Năng suất lao động - Thách thức tăng trưởng kinh tế

07:00 | 04/06/2015

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị về phát triển doanh nghiệp bền vững đã cảnh báo rằng, không ít doanh nghiệp còn chưa mấy quan tâm tới phát triển bền vững và thiếu một tầm nhìn xa để thiết lập và duy trì sự bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và cho kinh tế xã hội đất nước nói chung.

Năng lượng Mới số 425

Ngoài ra Phó thủ tướng còn cho rằng, việc phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp phải gắn liền với cải thiện năng suất lao động. Theo ông, Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, chiến tranh mặc dù đã đi qua được 40 năm nhưng tại các làng quê vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Và hiện tại đất nước vẫn đang phát triển ở mức trung bình thấp, đương nhiên một nước không có thu nhập cao thì năng suất lao động không thể cao được.

Dù cho chưa thực sự hài lòng với những kết quả đạt được, tăng trưởng liên tục chỉ chưa đến 6%, số người có thu nhập thấp còn nhiều. Song Phó thủ tướng vẫn bày tỏ sự lạc quan khi đã có rất nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã có những lựa chọn đúng đắn khi không tập trung đầu tư phát triển vào những ngành, những lĩnh vực năng động để sớm đạt được mức phát triển nhanh hơn, thay vào đó chủ trương ưu tiên phát triển cân bằng, hướng tới những vùng sâu, vùng xa và người nghèo, tạo ra sự cân bằng cho nền kinh tế.

Năng suất lao động - Thách thức tăng trưởng kinh tế

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với chuyên gia trong Hội nghị

Doanh nghiệp Việt Nam không đơn độc trong hội nhập, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2014 có thể nói là sự hậu thuẫn lớn cho các doanh nghiệp. Theo đó, việc giảm giờ nộp thuế từ 812 xuống 121 giờ, thông quan hải quan từ 23-24 ngày xuống 13-14 ngày… Tiếp đó, bản Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 khi được ban hành đã cho thấy Chính phủ kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh những biện pháp cải cách thể chế, tinh giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Hành động này của Chính phủ có thể ví như chiếc “đòn bẩy” để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước được phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Nhưng các quốc gia trong khu vực như: Myanmar, Lào, Campuchia… cũng đang đẩy mạnh cải cách. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thắng trong thời kỳ hội nhập thì phải có được năng lực quản trị tốt, hoạch định được chiến lược kinh doanh hiệu quả, năng suất lao động phải được nâng cao.

Gia nhập AEC rồi một loạt hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp ký kết, quốc gia nào cũng còn một số rào cản kinh tế để gián tiếp hay trực tiếp có lợi cho doanh nghiệp nước mình.

Nhưng đến một lúc nào đó, nền kinh tế buộc phải mở. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, mà là tất cả doanh nghiệp trên thế giới.

Do vậy, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn và việc hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong nước là điều tối quan trọng trong việc đưa kinh tế đất nước lên một tầm cao mới.

“Nếu đi một mình thì có thể đi nhanh nhưng nếu đi chung nhiều người thì có thể đi xa hơn. Trong tiến trình phát triển hướng tới xã hội bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm phát triển bền vững sao cho tài nguyên tiết kiệm nhất, cần có tinh thần thôi thúc làm việc và tư duy lớn về đạo đức kinh doanh để cùng nhau vươn tới tầm cao mới cho doanh nghiệp và đất nước” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á năm 2014, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các quốc gia có năng suất lao động thấp nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Còn trong bản Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 20, Thái Lan xếp thứ 31 và Việt Nam xếp thứ 65 trên tổng số 144 nền kinh tế. Như vậy, năng suất và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được xếp hạng thấp trong khu vực. Đây là kết quả đáng lo ngại.

 

Tú Cẩm