Mùa xuân đầu tiên của “những đứa trẻ dời chùa Bồ Đề”

07:00 | 12/02/2015

815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được chuyển đến ngôi nhà mới - Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) sau “tâm bão” mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề vào tháng 7/2014. Dù hơn 6 tháng trôi qua nhưng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ấy vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ cửa Phật. Tết Ất Mùi là mùa xuân đầu tiên của các em ở ngôi nhà mới…

Năng lượng Mới số 398+399

Cuộc sống mới sau “bão dư luận”

Là người đón những đứa trẻ được chuyển lên từ chùa Bồ Đề ngay từ ngày đầu, bà Trương Thị Hiền - người phụ trách nuôi dưỡng, chăm sóc các trẻ em tâm sự: “Kể từ tháng 7/2014, khi dư luận cả nước xôn xao, bàn tán việc chùa Bồ Đề trở thành nơi buôn bán trẻ em. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc điều tra, chuyển các em về đây chúng tôi cũng lấy làm mừng. Tiếp nhận 27 hoàn cảnh từ chùa Bồ Đề được chuyển đến, chúng tôi xác định sẽ thêm công việc nhưng những công việc đó cũng không khác nhiều so với việc chúng tôi đang làm nên ai cũng vui vẻ đón nhận”.

 Trong tiết trời lạnh cắt da cắt thịt những ngày cuối năm, “mẹ” Hiền vừa nói chuyện với chúng tôi vừa ôm một bé khuyết tật vào lòng. Mẹ xoa xoa đôi chân cho đứa trẻ bớt lạnh khiến tôi cảm nhận được tình cảm mà trẻ được hưởng ở ngôi nhà mới này.

Ông Đào Chí Lăng trong một lần đi kiểm tra việc đón tết Ất Mùi tại trung tâm

Trong những ngày đầu khi các em mới được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật, việc chăm sóc, dạy dỗ các em dường như quá khó khăn khi 30 đứa trẻ mang nhiều căn bệnh khác nhau. Việc chăm sóc, dạy dỗ các em đã khiến các “mẹ” ở trung tâm nhiều đêm phải thức trắng.

“Thời điểm mới được chuyển đến, các em nhút nhát, sợ sệt lắm, không hay nói chuyện với các cô. Để giúp các em có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, Ban Giám đốc Trung tâm đã phân loại các em ra thành nhiều nhóm. Ở mỗi lứa tuổi và tình trạng thương tật lại có một phương pháp khác nhau để tiếp cận, tránh tình trạng hoang mang, lo sợ. Vì đa phần các em đều ở độ tuổi mới lớn, lại mắc bệnh về trí tuệ nên rất dễ gặp phải những chấn động tâm lý” - “mẹ” Hiền cho hay.

Cũng giống như khi còn ở chùa Bồ Đề, từ lúc được chuyển đến ngôi nhà mới, có nhiều người dân cũng đến thăm nom và nhận làm cha mẹ đỡ đầu cho các em. Đặc biệt, trong số đó có một cô gái người Đức đã giúp đỡ bé Hương Anh bị mù lòa được mổ mắt, giúp em có hy vọng nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Đến nay đã được một tháng, tình trạng sức khỏe của Hương Anh đang tiến triển khá tốt.

Giờ đây, mỗi khi nhìn các em vui chơi trong trung tâm, tôi có cảm giác hoàn toàn khác so với lúc có quyết định chuyển các em từ chùa Bồ Đề tới. Không còn cảnh bịn rịn chia tay, cũng không có cảnh mếu máo, sợ hãi như trước đây. “Mẹ” Hiền vui vẻ nói: “Giờ đây đến thăm Tổ 7 không ai còn nhận ra những đứa trẻ ngày nào mới được chuyển ở chùa Bồ Đề tới vì chúng hoàn toàn vui vẻ, hòa đồng lắm. Càng ngày chúng tôi càng thấy phấn khởi vì công sức bỏ ra đã được đền đáp phần nào”. 

Sau những tháng ngày vất vả chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp, sắp tới Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật sẽ xem xét đưa 3-4 trường hợp các em có khả năng nhận biết đến trường mầm non của xã để theo học. Khi đủ 6-8 tuổi sẽ cho các em theo học lớp lớn hơn giúp tái hòa nhập cộng đồng và có những kỹ năng sống cần thiết. Khoảng 3-5 em có sức khỏe tốt sẽ được đưa đến trung tâm phục hồi chức năng để điều trị.

Trong khi đó, những ngày cuối năm, ở chùa Bồ Đề, lượng khách thập phương đến vãn cảnh, làm từ thiện vẫn đông đúc. Nhà chùa vẫn rộng cửa đón các trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa, tuy nhiên, khác hẳn với những ngày trước, khu nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ giờ đây được gắn biển “Không phận sự miễn vào”. 

