Mùa Vu lan bàn về chữ hiếu thời hiện đại

08:57 | 02/09/2017

2,725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều ý kiến cho rằng, theo nhịp sống của xã hội hiện đại với những đổi thay mạnh mẽ, sự hiếu hạnh đang dần bị mai một và sai lệch trong tâm hồn của không ít người, nhất là giới trẻ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với các nhà sư, chuyên gia xung quanh chữ hiếu xưa và nay.

Đại đức Thích Minh Phú - Tịnh xá Ngọc Chánh TP HCM: Người chí hiếu phải nghĩ đến “Tứ trọng ân”

PV: Thưa Đại đức, quan niệm của Phật giáo về chữ hiếu như thế nào?

mua vu lan ban ve chu hieu thoi hien dai

Đại đức Thích Minh Phú: Chữ hiếu trong đạo Phật chia ra làm ba cấp độ, đầu tiên là Tiểu hiếu, đến Trung hiếu và Đại hiếu. Với Tiểu hiếu, tức là đối với cha mẹ còn sống phải chu toàn Tứ sự: cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.

Nhưng đối với một Phật tử, nếu chỉ dừng lại ở việc chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ là chưa đủ, mà phải tiến tới Trung hiếu, tức là, nếu cha mẹ chưa biết đạo, chưa quy y Tam bảo, chưa biết bố thí, cúng dường, chưa biết thọ trì giới pháp, chưa biết tu tập thì mình phải hướng dẫn cha mẹ, phải làm gương để cha mẹ thực hiện. Nghĩa là sau khi lo đầy đủ về Tứ sự thì phải chăm lo về mặt tinh thần cho cha mẹ. Nguyên văn trong kinh pháp gọi là: “An trú cha mẹ vào trong Chánh pháp”.

Đại hiếu là chỉ những người xuất gia tu học với mục tiêu tế độ cha mẹ, người thân và tất cả chúng sinh. Khi đó thì công đức mới thật sự viên mãn.

PV: Như vậy thì trong điều kiện hiện nay, mọi người, gồm cả Phật tử tại gia, đều tất bật mưu sinh, sống xa ông bà, cha mẹ thì làm sao cho vẹn chữ hiếu?

Đại đức Thích Minh Phú: Thực tế là trong cuộc sống hiện nay, nhiều người phải sống xa cha mẹ, không có nhiều điều kiện để trực tiếp bên cạnh chăm lo cho cha mẹ hằng ngày, thường xuyên. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều bởi tâm hiếu mới là điều quan trọng nhất. Nếu mình ở xa, hoặc cha mẹ đã khuất thì bạn vẫn có thể nuôi dưỡng và thực hiện được tâm hiếu của mình hàng ngày bằng nhiều cách khác nhau. Bạn có thể thường xuyên vấn an sức khỏe, hỏi han, động viên cha mẹ. Bạn trưởng thành và vững chắc trong cuộc sống cũng là cách an ủi, là niềm tự hào và cũng là báo hiếu cho cha mẹ. Bạn làm việc tốt lành, việc thiện, bạn bố thí, cúng dường và hồi hướng phước đức cha mẹ, ông bà cả trong hiện tiền hay đã quá vãng... Tất cả những việc đó đều là thể hiện tâm hiếu của bạn.

Với một người chí hiếu thì sự báo ân rất rộng chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi ông bà, cha mẹ trong gia đình. Cho nên, trong Phật giáo có “Tứ trọng ân”.

PV: Trong mùa Vu lan, thường thấy nhiều người mua sắm nhiều lễ vật, cúng bái lớn, tốn kém, với quan niệm làm như vậy mới thật sự là báo hiếu mẹ cha. Như vậy có đúng không, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Minh Phú: Về chuyện lễ bái nhân dịp lễ Vu lan, tùy theo điều kiện của từng người mà mua sắm lễ thích hợp chứ không cứng nhắc là phải món này, đồ kia mới đúng lễ. Đơn giản nhất và ý nghĩa nhất vẫn là hoa trái, nén hương. Và quan trọng hơn hết vẫn là tấm lòng hiếu kính của mình với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Một số người quan niệm dịp Vu lan phải mua thật nhiều lễ tốn kém, rồi đồ vàng mã, xe hơi, nhà lầu để cúng tế mới là báo ân cha mẹ, ông bà thật nhiều. Điều đó chỉ gây lãng phí và không mang lại ý nghĩa nhiều bằng việc dùng số tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, kém may mắn hơn trong xã hội rồi hồi, hướng công đức cho cha mẹ mình.

