Mức tăng học phí ở Hà Nội ra sao?

11:00 | 01/06/2018

709 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018-2019, với mức cao nhất là 155.000 đồng/tháng.  

Năm học 2018-2019 tới đây, Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức học phí lên 155.000 đồng/tháng/học sinh; 75.000 đồng/tháng/học sinh và 19.000 đồng/tháng/học sinh, lần lượt với thành thị, nông thôn và vùng núi.

Đến năm học 2020-2021, mức học phí của Hà Nội sẽ bằng mức cao nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, đối với vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh và nông thôn 120.000 đồng/tháng/học sinh. Học phí các xã miền núi của thành phố bằng 50% mức cao nhất trong khung.

muc tang hoc phi o ha noi ra sao
Ảnh minh họa

Hiện nay, theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội ấn định mức học phí nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2017-2018 trên địa bàn là 110.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng thành thị; 55.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng nông thôn và 14.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng núi.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo thành phố về phương án tăng học phí phổ thông năm học 2018-2019. Điều này dựa trên 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, việc tăng này phải phù hợp với đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn. Hiện nay, học phí của Hà Nội là không cao, thậm chí thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh thuộc khu vực sông Hồng. Qua khảo sát và thống kê, mức học phí không quá 2% mức thu nhập người dân.

Thứ hai, nguyên tắc tăng học phí đảm bảo theo Nghị quyết 01. Theo đó, đến năm học 2020-2021, Hà Nội đảm bảo mức trần của khung Nghị định 86, quy định cho năm học 2014-2015, riêng với miền núi chỉ bằng 50%.

Thứ ba, các đối tượng chính sách miễn giảm được đảm bảo.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học 2018-2019, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học với kinh phí hơn 3,2 tỉ đồng. Đồng thời, để đáp ứng chỗ học cho học sinh lớp 10 năm nay, Hà Nội đã thành lập mới 7 trường THPT, đầu tư cải tạo các trường THPT xuống cấp, cơ bản đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT.

Ngoài ra, toàn thành phố đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng.

Hà Nội cũng cho phép các trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính được tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ, do đó đã giảm gần 10.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10.

Nhã Anh