Một vị “tướng” thủy điện

07:08 | 28/07/2016

1,434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi công trình, dự án đều mang những dấu ấn, biểu tượng riêng. Đó có thể là một sáng kiến, một giải pháp kỹ thuật và cũng có thể là dấu ấn của bản lĩnh, trí tuệ của một vị “tướng” chỉ huy trên công trường… Câu chuyện về Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu chính là một trong số đó.

1. Một ngày trung tuần tháng 6, giữa cái nắng nóng oi bức của tiết trời Tây Bắc, theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn như dải lụa vắt ngang núi, giữa bốn bề xanh ngắt của núi rừng Tây Bắc, cùng đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên dự lễ phát điện, hòa lưới Tổ máy 2 thủy điện Lai Châu, tôi đã tìm gặp và được nghe chuyện tình yêu cháy bỏng về cái nghiệp thủy điện lắm thăng trầm của anh.

mot vi tuong thuy dien
Phạm Hồng Phương báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tiến độ dự án tại Lễ mừng Thủy điện Lai Châu phát điện Tổ máy 1 (tháng 12-2015)

Tôi gặp Phạm Hồng Phương lần đầu vào tháng 6-2015, đúng dịp công trình Thủy điện Lai Châu tiến hành đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa. Dịp đó, công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Lai Châu như mở hội. Không chỉ những người “lính thủy điện” mà cả đồng bào dân tộc vùng lân cận cũng đến chung vui với ngành điện. Bởi đây được xem là cột mốc quan trọng để NMTĐ Lai Châu có thể phát điện, hòa lưới Tổ máy số 1 vào tháng 12-2015 và xa hơn nữa là khánh thành nhà máy trong năm 2016, vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch. Trong câu chuyện với những người “lính thủy điện” nơi đây, tôi đã được nghe nhiều điều về anh.

Đó là chuyện anh từ bỏ cơ hội về Hà Nội công tác sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ ở công trình xây

dựng Thủy điện Sơn La để lên Thủy điện Lai Châu. Mà vào thời điểm đó, khu vực xây dựng NMTĐ Lai Châu là một vùng núi rừng hoang vu, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Thời tiết ở đây cũng thuộc loại khắc nghiệt nhất nước, mùa hè thì nắng nóng như thiêu như đốt, nhiệt độ thường xuyên trên 400C. Còn mùa đông thì ngày nắng hanh, đêm sương rơi thành giọt như mưa phùn, nhiệt độ có lúc xuống thấp, có khi chỉ 7-80C. Mưa nắng thất thường, có khi đang nắng chang chang trời bỗng đổ mưa.

Bản lĩnh, trí tuệ, không ngại khó, ngại khổ, chấp nhận hy sinh và luôn “cháy” hết mình vì công việc là những gì mọi người nói về anh - người thủ lĩnh, một vị tướng thủy điện trên công trình Thủy điện Lai Châu. Và chính cái khí chất ấy đã đoàn kết, thống nhất ý trí của mọi người trên công trường thành khối thống nhất, đưa công trình Thủy điện Lai Châu vượt mọi khó khăn, thách thức, sẵn sàng về đích sớm 1 năm, làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Rồi cả chuyện anh khăn gói vào “3 cùng” với anh em Ban Quản lý (BQL), trực tiếp làm việc với các nhà thầu thi công trên công trường cũng vậy. Khi đó, theo sự sắp xếp của lãnh đạo, anh được giao làm Phó giám đốc BQL Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu, sẽ ở nhà nghỉ ngoài thị trấn Mường Lay, cách khu vực công trường chừng độ 40km, sáng có xe đưa vào, tối có xe đưa ra. Nhưng anh đã chủ động ở lại công trường để cùng ăn, cùng ở với anh em.

Hay như suốt 6 năm qua, kể từ khi công trình Thủy điện Lai Châu được khởi công, người ta vẫn cứ thấy anh như một “cỗ máy” chạy dọc, ngang khắp công trường, trực tiếp làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công trên công trường để tìm cách tháo gỡ vướng mắc hoặc có khi là đưa giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Và dù sau này, khi đã được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tin tưởng giao trọng trách Giám đốc BQL, vẫn cứ thấy anh lúc nào cũng ngồn ngộn các loại giấy tờ, bản vẽ, hồ sơ thiết kế quanh người.

Ấn tượng của tôi về Phạm Hồng Phương trong lần đầu đặt chân lên Thủy điện Lai Châu là thế. Lúc ấy tôi đã nung nấu ý định sẽ viết về anh - một con người luôn “cháy” hết mình, cống hiến hết mình và chắc chắn cũng phải chấp nhận không ít hy sinh, thiệt thòi bản thân cho dòng điện của Tổ quốc tỏa sáng.

Sau này, nhiều dịp lên Thủy điện Lai Châu, được trò chuyện cùng anh, nghe anh nói về việc triển khai thi công, tiến độ công trình rồi cả những khó khăn, vất vả mà các anh gặp phải, tôi đã đặt vấn đề viết về anh, nhưng đều bị từ chối. Anh cứ bảo rằng mình chẳng làm được gì, đã cống hiến được gì đâu. Khó khăn, thách thức là khó khăn, thách thức chung chứ đâu phải của riêng mình.

mot vi tuong thuy dien
Anh Phạm Hồng Phương

2. Phải đến ngày 20-6 vừa rồi, khi nhà máy phát điện, hòa lưới thành công Tổ máy 2, nói mãi anh mới dành cho chút thời gian.

Phương sinh năm 1969, quê gốc Hà Nội. Anh có ánh mắt sáng, dáng người tầm thước, nước da sạm nắng và nụ cười rất tươi. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, từ tốn, anh kể cho tôi nghe về quãng thời gian hơn 5 năm có thể nói là “ăn núi ngủ rừng” với các hạng mục ở công trình Thủy điện Lai Châu.

Năm 2010, sau khi hoàn thành toàn bộ quá trình khảo sát, nghiên cứu, rồi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, xét thấy đảm bảo đủ các điều kiện để triển khai các hạng mục trên công trình, EVN đã quyết định triển khai thi công xây dựng NMTĐ Lai Châu. Một trong những vấn đề đặt ra đầu tiên được lãnh đạo Tập đoàn đưa ra là phải có một cán bộ quản lý làm tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề trên công trường, EVN đã điều động anh lên Lai Châu. Nhưng trước khi có quyết định này, lãnh đạo đã gợi ý hai con đường: Một là về Hà Nội nhận nhiệm vụ quản lý ở một ban chuyên môn của Tập đoàn. Hai là lên Lai Châu để triển khai Dự án xây dựng NMTĐ Lai Châu. Sở dĩ cấp trên cho anh hai lựa chọn như vậy bởi anh là một trong số những cán bộ đầu tiên của ngành điện được đưa lên Sơn La xây dựng NMTĐ Sơn La từ năm 2003. Không chần chừ, anh chọn con đường khó khăn, thử thách hơn là lên Lai Châu để triển khai Dự án Thủy điện Lai Châu!

Nói về quyết định này, Phạm Hồng Phương cho hay: Đúng là khi đó có rất nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo Tập đoàn đã khuyên anh quay về Hà Nội để làm việc. Bởi quãng thời gian 7 năm cống hiến trên công trình xây dựng NMTĐ Sơn La - NMTĐ lớn nhất nước - đã đủ ghi nhận.

Năm 2003, khi con trai anh mới tròn 5 tháng tuổi, nhận quyết định của lãnh đạo lên công trình Thủy điện Sơn La, mặc dù anh có thể xin lãnh đạo tạm hoãn quyết định hoặc có khi là xin không phải đi… nhưng anh đã không làm. Khi được phân công lên Lai Châu, anh cũng không hề đắn đo. Anh tâm niệm: Đã là công việc thì phải làm, tổ chức phân công thì phải thực hiện. Đàn ông thì phải lo việc lớn, phải có khát vọng cống hiến, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn. Có như thế bản lĩnh, ý trí mới được trui rèn, con người mới trưởng thành được.

Nhớ lại những ngày đầu có mặt trên công trình xây dựng NMTĐ Lai Châu, anh bảo: Bước lên vùng đất mới làm thủy điện là vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Khi đó, lãnh đạo Tập đoàn đã sắp xếp cho mình ở Mường Lay và hằng ngày đi vào công trình làm việc. Nhưng vì đường sá cách trở, đi lại có khi mất tới 3 giờ đồng hồ, nếu ở ngoài Mường Lay sẽ không có nhiều thời gian để làm việc. Vậy nên mình quyết định vào ở với anh em. Thời gian đầu, lán trại thì cũng chỉ là nhà tạm, rất chật trội. Ngủ thì chỉ có mấy chiếc giường tầng xếp san sát, không lối đi với khoảng 30 người. Còn 1 phòng to thì để ngồi họp. Anh em ưu ái mình, cứ muộn, sau khi làm việc xong lại kê cái giường gấp cho mình ngủ, sáng hôm sau lại cất đi. Đồ ăn thức uống thì cũng phải tự cung, tự cấp. Rau tự trồng, gà tự nuôi, nước sinh hoạt thì dẫn từ trên núi về. Phải 8 tháng sau, với sự nỗ lực của cả tập thể, công trường mới bắt đầu có lán, có trại.

mot vi tuong thuy dien
Đập Thủy điện Lai Châu

3. Làm thủy điện là cái nghiệp, là cơ may của Phạm Hồng Phương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh được nhận vào làm việc tại Ban Chuẩn bị đầu tư của EVN. Ban này có nhiệm vụ quản lý quy hoạch các công trình của EVN. Sau này, do yêu cầu sắp xếp của tổ chức, EVN đã nhập Ban Chuẩn bị đầu tư và Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La. Hết giai đoạn chuẩn bị thì chính thức chuyển thành BQL Dự án Thủy điện Sơn La và sau đổi thành BQL Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu. Và đây cũng là nơi đã trui rèn ra một Phạm Hồng Phương với đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, giàu nhiệt huyết cống hiến, đam mê với nghiệp thủy điện, với việc kinh qua hầu hết các vị trí quản lý khác nhau trong Ban.

Anh tham gia BQL Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu từ ngày đầu là một cán bộ kỹ thuật, đến Tổ trưởng, Phó phòng Kỹ thuật. Sau đó, do yêu cầu công việc cũng như sự phân công của cấp trên, anh lần lượt kinh qua các vị trí Phó phòng Kinh tế, Phó phòng Vật tư thiết bị rồi Phó giám đốc một cơ sở làm vật liệu tro bay (đây là nơi đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp đổ bê tông đầm lăn mà sau này áp dụng đầu tiên ở công trình xây dựng NMTĐ Sơn La và trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp công trình về đích sớm 3 năm so với kế hoạch); Trưởng phòng Kế hoạch… Nói chung là anh trưởng thành hoàn toàn từ BQL Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.

Cũng bởi đã được trui rèn, trưởng thành từ thực tế nên Phạm Hồng Phương hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả mà người “lính thủy điện” sẽ phải đối diện, vượt qua nếu muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó trước hết là các dự án thủy điện hầu hết nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc, núi thẳm rừng sâu, là khai phá một vùng đất mới. Tuy nhiên, cái nghiệp thủy điện cũng cho người ta cái sự tự hào. Và với anh, đó trước hết là sự khẳng định thành công trong cái nghiệp của mình. Sau đó là sự khẳng định mình đã huy động được sức mạnh tập thể để cùng nhau chung lưng góp sức giải quyết khó khăn, thách thức đi đến thành công.

“Khó khăn, thiếu thốn về vật chất đã đành, nhưng cái khổ lớn nhất mà người làm thủy điện phải đối diện lại là cuộc sống xa gia đình, xa vợ con. Nhiều người vì nhiệm vụ đã phải bám trụ tại công trường nhiều tháng trời. Vợ ốm, con đau có khi cũng không thể về, chỉ biết gọi điện thoại hỏi thăm được mấy câu rồi thôi. Việc lớn, việc nhỏ vì thế đều phó mặc cho người vợ ở nhà. Mình làm lãnh đạo vì thế càng phải gương mẫu, càng phải đi đầu để động viên, khích lệ anh em” - anh Phương nói.

