Nam dược chưa trị được nam nhân?

07:08 | 16/06/2016

1,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại buổi tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ Y tế và Báo Nhân dân tổ chức mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chỉ trong vòng 5 năm nếu trồng sâm Ngọc Linh thu nhập có thể lên đến 30 tỉ đồng. Và thực tế trên địa bàn của ông đã có những tỉ phú thực thụ người dân tộc chỉ nhờ trồng dược liệu này. Vậy mà ngay cả với dược liệu được coi là quý thuộc hàng bậc nhất không chỉ đối với họ nhà sâm mà trong di sản Nam dược nói chung này cũng đang mang một màu sắc ảm đạm. Đó còn là bức tranh chung của nền dược liệu Việt Nam.  

Giá trị mà chưa được chú trọng

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu được giới y học cổ truyền đánh giá là cực tốt khi tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, chống suy nhược và có thể cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể như tăng hồng cầu, giảm cholesterol, trị bệnh tiểu đường… vậy mà sâm Ngọc Linh lại đang gặp khó khăn ngay cả khi trồng ở vùng đất đắc địa của nó là ở núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum hay Quảng Ngãi. Sự khó khăn này không phải do nguyên nhân từ trời, đất mà chính từ sự chủ quan của con người thiếu chiến lược phát triển, quy hoạch rõ ràng, quản lý, giám sát chưa chuyên nghiệp.

nam duoc chua tri duoc nam nhan
Thượng tọa Thích Huệ Đăng bên cây sâm Ngọc Linh được trồng theo phương pháp nuôi cấy mô

Ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: “Đối với cây sâm Ngọc Linh công tác bảo tồn và phát triển giống còn rất nhiều tồn tại dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh đặc hữu của địa phương như chưa hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, lâu dài. Sản phẩm làm ra ít về chủng loại và số lượng; Việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển, chưa có sự kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Chính bởi vậy, hệ lụy đầu tiên xảy ra là nhiều hộ gia đình nhổ bán sâm non khi chưa đến tuổi khai thác dẫn đến hiệu quả giá trị kinh tế mang lại không cao, tình trạng mất trộm sâm trong nhân dân thường xuyên xảy ra, làm cạn kiệt nguồn cây giống”.

Và điều đáng nói hơn trong hoàn cảnh cây sâm Ngọc Linh dù là dược liệu vô cùng quý, được đánh giá tốt nhất trong các loại sâm, kể cả so với sâm ở nơi xứ sở của nó là Hàn Quốc, nhưng từ sự yếu kém trong bảo tồn và phát triển giống cây trồng vô tình đã tạo cho Trung Quốc cơ hội cạnh tranh ngấm ngầm khi trên quê hương bản quán của họ đã trồng sâm Ngọc Linh. Và cả người Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tìm đến loại cây này tại huyện Nam Trà My. Tại buổi Tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững”, ông Hồ Quang Bửu đã xót xa, tiếc nuối khi đưa ra những hình ảnh này.

60% dược liệu không đạt chất lượng

Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 80% dược liệu trong số nguyên liệu phải dùng là 60.000 tấn/năm. Mà quan trọng hơn là chất lượng dược liệu nhập khẩu này - chủ yếu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc có chất lượng rất kém hoặc là đã bị chiết xuất hoạt chất hoặc là dược liệu kém chất lượng. Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế đã bức xúc: “Hầu hết dược liệu thông quan qua cửa khẩu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, chỉ được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm chất lượng để làm thuốc do đã bị chiết xuất một phần hoạt chất hoặc kém chất lượng”.

