Một nhà báo “không thẻ”

07:00 | 21/06/2018

1,881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong sự nghiệp phát triển báo chí hôm nay, không thể không kể đến vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ cộng tác viên. Họ là những người viết báo nhưng không làm báo, những nhà báo “không thẻ” nhưng đã viết say sưa đến quên mình như là một người cầm bút chuyên nghiệp. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là một “nhà báo” như vậy.  

Trở thành bác sĩ nhưng đam mê văn chương

Phóng viên (PV): Làm một nghề hoàn toàn không liên quan đến văn chương, chữ nghĩa nhưng đọc các bài viết của anh không chỉ trên trang cá nhân mà trên cả những tờ báo lại thấy có khi chuyên nghiệp hơn cả những người làm nghề này. Mọi người có thể hiểu điều này như thế nào thưa anh?

Bác sĩ (BS)Trần Văn Phúc: Viết lách không phải là vấn đề tôi lựa chọn. Vì hồi còn bé, sức khỏe của tôi không được tốt, gia đình lại quá nghèo, nên việc trở thành một bác sĩ là điều tối cần thiết với tôi, với cả gia đình, trong đó có bố mẹ, có các anh chị em, có cả những người họ hàng.

Ở trường đại học, tôi được biết đến là một sinh viên có khả năng viết lách và đam mê. Các bạn gọi tôi là “Phúc Thơ” vì tôi viết rất nhiều thơ, nhưng cuộc sống văn chương có vẻ như không đủ, nên tôi quyết định đốt hết tất cả những gì tôi viết, tập trung thời gian và trí lực cho việc học tập để trở thành bác sĩ.

Mỗi buổi sáng đến bệnh viện thực tập, hay mỗi buổi chiều học lí thuyết ở trường, tôi thấy các bài giảng y khoa luôn mang lại cho tôi những cơ hội viết lách tuyệt vời, trong khi các bạn sinh viên khác nhìn vào bệnh nhân hay các trang sách bằng con mắt quá thực tế, nên họ chỉ thấy ở đó những áp lực.

mot nha bao khong the
Bác sĩ Trần Văn Phúc với công việc chuyên môn hằng ngày

Học y sẽ rất khô khan và mệt mỏi, vì những công thức hóa sinh dài cả nửa trang giấy, những chu trình chuyển hóa loằng ngoằng như tấm bản đồ, những cấu trúc giải phẫu đều vô hồn và khó nhớ, những triệu chứng lâm sàng chỉ ẩn chứa sự đớn đau. Sinh viên y khoa khi nhìn vào đó, họ không thấy có một chỗ nào trống để dành cho văn chương, nhưng với tôi thì ngược lại.

Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ, tôi nhìn thấy ở đó sự bận rộn chính là sự yên tĩnh, nó giúp tôi nảy sinh rất nhiều những ý tưởng văn chương. Tôi bắt đầu lấy cảm hứng viết từ mỗi bài giảng y khoa, từ cái chết đau thương của em bé bị viêm phổi, từ thời gian nằm viện dài ngày của một bệnh nhân ung thư, hay tiếng khóc thút thít của các cô gái trẻ trong phòng khám sản phụ khoa, thậm chí là cuộc sống kì lạ phía sau bức tường của những bệnh nhân bị tâm thần.

Tốt nghiệp trường y vào cuối những năm 90, thế hệ tôi rất khó để vào bệnh viện, hầu hết đi làm trình dược viên hoặc chuyển nghề. Nhờ có văn chương, tôi trở thành một bác sĩ có cách tiếp cận bệnh nhân khá độc đáo, điều đó giúp tôi có ưu thế hơn hẳn để xin việc.

Thời gian đầu đi làm, tôi cũng chỉ tập trung vào công việc chuyên môn, rất ít khi viết lách. Nhưng quá trình thực hành khám chữa bệnh, tôi phát hiện ra rằng, một trong những sai lầm của y học hôm nay là các bác sĩ quá nhiệt tình nắm lấy mô hình khoa học một cách duy ý chí. Khoa học là điều cần thiết cho y học, nhưng nó không phải là tất cả, cho dù phác đồ có hoàn hảo, kĩ thuật có chuyên sâu và mũi nhọn, thì các biến chứng, hay thậm chí là thảm họa vẫn cứ xảy ra như là kết quả của một quá trình giáo dục quá hẹp. Hàng loạt những ví dụ tôi có thể kể, như các vấn đề lớn của kinh tế y tế gây khủng hoảng hệ thống, các bác sĩ lạnh lùng không thể thực hành giao tiếp hay chia sẻ cảm xúc với bệnh nhân, các chuyên gia trở nên lạm dụng kĩ thuật và các chỉ định khi mải mê theo đuổi những thành tựu y học. Tất cả những điều đó, tôi cảm thấy cần phải ghi chép lại một cách nghiêm túc, cần phải phản ánh ít nhất là trên các phương tiện truyền thông, vì thế mà tôi quyết định viết báo.

