Năng lượng tái tạo: Mục tiêu và giải pháp

05:00 | 06/02/2017

2,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn cho ngành điện. Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách giá phù hợp cho năng lượng tái tạo, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.  

Đi trước một bước

“Điện phải đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Và quan điểm này một lần nữa được Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII: Phát triển “điện đi trước một bước” nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của người dân.

Và để đạt được mục tiêu này, Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII nêu rõ: Sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.

nang luong tai tao muc tieu va giai phap
Các turbine gió của dự án điện gió Bạc Liêu

Mục tiêu cụ thể được đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh là đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140MW hiện nay lên khoảng 800MW vào năm 2020, tương đương chiếm khoảng 0,8% tổng công suất nguồn điện). Phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối từ các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm, chất thải rắn… chiếm khoảng 1% tổng công suất nguồn điện vào năm 2020 và 1,2% vào năm 2025.

Đặc biệt, điều chỉnh Quy hoạch điện VII cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3%.

Như vậy có thể thấy, phát triển năng lượng tái tạo đã được xác định là một trong những giải pháp có tính đột phá trong việc đảm bảo cung ứng điện cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - một trong những yếu tố được xem là nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Và thực tế, để đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư như ưu đãi về biểu giá điện, miễn thuế nhập thiết bị, miễn thuế sử dụng đất…

Bên cạnh những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đó, theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), năng lượng tái tạo cũng ngày càng hấp dẫn hơn khi suất đầu tư để triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã giảm nhiều so với trước. Ví như điện mặt trời, trên thế giới, giá các tấm pin mặt trời đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây. Từ năm 2010-2014, suất vốn đầu tư đã giảm 29-65% tùy theo khu vực. Giá 1kWh tại nhiều khu vực đã giảm xuống dưới 10 xu Mỹ. Thậm chí, tại Dubai, có nhà máy đã ký hợp đồng với giá bán điện khoảng 3 xu Mỹ/kWh. Hay như điện gió, suất vốn đầu tư điện gió cũng giảm theo thời gian. Nếu như năm 2014, suất vốn đầu tư trên bờ khoảng 1.300USD /kW thì năm 2020 dự báo chỉ còn 1.172USD/kW.

Tháo gỡ rào cản

Như đã đề cập ở trên, năng lượng tái tạo đang hội đủ các yếu tố từ chủ trương, chính sách, suất đầu tư... để phát triển. Nhưng theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, để năng lượng tái tạo thực sự phát triển, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề về giá.

TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật (Bộ Công Thương) đặt vấn đề: Từ nhiều năm nay, chúng ta đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư làm năng lượng tái tạo nhưng thực tế, kết quả triển khai lại rất khiêm tốn. Vì sao lại có chuyện này? Đó là vì giá điện của Việt Nam vẫn thuộc diện bao cấp, chưa theo cơ chế giá thị trường. Vậy nên khi làm năng lượng, người ta sẽ tìm đến các nguồn năng lượng giá rẻ, năng lượng truyền thống với suất đầu tư thấp, lợi nhuận lại cao thay vì đầu tư vào năng lượng tái tạo với suất đầu tư lớn, lợi nhuận lợi thấp.

Còn GS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã chỉ ra những rào cản, vướng mắc đó trước hết là sự hạn chế về công nghệ khi phần lớn thiết bị, sản phẩm đều nhập từ nước ngoài. Đó còn là vấn đề năng lực quản trị hạn chế khi chưa có được một hệ thống nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu… Và đặc biệt đó là vấn đề thu hút đầu tư khi các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn lớn, trong khi đó, giá bán điện lại thấp, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là thiết kế và ban hành biểu giá điện phù hợp cho cả điện gió và điện mặt trời, hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh - không phát thải khí nhà kính của Chính phủ.

Ngoài ra, phần lớn các nguồn điện gió, điện mặt trời chưa nằm trong quy hoạch của địa phương, chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục xin bổ sung vào quy hoạch. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia và từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các nguồn năng lượng này trong thời gian tới. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với nhà đầu tư sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) còn có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020, với công suất 6.000MW điện gió và 12.000MW điện mặt trời. Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần và điện mặt trời tăng 15 lần. Đây là mục tiêu, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các cơ quan nhà quản lý Nhà nước, EVN và các chủ đầu tư. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với nhà đầu tư sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, vào năm 2020, nhà đầu tư muốn phát triển nhiệt điện than với công suất 1.000MW phải sở hữu ít nhất 5% nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Tương ứng đến năm 2030, nhà đầu tư phải sở hữu ít nhất trên 10% nguồn điện gió hoặc điện mặt trời nếu muốn phát triển nhiệt điện than hoặc các nguồn điện khác...

“Có như vậy, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo đúng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) mới trở thành hiện thực” - ông Cường nhấn mạnh.

Lê Thanh

Năng lượng Mới 579

  • el-2024