Thủ tướng Đức Angela Merkel

Nạn nhân của chính trị nhân đạo

07:05 | 30/09/2016

833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ một người phụ nữ đầu tiên được tạp chí danh tiếng hàng đầu thế giới Time bình chọn là “Nhân vật của năm” 2015, vì những thành tích lãnh đạo, nổi bật là trong vấn đề khủng hoảng người tị nạn Syria, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có nguy cơ trở thành “nạn nhân” của chính đường lối chính trị nhân đạo của mình, sau khi cử tri Berlin và một số khu vực khác đang dùng lá phiếu để bày tỏ sự phản đối với chính sách di trú được coi là rất cởi mở của bà.  

“Làm ơn mắc oán”

Ngược thời gian cách đây chừng một năm, giữa lúc “bão khủng hoảng di cư” hoành hành ác liệt, nước Đức - dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, đã mở cửa tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn, góp phần đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, làm giảm sức ép lên các quốc gia khác ở châu Âu. Hành động rộng lượng, hào phóng, cởi mở của Đức đã lan tỏa khắp châu Âu và sau đó là cả thế giới. Hàng triệu triệu trái tim người trên thế giới như ấm lại, được tiếp thêm lòng tin về lòng nhân ái của con người khi người phụ nữ này tuyên bố nước Đức sẽ mở cửa không giới hạn cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh, áp bức và khẳng định Đức, cũng như Liên minh châu Âu (EU) có nghĩa vụ tiếp nhận những người tị nạn thuộc diện này. Người ta ngợi ca bà Merkel là “anh hùng”, gọi bà là “Mẹ”, là “Mẹ của những người tị nạn” và người phụ nữ này cũng đã kiên định bảo vệ chính sách mở cửa đầy dũng cảm và mạo hiểm của mình cho đến tận những tháng giữa năm 2016.

nan nhan cua chinh tri nhan dao

Còn hiện tại, nữ Thủ tướng Đức đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài, khiến tương lai chính trị của bà rất bấp bênh.

Ngoài kia, sau những hàng rào thép gai dọc biên giới các nước châu Âu, hàng trăm, hàng triệu người tị nạn Trung Đông vẫn nuôi hy vọng được đổi đời ở những “miền đất hứa” và Đức - đất nước của “Mẹ Merkel” đương nhiên là mơ ước lớn nhất của họ. Với vai trò là “đàn anh”, Đức vừa phải chạy đi chạy lại thu xếp với một Thổ Nhĩ Kỳ “đỏng đảnh” để bảo đảm thỏa thuận kiểm soát dòng người tị nạn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu không bị phá vỡ, vừa phải đóng vai trò hàn gắn những rạn nứt trong EU, do bất đồng nội bộ giữa các thành viên cũng vì chính sách với người tị nạn. Rạn nứt này lớn đến nỗi, trung tuần tháng 9 này, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg, Jean Asselborn đã kêu gọi đình chỉ hoặc thậm chí trục xuất Hungary khỏi EU vì "vi phạm nặng nề" các giá trị cơ bản của EU, khi đối xử với người tị nạn tệ đến mức chỉ thiếu nước ra lệnh nổ súng vào họ.

Còn ở nước Đức, bà Merkel cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong xã hội và chịu áp lực ngày càng gia tăng ngay trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà.

Từ hồi năm ngoái, khi đón nhận hơn một triệu người xin tị nạn tại Đức, khiến đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, bà Merkel cũng đã phải chứng kiến sự rạn nứt trong lực lượng ủng hộ mình. Chủ tịch Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Horst Seehofer, đảng bảo thủ liên minh với CDU ở cấp liên bang đã tỏ ý không đồng tình với quan điểm của bà Merkel về vấn đề người tị nạn. Ông Seehofer, Thủ hiến bang Bayern, thậm chí còn yêu cầu Chính phủ Đức chặn đứng dòng người di cư đang tìm cách xin tị nạn tại Đức.

Hồi tháng 7 vừa qua, sau khi xảy ra các vụ tấn công do các đối tượng Hồi giáo cực đoan thực hiện tại hai thành phố Wurzburg và Ansbach, chính sách mở cửa với người tị nạn của bà Merkel lại trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.

