Kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016)

Nặng lòng với những kỷ vật chiến tranh

18:00 | 26/07/2016

843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong nhà ông, từ các gian phòng ra sân, từ sân đến vườn chất đầy cơ man nào là vỏ bom, đạn và các vật dụng thời chiến, ai đến thăm đều có cảm giác như đang ở giữa một “chiến trường” thu nhỏ. Chủ nhân của “bãi chiến trường” ấy là ông Võ Văn Hoan, một cựu chiến binh ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An).

Khu vườn phía trước ngôi nhà của ông Võ Văn Hoan với những cây cao lớn, tán lá xòe rộng và đan xen vào nhau để ngăn ánh nắng mặt trời làm cho không gian trở nên tĩnh mịch lạ thường. Dưới những gốc cây, chủ nhân dựng mấy vỏ bom xám xịt, có cái đã gỉ sét và treo lỉnh kỉnh những khẩu súng lớn nhỏ, mấy chiếc ba lô, quân phục, ống nhòm và bi đông đựng nước, tất cả đều đã nhuốm “màu thời gian”. Lần đầu đến thăm, cũng như bao vị khách khác, chúng tôi ngỡ như đang lạc bước vào một cánh rừng, nơi hàng chục năm về trước từng diễn ra những trận chiến ác liệt, hai bên đã huy động tối đa các loại vũ khí và phương tiện để áp chế sức mạnh của đối phương.

nang long voi nhung ky vat chien tranh
Ông Võ Văn Hoan bên chiếc cột treo các loại vũ khí và hiện vật thời chiến

Ông Võ Văn Hoan mời khách ngồi xuống mấy chiếc ghế gỗ kê sẵn trước thềm nhà, đi cùng với lời mời là một nụ cười đôn hậu. Cả chủ và khách đều lặng im, bởi chúng tôi chưa hiểu một tí tẹo nào về con người và tính cách của ông để tìm lời mở màn câu chuyện.

Có lẽ, đoán được điều ấy, ông Hoan cất lời: “Tôi sinh năm 1950, tham gia quân ngũ từ trước ngày giải phóng nhưng đơn vị đóng quân ở ngoài Bắc. Rời quân ngũ, tôi vào Trường ĐH Bách khoa, ra trường nhận công tác ở Ty Ngoại thương Nghệ Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu. Còn việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh tôi làm từ hàng chục năm nay, xuất phát từ những nỗi đau và mất mát của gia đình, bè bạn và quê hương mà mình có dịp chứng kiến”.

Nói rồi, ông Võ Văn Hoan dẫn chúng tôi dạo quanh sân, nơi có những gốc cây và những chiếc cột bê tông gắn đầy các loại vũ khí đã được dùng trong các cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiếm phần diện tích lớn nhất là những trái bom, nhiều loại bom với những kích cỡ và hình dạng khác nhau nhưng chúng có một điểm chung là từng chứa đựng sự hủy diệt, nay nằm câm nín nơi góc vườn, trở thành một thứ phế liệu.

nang long voi nhung ky vat chien tranh
Vỏ một quả bom lớn được ông Võ Văn Hoan dựng ở góc sân

“Đây là vũ khí hủy diệt của nước Mỹ - một cường quốc về quân sự nhưng không không lay chuyển được tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam. Nay chúng thành phế liệu, là thứ vứt đi, thể hiện sự sụp đổ của sức mạnh vũ khí Mỹ trên dải đất Việt Nam, đó là lý do tôi sưu tầm nhiều loại vỏ bom và dựng chúng ở trước sân” - ông Hoan chia sẻ.

Những vỏ bom này ông mua khắp nơi trên địa bàn Nghệ An, nhiều nhất là khu vực các xã ven biển huyện Nghi Lộc và vùng Bến Thủy - Núi Quyết của thành phố Vinh. Hễ hay tin người nào vô tình đào được bom ở trong lòng đất, lập tức ông Hoan tìm đến mua cho bằng được. Có khi đến chậm, chủ nhà đã bán vỏ bom cho những người buôn “đồng nát”, ông lại tiếp tục lần theo “dấu vết” để mua lại, rồi thuê xe chở về nhà.

Cách “bãi bom” vài chục mét là chiếc cột treo lỉnh kỉnh nào ba lô, mũ cối, súng lục, súng AK, lưỡi lê và mấy chiếc bi đông. Phía dưới cùng đặt chiếc bánh lái của một con tàu vận tải quân sự của miền Bắc chở vũ khí và các loại phương tiện chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiếc bánh lái này ông mua tận Quy Nhơn (Bình Định), một vật tưởng chừng như rất đỗi bình thường nhưng số tiền bỏ ra mua bằng mấy tháng lương cộng lại. Còn khẩu AK và K54 cũ, ông Hoan tìm mua ở Quảng Trị, khẩu AK là của một người lính, khẩu K54 là của một sĩ quan chỉ huy, họ đều đã ngã xuống để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Mỗi một hiện vật đều chứa đựng một câu chuyện bi tráng và một “khúc tâm tình” của người lính chiến một thời.

nang long voi nhung ky vat chien tranh

Chiếc bánh lái của một con tàu vận tải quân sự thời chiến

Ông Hoan mở cửa nhà dẫn chúng tôi vào một gian phòng đặt mấy chiếc tủ cất giữ hiện vật. Những chiếc bộ đàm, máy điện thoại, cặp lồng, bi đông, mũ sắt, ống nhòm, dao găm, đai lưng... là vật dụng những của người lính cả hai bên chiến tuyến đều được chủ nhà sưu tầm và cất giữ. Hầu hết các hiện vật ở đây còn mới và nguyên vẹn, chiếc bi đông còn bóng nước sơn xanh, ống nhòm vẫn đen bóng, lưỡi dao găm còn sáng loáng... Tất cả như đều muốn nói lên tiếng nói của riêng mình, rằng cuộc chiến tranh như vừa mới diễn ra hôm qua, rằng cuộc chiến ấy còn bao điều phải suy ngẫm, bao điều còn day dứt và ám ảnh.

Tại một căn nhà khác nằm tách biệt ở góc vườn, là món quà của người con trai tặng bố để cất giữ, bảo quản các hiện vật chiến tranh. Diện tích căn nhà chừng 40m2, phía trong chất đầy các đồ vật được dùng trong thời chiến tranh chống Mỹ như máy chữ, đèn măng sông, bát đĩa, túi dù của lính Mỹ và rất nhiều các đồ vật khác đang được chủ nhân cất giữ, có thể xem là một Bảo tàng mi ni. Ở chính giữa đặt một chiếc bàn, nơi cất giữ một số kỷ vật vật của người thân trong gia đình, là người bố ông Hoan (ông Võ Văn Lưu - một chiến sĩ chống Pháp), mẹ ông (bà Nguyễn Thị Thậy - một người mẹ liệt sĩ) và hai người anh trai là Võ Văn Hiến (liệt sĩ chống Pháp), Võ Văn Hồ (liệt sĩ chống Mỹ). Bên cạnh đó, gia đình ông còn có người anh rể là Nguyễn Hữu Phúc cũng là liệt sỹ chống Mỹ. Trên bàn đặt rất nhiều các loại huân - huy chương của Nhà nước, là những “vật chứng” về truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, trở thành một dòng chảy tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

nang long voi nhung ky vat chien tranh

Chiếc áo của người mẹ được ông Võ Văn Hoan treo bên bàn thờ

Trên tường treo một tấm áo gắn đầy huân chương sáng chói, là tấm áo của người mẹ đã quá cố, ông Hoan nhắc đến với muôn vàn tình yêu thương và kính trọng. Cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, người mẹ thân yêu của ông tiễn chồng, rồi tiễn con ra mặt trận, để rồi ở quê nhà đằng đẵng chờ mong, như câu hát: “3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”. Người mẹ ấy không cầm súng và đương đầu với kẻ thù, chỉ biết âm thần làm lụng, lặng lẽ đợi chờ và hy vọng, nén nỗi đau vào tận đáy lòng, suốt cuộc đời gắn với những chiếc áo sờn và rách.

Treo chiếc áo gắn huân chương, ông Võ Văn Hoan muốn nhắc nhở con cháu và nhắc nhở chính mình công đức vô bờ của người mẹ, người bà, người cố; là điểm tựa, nguồn ánh sáng của cuộc đời thế hệ cháu con. Mỗi khi gặp phải muộn phiền, ông lại đứng trước bàn, ngắm chiếc áo của mẹ, như có một sức mạnh diệu kỳ giúp cân bằng cuộc sống, lòng chợt thanh thản, nhẹ nhàng.

nang long voi nhung ky vat chien tranh

Hòn gạch được ông Võ Văn Hoan lấy về từ Thành cổ Quảng Trị

Và trên chiếc bàn trang trọng ấy còn có 2 hiện vật khá đặc biệt, là hòn gạch vỡ và hòn sỏi nhỏ, 2 thứ tưởng chừng như vô tri, vô giác này lại gắn với những điều rất đỗi lớn lao của gia đình và đất nước. Hòn gạch vỡ ông Hoan nhặt trong một lần vào thăm chiến tích Thành cổ Quảng Trị, nơi hơn 40 năm trước diễn ra cuộc đối đầu mất-còn giữa ta và địch, bao người đã ngã xuống cho đồng đội vượt lên giành chiến thắng, địa điểm này thành chốn linh thiêng. Đến đây, nghe vang vang khúc ca: “... Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh...”.

Dòng lệ nhạt hòa, ông với tay nhặt viên gạch vỡ, cất cẩn thận vào chiếc ba lô rồi về đặt lên bàn. Với nhiều người đó là một điều kiêng kỵ, nhưng với ông nó rất đỗi bình thường, bởi một điều hết sức giản đơn, hòn gạch ấy bị bom đạn kẻ thù băm vỡ và thấm máu bao chiến sỹ, là nơi trú ngụ của linh hồn những người lính đã ngã xuống vì hòa bình và thống nhất. Còn hòn sỏi ông Hoan nhặt trong một lần vào chiến trường xưa tìm mộ anh trai Võ Văn Hồ. Khu vực xác định anh trai hy sinh là suối Đá Tượng, thuộc xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân - Bình Định). Lần ấy, không tìm được mộ anh, ông Hoan xuống suối nhặt một hòn sỏi về đặt lên bàn với một niềm tin con suối ấy anh đã đi qua, hòn sỏi ấy anh đã chạm tới. Và linh hồn của liệt sỹ Võ Văn Hồ sẽ theo hòn sỏi ấy về đoàn tụ với gia đình, chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương, làng xóm.

nang long voi nhung ky vat chien tranh

Hòn sỏi được ông Võ Văn Hoan nhặt về từ con suối nơi người anh trai ngã xuống

Mải mê với những câu chuyện và “Bảo tàng chiến tranh”, cả chủ và khách đều không để ý trời đã sắp tối, thời gian đã đi hết một buổi chiều kể từ đầu cuộc gặp gỡ. Chia tay những người khách, ông Hoan chợt giãi bày: “Có người bảo tôi là gàn, là khó hiểu vì suốt ngày “săn tìm” các hiện vật thời chiến rồi về chất đầy nhà, trong khi chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Nhưng tôi lại nghĩ khác, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, nhưng chúng ta không bao giờ được phép lãng quên quá khứ!”.

Trần Công Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc