Bình Dương, giấc mơ an cư trở thành hiện thực.

Bình Dương có quỹ nhà ở xã hội bước đầu đã lên tới 5.000 căn hộ, mỗi căn hộ chỉ có giá khoảng 100 triệu đồng, rất vừa sức mua của người nghèo. Thế  nhưng, địa phương lại có chính sách hỗ trợ để những người có thu nhập thấp được trả góp mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cơ hội tuyệt vời cho người lao động Bình Dương mua được nhà ở. Có câu “an cư lạc nghiệp”, nay an cư rồi tất sẽ lạc nghiệp lâu dài với địa phương.

Bình Dương là tỉnh công nghiệp thu hút hàng vạn lao động từ nhiều địa phương khác nên khó khăn về nhà ở. Công nhân ngày càng đông, chỗ ở càng thiếu, áp lực về xã hội rất lớn. Bài toán nhà ở phải là giải pháp đầu tiên trước khi giải những bài toán khác. Và mô hình căn hộ nhỏ cho dự án nhà ở xã hội là cách giải thông minh. Các chuyên gia xây dựng nhớ rằng, từng có tranh cãi rất nhiều về diện tích căn nhà ở xã hội bao nhiêu mét vuông là vừa? Ông nói gà, bà nói vịt, cãi cự miên man hết ngày dài lại đêm thâu, trong khi người nghèo vẫn chẳng biết ở đâu. Chợt ai đó đưa ra ý kiến: Thời bao cấp, cán bộ cấp vụ có bìa C cũng chỉ ở căn hộ 32m2 cho tứ đại đồng đường.

Để giải quyết việc đóng băng bất động sản, người ta có sáng kiến cắt nhỏ căn hộ trăm mét thành 2-3 căn hộ nhỏ hơn để dễ bán. Hạ sách này được chấp thuận khiến hạ tầng công cộng khu dân cư phải gánh số nhân khẩu gấp 2-3 lần. Đã có tư nhân xin làm chung cư mini với các căn hộ khoảng 45-50m2 và rất đắt hàng. Mô hình căn hộ nhỏ (30m2) từng được đưa ra ở một số địa phương nhưng không được chấp thuận vì cho rằng, căn hộ sẽ sớm trở thành nhà ổ chuột. Tư duy bóc ngắn cắn dài, thích hoành tráng đã khép chặt giấc mơ an cư của người nghèo.

Để thực hiện được dự án nhà ở xã hội, Bình Dương đã đột phá cách nghĩ, cách làm, được đánh giá là thông minh, thức thời. Sáng kiến này xuất phát từ trách nhiệm, từ tấm lòng lo cho dân, mà đặc biệt là dân nghèo. Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã gặp nhau ở điểm cốt lõi nhân văn đó mới tạo ra được chính sách và cách thực hiện hiệu quả.

Hiện nay trên các đô thị có cả triệu người lao động mới nhập cư, chủ yếu là công nhân, thu nhập thấp đang cần có chỗ ở dù là ở thuê hoặc mua chịu trả dần. Điều đáng quan tâm là mặc dù đã có chủ trương, chính sách nhưng việc xây dựng nhà ở xã hội vẫn rất ì ạch. Người ta đổ thừa hàng trăm lý do để lý giải tình trạng chậm trễ này.

Nếu cấp ủy và chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp không trăn trở, tìm kế sách thì sẽ không có mô hình Bình Dương và người nghèo vẫn khó có nhà ở.

Hoan hô Bình Dương!

Thọ Vinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc