TKV:

Mừng giá than, lo thiếu thợ!

16:36 | 12/10/2017

2,782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm và thu nhập của thợ lò. Trong những tháng cuối năm, TKV tiếp tục thực thi nhiều giải pháp điều hành linh hoạt.

Thuận lợi về giá than

Trong 9 tháng năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh của TKV khá tốt, doanh thu tăng 8%, lợi nhuận tăng 1.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Giá than và một số sản phẩm kim loại (đồng, kẽm, thiếc, phôi thép, alumin…) trên thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, lợi nhuận từ khối khoáng sản đạt 290 tỉ đồng, vượt 230 tỉ so với kế hoạch năm 2017.

Những tháng cuối năm 2017, TKV sẽ tập trung sản xuất than chất lượng cao cho xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm khoáng sản chính như đồng, kẽm khi giá bán sản phẩm đang cao. Bên cạnh đó, TKV triển khai phương án tái cơ cấu, tập trung tái cơ cấu kỹ thuật, công nghệ, tổ chức, hệ thống quản trị, tài chính, lao động...

mung gia than lo thieu tho
Cần có những biện pháp giảm nặng nhọc, tăng thu nhập cho thợ lò

Theo Ðề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2016-2020, năm 2017 được xem là năm trọng tâm tiếp tục đổi mới về quản trị, tinh giảm đầu mối các chi nhánh công ty mẹ - Tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ than. TKV tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết (Điện lực TKV, Công nghiệp Mỏ Việt Bắc, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng…), cơ cấu lại lực lượng lao động, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực theo phương thức "đầu tư công - quản trị tư"; đổi mới cơ chế khoán theo hướng xác định giá mua/bán ngay từ đầu năm; đổi mới cơ chế tiêu thụ than theo hướng công ty mẹ trực tiếp kiểm soát dòng than đến các hộ tiêu thụ lớn như nhiệt điện, xi măng, phân bón, xây dựng cơ chế bảo lãnh trong tiêu thụ than...

Khó khăn nguồn nhân lực

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của TKV là tình trạng thiếu thợ trầm trọng. Báo cáo mới nhất của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cho thấy tình trạng thợ lò và học sinh nghề thợ lò bỏ học giữa chừng đang có xu hướng gia tăng. Năm 2014, tỷ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển mới chiếm tới 80%, năm 2016 giảm xuống còn 60%, nhưng 6 tháng đầu năm 2017 tăng đột biến, xấp xỉ gần 100%..., lý do: những năm qua, TKV đã thiết lập được hệ thống tuyển sinh ở nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh hằng năm thấp so với nhu cầu thực tế. Năm 2016, các trường chỉ tuyển được hơn 3.960 học sinh (bằng 35% chỉ tiêu TKV giao) và 6 tháng đầu năm 2017, các trường mới chỉ tuyển được hơn 860 học sinh (bằng 21% chỉ tiêu TKV giao).

Theo một cán bộ phụ trách công tác tuyển dụng, tỷ lệ thợ lò bỏ việc trong quá trình học hay đã làm việc tại các đơn vị luôn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân chính là rủi ro cao, công việc nặng nhọc, nhiều thợ lò cho rằng mức lương chưa tương xứng.

TKV đang từng bước hiện đại hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào khai thác, giảm bớt sự nặng nhọc, nâng cao tính an toàn cho thợ lò. Nhưng sự thiếu hụt lượng lớn thợ lò trong những năm gần đây đang đặt ngành than cần sớm giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động, đưa giá thành khai thác than về mức cạnh tranh, tăng thu nhập thì mới mong giữ chân được thợ lò.

Hiện nay, TKV đã và đang vào cuộc quyết liệt, triển khai cấp bách nhiều giải pháp nhằm thu hút và giữ chân thợ lò, bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân đối lao động của các công ty, đặc biệt từ cuối năm 2018 khi nhu cầu than tăng trở lại.

Năm 2017, TKV phấn đấu sản xuất 36 triệu tấn than nguyên khai, sản xuất than sạch 33,82 triệu tấn, tiêu thụ 36 triệu tấn; tổng doanh thu 106.865 tỉ đồng; lợi nhuận 1.000 tỉ đồng; nộp ngân sách 12.600 tỉ đồng; thu nhập người lao động bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng (khối sản xuất than 9,8 triệu đồng/người/tháng).

Nguyễn Kiên