Để minh chứng cho điều này, Cục trưởng Khánh đã dẫn chứng riêng năm 2015, với 227 mẫu dược liệu lấy để kiểm nghiệm thì có tới 60% không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, dược liệu giả… Trong đó, dược liệu dùng sai loài so với quy định là Ý Dĩ, Hoàng Kỳ, Thăng Ma, Thiên Ma, Hoài Sơn… Dược liệu bị làm giả là Liên nhục (dùng phần bỏ đi sau khi lấy liên tâm); Dược liệu kém chất lượng gồm Cam thảo, Hoa hòe, Ba Kích… Dược liệu bị rút hết hoạt chất chỉ còn “xác” là Huyết Đằng…

Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng đưa ra con số 60% của 400 mẫu dược liệu kiểm nghiệm không đạt chất lượng. Trong đó 20% bị trộn rác, cát, xi măng lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khái quát về ngành dược liệu: “Cái khó hiện nay của Việt Nam là cung ứng thuốc cả đông y và tây y cả nước mới đạt được 50% yêu cầu. Trong đó, y học dược liệu mới đáp ứng được 20%, nhập khẩu 80%. Cùng với đó, các thuốc dược liệu chưa được công bố theo GACP-WHO (các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) để ưu tiên trong danh mục đấu thầu. Đã vậy nguồn nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu theo con đường tiểu ngạch không đạt chất lượng. Trong khi Việt Nam là 4 nước có truyền thống đông y và dược liệu”.

“4 nhà” liên kết không chặt chẽ

Nguyên nhân của vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng mối liên kết giữa “4 nhà” gồm: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu chưa chặt chẽ và vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Như trong lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Nhà nước, theo ông Phạm Vũ Khánh nguồn dược liệu trong nước chưa được đầu tư phát triển, chất lượng dược liệu nhập khẩu không kiểm soát được, hệ thống trung tâm kiểm nghiệm chưa được đầu tư thích đáng nên trang thiết bị không đáp ứng được công tác kiểm nghiệm, các phiếu kiểm nghiệm chất lượng do trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố thì chưa đầy đủ các tiêu chí chất lượng theo Dược điển và chỉ có giá trị đối với các mẫu thử, trong khi đó các cơ sở kinh doanh chưa thực hiện kiểm soát dược liệu theo lô nên phiếu kiểm nghiệm chỉ mang tính chất thủ tục, không thể kiểm soát được chất lượng của các dược liệu…

Th.S Vũ Thị Thuận, đại diện Công ty CP Traphaco nói: “Hệ thống sản xuất, cung ứng dược liệu ở ta rất manh mún, không bảo đảm đủ số lượng cho sản xuất công nghiệp”. Tuy nhiên, ở đây cũng cần đề cập một vấn đề đó là đối với một số nhà nông khi phải bán cả nhà cửa để có vốn tìm kiếm, nuôi trồng, nhân giống và phát triển để bảo tồn đồng thời bào chế, sản xuất thành công sản phẩm từ dược liệu như trường hợp của thầy Thích Huệ Đăng, Công ty CP Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam đã thành công với quy trình trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô. Thế nhưng đối với ông, Nhà nước cũng không có một chế độ ưu đãi, hay động viên nào để khuyến khích công tác bảo tồn và phát triển giống của họ. Ngay cả khi quy trình nuôi trồng của ông đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng Sáng chế độc quyền. 

Về khoa học công nghệ, ông Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện trưởng Dược liệu cho rằng, trong khi dược liệu phong phú, tiềm năng giá trị gia tăng rất lớn nhưng khoa học công nghệ áp dụng trong lĩnh vực chưa tương xứng. Như sâm Ngọc Linh của Việt Nam giá trị thì ai cũng biết nhưng ngoài thành phẩm chính là củ, chỉ có thực phẩm chức năng được sản xuất đóng thành sinh khối viên nang hoặc viên thông thường.

Danh y Tuệ Tĩnh từng dạy rằng: “Nam dược trị Nam nhân” để khẳng định chất lượng, giá trị của Nam dược đối với người dân nước Nam. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, thì thực sự “Nam dược chưa trị được Nam nhân”.

Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, chất lượng, phương thức để ưu tiên dùng các thuốc có nguồn gốc dược liệu nhằm khuyến khích người dân trong nước sử dụng thuốc này theo chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”.

Hầu hết dược liệu thông quan qua cửa khẩu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, chỉ được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm chất lượng để làm thuốc do đã bị chiết xuất một phần hoạt chất hoặc kém chất lượng.

Tú Anh

Năng lượng Mới 531

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.