Y học mang đến cho tôi tình yêu cuộc sống mà ở đó tôi thỏa sức được thực hành đam mê qua công việc của một người bác sĩ, viết lách mang lại cho tôi cuộc sống trong tình yêu thông qua việc tôi tái hiện lại một thế giới nhân sinh quan đầy đủ hơn những gì tôi trải nghiệm, bác sĩ và viết báo là hai công việc luôn hỗ trợ lẫn nhau để tôi có được cả cuộc sống và tình yêu.

PV: Chất văn chương, chữ nghĩa người ta thường quan niệm phải “thiên phú” mới được chứ ít khi do học, trải nghiệm mà có. Vậy tại sao một người có năng khiếu như anh lại chọn nghề bác sĩ thay vì chọn trở thành nhà văn, nhà báo?

mot nha bao khong the
Bác sĩ Phúc là một người đam mê văn chương

BS Trần Văn Phúc: Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đã bỏ nghề y để theo nghiệp viết văn, bởi ông quan niệm làm một bác sĩ giỏi chỉ cứu chữa được căn bệnh thể chất cho số ít người, nhưng nếu làm một nhà văn giỏi thì sẽ chữa được căn bệnh tâm hồn cho cả xã hội. Nhà văn Nguyễn Tuân cuối đời có nguyện vọng muốn bỏ nghiệp viết văn để theo nghề bác sĩ, vì ông quan niệm làm một người bác sĩ dốt chỉ gây ảnh hưởng xấu đến số ít bệnh nhân, nhưng viết văn dở sẽ làm hỏng cả một thế hệ.

Ban đầu tôi quyết định chọn nghề bác sĩ, nhưng con đường thực hành y khoa lại tạo nên trong tôi một cuốn nhật kí khổng lồ về cuộc sống, đó là nguồn tài liệu vô giá chứa đựng những trải nghiệm ấn tượng nhất về nghề, nó cứ ám ảnh và chỉ muốn thoát ra khỏi tâm trí, đó chính là lí do để tôi cầm bút viết.

Người đời thường quan niệm văn chương chữ nghĩa phải “thiên phú” chứ ít khi do học tập và trải nghiệm mà có. Với tôi thì ngược lại. Để có thể viết được như hôm nay, tôi phải bắt đầu đọc sách không ngừng nghỉ, tôi đọc từ khi lên 6 hay 7 tuổi. Bậc tiểu học và trung học cơ sở tôi đã đọc hết 3 thư viện. Lớn lên tôi đọc chậm dần, chủ yếu đọc sách văn học của nhiều tác giả từ cổ điển cho đến hiện đại, ở những quốc gia có nền văn học lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Đức.

Tôi không chỉ học cách viết từ tác phẩm văn chương, mà còn học ở chính cuộc đời tác giả, tất cả họ đều chăm chỉ lao động một cách nghiêm túc, có những lúc nghiêm túc đến đáng sợ, họ luôn luôn khiêm nhường, nhất là thời điểm họ nhận ra sự mênh mông giữa mục tiêu dự định và cái mà họ cần phải đạt được.

Thời kì đầu cầm bút, để không bị lặp đi lặp lại, không bị nhàm chán, tôi đã đọc và học, sau đó là sự ảnh hưởng của nhiều phong cách viết, từ Giả Bình Ao, rồi đến Mạc Ngôn, Tagore, O’Henry, Jack London, Jack Conroy, Erskine Caldwell, Albert Camus, O’Connor, Isaac Babel, Alan Gurganus, William Carlos Williams. Nhưng tất cả những thứ tôi viết, nó không phải là tôi, trong khi tôi hiểu những chữ tôi viết ra cũng phải giống như âm thanh tôi đang nói, nghĩa là tôi phải tìm được đúng giọng nói của mình chứ không nói bằng tiếng nói của người khác.

Quá trình đi tìm phong cách, tôi đã học đủ thứ, từ các môn khoa học tự nhiên như toán, lí, hóa tưởng như chẳng liên quan, cho đến các môn lịch sử, địa lí, xã hội học, tâm lí học. Và dần dần, tôi nhận thấy mình đang thiếu căn bản về nền tảng tư tưởng, đó chính là triết học. Ngay lập tức tôi phải tìm hiểu Triết học phương Đông, Triết học phương Tây, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa khoa học xã hội không tưởng, chủ nghĩa siêu hình, chủ nghĩa duy tâm; tìm đọc Khổng Tử, Lão Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Platon, Aristotle, Socrates, Rousseau, Marx, Engels, Lenin, Hồ Chí Minh. Tất cả đều rất quan trọng, dù theo ai, theo trường phái quan điểm nào cũng đều hay, đều có ý nghĩa.

Có một tác phẩm để lại ấn tượng mạnh trong tôi, đó là “Người xa lạ - ” của nhà văn Albert Camus, người đại diện tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa hiện sinh. Quan điểm triết học của tôi cũng bắt đầu định hình rõ sau khi đọc tác phẩm này, tôi thấy chủ nghĩa hiện sinh phù hợp với tôi hơn, phù hợp cả trong tư duy, cách viết, cũng như cách tôi ứng xử với cuộc sống.

Cũng như vậy, tôi tiếp tục nghiên cứu về tôn giáo, ban đầu ảnh hưởng của đạo Phật, về sau thấy các tôn giáo khác đều rất hay, thì cũng là lúc tôi quyết định theo chủ nghĩa vô thần, nhưng các bài viết của tôi vẫn có hơi hướng thiền định.

Tôi cho rằng, với một người cầm bút, thì năng khiếu chỉ đóng vai trò khởi đầu; muốn tạo được phong cách bắt buộc phải có sự học tập miệt mài và rèn luyện không ngừng nghỉ qua cách viết, phải có nền tảng tư tưởng triết học, phải có quan điểm tôn giáo chi phối kể cả là chủ nghĩa vô thần thì theo tôi vẫn phải là một thứ tôn giáo. Nếu không có được những điều đó, thì dù là thơ, văn, hay viết báo, thì đó chỉ là những trang viết nhạt nhẽo, những câu nói vụn vặt minh họa một cách hời hợt cho những hiện tượng của cuộc sống hiện thực mà thôi.

Viết và viết

mot nha bao khong the
Những trải nghiệm và chính công việc chuyên môn đã giúp bác sĩ có những trang viết xúc động lòng người

PV: Anh có nhớ đã viết bao nhiêu bài báo không?

BS Trần Văn Phúc: Tôi không thể nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo, nhưng chính thức viết từ năm 2002, có thời điểm viết cũng nhiều. Bản thân tôi học viết báo từ chính những bài báo, đặc biệt là học cách viết từ báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Quân đội, Tiền phong. Đó là mấy tờ báo lớn mà trong suốt nhiều năm tôi có thể nhịn ăn để dành tiền mua không thiếu một số nào.

Cho đến một ngày, quan điểm viết báo của tôi có sự thay đổi khi đọc bài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam của nhà báo Gabriel Garcia Marquéz, tiếng Anh khoảng 4700 từ, dịch ra tiếng Việt khoảng 6000 từ. Không quá khi nói Marquéz đã dạy cho tôi biết phải viết báo như thế nào. Và qua Internet, tôi bắt đầu tìm đến các nhà báo lớn trên thế giới, tìm đến các tạp chí hay các hãng thông tấn có uy tín để tìm hiểu, học hỏi thêm những điều mà tôi cho là cần phải học.

Khi thay đổi cách viết, tôi phải rất vất vả để thuyết phục ban biên tập chấp nhận đăng bài dài, có thể dài tới vài ngàn từ, chấp nhận những góc nhìn cá nhân, chấp nhận những thông điệp có ẩn ý sâu xa, chấp nhận cách tôi sử dụng từ và tạo những tổ hợp từ mới lạ; đặc biệt là chấp nhận sự phản biện có khi là ngược chiều dư luận.

Ở những thời điểm nhu cầu độc giả tăng, tôi đã quyết định viết trên các trang mạng xã hội như của Yahoo, Gmail hay Sky, những Web Blog tôi viết đã tạo nên sức nóng đáng kể, rất tiếc là sau đó tôi lại xóa. Thời kì đầu dùng mạng xã hội Facebook cũng vậy, tôi có số lượng độc giả đọc khá đông, sau đó vì một số lí do tôi cũng lại xóa hết. Thời gian gần đây đây, khi có những độc giả muốn đọc sâu và đọc chậm, thì ngoài viết báo tôi quyết định quay trở lại Facebook và Fanpage với tần suất đăng bài tương đối đều đặn.

PV: Với số lượng bài báo như vậy cùng với số bài trên Facebook, bạn đọc tò mò không hiểu anh sẽ viết vào lúc nào và quan tâm đến các vấn đề xã hội như thế nào để viết khi công việc của bác sĩ hiện nay có thể nói là “tối mắt” vì công việc?

BS Trần Văn Phúc: Tất cả các bác sĩ đều bận rộn vì phải làm việc kín thời gian. Tôi cũng vậy, ngoài làm việc ở bệnh viện, sau phiên trực hoặc những ngày nghỉ tôi nhận đi giảng bài hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến cơ sở, tối về vẫn phải đọc sách chuyên môn để cập nhật kiến thức thường xuyên. Vậy tôi lấy đâu thời gian để cập nhật thông tin các vấn đề xã hội và viết lách?

mot nha bao khong the
Là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Việt Nam, bác sĩ Phúc còn là một nhà báo "không thẻ"

Thực tế tôi không có thời gian dài để viết, nhưng lại luôn có thời gian để ghi lại những điều cần ghi chú. Rất nhiều những ghi chú là khởi đầu cho một câu chuyện hấp dẫn, khởi đầu cho một chủ đề quan trọng, cuối cùng là một bài báo.

Có một phẩm chất ở mọi bác sĩ, là ai cũng làm việc cực kì chăm chỉ, họ có thể huy động được nhiều giác quan để làm nhiều công việc cùng một lúc. Bản thân tôi cũng vậy, công việc thường xuyên đan xen, nên bằng cách nào đó tôi luôn suy nghĩ về mọi vấn đề mình tiếp nhận, bất kể khi nào có thể, ngày hoặc đêm, 5 phút, 10 phút, tôi sẽ liên tục nghĩ, liên tục viết và viết.

Cách tôi viết là cài đặt sẵn một chiếc máy tính ở trong đầu, nó giúp tôi viết những bài báo ở trong trí tưởng tượng, đó là khi tôi đang di chuyển từ khoa này đến khoa kia, hoặc trong lúc đang lái xe, ngay cả khi đang cập nhật một kiến thức mới về y khoa, thậm chí là trong bữa ăn. Tôi làm việc với tốc độ cao nhất có thể, bệnh nhân của tôi nằm lên giường trong khi tôi đang ở giữa một câu văn. Tôi cứ viết như thế, cho đến khi có thời gian, hoặc cuối ngày ngồi vào máy tính, thì tôi chỉ việc sử dụng đôi bàn tay để gõ nó ra thành những kí tự cụ thể, những suy nghĩ trăn trở cũng bắt đầu được giải phóng khỏi sự ám ảnh.

Hiểu chuyên môn viết hơn hẳn nhà báo

PV: Anh suy nghĩ như thế nào trước quan niệm một người có chất văn chương, chữ nghĩa nếu viết báo về chuyên môn, ngành nghề của mình thậm chí sẽ hơn hẳn không chỉ về hình thức mà cả về nội dung so với người viết báo?

BS.Trần Văn Phúc: Đúng! Tôi cho rằng, một người làm chuyên môn sâu lại có tố chất văn chương chữ nghĩa, thì khi viết báo sẽ trở nên vượt trội, bởi công việc viết lách lúc đó chỉ là xử lí văn bản, nó mang tính cơ học để thể hiện những suy nghĩ và ý tưởng.

Chúng ta hầu hết ai cũng biết đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, người đã cùng với Tổng thống Mỹ Obama thưởng thức món bún chả trên phố cổ Lê Văn Hưu (Hà Nội) vào mùa hè năm 2016. Bourdain bắt đầu làm công việc nấu nướng từ nhỏ với sự đam mê vô cùng tận, đam mê đến nỗi ông phải khẳng định “chỉ cần được rửa bát cũng mang lại cho tôi niềm vui”. Chính ẩm thực cùng với năng khiếu viết lách đã giúp cho Bourdain trở thành một nhà báo nổi tiếng, là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Nhưng thật buồn khi Bourdain đã chọn cách từ giã cõi đời vào ngày 8/6 vừa rồi, để lại sau ông bao nhiêu những dang dở, đó là những chuyến phiêu lưu vĩ đại, những đồ ăn thức uống tuyệt vời chưa được bàn tay ông khám phá, những câu chuyện ấn tượng độc nhất vô nhị mà chỉ có ngòi bút của ông mới viết ra được.