Bởi suy nghĩ như vậy nên người ta thấy, vào những đợt cao điểm, Phạm Hồng Phương “ăn dầm ở dề” mấy tháng trời trên công trình. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa anh đều có mặt ở những điểm “nóng” nhất để trực tiếp làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ của dự án. Rồi có những khi, người ta còn thấy anh trắng đêm trên công trường, thức cùng anh em BQL Dự án để kiểm tra, giám sát các hạng mục thi công.

Cũng có khi sáng còn thấy anh ở công trường, chiều đã ra Lai Châu để họp, tối muộn lại về. Có khi buổi chiều vừa nghe nói anh đang báo cáo tình hình triển khai thi công nhà máy cho lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương hay EVN, vậy mà sáng hôm sau đã thấy anh chạy như “con thoi” trên công trường. Anh em trong Ban cũng như các đơn vị nhà thầu thi công vì thế càng nỗ lực, quyết tâm, cố gắng vượt khó, đoàn kết, thống nhất ý trí triển khai thi công công trình đảm bảo tiến độ đề ra. Và việc Tổ máy số 2 Thủy điện Lai Châu phát điện, hòa lưới thành công vào ngày 20-6 vừa rồi chính là sự khẳng định cho những nỗ lực, cố gắng đó!

4. Với những gì đã và đang làm ở Thủy điện Lai Châu, Phạm Hồng Phương xứng đáng là người thủ lĩnh, vị tổng chỉ huy, một vị tướng thủy điện trên công trình thủy điện. Anh không những đã khẳng định được năng lực, trình độ quản lý trên đại công trường Thủy điện Lai Châu mà đã biết phát huy tinh thần nêu gương, vượt khó, đoàn kết, thống nhất ý trí tập thể cán bộ BQL cũng như nhà thầu thi công để vượt mọi khó khăn, thách thức đưa công trình đạt mốc tiến độ đề ra.

Hơn 5 năm qua, từ khi được giao tổng chỉ huy trên công trường Thủy điện Lai Châu, anh chưa một lần lỗi hẹn với lãnh đạo khi đưa ra các cam kết về tiến độ công trình. Nhưng, có một lời hứa mà anh chưa thực hiện và cũng sẽ không bao giờ thực hiện được là lời hứa với vợ - cũng là người đồng nghiệp của anh. Chẳng là năm 2003 - khi đứa con trai đầu lòng của anh mới được 5 tháng tuổi, trước khi lên Thủy điện Sơn La nhận nhiệm vụ, anh có hứa với chị là “đến khi con học cấp I anh sẽ về”.

“Lời hứa này tôi đã không thực hiện và đến giờ vẫn nhắc. Mình đi một lèo cho đến bây giờ. Và giờ tuy có điều kiện gần vợ con hơn do điều kiện công tác nhưng cũng xác định dù có lên làm lãnh đạo thì vẫn đi xa là chủ yếu. Nhiều lúc cũng nghĩ thương vợ, có lỗi với vợ, hiểu được sự thiệt thòi, tủi thân của vợ. Nhưng mình cũng may mắn có được một người vợ đảm, biết chăm lo cho con cái, gia đình và hiểu công việc của mình. Mình cũng đã trả lời được cho vợ, khẳng định là mình có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng và được lãnh đạo ghi nhận. Rồi tôi cũng được bố, mẹ - vốn cũng là người trong ngành điện - thấu hiểu. Vậy nên những lúc gia đình có việc, dù tôi là con trai trưởng thì ông bà đều đứng ra gánh đỡ, che đỡ cho” - anh Phương tâm sự.

Dự án Xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu tại thị trấn Nậm Nhùn (Nậm Nhùn, Lai Châu) là công trình trọng điểm Quốc gia. Công trình Thủy điện Lai Châu nằm ở bậc thang trên cùng của Sông Đà, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7-6-2010 và được khởi công xây dựng vào ngày 5-1-2011.

Công trình có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỉ đồng. NMTĐ Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện Quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Mục tiêu của dự án cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia; góp phần cùng với các NMTĐ trên bậc thang Thủy điện Sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên và vùng Tây Bắc. Cũng như công trình xây dựng NMTĐ Sơn La, NMTĐ Lai Châu do 100% cán bộ, kỹ sư người Việt Nam thi công, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận chuyển, lắp đặt máy móc…

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 543