Giải pháp thu hút thợ lò:

Nên chăng rút ngắn thời gian đào tạo?

15:49 | 18/08/2017

2,313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nên chăng để thời gian học ít đi nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào những kỹ năng “cốt lõi” của nghề mỏ để các học viên vẫn tinh thông nghề mà không phải tốn quá nhiều thời gian học tập như hiện tại?

Đãi ngộ tốt những vẫn thiếu sức hút

Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản (TKV) đã có cơ chế ưu đãi tối đa đối với người học nghề mỏ hầm lò (miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay) và các trường đã nỗ lực, cố gắng rất lớn, song tỷ lệ tuyển sinh đạt vẫn thấp so với kế hoạch đề ra và việc thiếu hụt thợ hầm lò rất khó bù đắp.

Theo báo cáo, năm 2016 có 1.121 thợ lò và 295 thợ cơ điện lò chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý e ngại do đặc thù nghề mỏ vất vả, độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người lao động hiện nay có nhiều sự lựa chọn ngành nghề, đó là sự cạnh tranh của nhiều nghề khác với lao động hầm lò. Trong một khảo sát gần đây, một nguyên nhân chính nữa là do tâm lý người học muốn thời gian đào tạo ngắn để sớm đi làm, có thu nhập ngay.

nen chang rut ngan thoi gian dao tao
Công nhân hầm lò

Thực tế, những năm qua, lãnh đạo TKV đã giao các ban tham mưu phối hợp với các trường đào tạo nghề mỏ (trước khi hợp nhất thành Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam) nghiên cứu để rút ngắn tối thiểu thời gian đào tạo lý thuyết tập trung tại nhà trường. Thay vào đó, thời gian thực tập tay nghề (được hưởng lương) tại các đơn vị sẽ được tăng lên. Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị có học viên thực tập và cơ sở đào tạo có trách nhiệm bố trí nhà ở cho học viên, tổ chức đi lại, ăn giữa ca, bố trí vị trí thực hành công việc theo tình hình thực tế tại mỏ để có thể thực tập tay nghề một cách tốt nhất.

Rút ngắn thời gian đào tạo

Theo khung chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, thời gian đào tạo hệ trung cấp đối với nghề khai thác hầm lò là 15,7 và hệ sơ cấp là 9,7 tháng. Tuy nhiên, khác với các ngành nghề khác, nghề khai thác mỏ hầm lò là nghề đặc thù. Thế nên, không hiếm trường hợp người học bỏ học ngang chừng kiểu thích thì học, không thích hoặc chọn được nghề khác, bỏ mặc cam kết của học viên phải đền bù kinh phí đào tạo nếu bỏ học.

Qua khảo sát tại một số mỏ hầm lò, các đơn vị đã chủ động, phối hợp tốt với Trường trong việc tổ chức cho sinh viên về thực tập ở doanh nghiệp, vì đây là khâu đào tạo then chốt có tác động lớn đến việc hình thành kỹ năng, tay nghề, tác phong công nghiệp, sự gắn bó với nghề của sinh viên và cũng chính là người lao động của đơn vị sau này. Phần lớn các đơn vị quan tâm đúng mức tới học viên thực tập; có phương pháp kèm cặp, huấn luyện bảo đảm tính sư phạm và tâm lý để học viên làm quen dần với điều kiện làm việc trong hầm lò, làm từ dễ đến khó, từ chưa biết đến thạo việc… Tuy vậy, con số học viên nghề hầm lò bỏ học giữa chừng vẫn đáng báo động!

Theo ông Trần Văn Cừ, Trưởng Ban Nhân sự TKV, nên kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề để rút ngắn thời gian đào tạo nghề khai thác mỏ hầm lò, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đào tạo. Chúng ta sẽ bàn cách làm thế nào để thời gian học ít đi nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào những kỹ năng “cốt lõi” của nghề mỏ để các học viên vẫn tinh thông nghề mà không phải tốn quá nhiều thời gian như hiện tại. Gánh trên vai trọng trách là một trong ba trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong lộ trình phát triển, ngành than sẽ chủ yếu là khai thác hầm lò, nên hiện tại và cả sau này, thợ lò luôn là đối tượng được quan tâm và cần nhất.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải từng nhấn mạnh: “Thiếu thợ lò, ngành than sẽ vỡ trận”. Mong rằng, bên cạnh những nỗ lực giữ chân thợ lò của ngành than, các cơ quan hữu trách sẽ cùng TKV có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu để thu hút thợ lò, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành than trong tương lai.

Hương Giang

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps