Nền âm nhạc Việt vĩnh biệt những cây đại thụ

13:00 | 04/07/2015

2,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong hơn một tuần mà nền âm nhạc Việt Nam tiễn đưa một nhà nghiên cứu âm nhạc và ba nhạc sỹ tài hoa trở về bến quê. 

Sự mất mát không tả hết của nền âm nhạc nước nhà

Trong mấy ngày qua rất nhiều nhạc sỹ, công chúng đã bàng hoàng trước sự ra đi của ba nhạc sỹ tài hoa trong nền âm nhạc nước nhà. Những ca khúc do nhạc sỹ An Thuyên, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sỹ Phan Nhân sáng tác trong thời chiến cũng như trong thời bình, bao năm qua vẫn làm xúc động lòng người bao thế hệ. Hình ảnh quê hương, đất nước đẹp hơn, lung linh, thơ mộng hơn... qua các ca khúc của các vị nhạc sỹ tài hoa này. Họ chính là thế hệ vàng của nền âm nhạc Việt Nam.

Ai ai cũng bàng hoàng, trên trang facebook của nhạc sỹ An Thuyên có hàng ngàn lời tiếc thương ông. Thế là nhạc sỹ của những bài hát đóng đinh tên tuổi ông thấm đẫm chất dân ca Nghệ Tĩnh sắp được trở về hòa vào dòng sông quê mình, để hằng ngày được nghe những câu hò ví dặm. Những câu hò đã đi vào tâm thức của ông từ thuở lọt lòng, để lớn lên với năng lực bẩm sinh cùng với quá trình rèn luyện không ngừng, nhạc sỹ An Thuyên đã tặng cho đời những ca khúc ngọt ngào, sâu lắng với ca từ mộc mạc, giản dị mà vô cùng chắt lọc.

Nhạc sỹ An Thuyên (ảnh từ facebook Nguyễn Trọng Tạo)

Hầu như trong mỗi chúng ta đều một lần nghe và yêu thích các ca khúc của nhạc sỹ sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. “Em chọn lối này”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Huế thương”, “Ca dao em và tôi”, “Biển và em”... thấm đẫm tình đất, tình người, tình quê hương đất nước.

Và sự ra đi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vào ngày 29/6 cũng khiến nhiều người bất ngờ. Vì từ khi phát bệnh cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng của vị nhạc sĩ tài hoa chỉ trong khoảng một tuần. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1924 là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Anh ở đầu sông em cuối sống”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Thuyền và biển”....

Bao người đã rơi lệ trong lễ tang nhạc sỹ ở “Hai đầu nỗi nhớ’ khi nghe Điếu văn: “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Phần lớn các ca khúc của ông đậm chất bi hùng nhưng không kém phần trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp trong sự nghiệp âm nhạc Việt Nam".

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu (ảnh: tư liệu)

Cũng giống như nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sỹ Phan Nhân tác giả của ca khúc nổi tiếng: “Hà Nội niềm tin và hy vọng” cũng ra đi sau một thời gian bị bệnh và ông cũng có một người bạn đời vô cùng tuyệt vời, ấy là NSUT Phi Điểu. Người nhà ông kể rằng, bước sang tuổi 85, sức khỏe ông yếu đi nhiều. Ông bị bệnh tim, phổi và nhiều căn bệnh tuổi già khác. Những ngày nhạc sỹ Phan Nhân nhập viện, NSƯT Phi Điểu tạm gác việc quay phim, tự tay chăm miếng ăn, giấc ngủ cho chồng. Bà luôn giữ bình tĩnh, đích thân chu toàn việc chăm sóc cho chồng trong những ngày cuối đời khi ông được chuyển từ bệnh viện về nhà.

Là người con của vùng đất Long Xuyên, An Giang nhưng ông là tác giả của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng viết về Hà Nội, miền Bắc bi tráng, hùng hồn đã làm say lòng bao thế hệ, như HàNội niềm tin và hy vọng”, “Tình ca đất nước”, “Nhớ về Pắc Bó.”.. Không những thế, ông còn là tác giả của nhiềuca khúc thiếu nhi được yêu thích như: “Chú ếch con”, “Em là bông lúa Điện Biên”, “Hàng cây ơn Bác”... Ông được tặng nhiều giải thưởng Nhà nước cũng như Huân chương kháng chiến vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật, âm nhạc.