Đong đầy yêu thương

Một ngày cuối năm tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật thật khác hoàn toàn so với những ngày trước đó. Không khí của mùa xuân dường như đang gõ cửa từng khu vực nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ, ở khu vực những trẻ em ở chùa Bồ Đề được chuyển đến cũng vậy. Những ngày này, các em dậy sớm hơn hẳn, cùng các “mẹ” gấp quần áo gọn gàng, cất vào ngăn tủ ngay ngắn. Bé nào cũng muốn làm thật tốt để được khen là ngoan, là giỏi.

Theo ông Đào Chí Lăng - Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em Thụy An, vào mỗi dịp tết Nguyên đán hằng năm, trung tâm đều tổ chức các hoạt động văn nghệ để các cháu được vui chơi, quên đi cảm giác thiếu thốn khi không có gia đình bên cạnh.

“Những tết trước chúng tôi đi từng tổ, gặp gỡ, trao quà động viên cho các cháu. Thấy chúng tôi mang bánh kẹo đến, các cháu sướng lắm. Nhìn các cháu cười tươi thế chúng tôi cũng vui lây. Ngoài ra, cứ vào dịp cận tết, nhiều đoàn tình nguyện lên thăm nên có nhiều chương trình văn nghệ, các anh chị quý các cháu ở đây lắm. Sắp tới trung tâm sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên và các trường đại học, cao đẳng trong địa bàn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa chào xuân 2015. Dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên, các em nhỏ sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ chào đón tết Ất Mùi. Còn đúng vào đêm Giao thừa sẽ cho các cháu phá cỗ tập thể” - ông Lăng nói.

Nếu như những ngày bình thường các “mẹ” ở Trung tâm nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật vẫn chăm lo cho các em trong sinh hoạt hằng ngày thì trong những ngày cuối năm, công việc ấy có sự giúp đỡ của ông Đào Chí Lăng. Vừa chỉnh lại quần áo cho bé Trung Anh (mắc bệnh tim bẩm sinh nặng) để chuẩn bị đón Ban Giám đốc đến tặng quà, cô Nguyễn Thị Liên vừa chia sẻ: “Tôi coi các cháu ở đây như con ruột của mình. Bằng tình thương của một người mẹ dành cho con, hy vọng các con tôi sẽ có một cái tết đầm ấm như nhiều đứa trẻ khác”.

Với 27 hoàn cảnh được chuyển từ chùa Bồ Đề tới, đây là cái tết đầu tiên ở ngôi nhà mới nên ngoài sự háo hức, mong chờ nhiều cháu vẫn nhớ không khí tết khi còn ở chùa Bồ Đề. Chị Quý (bị thiểu năng trí tuệ, được chuyển từ chùa Bồ Đề lên trung tâm) nói với giọng buồn bã: “Chuyển lên đây hơn 4 tháng nhưng đôi lúc mình vẫn nhớ chùa, nhớ cha mẹ nuôi ở đó lắm. Ngày tết, ở chùa được mọi người đến thăm nom đông đủ lắm, giờ ở đây ít gặp được mọi người”.

 Để các em nhỏ có được đón tết cổ truyền trong không khí vui vẻ và ấm áp nhất, Ban Giám đốc Trung tâm Trung tâm nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật chuẩn bị chăn bông, áo ấm cho các em. Ngoài ra với những ngày thời tiết xuống thấp dưới 11oC sẽ dùng đèn sưởi để các em không bị lạnh. Bên cạnh đó trung tâm sẽ cố gắng tạo nên một không khí đầm ấm cho các em cảm giác như đang được đón tết với chính gia đình của mình.

“Tết này, các bé sẽ được tự bày mâm ngũ quả và trang trí căn phòng của mình, hy vọng các em sẽ được hưởng mùi vị gia đình” - Phó giám đốc trung tâm cho biết.

Khi ra về, tôi bắt gặp hình ảnh một em thiểu năng trí tuệ đang được một tình nguyện viên người Đức dạy tiếng Anh. Với người bình thường công việc này đã khó, với những đứa trẻ ở đây dạy để các em biết từ vựng và phát âm còn khó hơn gấp bội. Nhưng nhìn vào sự chăm chú của em khi nghe phát âm và lúc được bạn tình nguyện viên hướng dẫn cách viết tiếng anh, tôi cảm nhận được sự khát khao học hỏi trong ánh mắt của đứa trẻ tật nguyền.

Nhìn các em vui đùa trong ngôi nhà tình nguyện tại trung tâm, chúng tôi không khỏi vui mừng. Dù không được sống trong tình yêu thương của gia đình, nhưng hy vọng các em sẽ đón một cái tết đầy ý nghĩa và ấm áp trong sự bao bọc của các cô, các mẹ ở Trung tâm Trung tâm nuôi dưỡng Người già và Trẻ em khuyết tật.

X.Hinh - V.Anh