Mỹ-Gruzia đau đầu vì Nam Ossetia đòi sáp nhập vào Nga

07:15 | 30/05/2016

4,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 27/5, Nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia đã công bố thời điểm trưng cầu dân ý về vấn đề sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga vào năm 2017, khiến cả Gruzia và Mỹ đều cực lực phản đối.

Nam Ossetia trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga năm 2017

Giới truyền thông Tskhinvali (thủ đô không được công nhận của Nam Ossetia) cho biết, một cuộc trưng cầu về sáp nhập Nam Ossetia với Liên bang Nga sẽ được tổ chức vào năm 2017.

Một văn bản chính thức đã được Tổng thống Leonid Tibilov và Chủ tịch Quốc hội Anatoly Bibilov ký vào ngày 26/5, trong đó quyết định cuộc trưng cầu ý kiến về việc sáp nhập nước Cộng hòa ly khai này vào Liên bang Nga, sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử tổng thống Nam Ossetia.

Quyết định cho biết, quyết định này của Hội đồng chính trị dưới quyền Tổng thống nước Cộng hoà Nam Ossetia xuất phát từ những lợi ích lâu dài của nhân dân nước này và nỗ lực đảm bảo sự ổn định tình hình chính trị-xã hội tại Nam Ossetia, trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Thư ký báo chí của Tổng thống là bà Gana Yanovska cho biết rằng, các nhà hoạch định kế hoạch thuộc Văn phòng Tổng thống Nam Osetia đã xác định những câu hỏi chính thức để nhân dân lựa chọn trong cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên bang Nga.

Theo đó, hơn hơn 50.000 công dân của nước cộng hòa sẽ được hỏi về việc sửa đổi Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hoà, theo hướng Nam Ossetia sẽ có quyền tham gia liên minh với các quốc gia khác và chuyển giao cho các cơ quan lãnh đạo của liên minh một phần quyền hạn của mình.

my gruzia dau dau vi nam ossetia doi sap nhap vao nga
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rút qua cây cầu bắc qua sông Inguri ở phía tây Georgia vào tháng 10/2008, sau khi kết thúc “Cuộc chiến 5 ngày”

Họ sẽ được yêu cầu chấp thuận bổ sung vào Hiến pháp điều sau đây: "Dựa trên kết quả của cuộc bỏ phiếu toàn dân ngày 19 tháng 1 năm 1992 (trưng cầu dân ý đòi ly khai khỏi Gruzia), Tổng thống nước Cộng hoà Nam Osetia, sau khi tham khảo ý kiến ​​Quốc hội, sẽ có quyền đề xuất với ban lãnh đạo Liên bang Nga về việc tiếp nhận nước Cộng hoà Nam Ossetia vào thành phần Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể mới và ký kết thỏa thuận với Liên bang Nga về việc sáp nhập Cộng hoà Nam Ossetia vào Liên bang Nga”.

Mỹ và Gruzia phản đối Nam Ossetia sáp nhập vào Nga

Phát biểu trước toàn dân về vấn đề này, Tổng thống Nam Ossetia Leonid Tibilov nhấn mạnh, thực tế chính trị hiện nay buộc Nam Ossetia phải có lựa chọn lịch sử, tái thống nhất với Nga, để đảm bảo an ninh và phát triển cho nhà nước cộng hòa và toàn thể nhân dân.

Ông bày tỏ sự tin tưởng 100% rằng, toàn thê nhân dân nước này sẽ nói “Đồng ý” và các nhà lãnh đạo đất nước vững tâm gửi đề nghị tới Tổng thống và Quốc hội Liên bang Nga lời đề nghị sáp nhập lãnh thổ của Nam Ossetia.

Vào thời điểm đó, Nam Ossetia chưa nêu chính xác ngày bỏ phiếu và chỉ cho biết là sự kiện sẽ diễn ra trước khi kết thúc mùa hè năm nay. Hiện chưa rõ vì lí do gì mà thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này lại được lùi lại sang năm 2017.