Có lẽ trong mỗi chúng ta đều từng lắng sâu trong ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”: “Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta. Là ngôi sao mai rạng rỡ. Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long. Nhẹ nhàng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...”

Chúng ta vô cùng tiếc thương sự ra đi của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc hàng đầu Việt Nam, GS-TS Trần Văn Khê ra đi vào 24/6 sau một thời gian bị lâm bệnh. Từng gặp ông cách đây 3 năm trong một lần trò chuyện rất lâu, ông chân thành bộc bạch: “Âm nhạc dân tộc đã giúp tôi hồi sinh”. Đó là câu chuyện dài trong cuộc đời ông, từ mê nhạc Tây, theo học nhạc Tây, rồi bỏ nhạc Tây để quay về với âm nhạc dân tộc. Giới âm nhạc học dân tộc thế giới biết đến GS Trần Văn Khê là nhờ âm nhạc dân tộc Việt Nam, sau luận án tiến sĩ về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Pháp là hành trình trở về Việt Nam thu âm các dĩa nhạc dân tộc như ca trù, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, đời ca tài tử… mang tên của UNESCO. Ông là một trong những người hiếm hoi vừa nghiên cứu vừa có thể đàn và thành thạo rất nhiều nhạc cụ dân tộc, và hát cũng rất hay, truyền cảm.

Ông là cây cầu nối giữa nền âm nhạc dân tộc Việt Nam với thế giới âm nhạc dân tộc học thế giới, cũng như những ai yêu, đam mê nhạc dân tộc Việt Nam. Ngày tiễn đưa ông về đất mẹ, hàng nghìn người yêu quý ông đã xếp hàng dài đưa tiễn. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào, trẻ có, già có, có cả những người nước ngoài rất yêu quý GS Trần Văn Khê và gia tài nghiên cứu âm nhạc dân tộc của ông cũng đến xếp hàng tuần tự tiễn đưa ông…

Chẳng biết đến bao giờ nền âm nhạc nước nhà sẽ có những con người tài hoa như nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sỹ Phan Nhân và nhạc sỹ An Thuyên, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê. Ca từ, giai điệu trong các sáng tác của họ mang hơi thở đương đại và luôn gắn liền với nền văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc… Dường như cái chất ấy ngày càng thiếu trong sáng tác của các nhạc sỹ trẻ hiện nay.

Những tâm hồn đẹp trở về bến quê

Không chỉ là nhạc sỹ tài hoa, nhạc sỹ An Thuyên từng là một vị thầy rất đáng kính tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sự nghiệp làm nhạc sỹ, làm thầy của ông luôn được nhiều người kính nể. Và ông cũng là một người chồng, người cha rất mẫu mực đức độ của hai đứa con cũng đi theo con đường nghệ thuật, là ca sĩ Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu.

Giờ đây ông được an nghỉ và tâm hồn trở về bến quê để nghe câu hò ví dặm, để “cắt nửa vầng trăng – tôi làm con đò nhỏ. Chở đôi câu thơ – tôi làm mái chèo lướt sóng”. Để sau khi: “Lang thang đi bốn phương trời. Nay về sông quê tắm mát. Sông Lam biết khi mô cho cạn. Ðục trong, đục trong nhục vinh hỡi người” (lời trong ca khúc “Neo đậu bến quê”).

Còn nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu được giới nghệ sỹ kể nhau nghe về một con người tài năng, đức độ và sống rất nghĩa tình. Trong những tháng ngày nằm viện, dù đau bệnh nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn quan tâm đến sức khỏe của vợ. Bà Phạm Thị Vân là điểm tựa trong suốt quãng đời sáng tác của ông. Bà cũng là khán giả đầu tiên, được nghe ông hát những ca khúc mới sáng tác và khi đọc báo, nghe đài, thấy có bài thơ của tác giả nào hay, bà gợi ý để ông tìm tác giả xin phép phổ nhạc. Chính sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai ông bà đã góp phần tặng cho đời những ca khúc trữ tình đặc sắc trong nền tân nhạc Việt Nam.

