Nên bỏ xét xử lưu động

09:11 | 07/02/2018

268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 31-1, TAND Tối cao tổ chức họp báo đầu năm 2018 dưới sự chủ trì của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Tại đây, những mặt hạn chế và tích cực của việc xét xử lưu động đã được đem ra mổ xẻ. Vì việc này gây tốn kém và hiệu quả không cao nên TAND Tối cao đề nghị bỏ xét xử lưu động.

Tốn 70 tỉ đồng/năm

Tại cuộc họp báo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, xét xử lưu động có mặt tích cực là dễ tiếp cận, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, nhất là vùng sâu, vùng xa, những nơi không có truyền thông, báo, đài. Có thể thấy, nhiều phiên tòa lưu động có tác dụng rất lớn, nhất là những năm chiến tranh và sau chiến tranh. Tuy nhiên, hiệu quả đó đã giảm dần trong bối cảnh báo chí, truyền thông ngày càng phát triển, đặc biệt ngành tòa án đã thực hiện việc công khai bản án trên báo chí, trên mạng Internet.

nen bo xet xu luu dong
Người dân tham gia một phiên tòa xét xử lưu động

Hơn nữa, việc tổ chức các phiên tòa lưu động rất tốn kém. Mỗi năm ngành tòa án phải chi 70 tỉ đồng để tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ cho phiên tòa lưu động. Nếu chúng ta dành 70 tỉ đồng này chi cho những việc khác thì sẽ mang lại tác dụng lớn hơn. Ngoài ra việc bảo vệ phiên tòa xét xử lưu động cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đưa cả bị cáo, bị hại, người làm chứng... ra nơi công cộng. Phiên tòa lưu động cũng khó đảm bảo tính nghiêm túc trong khi đây là yêu cầu mà nước nào cũng đặt ra đối với mọi phiên tòa.

Đặc biệt, theo Chánh án TAND Tối cao, hạn chế lớn nhất là phiên tòa lưu động không đảm bảo quyền con người. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chẳng có nước nào đưa vụ án ra ngoài phòng xét xử cả. Yêu cầu nghiêm túc của mọi phiên tòa thì nước nào cũng đặt ra. Hơn nữa, mỗi phiên tòa cần đảm bảo quyền con người - đây là nguyên tắc hiến định. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm. Việc mang xét xử lưu động sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà ra đi bụi đời. Và như vậy vô hình trung đã tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc, dòng họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn” - ông Bình phân tích.

Bỏ xét xử lưu động?

Theo các chuyên gia, bị cáo khi bị đưa ra xét xử lưu động thường có tâm lý mặc cảm, xấu hổ rất khó để hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong án tù.

Sau khi đánh giá các mặt hạn chế và tích cực của việc xét xử lưu động, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tháng 7 năm nay, TAND Tối cao sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, xét ở góc độ răn đe, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa chung thì việc xét xử công khai, lưu động và việc làm cần thiết. Theo luật sư Trương Anh Tú, các vụ án mà liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia, hoặc các vụ án liên quan đến đời tư cá nhân như hiếp dâm, để tránh ảnh hưởng đến người phụ nữ thì người ta phải bí mật, còn lại tất cả các phiên tòa đều xét xử công khai theo quy định của pháp luật.

Minh Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc