Mỹ và Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo?

15:37 | 13/06/2018

395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bản thỏa thuận được ký giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/6 tại Singapore, Bình Nhưỡng chấp thuận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế và bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Đây chỉ là thỏa thuận chung chung, vấn đề tiếp theo là hai nước sẽ phải làm gì để cụ thể hóa cam kết trên?
my va trieu tien se lam gi tiep theo
Phái đoàn Triều Tiên và Mỹ họp tại Singapore ngày 12/6

Tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên theo đòi hỏi của Mỹ là phải được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Việc này sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc.

Sau thượng đỉnh giữa ông Trump và lãnh đạo Kim Jong Un, các chuyên gia từ hai nước sẽ họp lại để bàn về các vấn đề kỹ thuật cùng thực hiện tiến tháo gỡ toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nhà khoa học nguyên tử Siegfried Hecker cảnh báo quá trình dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân Triều Tiên là một tiến trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn và kéo dài ít nhất là 10 năm. Một báo cáo mới đây mà chuyên gia Hecker là đồng tác giả, nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa dần dần sẽ cho phép hai bên thiết lập sự tin cậy và nhận thức được tình trạng phụ thuộc lẫn nhau là điều kiện cần thiết cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, chắc chắn.

Theo các chuyên gia, việc các thanh tra quốc tế được phép vào các cơ sở hạt nhân, như cơ sở chính Yongbyon và việc ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium là các giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất. Chuyên gia địa chính trị Pháp Mathieu Duchatel nhận định một tiến trình phi hạt nhân hóa không thể khởi sự sau thượng đỉnh Singapore, nếu hai bên không đạt được ngay lập tức một số kết quả cụ thể.

Để quan hệ Mỹ - Triều thực sự được cải thiện, hai nước còn cả một quãng đường dài để đi. Trên đó có rất nhiều chướng ngại vật mà nếu hai bên không có lòng tin vào nhau thì khó có thể vượt qua. Lịch sử đã cho thấy, một thỏa thuận khung về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên từng được ký năm 1994 đã đổ bể vì Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật sử dụng uranium làm giàu để duy trì chương trình hạt nhân. Đặc biệt hiện nay cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều nổi tiếng là người “nóng tính” và dễ thay đổi.

Một điểm rất quan trọng được các chuyên gia lưu ý là trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc không nên có cuộc tập trận chung nào nữa bởi vì từ trước đến nay những cuộc tập trận này luôn được xem là ngòi nổ cho những phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên.

Nh.Thạch

AFP