Mỹ an ủi những đồng minh vừa bị... bán tháo

13:50 | 21/07/2015

1,684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến thăm an ủi 3 nước đồng minh ở Trung Đông vừa bị Washington bán tháo bằng thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và người đồng cấp Israel Moshe Ya'alon tại Tel Aviv ngày 20/7

Ngày 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu chuyến công du 3 nước đồng minh ở Trung Đông là Israel, Arập Xêút và Jordan. Lãnh đạo Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ khẳng định lại những cam kết của Washington về vấn đề an ninh của các đồng minh trong khu vực, trước những lo ngại bị Iran đe dọa.

Trên chuyến bay tới Israel, ông Carter tuyên bố không kỳ vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel từ bỏ lập trường phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Thay vào đó, ông sẽ nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này không áp đặt bất cứ hạn chế nào đối với các hoạt động của Washington, nhằm đảm bảo an ninh của Israel cũng như các nước đồng minh của Mỹ tại Arập.

“Một trong những lý do cho thấy thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận tốt chính là không ngăn cản các biện pháp quân sự. Thỏa thuận này đã loại bỏ mối đe dọa và sự bất ổn trong khu vực một cách toàn diện và có thể kiểm chứng được”, ông Ashton Carter cho hay.

Phát biểu tại cuộc nói chuyện với người đồng cấp Israel ở Tel Aviv hôm 20/7, ông Carter nói thỏa thuận đã ký kết về chương trình hạt nhân của Iran không có nghĩa là từ bỏ việc dùng hành động quân sự chống Iran nếu phát hiện Tehran xúc tiến chế tạo bom nguyên tử. Bộ trưởng Carter an ủi thêm: “Israel là viên gạch nền trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Khu vực này phức tạp và đáng quan ngại nhưng chúng tôi hiểu rõ lợi ích của mình và một tiêu chí trong đó là tình hữu nghị-đồn minh với Israel”.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 21/7, ông Carter sẽ tới Arập Xêút và Jordan để tham vấn về ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đánh giá tiến triển của cuộc chiến chống IS trong khu vực.

Chuyến đi này của ông Carter là tối cần thiết vì thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 vào ngày 14/7 tại Vienna vừa tạo ra nhiều nguy cơ xung đột tiềm ẩn trong vùng Trung Đông.

Về căn bản thì Mỹ - và các khuynh hướng chính trị bên trong - không muốn mở thêm một cuộc chiến khác tại vùng Trung Đông và còn muốn trút bớt gánh nặng tại Trung Ðông nên từ thời chính quyền George W. Bush đến chính quyền Obama đều có chung một chính sách là vừa gây áp lực vừa khuyến dụ để Iran giữ một vai trò cân bằng trong tương quan lực lượng của cả khu vực.

So với Chính quyền Bush, Obama có thể đã lùi quá xa kể từ đầu năm 2010, và nay lại cho Iran quá nhiều lợi thế. Một lý do giải thích là các nước đồng minh châu Âu của Mỹ, chưa nói đến hai đối thủ là Nga và Trung Quốc, đều lẻn vào sân sau để cộng tác và trục lợi với Iran. Chuyện cấm vận không công hiệu, dù gây thiệt hại cho Iran mà lại khiến Mỹ mất phần.

Việc Obama sốt sắng giải vây Iran đến độ nhận cả điều khoản tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí quy ước càng khiến các đồng minh trong vùng thêm e ngại. Chưa biết bao giờ Iran mới có bom hạt nhân nhưng trước mắt thì Arập Xêút, Israel và cả Thổ Nhĩ Kỳ đều suy tính lại về cục diện trong vùng. Họ cùng nhau tạo ra một trật tự khác trước sự lớn mạnh của Iran. Ðấy là một trật tự bất ổn, bên trong ngần ấy nước đều nghi ngờ mà vẫn cần đến sự can thiệp của Mỹ.

Giải pháp tạm bợ này có ưu điểm là nhờ đó, Mỹ khỏi phải dùng biện pháp quân sự nhằm phá vỡ kế hoạch hạt nhân của Iran. Nhược điểm là để lại một trường đấu tranh đầy bất trắc cho cả khu vực.

Với thỏa thuận với Iran, Mỹ có thể bớt một kẻ thù và tin rằng các đồng minh kia dù có hậm hực thì cũng chẳng thể đổi lập trường thành chống Mỹ. Lịch sử lại cho thấy, đây là một trường hợp khác có thể giải thích tính chất bất khả tín và gian hùng của nước Mỹ.

H.Phan

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc