Thuê bao di động phải có ảnh chụp chính chủ

Nên hay không?

13:31 | 20/06/2017

186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khách hàng của các mạng viễn thông sẽ phải bổ sung ảnh chụp chân dung chính chủ nhằm hoàn tất các thủ tục đăng ký sử dụng thuê bao theo quy định mới.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về một số nội dung tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/04/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trong đó, việc yêu cầu chủ thuê bao phải chụp ảnh chân dung mới được đăng ký sử dụng thuê bao điện thoại di động đã gây ra nhiều tranh cãi.

nen hay khong
Ảnh minh họa.

Cụ thể, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung ảnh chụp chân dung chính chủ. Các nhà cung cấp mạng viễn thông sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Còn với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không bổ sung ảnh chân dung.

Ngay sau khi thông tin chụp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao di động được công bố, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những người ủng hộ quy định này vì cho rằng sẽ ngăn chặn nạn sim rác, thì cũng có nhiều người phản đối vì theo họ việc chụp ảnh chân dung sẽ rất phiền phức. Là khách hàng đã đi đăng kí thuê bao di động phải chụp ảnh chân dung, anh Lê Đức Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, việc chụp ảnh chân dung rất đơn giản và cũng không mất quá nhiều thời gian. Nên mỗi người chỉ cần bớt chút thời gian, nhưng đổi lại có thể loại bỏ được nạn sim rác, sim lậu.

Trái ngược với quan điểm trên, chị Thu Hương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc chụp ảnh bổ sung vào thủ tục đăng ký thuê bao là không cần thiết. Bởi khi khách hàng mua sim để sử dụng thì các nhà mạng đã yêu cầu lưu lại bản sao CMND. Như vậy, họ cũng đã có được các thông tin cơ bản của chủ thuê bao và có cả ảnh chân dung, dấu vân tay trong đó nữa.

Còn theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi người dân. Nếu bỏ quản lý thông tin thuê bao, chủ thuê bao sẽ thoải mái điện thoại, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại và không có cách gì ngăn chặn hay kiểm soát.

Cũng theo Cục Viễn thông, thời gian qua, dù đã có các quy định quản lý thông tin thuê bao như Luật Viễn thông và Nghị định 25, nhưng tính đến đầu năm 2016 vẫn tồn tại hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động sai thông tin chủ thuê bao. Chính vì vậy, Nghị định 49 ra đời đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đây sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin cho các thuê bao khác.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, với lượng khách hàng quá lớn, việc thực hiện quy định mới này là không khả thi. Ngoài ra, quy định mới này sẽ gây ra sự phiền nhiễu cho người tiêu dùng và không phải ai cũng có thời gian ra các điểm giao dịch để chụp ảnh hoàn tất thủ tục. Hơn nữa, việc này cũng có thể bị làm gian dối vì họ có thể cử người khác đi thay.

“Khi khách hàng đăng ký thuê bao đã cung cấp CMND, hoặc hộ khẩu thường trú là đủ thông tin cơ bản về chủ thuê bao rồi. Vì thế, việc bổ sung ảnh chân dung chỉ nên khuyến khích chứ không nên lạm dụng hay mang tính ép buộc” - chuyên gia kinh tế nói.

Chu Phượng – Đức Trọng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc