Muốn thắng IS, phải cầu Nga?

07:00 | 06/06/2015

3,619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một loạt chiến thắng như chẻ tre của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên cả 2 mặt trận Iraq và Syria đang buộc liên minh quốc tế chống Thánh chiến do Mỹ dẫn đầu, cũng như Baghdad cần phải suy xét lại chiến lược của mình và thay đổi tư duy. Thậm chí, đã đến lúc Iraq phải cầu viện Nga nếu muốn đánh bại IS.

Năng lượng Mới số 428

Sự thất vọng của Iraq

Chưa bao giờ, Chính phủ Iraq lại thiếu niềm tin vào liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu như bây giờ.

Một loạt thành phố lớn lần lượt rơi vào tay IS, đến thành phố sát sườn thủ đô Baghdad là Ramadi cũng thất thủ, thiệt hại nặng về quân trang và vũ khí. Hôm 2/6/2015,  Thủ tướng Iraq Haidar Abadi đã quy trách nhiệm cho liên minh phương Tây và Arập “yểm trợ không quân thiếu hiệu quả, không theo dõi kỹ hoạt động của chiến binh Hồi giáo khi mà chúng chia từng đơn vị nhỏ và di chuyển nhanh”. Lãnh đạo Baghdad cũng đặt vấn đề là phải xem lại tại sao có rất nhiều kẻ khủng bố từ Arập Xêút, các nước vùng Vịnh, Ai Cập và thậm chí là các quốc gia châu Âu. Ông Abadi đặt câu hỏi: “Nếu vấn đề chỉ là do tình hình chính trị ở Iraq thì tại sao lại có người Mỹ, Pháp và Đức chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Iraq?”.

Muốn thắng IS, phải cầu Nga?

Biếm họa về việc Mỹ cùng các đồng minh Arập Xêút, Qatar... "xẻ thịt", gây bất ổn ở Trung Đông, từ đó "đẻ" ra các nhóm cực đoan như IS

Thủ tướng Iraq cay đắng thừa nhận rằng, tiếng là được liên minh hỗ trợ, rồi cam kết cung cấp nhiều loại vũ khí, đạn dược nhưng những gì mà Baghdad nhận được hầu như chẳng có gì, cho dù họ đang rất cần các tin tức, phương tiện tình báo và vũ khí, đặc biệt là tên lửa chống tăng. Theo ông Abadi, Iraq đang phải tự dựa vào bản thân mình, thậm chí là đang trông chờ Liên Hiệp Quốc sẽ chấp thuận, cho phép nước này mua vũ khí từ Iran để chống IS.

Ông Abadi thốt ra những lời này ngay tại Paris, nơi các quan chức ngoại giao, quân sự của 24 nước trong liên minh chống IS nhóm họp để xét lại chiến lược can thiệp và cố thuyết phục Bagdad chấp nhận hệ phái Sunni và cộng đồng Kurdistan tham gia sinh hoạt chính trị, đoàn kết dân tộc, coi sự ủng hộ của bộ phận cột trụ này là yếu tố không thể thiếu để tái chiếm lãnh thổ bị mất.

Dường như đối với phương Tây, nguyên nhân chính của những thất bại vừa qua trên chiến địa chống IS vẫn là từ phía Iraq. Trong khi đó, Baghdad - mặc dù chấp nhận cải thiện quan hệ Sunni - Shiite nhưng vẫn khẩn thiết yêu cầu một sự hỗ trợ lớn lao và cam kết mạnh mẽ hơn từ liên minh, thậm chí cần phải xét đến khả năng chuyển từ yểm trợ không quân sang tham chiến trên bộ. Tiếng nói chung giữa hai bên đang ngày càng trở nên mong manh, yếu ớt.

“Cứu tinh” Nga?