Y học cũng vậy, thế giới có rất nhiều những bác sĩ với chuyên môn tài giỏi nhưng vẫn cầm bút viết báo và viết văn. Đó là Robert Coles, Lewis Thomas, Oliver Sacks, William Carlos Williams…, rất nhiều mà tôi không kể hết được.

PV: Không ít người cho rằng, các tờ báo, tòa soạn phải phát triển đội ngũ cộng tác viên ở các nghành nghề thì các sản phẩm báo chí của họ mới sâu, mới thỏa mãn bạn đọc về kiến thức, về cách nhìn nhận... Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

BS Trần Văn Phúc: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, vì các hãng thông tấn và các tờ báo lớn trên thế giới đã làm như vậy từ lâu, đội ngũ cộng tác viên chuyên ngành có khi nhiều hơn cả phóng viên và họ rất thành công, trong khi chúng ta chưa kịp bắt đầu.

Riêng trong lĩnh vực y khoa, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đã tạo nên sự bùng nổ đột biến với những ứng dụng công nghệ mới, nó đòi hỏi người bác sĩ phải nhanh chóng thể hiện được các giá trị của bản thân. Nhưng chính sự tiến bộ kì diệu của y học đã đưa bác sĩ chúng tôi đến với một thế giới mới mà chúng tôi không thể tưởng tượng nổi so với trước đây. Hàng loạt những tình huống khó xử mới, hàng loạt những biến chứng lạ, cứ thế xuất hiện với tốc độ chóng mặt và rất khó hiểu.

Vậy làm thế nào để ghi chép lại những gì đang diễn ra, phản ánh những gì bác sĩ đang làm trong một thế giới như vậy? Nhà báo chuyên nghiệp liệu có nhìn thấy đằng sau mỗi bệnh nhân là một câu chuyện cuộc đời, đằng sau mỗi việc làm của bác sĩ là một câu chuyên của thành công, hay câu chuyện thất bại? Làm thế nào để các bác sĩ có được những điều suy nghĩ lớn lao hơn về chính những việc của họ? Làm thế nào để nhắc nhở các bác sĩ về những hậu quả của những sự sơ suất? Tôi cho rằng, nhà báo không thể làm tốt hơn một bác sĩ có khả năng viết lách, bởi ngay bác sĩ cũng đã có nhiều công việc chuyên sâu khác nhau, có người làm thực hành chuyên môn, người khác lại làm nghiên cứu hay quản lí bệnh viện, có người chỉ giảng dạy ở trường đại học, cũng có người chuyên tham gia các dự án. Và họ, sẽ là những người hiểu sâu về lĩnh vực của mình để viết.

PV: Nhưng làm thế nào để khơi dậy khả năng cũng như trách nhiệm này của những người không làm báo nhưng có khả năng viết báo, thưa anh?

BS Trần Văn Phúc: Nhiều người cho rằng làm chuyên môn mà tham gia viết báo là rất khó khăn, nhưng đối với tôi nó không thể khó khăn hơn việc một bác sĩ hết giờ ở bệnh viện về nhà ngồi xuống cây đàn Piano chơi một bản nhạc cổ điển. Tại sao hầu hết các trí thức ở các nước phát triển họ đều chơi được ít nhất một nhạc cụ trong khi chúng ta thì không? Câu trả lời là ở quan điểm giáo dục, chúng ta không thể khơi dậy khả năng cũng như trách nhiệm nếu như chúng ta không dạy họ cách viết.

Các trường đào tạo y khoa trên thế giới vẫn luôn có các lớp dạy viết văn, vì thế mà ở các quốc gia đang có rất nhiều những bác sĩ kiêm nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở khắp mọi nơi. Thế giới hôm nay đang được coi là thời kì phục hưng của các nhà văn nhà báo, của cả một lĩnh vực y khoa vô cùng phong phú và hấp dẫn, một điều mà trước đây chưa bao giờ có. Bởi vậy mà truyền thông có một nguyên tắc, nếu khó khăn hãy tìm đến truyền thông y tế, biết cách làm sẽ gặt hái được những thành công rực rỡ. Chúng ta thì ngược lại, báo chí y tế dường như đang bị xếp chót bảng trong một tòa soạn, số bác sĩ viết văn viết báo chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tôi cho rằng, chúng ta hãy chọn điểm khởi đầu là giáo dục để khơi gợi những người theo nghiệp bác sĩ cầm bút viết văn và viết báo, các nghề khác cũng nên làm như vậy.

PV: Chân thành cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc