Nên bỏ điểm sàn đại học?

15:24 | 27/07/2017

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự kiến năm 2018, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ bỏ mức điểm sàn xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, việc làm này đang có sự tranh luận trái chiều từ dư luận.  

Đề xuất không mới

Mùa tuyển sinh năm 2016, việc bỏ mức điểm sàn được đưa ra bàn luận và đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Cứ đến mùa tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bỏ mức giới hạn điểm sàn, vì việc áp mức điểm sàn sẽ gây khó khăn đối với nguồn tuyển của những trường này. Thông thường những trường ĐH Top trên tuyển chọn thí sinh luôn vượt mức sàn nhưng đối với những trường nhóm giữa hoặc thấp hơn thì việc Bộ GD&ĐT có “áp” mức điểm sàn hay không lại có quyết định quan trọng tới công tác tuyển sinh.

Một trong những nguyên nhân là vì có những thí sinh đạt điểm rất cao ở một môn nào đó, nhưng tổng cộng cả 3 môn thi không đủ điểm sàn nên không đạt tiêu chuẩn để xét tuyển theo quy định. Bộ GD&ĐT từng cho rằng, mức giới hạn điểm sàn đưa ra là nhằm giữ được chất lượng “đầu vào” tuyển sinh ĐH, CĐ nên kiên quyết vẫn giữ mốc điểm sàn.

nen bo diem san dai hoc
Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Thực tế, điểm sàn xuất hiện từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2004 khi thực hiện tuyển sinh theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) cho đến năm 2016 luôn dao động từ mức 13; 14; 14,5 và 15 điểm. Hệ CĐ luôn dao động từ 10 đến 11 điểm. Đến năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, điểm sàn ĐH chỉ có một mức duy nhất là 15 điểm cho tất cả các khối thi và 12 điểm cho hệ CĐ.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kỳ tuyển sinh năm 2017, thành phố có 45.772 thí sinh có điểm trên sàn (15,5 điểm), chiếm 84,57%. Tổng số thí sinh có điểm trên sàn ở 2 khối là 17.068 thí sinh, chiếm 31,53%. Tổng số thí sinh có điểm trên sàn ở 3 khối thi là 3.755 thí sinh, chiếm 6,95%...

Đến năm 2016, Bộ GD&ĐT đã thống nhất điểm sàn là 15,5 - mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần phải đạt được - để được xét tuyển vào ĐH ở tất cả các tổ hợp môn thi. Cũng trong năm 2016, Bộ GD&ĐT đã bỏ qua mức điểm sàn đối với hệ CĐ. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ CĐ là tốt nghiệp THPT.

Với mức điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 điểm, theo thống kê của Bộ GD&ĐT (dựa trên kết quả chạy phần mềm dự báo) sẽ có 85 trường đạt chỉ tiêu 100% trong đợt xét tuyển đầu tiên; 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80 đến 99%; có 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40 đến 79%. Tất cả các trường trong cả nước tuyển được 83% tổng chỉ tiêu trong đợt 1.

Với kết quả như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không cần phải “treo” mức điểm sàn nữa. Thế nhưng, với sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của các trường ở Việt Nam như hiện nay thì những băn khoăn về chất lượng “đầu vào” không phải là không có cơ sở.

Chất lượng vẫn phải đi đầu

Những năm trước, việc thí sinh có điểm trung bình có thể đỗ ĐH một cách dễ dàng thì trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng thí sinh học ĐH đã giảm đi. Bằng chứng là năm 2016, nhiều trường ĐH thừa chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vẫn không chiêu sinh đủ. Nguyên nhân là do thí sinh đã bắt đầu nghĩ tới việc chọn lựa trường học, ngành nghề nào để khi tốt nghiệp phải xin được việc làm chứ không còn tư duy bằng mọi giá phải vào được ĐH như trước đây.

Về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Với số lượng trường ĐH, CĐ nhiều như hiện nay thì việc tuyển được sinh viên vào học tại các trường mới là vấn đề khó. Đương nhiên, với các trường Top trên thì vẫn có sự cạnh tranh, nhưng những trường Top dưới thậm chí còn không có sinh viên theo học. Việc bỏ điểm sàn, tôi cho rằng, cũng như cởi chiếc vòng kim cô cho các trường top dưới, để các trường dễ tuyển sinh hơn. Nhưng Bộ GD&ĐT cần có phương án đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường này. Bằng không, với số lượng trường ĐH, CĐ nhiều như hiện nay mà không “siết” thì sẽ càng xảy ra tình trạng thả nổi chất lượng. Sinh viên học xong ra trường, tấm bằng không được đánh giá cao thì thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải tính đến phương án kiểm soát, thắt chặt đầu ra. Vì hiện tại, gần như sinh viên nào đã vào được ĐH rồi thì đều được tốt nghiệp ra trường” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Còn PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nói: “Tôi đồng ý với phương án bỏ điểm sàn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được tuyển sinh bằng học bạ thì cũng cần có sự kiểm tra sát việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh của các trường. Thực tế, chất lượng tuyển sinh của các trường một phần do trường đó quyết định, nên tôi tin mỗi trường sẽ có những phương án tuyển sinh phù hợp, vì uy tín và thương hiệu đào tạo quyết định ở việc các trường phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo hay không?”.

nen bo diem san dai hoc

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga: "Việc bỏ hay giữ điểm sàn ĐH vẫn đang trong quá trình xem xét. Những tiêu chí để kiểm soát chất lượng đào tạo, nguồn tuyển sinh của các trường ĐH khi bỏ điểm sàn sẽ được Bộ GD&ĐT công bố trước mùa tuyển sinh năm 2018”.

Huyền Anh