Trước hết, phải nói rằng, ISIL (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và khu vực Cận Đông) - tổ chức tiền thân của IS là một “sản phẩm” của chiến lược gây mất ổn định ở khu vực Trung Đông của Mỹ và phương Tây, chủ yếu nhằm làm suy yếu chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và ngăn chặn việc mở rộng chiến lược của Iran. Bản báo cáo Tình báo Quốc phòng (DIA) mới giải mật của Mỹ cho thấy, quốc gia này hoàn toàn nhận thức được hậu quả nguy hiểm từ việc can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.

Bằng cách trang bị vũ khí cho các lực lượng nổi dậy “ôn hòa”, Washington biết rằng việc này có thể tạo ra một nhóm phần tử cực đoan nguy hiểm. Sự phát triển của IS và sự khốn đốn của Iraq ngày nay cũng nằm trong dự liệu của Washington từ năm 2012: “ISIL có thể tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo thông qua liên minh của nó với các nhóm khủng bố khác tại Iraq và Syria, điều sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự thống nhất và bảo vệ lãnh thổ của Iraq”.

Rõ ràng, đối với phương Tây, Iraq chẳng khác nào một “con tốt thí” mà họ có thể hy sinh vì mục tiêu tiêu diệt chế độ tại Syria và cô lập Iran. Nhưng người Mỹ không kiểm soát được IS bây giờ. Mục tiêu của tổ chức khủng bố này là chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt để thiết lập một nhà nước chống phương Tây. Các chiến binh IS bắt đầu giết hại những nhà báo Mỹ - một thực tế khiến Washington thất vọng hơn nhiều so với những gì họ cảm thấy từ nỗi đau khổ mà trẻ em ở Syria và Donbass đã và đang phải chịu đựng từ các cuộc nội chiến tương tàn. Ở Mỹ, người ta không còn nhìn thấy IS như một lực lượng trong phong trào lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad như hồi năm 2011 nữa. Ngày nay, các chiến binh IS mang hình ảnh của một đội quân thần chết tiêu diệt các tín đồ Kitô và phá hủy các giá trị Kitô giáo.

Khi mất kiểm soát đối với IS, Washington có nguy cơ mất luôn cả Iraq - nơi đã trở thành “mồ chôn” gần 4.000 lính Mỹ. Baghdad hiện tại đang hướng về Nga như một cứu tinh. Baghdad đã có một lời cam kết từ Moskva qua lần Thủ tướng Haider al-Abadi công cán tới điện Kremlin hôm 21/5/2015. Theo đó, Nga sẽ dốc sức giúp Chính phủ Iraq đẩy lùi lực lượng IS ở nước này, sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Iraq để chống IS.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Nga có thể đánh bại IS, nhưng không chỉ là qua việc cung cấp vũ khí cho Baghdad, mà là với sự giúp đỡ của Iran - đồng minh của Moskva. Quốc gia từng đối địch với Iraq đang chiến tranh thực sự với IS qua việc hỗ trợ các nhóm vũ trang Hezbollah, Al-Quds và Basij. Bên cạnh đó, người Iran còn đang chiến đấu với các chiến binh IS tại Syria và Iraq. Chính Iran đã hỗ trợ rất lớn cho Iraq trong chiến dịch tái chiếm Tikrit - thành phố quê hương của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, từ tay IS hồi tháng 3/2015 và cũng chỉ có họ mới có thể ngăn chặn việc IS chiếm Baghdad, Damascus. Vấn đề là Mỹ cần phải chấp nhận thực tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Washington cũng cần phải tự điều tiết mối quan hệ với Iran trong tương quan quan hệ với các đồng minh thù địch với Tehran trong khu vực như Arập Xêút - quốc gia đi đầu trong nỗ lực dìm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục từ nửa cuối năm ngoái nhằm gây áp lực với cả Nga và Iran.

Về phía Moskva, như Giám đốc Viện Trung Đông Yevgeny Satanovsky nhận định: “Nga hiểu người mà mình hợp tác. Trong cuộc chiến chống IS, chính sách của Nga rất đơn giản. Chúng tôi cung cấp vũ khí và thông tin cho những người cần nó. Không ảo tưởng, không có mưu mô, không có ý thức hệ. Không có gì hết”.

Ánh Nguyệt