Một thế giới không than đá đang hình thành

06:00 | 03/04/2017

2,916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đã làm giảm số lượng nhà máy nhiệt điện đốt than. Hiện nay, những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than vẫn tiếp tục cung cấp 40% sản lượng điện toàn cầu. Mặc dù vậy, đây là lần đầu tiên một thế giới không than đá đã xuất hiện kể từ sau cách mạng công nghiệp.

Sự sụt giảm ấn tượng

Năm 2016, nền kinh tế thế giới bắt đầu quay lưng lại với việc sử dụng than. Theo báo cáo thường niên của 3 tổ chức phi chính phủ gồm: Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), Viện Nghiên cứu CoalSwarm ở bang California và Tổ chức Bảo vệ môi trường Sierra Club của Mỹ), đây là lần đầu tiên họ ghi nhận được sự giảm mạnh những công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện mới, đồng thời số lượng nhà máy bị ngừng hoạt động tăng cao.

Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, số lượng các nhà máy điện chạy bằng than trên thế giới đã giảm đáng kể vào năm 2016”, chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.

mot the gioi khong than da dang hinh thanh
Trung Quốc là nước tiêu thụ than đá nhiều nhất trên thế giới

Các nhà chức trách Trung Quốc dường như quyết tâm tập trung vào những nguồn năng lượng khác. Còn Ấn Độ là do gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn tài trợ cho các dự án xây dựng. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước đã cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than nhất trên thế giới trong 10 năm trở lại đây, chiếm gần 86% tổng số lượng nhà máy mới.

Theo số liệu của ba tổ chức này, Trung Quốc có số dự án xây mới nhà máy điện than giảm 48% vào năm 2016, tính riêng các dự án khởi công giảm 62% và số lượng giấy phép mới được ban hành giảm 85%. Các tác giả cho biết: “Tại Trung Quốc và Ấn Độ, tổng cộng có hơn 100 dự án xây dựng đã bị đóng băng”.

Tính chung trong 2 năm trở lại đây, có 120 nhà máy đốt than cũ bị ngừng hoạt động, chủ yếu là tại Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Theo các tác giả, đây chính là dấu hiệu tích cực trong việc giải quyết vấn đề khí hậu và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Lauri Myllyvirta - người phụ trách về chất lượng không khí của Greenpeace - đánh giá: “Năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt lớn”.

Nguồn năng lượng bẩn

Than hiện vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng với thế giới. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, sản lượng tiêu thụ than không ngừng tăng lên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than cung cấp 30% nhu cầu năng lượng trên thế giới và là nguồn nhiên liệu để sản xuất 40% sản lượng điện toàn cầu. Nhưng riêng nó đã chiếm tới 45% lượng khí thải ô nhiễm. Cho nên, than đá là nguồn năng lượng bẩn nhất.

Không sử dụng than là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và chống lại các bệnh về đường hô hấp bị gây ra bởi hạt bụi siêu mịn. Từ lâu, các nước mới nổi đã bất chấp mọi giá vì mục tiêu phát triển. Điển hình như Trung Quốc, 75% sản lượng điện đến từ các nhà máy nhiệt điện đốt than và riêng nước này đã dùng hết 1/2 tổng số than được tiêu thụ trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, cả nước Trung Quốc đều bị nghẹt thở bởi những đám mây ô nhiễm độc hại, tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô và những khu công nghiệp lâu đời thuộc vùng Đông Bắc nước này. Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đã vượt mức báo động do hoạt động của nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, nhất là vào mùa đông. Theo thống kê trên cả nước, số người chết do ô nhiễm lên đến 400.000 người/năm. Riêng năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tình trạng ô nhiễm đã giết chết hơn 1 triệu người Trung Quốc.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm cũng tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến xã hội và chính trị. Điển hình như việc chính quyền Bắc Kinh nhìn thấy mối đe dọa trật tự xã hội tiềm tàng từ trong những cuộc biểu tình vì môi trường.

Báo cáo của chính quyền Bắc Kinh cho biết, số lượng các hạt bụi mịn PM 2,5 (tức là có đường kính 2,5 micron) trong không khí dao động 200-330 hạt, gấp 10 lần mức khuyến cáo tối đa của WHO. Trong cơ thể người, hạt bụi mịn có thể thâm nhập vào phổi và truyền sang máu, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi và bệnh tim.

Trung Quốc đã hạn chế sử dụng than

Trước tình hình trên, Trung Quốc đã và đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo và kìm hãm sự phát triển của than. Bằng chứng xác thực nhất là hành động cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than lớn nhất tại Bắc Kinh hôm 19-3 vừa qua. Chính quyền Trung Quốc muốn động thái trên sẽ giúp nước này tiến tới một mô hình “carbon thấp”.

Việc đóng cửa Nhà máy Nhiệt điện đốt than Huangneng là phương án được rút ra từ kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc gần đây. Đồng thời, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa sẽ trả lại cho người dân một bầu trời trong xanh.

Theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, Bắc Kinh hiện là thành phố đầu tiên trong cả nước có điện sản xuất hoàn toàn từ khí thiên nhiên, hoàn thành một trong những mục tiêu của kế hoạch 5 năm của thủ đô từ năm 2013.

Huangneng là nhà máy nhiệt than thứ tư được thay thế bởi nhà máy vận hành bằng gas. Các nhà máy chạy bằng than bị thay thế đều đã hoạt động được hơn 20 năm và nhà máy bị khai tử gần đây nhất đã có 93 năm tồn tại. Nhà máy đầu tiên bị đóng cửa là vào tháng 7-2014, hai nhà máy tiếp theo là vào tháng 4-2015. Và gần 1 năm sau, nhà máy thứ tư đã bị ngưng hoạt động.

Sản lượng điện của nhà máy chạy bằng khí gấp 2,6 lần so với chạy bằng than, điều này cho phép đáp ứng nhu cầu của thành phố và loại nhà máy điện mới này sẽ tiếp tục được nhân rộng một cách nhanh chóng.

Thông báo đóng cửa nhà máy được ban hành vào tối 19-3 nhưng trước đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh thông tin về tỷ lệ bụi có trong không khí thông qua việc cài đặt một ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhờ đó người dân có thể cập nhật những biện pháp chính thức từ các nhà chức trách và từ Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.

Trên bình diện quốc tế, thời gian qua các nhà chức trách Trung Quốc luôn cam kết sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm bằng cách tạm thời đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP15 tại Copenhagen vào năm 2009, Trung Quốc hứa tới năm 2020 sẽ giảm 40-45% tỷ lệ khí thải CO2 trong hoạt động sản xuất. Và tại COP21 tại Paris vào cuối 2015, Trung Quốc từng cam đoan là tới năm 2030 sẽ giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong năm tới, nước này sẽ xử lý 8.000 công ty thuộc các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất.

Theo số liệu chính thức vào đầu tháng 3-2017, việc tiêu thụ than tại Trung Quốc giảm liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, tính riêng năm 2016 là 4,7%. Tuy nhiên, đây vẫn là nước tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới, do than là chất đốt không thể thiếu trong nền kinh tế và cung cấp 60% sản lượng điện của Trung Quốc.

Trước Trung Quốc, các nước phát triển đã tích cực tham gia hạn chế sử dụng than. Pháp thông báo rằng, cho đến 2023, họ sẽ không dùng than nữa. Năm ngoái, Vương quốc Anh và Canada cũng ra quyết định loại bỏ than. Còn Mỹ đã cho đóng cửa 250 nhà máy nhiệt điện than xây dựng từ năm 2010 chỉ trong gần một tuần.

Song mục tiêu hoàn toàn ngưng sử dụng than có thể sẽ kéo dài thêm nhiều thập niên nữa. Bởi vì một số quốc gia vẫn tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng này.

S.Phương