Theo di nguyện, tro cốt của ông được rải trên dòng sông Hàn, nơi gắn liền với tuổi thơ của ông. Giống như nhạc sỹ An Thuyên tuổi thơ gắn liền với dòng sông, con đò vẫn neo đậu bến mô thì nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sau khi lang thang đi bốn phương trời đã trở về sông Hàn tắm mát tâm hồn.

Nhạc sỹ Phan Nhân (ảnh: tư liệu)

Sinh thời, nhạc sĩ Phan Nhân từng chia sẻ cả cuộc đời ông chưa có sáng tác nào dành riêng cho vợ. "Thế hệ chúng tôi ngại những cách bày tỏ tình cảm trực tiếp. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ, tôn trọng công việc, sở thích của nhau, vậy là đủ". Vì suy nghĩ đó, ông cũng yên tâm và ủng hộ nghệ sỹ Phi Điểu theo đuổi những việc yêu thích như đóng phim, làm từ thiện... Theo nhạc sĩ, chính sự đảm đang cùng tấm lòng yêu thương, chung thủy của nữ nghệ sĩ tạo nên sợi dây kết nối hai vợ chồng để dù sống xa nhau nhiều, họ vẫn có nhau trong tâm tưởng.

Công chúng tiếc thương nhạc sỹ Phan Nhân tài hoa, tiếc thương một tâm hồn người nghệ sỹ rút hết tấm lòng để tặng cho đời những ca khúc vừa bi tráng, hào hùng vừa rung rinh, dạt dào tình cảm.

GS-TS Trần Văn Khê tại tư gia vào mùa xuân 2014 (ảnh: Thiên Thanh)

Giờ đây dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng GS Trần Văn Khê đã có thể yên tâm nhắm mắt khi con trai ông, GS Trần Quang Hải cùng con dâu là danh ca Bạch Yến tiếp tục sự nghiệp truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Và chắc chắn rằng những di sản văn hóa ông để lại, đặc biệt là “Thư viện Trần Văn Khê” là nguồn tài liệu vô cùng quý báu cho thế hệ hôm nay nghiên cứu và bảo tồn âm nhạc dân tộc. Chắc chắn sẽ có nhiều lớp hậu bối cũng trân trọng âm nhạc dân tộc như thánh đường để âm nhạc truyền thống không bị phai mờ, thất truyền theo thời gian.

Thật xúc động khi trong lễ tang nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, NSND Đỗ Lộc viết vào sổ tay một bài thơ, thương tiếc sự ra đi trong những ngày qua của ba nhân tài lớn trong nền âm nhạc với câu mở đầu “Bác Khê, bác Điểu, bác Nhân”.

"Bác Khê, bác Điểu, bác Nhân

Tuần nay các bác khuất dần non xanh

Hình như duyên đã hợp thành

Người hiền lại rủ người lành đi xa

Từ đây âm nhạc nước nhà

Cây cao bóng cả dần dà lưa thưa

Bầu trời thiếu vắng sao Khuê

Biển xanh sóng vỗ thuyền về bến xa

Lung linh mặt nước bao la

Niềm tin hy vọng mãi là còn đây

Nhạc lòng gửi lại chốn này

Danh thơm đất mẹ sum vầy ngàn thu".

Nhưng giờ đây NSND Đỗ Lộc sẽ sửa lại câu mở đầu “Bác Khê, bác Điểu, bác Nhân, bác Thuyên”... Dù buồn, tiếc thương nhưng không quá bi thương vì tất cả chúng ta đều biết rằng mỗi nhạc sỹ đã dành cả một đời sống, sáng tác và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Đã ra đi và trở về bến quê an nghỉ, tâm hồn hòa địu cùng dòng sông, cùng câu hò ví dặm,... nhưng những công trình nghiên cứu, những ca khúc họ để lại thì sống mãi với thời gian. Để rồi ngậm ngùi và mỗi chúng ta mong chờ nền âm nhạc Việt Nam sẽ có những gương mặt nhạc sỹ trẻ tài hoa kế tiếp.

Nguyệt Anh

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.