PV: Bàn về vấn đề báo ân, Phật giáo dạy con người không chỉ báo ân cho cha mẹ, ông bà mà còn rộng ra nhiều đối tượng khác xung quanh. Cụ thể thế nào thưa Đại đức?

Đại đức Thích Minh Phú: Với một người chí hiếu thì sự báo ân rất rộng chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi ông bà, cha mẹ trong gia đình. Chúng ta phải suy niệm rằng, ngoài cha mẹ thì có những người mà thiếu họ thì mỗi người chúng ta liệu có tồn tại và lớn lên đủ đầy như hôm nay hay không? Người xưa nói: “Cơm ăn ba bữa, nhớ ơn người cấy lúa. Áo mặc bốn mùa là nghĩa người dệt may”. Có nghĩa là ngoài cha mẹ sinh ra thân hình này thì để nuôi lớn mình về giới thân huệ mạng còn nhờ vào thầy tổ, thầy cô, những nông phu cày cấy, những người dệt vải... Phật giáo nhắc nhở, nếu là người chí hiếu thì phải nghĩ đến và biết ơn tất cả những người này.

mua vu lan ban ve chu hieu thoi hien dai
Phật tử đi chùa thắp hương mùa Vu lan

Cho nên, trong Phật giáo có “Tứ trọng ân”. Trong đó, ơn đầu tiên là ơn cha mẹ. Thứ hai là ơn thầy bạn, là những người cho ta kiến thức, chữ nghĩa, kinh nghiệm, kỹ năng... Thứ ba là ơn quốc gia, xã hội, biết ơn quê hương đất nước nơi mình sinh ra và lớn lên là theo nghĩa rộng, còn theo nghĩa hẹp thì đó là những người lãnh đạo đất nước, là những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ quê hương, mang lại cuộc sống bình yên cho chúng ta. Và gần gũi nhất là những người lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị mình công tác. Cuối cùng ơn Tam Bảo, nghĩa là biết ơn Phật, Pháp, Tăng - ba ngôi quý báu làm nơi nương tựa vững chắc trong đời sống hiện tại và mai sau cho Phật tử.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại đức!

PGS.TS Phan An - Nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống: Văn hóa hiếu thuận thay đổi theo sự phát triển của xã hội

PV: Có nhiều ý kiến quan ngại rằng, chữ hiếu ngày nay đang bị mờ dần. Ông nghĩ sao về điều này?

mua vu lan ban ve chu hieu thoi hien dai

PGS.TS Phan An: Văn hóa vốn không đứng yên, nó luôn thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Chữ hiếu hay sự hiếu thuận cũng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Hiếu thảo là thể hiện lòng kính cẩn đối với thế hệ trước, là bày tỏ lòng biết ơn đó bằng hành động cụ thể. Chẳng hạn như bố mẹ nói con cái phải nghe lời, cãi lại là mang tội bất hiếu. Hay con cái phải chăm lo, thờ cúng bố mẹ...

Nhưng trong quá trình phát triển thì văn hóa hiếu thuận đó có những thay đổi để phù hợp hơn. Ngày xưa bố mẹ mất thì con cái phải để tang 3 năm, không đi thi, không cắt tóc. Ngày nay không còn cần thiết như vậy. Nói chung, cách báo hiếu thời nay cũng phải có những thay đổi cho phù hợp, nhưng chung quy là phải làm sao giữ được cốt lõi là tấm lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành.

PV:Nhiều người ngày nay cứ nghĩ rằng, chu cấp đầy đủ cho cha mẹ về vật chất là đã tròn chữ hiếu chứ không dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Ông nhận xét thế nào về điều đó?

PGS.TS Phan An: Điều đó chưa đúng với chữ hiếu của ông bà ta ngày xưa, cũng như truyền thống về chữ hiếu bao đời nay. Đối với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, vật chất đối với họ không quan trọng và không cần thiết so với tinh thần, tình cảm. Cho nên, con cái muốn thể hiện sự báo hiếu với ông bà, cha mẹ thì ngoài chăm lo đời sống vật chất đầy đủ còn phải thể hiện được tình cảm quan tâm đến cha mẹ, lo cho cha mẹ.

Đối với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, vật chất không quan trọng so với tinh thần, tình cảm. Con cái muốn thể hiện sự báo hiếu với ông bà, cha mẹ thì ngoài chăm lo đời sống vật chất đầy đủ còn phải thể hiện được tình cảm quan tâm đến cha mẹ, lo cho cha mẹ.

Tôi biết, những người già thường hay cô đơn lắm. Họ cần tinh thần nhiều hơn vật chất. Họ cần con cái quan tâm, trò chuyện, sẻ chia. Đôi khi con cái bận rộn thì chỉ cần gọi điện thoại về hỏi thăm “bố mẹ khỏe không, ăn cơm chưa?”. Tôi nghĩ chỉ vậy thôi cũng đã quá đủ cho hạnh phúc của người làm cha mẹ rồi.

Trong nhịp sống thời hiện đại, chuyện cả nhà ngồi lại với nhau đủ đầy trong những bữa cơm gia đình ngày càng hiếm. Thật ra, đó cũng là điều tất yếu và dẫu đôi lúc làm cha mẹ có chạnh lòng, nhưng rồi họ cũng sẽ hiểu thôi. Nhưng dù gì thì con cái cũng không nên bỏ hết những bữa cơm gia đình, mà trong một chừng mực nào đấy, vẫn phải duy trì để mọi người được gặp nhau, trò chuyện, quan tâm đến nhau hơn.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, cha mẹ ngày xưa nghèo khó, đông con, nhưng con cái lại rất hiếu thảo. Bây giờ thì ngược lại, gia đình càng có điều kiện thì con cái càng xa rời chữ hiếu. Ông nghĩ sao?

PGS.TS Phan An: Thật ra, mỗi thời đại có một quan niệm và cách thể hiện, ứng xử khác nhau về chữ hiếu. Ngày xưa đa số gia đình chỉ có làm ruộng, quanh năm họ quây quần bên nhau, bên ruộng đồng nên tâm tư, tình cảm mà con cháu dành cho ông bà, cha mẹ sẽ gắn bó hơn, cụ thể hơn. Còn bây giờ thì khác, con cái bận rộn hơn, lo học tập, cuộc sống nên sẽ có những ứng xử khác hơn. Đó là tất yếu.

Cho nên cha mẹ cũng không nên trách con cái mà thay vào đó hãy thường xuyên giáo dục con về chữ hiếu, về trách nhiệm chăm sóc ông bà, cha mẹ về vật chất, tinh thần.

Giáo dục về chữ hiếu là vấn đề hết sức quan trọng bởi đó không chỉ là nét văn hóa mà còn là thể hiện đạo đức của mỗi người. Tục ngũ có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, vì vậy, bổn phận cha mẹ phải giáo dục cho giới trẻ luôn luôn biết ơn không chỉ ông bà, cha mẹ mình mà còn rộng ra là những người đi trước, những người đã có những hy sinh cuộc sống của họ cho dân tộc, đất nước, cho con cháu mai sau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

mua vu lan ban ve chu hieu thoi hien dai

Tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ:

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn, chỉ lo cho con đầy đủ vật chất mà không có thời gian dạy dỗ nhiều. Vì thế, điều trước hết cha mẹ cần phải làm là xem lại cách quan tâm chăm sóc con cái sao cho đúng. Nếu cha mẹ không làm tròn nghĩa vụ với con cái thì cũng không thể trông mong con cái có hiếu với mình.

Cách giáo dục của nhiều cha mẹ cũng bộc lộ nhiều sai lệch, đôi khi họ vô tình làm hình thành tính sống thiên về vật chất ở con nhỏ. Cũng chính từ đó mà chữ hiếu ở người trẻ cũng dần trở nên lệch lạc. Đơn cử, thay vì thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc ông bà thì cha mẹ lại “báo hiếu” theo kiểu cho ông bà nhiều tiền mà bỏ qua việc tận tay chăm sóc...

Khi cha mẹ không thể hiện sự hiếu thuận một cách đúng đắn, đầy đủ thì trẻ cũng không thể có sự hiếu thuận với ông bà đúng đắn và đầy đủ được, thậm chí, con trẻ cũng không có nhiều sự hiếu thuận ngay cả với cha mẹ mình.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Theo kinh Phật, Mục Kiền Liên - một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật Thích Ca - dùng tuệ nhãn quan sát thì thấy mẹ mình là bà Thanh Ðề đang chịu cảnh khổ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Đó là kết quả của thói tham lam, độc ác từ thuở của sinh thời bà. Mục Kiền Liên thương xót, dùng pháp thuật mang cơm đến dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp chướng quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hóa thành than đỏ.

Mục Kiều Liên đau lòng, về bạch lại với Đức Phật. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để có thể cứu vớt mẹ ra khỏi cảnh đọa đầy: Ðến ngày Rằm tháng Bảy, hãy sửa soạn lễ vật cúng dường, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ mới có thể siêu thoát được.

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dường), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề được siêu thoát.

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.