Được biết, ngay từ khi nước cộng hòa ly khai này mới đưa ra ý tưởng đòi sáp nhập vào Liên bang Nga đã khiến Gruzia rất tức giận. Nước này đã ra tuyên bố phản đối trưng cầu dân ý ở Nam Ossetia, đồng thời kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu ngăn chặn việc này.

my gruzia dau dau vi nam ossetia doi sap nhap vao nga
Nam Ossetia có quốc kỳ và hộ chiếu đất nước riêng

Thủ tướng Gruzia Georgi Kvirikashvili phát biểu rằng, ban lãnh đạo của khu vực ly khai này đang tiến hành những hành động bất hợp pháp, không chỉ xâm hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Gruzia, mà còn có thể gây những hậu quả xấu cho tình hình vốn đã phức tạp ở Nam Kavkaz.

Ngày 27/5, đại diện của Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố ủng hộ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, đồng thời tái khẳng định sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Nam Ossetia.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố, Hoa Kỳ coi Nam Ossetia là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Gruzia, vì thế Washington sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực đòi độc lập và sáp nhập vào Nga của khu vực ly khai này.

Thực chất quan hệ giữa Nga và các vùng ly khai của Gruzia

Được biết, Nam Ossetia và Abkhazia là 2 vực đòi độc lập, tách ra từ Gruzia. Đây cũng là nguyên nhân gây ra “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Nga với Gruzia vào năm 2008, mở đầu bằng việc Tbilisi xua quân đánh vào thủ phủ Tkhinvali của Nam Ossetia vào ngày 7/8/2008.

Ngày 8/8/2008, Tổng thống Nga khi đó là ông Medvedev đã ra lệnh cho quân Nga đã đánh sang Nam Ossetia và truy đuổi quân Gruzia về tận thủ đô Tbilisi. Đồng thời, Moscow cũng hỗ trợ vùng ly khai Abkhazia đánh đuổi quân đội Gruzia khỏi khu vực này.

my gruzia dau dau vi nam ossetia doi sap nhap vao nga
Binh lính quân đội nước Cộng hòa ly khai Nam Ossetia

Sau đó, Moscow đã công nhận quyền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia vào ngày 26/8/2008. Sau cuộc chiến này, Chính phủ Gruzia vẫn tuyên bố coi 2 vùng này là “lãnh thổ bị chiếm đóng”, đồng thời đặt chính quyền quản lý 2 khu vực này ở thủ đô Tbilisi.

Sau đó, các khu vực này đã chuyển sang sử dụng đồng Rúp và phần lớn ngân sách của đất nước là do Nga cung cấp. Ngày 6/3/2015, Nga và Nam Ossetia ký “Hiệp ước Liên minh và Hội nhập”. Trước đó, Moscow cũng đã ký “Hiệp định hợp tác quân sự và kinh tế” với Abkhazia vào ngày 25/11/2014

Các Hiệp định này có thời hiệu trong 25 năm và có thể gia hạn 10 năm một lần. Nó được coi là cơ sở để thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Moscow với các vùng này về kinh tế-xã hội, cũng chính sách đối ngoại và quốc phòng, trong khi vẫn duy trì quyền tự chủ của họ.

Tuy nhiên, đây thực chất là hành động “giương ô bảo hộ” cho các vùng lãnh thổ ly khai này của Nga, bởi ngoài các vấn đề về kinh tế, điểm quan trọng nhất của các Hiệp định này là việc hợp nhất các lực lượng an ninh và quân đội 2 nước dưới quyền chỉ huy của Moscow.

Điều này đồng nghĩa với việc tuy không sáp nhập Abkhazia và Nam Osetia vào lãnh thổ của mình nhưng trên thực tế, Moscow đã biến 2 nước cộng hòa ly khai này đã trở thành một thực thể thuộc Nga và duy trì “ô bảo hộ” toàn diện với họ.

Nguyễn Ngọc Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc