Mỹ “khôn lỏi” trước vấn đề di dân

14:00 | 21/09/2015

2,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau những chỉ trích từ phía các nước đồng minh châu Âu, vốn đang khổ sở vì người chạy nạn, Mỹ đã chấp thuận nhận thêm di dân. Nhưng con số tăng vẫn còn quá thấp so với trách nhiệm mà đáng lý nước Mỹ phải gánh vác.
my khon loi truoc van de di dan
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) cùng người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier ở Berlin, ngày 20/9

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Đức hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Mỹ sẽ gia tăng đáng kể số người di cư trên toàn thế giới được vào Mỹ trong vòng hai năm tới.

Trong thông báo hồi tuần trước, Mỹ nói số người tị nạn từ khắp nơi được nhận vào nước này trong năm sau sẽ tăng từ 70.000 lên đến 85.000. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận về tình trạng người Syria ồ ạt tìm cách trốn khỏi cuộc nội chiến ở quốc gia này với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Kerry tuyên bố tại cuộc họp báo rằng còn số trên sẽ tăng đến 100.000 vào năm 2017.

Theo lời các viên chức Mỹ, nhiều người, nhưng không phải tất cả, trong số được tăng này sẽ đến từ Syria. Một số người khác sẽ đến từ khu vực đang bị xung đột tàn phá tại châu Phi.

Khi được hỏi tại sao Mỹ không thể nhận nhiều hơn, Ngoại trưởng Kerry giải thích rằng sau các vụ khủng bố 11/9/2001, thủ tục sàng lọc người vào Mỹ trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra hiện ngân sách do Quốc hội phê chuẩn dành cho việc tiếp nhận di dân rất eo hẹp.

“Chúng tôi chỉ nhận những gì mình có thể kham nổi. Mỹ không thể đơn giản hóa những thủ tục an ninh”- ông Kerry giải thích thêm.

Giới lập pháp Mỹ lập tức bày tỏ quan tâm về nguy cơ của việc nhận thêm di dân. Các nhóm khủng bố Hồi giáo “đã bày tỏ rất rõ là họ sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng tị nạn để tìm cách lọt vào nước Mỹ. Giờ đây Chính quyền Obama muốn đưa thêm vào Mỹ người Syria, mà không có kế hoạch cụ thể để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố sẽ không thể nhập cảnh”- Thượng nghị sĩ Chuck Grassley lập luận.

Bất chấp việc Mỹ công bố tăng số di dân được nhận vào nước này trong hai năm tới, giới đấu tranh vẫn lên tiếng chỉ trích và cho rằng mức tăng này không được như kỳ vọng của họ.

Mỹ là quốc gia “đầu têu” cho những vụ đảo lộn chính thể tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, khiến người dân ở những nơi này phải chạy loạn chiến tranh, nhưng giờ lại chỉ nhận một số ít ỏi người tị nạn. Trong khi các nước châu Âu, có nhiều nước nghèo hơn Mỹ rất nhiều nhưng vẫn tiếp nhận làn sóng người nhập cư ồ ạt như Áo chẳng hạn.

Một nhà phân tích Pháp mới đây nói với tờ Le Monde rằng cử chỉ của Washington như thế là không đẹp và có phần “khôn lỏi” trước các đồng minh châu Âu. Liệu đây có phải là một “truyền thống” trong chính sách ngoại giao của Mỹ từ sau Thế chiến thứ nhất?

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)