Và hiện tại, trong cuộc bầu cử địa phương hôm 19-9 vừa qua, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel đã mất 5,6% tỷ lệ ủng hộ của cử tri, kết quả tệ hại nhất trong lịch sử bầu cử ở thủ đô Berlin kể từ ngày nước Đức thống nhất. Đây là thất bại thứ 5 trong vòng 6 tháng của đảng này. Trong khi đối tác liên minh với CDU tại tiểu bang là đảng Dân chủ Xã hội cũng vừa phải chứng kiến một cú sốc thật sự sau kết quả bầu cử đầy thất vọng cho đảng này. Trước đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ số tín nhiệm đối với bà Merkel đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Những điều này làm dấy lên mối hoài nghi rằng, nhân vật quyền lực nhất châu Âu liệu có thể tiếp tục nắm giữ vị trí của mình trong một nhiệm kỳ thứ tư nữa hay không?

Chỉ cần điều chỉnh sẽ không muộn màng?

Nhưng giới quan sát cho rằng, từ nay đến cuộc bầu cử liên bang còn 1 năm nữa và bà Merkel trong thời gian này vẫn có thể lấy lại niềm tin của cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội tới, nếu bà điều chỉnh chính sách nhập cư của mình. Bởi trong một thời gian rất dài, Thủ tướng Merkel không có đối thủ, không ai có thể công kích bà dưới góc độ chính trị. Điều khiến đảng của bà Merkel bị mất điểm trong mắt dư luận là chính sách nhập cư. Nhưng thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, “người đàn bà thép” này có vẻ đang bớt lạc quan về chính sách nhập cư và từng bước điều chỉnh đường lối chính trị.

Nếu như hồi tháng 7, bà Merkel vẫn khẳng định niềm tin vào chính sách di trú của mình khi nói: “Việc tiếp nhận người tị nạn không phải là một công việc dễ dàng, nhưng trong vòng một năm qua, nước Đức đã làm được rất nhiều và đã đạt được nhiều thành công”, thì từ đầu tháng 9 này, người ta không còn thấy bà Merkel nhắc lại "Chúng ta có thể làm được điều đó" (Wir schaffen das) nữa. Câu nói mà bà đã đưa ra tại một cuộc họp báo vào mùa Hè 2015 và liên tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần vào thời điểm mà cuộc khủng hoảng người tị nạn bắt đầu lan rộng. Câu nói đó đã trở thành biểu tượng cho ý chí và quyết tâm của người phụ nữ quyền lực trong chính sách tiếp nhận người tị nạn, thể hiện quan điểm đối lập với một bộ phận dư luận tại Đức. Còn đối với những người phản đối chính sách tị nạn, "Wir schaffen das" giống như một lời mời, một sự chào đón người di cư trên toàn thế giới đến với nước Đức. Hiện nay, dù không công khai thừa nhận, song bà Merkel đã cảm thấy không nên nói những câu nói kiểu như này nữa và chính sách tiếp nhận người tị nạn, di cư của bà buộc phải điều chỉnh.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Wirtschaftswocheparu mới đây, bà Merkel nói: “Đôi khi tôi nghĩ câu nói này đã bị phóng đại đến mức mà tôi không muốn lặp lại. Nó đã trở thành một khẩu hiệu suông, gần như là một công thức sản phẩm nào đó”. Và bà lấy làm tiếc khi “một số người thậm chí còn cảm thấy bị khiêu khích” vì câu nói đó.

Cũng từ nhiều tháng nay, nước Đức đã thắt chặt chính sách tị nạn. Trong đàm phán thỏa thuận giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức cũng nhắc tới việc khôi phục sự kiểm soát đối với tuyến đường di cư vào châu Âu.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu để tiếp tục nắm quyền Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, bà Angela Merkel có sẵn sàng chấp nhận các nhân nhượng lớn như: chấp nhận khống chế số người tị nạn tiếp nhận hàng năm ở mức 200.000 người, bỏ chế độ hai quốc tịch… hay không? Rất nhiều người trên thế giới này hy vọng, người phụ nữ cứng rắn có trái tim bao dung như bà sẽ không bị trở thành “nạn nhân” của chính đường lối chính trị nhân đạo của mình.

Từ hồi năm ngoái, khi đón nhận hơn một triệu người xin tị nạn tại Đức, khiến đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, bà Merkel cũng đã phải chứng kiến sự rạn nứt trong lực lượng ủng hộ mình. Chủ tịch Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Horst Seehofer, đảng bảo thủ liên minh với CDU ở cấp liên bang, đã tỏ ý không đồng tình với quan điểm của bà Merkel về vấn đề người tị nạn. Ông Seehofer, Thủ hiến bang Bayern, thậm chí còn yêu cầu Chính phủ Đức chặn đứng dòng người di cư đang tìm cách xin tị nạn tại Đức.

Linh Phương

Năng lượng Mới 560

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc