Mùa hè, cẩn trọng với nước bể bơi

11:00 | 29/05/2013

3,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay đợt nắng nóng đầu tiên mở đầu 10 đợt nóng được dự báo cho mùa hè năm nay thì tại các bể bơi, bất kể quy mô lớn nhỏ, đặc biệt ở các thành phố lớn, người đông như nêm đến nỗi nhiều bể bơi biến thành bể tắm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh “người người đi bơi, nhà nhà đi bơi” như vậy, một câu hỏi đặt ra vẫn như bao lần mùa hè đến là: nước bể bơi có an toàn không?

Có một thực là tế hầu hết các bể bơi hiện nay đều sử dụng clo, một hóa chất “truyền thống” để khử trùng nước. Trong khi clo vốn vẫn là chất được coi là cực độc đối với sức khỏe của con người. Khoa Môi trường và Tài nguyên của Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã có hẳn một nghiên cứu về hóa chất này với tên gọi: “Độc chất học môi trường: Clo và hợp chất độc của clo”.

Nghiên cứu đã đưa ra nhận định: “Clo là một chất được phát hiện vào năm 1774 bởi nhà khoa học Đức Carl Wilhelm Scheele nhưng lại được nhà vật lý và hóa học người Anh Humphry Davy xác định đúng bản chất của nó đồng thời đặt tên cho hóa chất là clo. Đây là một nguyên tố hóa học, có số nguyên tử bằng 17. Nó phổ biến trong tự nhiên và chất cần thiết để tạo ra phần lớn các loại hình sự sống, bao gồm cả cơ thể người.

Clo có ái lực điện tử cao nhất và có độ âm điện đứng thứ 3 trong tất cả các nguyên tố. Ở dạng khí nó có màu vàng lục nhạt, nó nặng hơn không khí khoảng 2,5 lần, có mùi hắc khó ngửi và là chất độc cực mạnh. Đồng thời còn là chất ôxy hóa mạnh nếu ở trong điều kiện chuẩn của nó…”.

Phải cẩn thận với nước trong bể bơi

 

Để chứng minh sự độc hại của nó, các nhà khoa học của Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã cho biết, trong Đại chiến thế giới lần thứ I, clo được sử dụng như một vũ khí hóa học và chuyên dùng để sản xuất hơi độc nếu kết hợp nó cùng với các hỗn hợp khác như amôniắc, các chất tẩy rửa khác…

Đồng thời ở môi trường tự nhiên, hoặc sử dụng để khử trùng nước, clo có thể kích thích hệ hô hấp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi để rồi tạo ra sự phồng rộp phổi, tích tụ huyết thanh trong phổi, làm tăng tính nhạy cảm của các rối loạn hô hấp. Trong trạng thái khí, nó kích thích các màng nhầy và khi ở dạng lỏng nó làm cháy da. Chỉ cần một lượng nhỏ khoảng 3,5ppm, clo đã bốc mùi nồng nặc và khi tới 1.000ppm trở lên, nó trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với con người…

Tại Việt Nam, ông Lê Hữu Kiển, chuyên gia về công nghệ hóa học nhận định: "Clo kết hợp với chất hữu cơ và nước tiểu trong nước tạo thành nitrit, nitrogen tricholoride... Các chất này đều có nguy cơ ảnh hưởng đến da và đặc biệt gây ung thư da".

Không chỉ độc hại khi “đứng một mình” mà trong trạng thái “hỗn hợp” với nhiều chất như mồ hôi, tế bào chết, các loại kem chống nắng, da… Clo còn phát tác độc hại nguy hiểm hơn. Nhà nghiên cứu, GS di truyền học Micheal Plewa, ĐH Illinois, Mỹ cho biết nước ở bể bơi bao giờ cũng có khoảng 100 tạp chất gồm phụ phẩm, tế bào chết, mồ hôi, nước tiểu, tóc, da…

Những tạp chất đó tưởng vô hại nhưng khi kết hợp với clo trong nước, lại tạo thành hóa chất độc hại hơn cả clo nguyên chất do quá trình biến đổi về hóa học. Các chất ấy sẽ thấm vào cơ thể qua các lỗ chân lông ở da rồi gây ra các đột biến gen, dị tật v.v… Thậm chí nó thúc đẩy quá trình lão hóa rất nhanh và tác động mạnh mẽ tới những nguyên nhân  được cho là của bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiệm một thí nghiệm là lấy mẫu nước ở các bể bơi công cộng và mẫu nước máy để xét xem mức độ gây ra quá trình genotoxicity - gây biến đổi trực tiếp ADN, biến những tế bào vô hại thành tế bào ung thư. Kết quả đã chứng minh tất cả các mẫu nước chứa chất clo ở bể bơi đều ảnh hưởng đến ADN nhiều hơn so với mẫu nước máy.

