Hội họa độc lạ, độc bản

Mừng & lo

09:22 | 13/09/2017

898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự phát triển về chất liệu, cũng như những ý tưởng đột phá là dấu hiệu đáng mừng của hội họa. Nhưng mặt trái của những sáng tạo ấy cũng là điều mang lại nhiều trăn trở.

Đã có đột phá

Vẽ tranh trên mặt nước được đánh giá là một trong những sáng tạo đột phá của giới hội họa. Tất nhiên, nguồn gốc của nó không xuất phát từ Việt Nam nhưng lại được họa sĩ ta say sưa ứng dụng và tạo nên những dấu ấn riêng. Vẽ tranh trên mặt nước thực chất là kỹ thuật tô màu trong nước, để tạo ra hiệu ứng trên giấy. Bằng cách sử dụng những loại chất liệu nổi trên nước như sơn, mực... tác giả sẽ vẽ tranh trong nước sau đó cẩn thận áp giấy hoặc vải lên trên bề mặt nước để in tác phẩm vừa hoàn thành. Hiện nay, người ta vừa sử dụng loại mực truyền thống và cả sơn acrylic để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

mung lo
Nhiều ý kiến cho rằng graffiti đã bị “xử oan”, bản thân môn nghệ thuật này không khuyến khích sự bôi bẩn

Từ đầu năm 2013, “hội họa trong thời trang” là cụm từ được thường xuyên đề cập. Những nét bút ngang dọc, đầy ngẫu hứng, những chấm màu độc đáo hay thậm chí là một bản vẽ hoàn chỉnh đang ngập tràn các sàn diễn thời trang Việt. Trên nền những chất liệu truyền thống như lụa, sa tanh, cùng các thiết kế sáng tạo, họa tiết nét bút tạo nên sự khoáng đạt, tinh thần tự do, đầy màu sắc và sự tươi mới khiến người xem có cảm nhận thời trang có thể bước thẳng đến những cuộc triển lãm hội họa chứ không chỉ trên sàn catwalk.

Cách đây không lâu, một ông “Hai Lúa” đã khiến giới hội họa sửng sốt bởi những bức tranh bằng khói tuyệt đẹp của ông. Chưa từng được đào tạo về mỹ thuật, nhưng với tài hoa của mình, ông đã sáng tạo ra những bức họa khiến nhiều họa sĩ danh tiếng phải nể phục. Từ phác họa cho đến khi hoàn thành một bức tranh khói không dễ dàng như việc vẽ một bức tranh trên giấy. Khi khuôn tranh đã được phủ một lớp khói, người vẽ tranh sẽ sử dụng một cây kim và bắt đầu phác họa từng nét nhỏ. Phác họa xong, họa sĩ dùng một con dao nhỏ để cạo đi lớp khói màu đen. Tranh khói vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh. Những đường nét, mảng khối được cạo trắng sẽ kết hợp với những chi tiết còn lại để cho ra đời bức tranh hoàn chỉnh.

Sự phát triển của dòng tranh đồ họa - sản phẩm của máy tính cũng là dấu hỏi lớn: Tranh đồ họa có phải là hội họa hay không? Rất khó để thẩm định!

Một cách đơn giản hơn để tạo nên những bức tranh khói, họa sĩ có thể hơ giấy trên ngọn đèn dầu, lớp khói lưu lại trên bề mặt giấy có thể tạo nên một bức họa trừu tượng như thế nào, uyển chuyển ra sao không chỉ phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay mà còn rất ngẫu nhiên. Người ta có thể làm ra hàng trăm bức tranh khói để rồi chỉ chọn ra vài bức ưng ý. Tuy nhiên, tranh khói rất khó giữ vì chất liệu dễ “bay” nếu tác giả không tìm ra công nghệ bảo quản phù hợp.

Tranh được vẽ trên mặt nước hay tranh khói đều không thể sao chép, chúng là những tác phẩm độc nhất vô nhị, điều này mang đến những cảm hứng thú vị cho người sáng tác tranh. Tuy nhiên, những lo ngại cũng dần xuất hiện, người ta bắt đầu hoài nghi về khái niệm nghệ thuật và nghệ nhân khi mà bất cứ ai cũng có thể tạo ra tranh theo ý mình.

Lạ quá hóa dị ứng

Cho đến bây giờ, tranh cãi “graffiti (vẽ bằng sơn xịt lên những nơi có bề mặt phẳng) có phải là nghệ thuật hay không?” vẫn còn đó. Không có cá nhân, tổ chức nào đứng ra phân tích hay tranh luận vấn đề này. Thế nhưng không vì thế mà graffiti tự xóa mình trong cuộc sống hiện đại.

mung lo
Họa sĩ không chỉ vẽ tranh lên giấy, lên tường mà còn vẽ tranh lên quần áo và rất nhiều không gian khác nữa

Khi mới du nhập Việt Nam, graffiti từng làm người ta kinh ngạc. Phong cách, màu sắc và tư tưởng của graffiti vượt lên hẳn những trường phái hội họa khác bởi sự phá cách. Trước đó, hiếm khi những tác phẩm nghệ thuật được “bưng” ra giữa phố theo kiểu hoành tráng như graffiti. Và sự khác biệt còn thể hiện ở chỗ người xem không thể biết được tác giả của graffiti là ai. Ngoài những yếu tố nghệ thuật độc đáo, graffiti còn mang tính kết nối cộng đồng. Không tự giam mình trong những cuộc triển lãm, graffiti thể hiện giữa phố đông để tất cả mọi người cùng ngắm nghía, bình phẩm. Đó cũng là một hình thức tự quảng bá vô cùng hiệu quả của graffiti, nó lan tỏa nhanh đến nỗi, bất kỳ người trẻ nào cũng biết đến. Graffiti không ngừng phát triển, mới đây, người xem lại ngỡ ngàng bởi công nghệ graffiti 3D. Điều quan trọng nhất trong vẽ graffiti 3D chính là hiệu ứng bóng và độ tương phản sáng tối. “Công nghệ” này nhanh chóng lan tỏa đến giới trẻ đam mê graffiti tại Việt Nam.

Graffiti phổ biến đến mức người ta hô hào nhau thể hiện cá tính trên phố cổ. Trước đó, 8 họa sĩ đường phố bao gồm cả Việt Nam lẫn nước ngoài đã ghi lại dấu ấn của họ trên một bức tường cổ tại Hà Nội. Bức graffiti tái họa những gì ấn tượng nhất về Hà Nội đối với họ. Có người gật gù với hình thức này, nhưng cũng có những phản hồi chống đối, đơn giản là vì những “dấu ấn” hiện đại mà Graffiti lưu lại trên phố cổ không phù hợp với không gian xung quanh. Từ đây, xung đột về thẩm mỹ và văn hóa bắt đầu xuất hiện.

Sở dĩ nhiều người dị ứng với những hình vẽ graffiti trên đường phố vì đa phần chúng được vẽ một cách tràn lan, bôi bẩn các con đường chứ không phải ác cảm với loại hình nghệ thuật này.

Không phải tự nhiên mà người ta thiếu thiện cảm với graffiti. Hàng loạt bức tường, cửa cuốn của nhiều cửa hàng đã bị biến thành “giấy” vẽ. Những hình ảnh nhem nhuốc bởi đủ các loại màu sơn khiến cho các bức tường trở nên bẩn thỉu, xấu xí. Chưa kể nhiều chỗ sơn mới chồng lên sơn cũ, hình vẽ sau đè lên hình vẽ trước. Thẳng thắn mà nói, sự “bôi bẩn” chỉ được chấp nhận khi nó mang giá trị nghệ thuật. Cái chính là ý thức của mỗi cá nhân “chơi” graffiti, nếu họ sáng tác trên một không gian phù hợp, tác phẩm ấy hài hòa với tương quan thì đó chính là nghệ thuật. Người ta chỉ kỳ thị sự thiếu ý thức chứ không ai kỳ thị nghệ thuật.

Suy cho cùng, quy luật “quý mới hiếm” khiến giới chuyên môn lo lắng, nếu xuất hiện quá nhiều các tác giả, tác phẩm chưa được phân định rạch ròi vấn đề hội họa hàn lâm và hội họa công nghiệp thì khó mà khẳng định, hội họa Việt đang phát triển theo chiều hướng tích cực.

Vũ Quang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.