"Mốt" xuất ngoại chữa bệnh

09:00 | 25/01/2013

3,298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay, mỗi năm, nước ta mất 1 tỷ USD do hơn 40.000 bệnh nhân đem ra nước ngoài để khám chữa bệnh. Xu hướng ra nước ngoài khám chữa bệnh đang trở thành trào lưu mới.

Bài 1: Mỗi năm, mất 1 tỷ đô la vì "chữa bệnh ngoại"

 

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu chọn lựa dịch vụ y tế tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình là nhu cầu chính đáng. Vì vậy, không ít người đã chọn ra nước ngoài để chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp bệnh không cần thiết ra nước ngoài tốn kém mà có thể chữa trị rất hiệu quả trong nước.

Ngoài Singapore là địa chỉ nhiều người dân nước ta tìm đến nhất, thì hiện nay Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ cũng là điểm đến của không ít bệnh nhân. Đổ một số tiền lớn vào những chuyến đi khám bệnh ở nước ngoài nhưng hiệu quả không phải lúc nào cũng như mong đợi, nhiều người phải ngưng điều trị nửa chừng vì không kham nổi chi phí điều trị quá đắt, chưa kể đến khi gặp rủi ro thì hầu hết đành “ngậm tăm” cam chịu không biết kêu ai vì đất khách quê người, không thông thạo ngôn ngữ.

Nhiều bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh phải bỏ dở nửa chừng vì không kham nổi chi phí

 

Chị Ngọc Lan, ngụ đường Võ Thị Sáu, quận 1 bức xúc kể lại chuyện chị đưa mẹ sang chữa bệnh ở Singapore: Khi đi khám ở bệnh viện Ung Bướu TP HCM, các bác sĩ cho biết mẹ chị bị ung thư gan giai đoạn 2, đã xuất hiện hạch di căn nên phải tiến hành phẫu thuật ngay. Nghe nói Singapore điều trị ung thư rất hiệu quả nên gia đình chị cũng có ý định đưa mẹ sang Singapore để chữa trị.

Tuy nhiên, tài chính của gia đình cũng không mấy dư giả và không có ai thạo tiếng Anh nên chị tìm người tư vấn trước, sau đó mới đưa ra quyết định.

Chị kể: “Qua người quen giới thiệu, chúng tôi gặp anh Nam chuyên “dắt” bệnh nhân ra nước ngoài khám bệnh. Theo lời tư vấn của anh, mẹ tôi có thể đến bệnh viện Raffles (Singapore) điều trị với chi phí khoảng 20.000 đô la Singapore (SGD), tương đương 300 triệu đồng. Anh sẽ gởi tất cả hồ sơ bệnh án của mẹ tôi sang bệnh viện Raffles để các bác sĩ bên đó xem trước. Nghe những lời giới thiệu hấp dẫn về dịch vụ y tế và thấy chi phí cũng nằm trong khả năng của gia đình nên chúng tôi quyết định đưa mẹ qua Singapore với hy vọng mẹ sẽ được chữa khỏi bệnh”.

Khi sang đến nơi chị mới tả hỏa vì lời từ vấn hoàn toàn khác với thực tế, bác sĩ thông báo phải phẫu thuật nhưng với chi phí lên đến 37.000 SGD, chưa kể các chi phí khác như viện phí, thuốc men. Đồng thời, bác sĩ cũng cho biết, không hề nhận được hồ sơ bệnh án gì của bệnh nhân trước đó.

Lúc này vừa lo vừa bức xúc chị gọi điện cho người môi giới nhưng không nhận được câu trả lời. Đã lỡ sang không lẽ trắng tay ra về nên gia đình chị đành phải “ngậm bồ hòn” chấp nhận. Vì không mang đủ tiền nên phải gọi điện về nhà nhờ anh em chạy vạy để gởi tiền qua… Tổng cộng chi phí gia đình chị phải trả cho đợt điều trị của mẹ chị là hơn 40.000 SGD, gấp đôi so với chi phí được tư vấn, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở,…

Chị Ngọc Lan bày tỏ: “Hiện có rất nhiều người đứng ra làm môi giới để nhận hoa hồng từ các bệnh viện nước ngoài, họ sẵn sàng nói lời ngon ngọt để thuyết phục, miễn là bệnh nhân chấp nhận ra nước ngoài chữa bệnh nhằm được hưởng lợi chứ không cần quan tâm đến tình hình bệnh nhân và hoàn cảnh gia đình họ. Do đó, trước khi quyết định ra nước ngoài để chữa bệnh mọi người phải tìm hiểu kỹ, tránh bị mắc lừa như gia đình tôi”.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết: Chi phí điều trị bệnh ở nước ngoài rất đắt, như ở Singapore, phí điều trị gấp từ 4 – 10 lần ở nước ta, chỉ sang Singapore để khám bệnh thì chi phí ít nhất cũng 5.000 SGD, còn chữa trị thì thấp nhất là 10.000 SGD. Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh còn tùy theo thâm niên và danh tiếng của bác sĩ mà có thể tăng thêm khoảng 30 – 60 SGD/lượt khám. Do đó, không ít bệnh nhân không theo được phác đồ điều trị ở nước ngoài mà phải quay về nước điều trị.

Dịch vụ y tế trong nước kém cũng là một nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân phải đi ra nước ngoài chữa bệnh

 

Anh Nguyễn Thanh Hùng, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, với hy vọng có thể tìm được cơ hội chữa khỏi bệnh đã quyết định sang Singapore để chữa trị. Tuy nhiên, khi qua Singapore bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị mỗi tuần tiêu tốn đến hơn 7.000 SGD (khoảng 100 triệu đồng). Điều trị được vài tuần thì gia đình anh hết khả năng chi trả đành quay lại Việt Nam để điều trị. Với phác đồ tương tự như Singapore nhưng ở Việt Nam chỉ tốn chi phí điều trị khoảng 15 triệu đồng/tuần.

Không riêng gì bệnh ung thư nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế thì cứ “đau đầu, sổ mũi” cũng chạy ra nước ngoài điều trị và chấp nhận mức chi phí cao gấp nhiều lần trong nước như: nội soi dạ dày, thực quản tồn từ 2.000 – 3.000 SGD, cắt ruột thừa 6.000 – 7.000 SGD, cắt trĩ 3.500 – 5.000 SGD, nhổ răng 2.500 – 3.000 SGD… Trong khi đó, đây là những kỹ thuật đơn giản mà trong nước từ lâu đã làm tốt.

Không phủ nhận về một số mặt y tế nước ta còn kém so với các nước có nền y tế phát triển, đặc biệt về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ở nước ngoài y tế được coi là một loại hình dịch vụ nên chi phí khám chữa bệnh rất cao. Do đó, ngoài chất lượng điều trị thì điều đáng quan tâm nhất khi khám chữa bệnh ở nước ngoài là khả năng kinh tế, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định khám chữa bệnh ở nước ngoài để hạn chế các rủi ro.

Đối với các kỹ thuật trong nước có thể thực hiện tốt thì nên điều trị trong nước để đỡ tốn kém và tránh “chảy” nguồn ngoại tệ ra nước ngoài một cách lãng phí.

 

(Còn tiếp)

Mai Phương

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.