Với tác động nguy hiểm như vậy, thế mà các bể bơi hiện nay đang sử dụng lượng clo rất lớn để diệt khuẩn, khử trùng nước với liều lượng rất khó kiểm soát. Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định rõ ràng mức độ cho phép chỉ được 0,3-0,5mg/lít, nhưng thực tế quy định này rất khó thực hiện khi mà lượng người đến các bể bơi bao giờ cũng trong tình trạng quá tải, nhất là các bể bơi lớn.

Nếu quy định của ngành là 3m2/người thì hầu như không bể bơi nào đạt tiêu chuẩn này, thường là 7 người/m2, đặc biệt vào giờ cao điểm những ngày cuối tuần. Cho nên để tiệt khuẩn cho nước ở bể bơi nhằm đáp ứng lượng người khổng lồ xuống bể, không có cách nào khác là chủ của các bể bơi phải “đổ” vô tội vạ clo xuống bể.

Thậm chí, có chủ bể, không cần quan tâm đến thời gian bảo đảm đủ cho clo bay hơi mà  chỉ cần đổ vào bể trước khi có người bơi mấy tiếng. Cũng vì vậy, mùa hè trước, sai phạm chủ yếu của các bể bơi mà Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã thống kê đều là dư lượng clo vượt quá mức cho phép.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó giám đốc Trung tâm Dự phòng cho biết: “Có hai cách để kiểm tra dư lượng clo có trong nước ở bể bơi: cách thứ nhất bằng cảm quan nếu thấy nước trong, nhìn thấy đáy, không có rêu rác, không mùi là được. Cách thứ hai: kiểm tra mẫu nước tại phòng thí nghiệm”.

Nhưng với kinh nghiệm của một nhà chuyên môn đồng thời lâu năm quản lý lĩnh vực này, ông Bình chia sẻ chỉ cần bước vào khu vực bể bơi, thoáng mùi clo ông có thể biết dư lượng vượt quá hay không vượt quá mức cho phép hay không. Và trên kinh nghiệm này, chưa lần nào ông sai trong việc kết luận. Tất nhiên, cùng với đó vẫn có kết luận sau khi xét nghiệm nước ở các phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dư lượng clo ở các bể trong nhà bao giờ cũng dễ vượt chỉ số cho phép hơn so với bể ngoài trời bởi các bể ngoài trời, clo dễ bay hơi hơn trong khi bể trong nhà do có mái che nên clo hay bị quẩn không thoát ra được khỏi khu vực bể. Điều đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bơi vì họ sẽ hít vào phổi khí clo “vương vấn” trong khu vực bể.

Vậy làm thế nào để chọn được bể bơi an toàn trong mùa nóng nực trong khi lịch bơi trong tuần chắc chắn sẽ dày đặc hơn so với những mùa khác? Ông Nguyễn Hòa Bình khuyến cáo: nếu bước vào khu vực bể bơi, nếu thấy mùi clo nồng nặc thì quay ra ngay không nên bơi. Còn nếu mùi thoang thoảng, thì phải xem nước ở bể bơi có trong đến độ nhìn thấy đấy một cách dễ dàng không? Nếu có, có thể bơi được.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, người đi bơi phải chọn được bể bơi có đầy đủ các phương tiện cứu hộ, vệ sinh bể sạch sẽ… để bảo đảm an toàn tính  mạng và sức khỏe cho người bơi khi bơi…

Để cải thiện tình trạng nước ở bể bơi, Hãng Necon của Đức mà đại diện là Công ty Necon Việt Nam đã đưa vào ứng dụng công nghệ xử lý nước bằng quá trình Ion hóa các điện cực đồng và bạc để tạo thành liên kết tĩnh điện với môi trường âm tính của vi sinh vật. Từ đó phá hủy các axít amin có gốc sunphua nhằm ngăn chặn khả năng hấp thụ thức ăn của tế bào vi sinh vật.

Như vậy nước sẽ trong, sạch do vi sinh vật không có môi trường tồn tại và sinh sôi nảy  nở. Đây là công nghệ được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay và có thể thay hình thức xử lý nước bằng clo đang sử dụng.
 


Nguyễn Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.