Một ngày ở sòng bạc ngoại biên (Kỳ 2)

09:34 | 08/08/2013

3,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi đi vòng quanh trường gà, nhìn những chiếc lồng gà được phủ màn xanh mà thấy trong lòng buồn vô hạn. Chọi gà - một thú vui mang hơi hướng của tinh thần thượng võ từ rất lâu đời, nay đã bị biến tướng trở thành một công cụ cho những kẻ máu me cờ bạc.

>> Một ngày ở sòng bạc ngoại biên (Kỳ 1)

Phóng sự của Nguyễn Như Phong

Rời sòng bạc, tôi đi sang trường gà.

Vừa bước vào, tai tôi ù lên bởi những âm thanh kỳ quái.

Ở giữa sàn đấu hình tròn, đường kính khoảng gần 5m, có hơn một chục người mặc áo đỏ đang đi vòng quanh. Họ gào lên những tiếng gì mà tôi không thể nào dịch ra được. Hỏi ra mới biết họ đang gào rằng: “Xanh tám rưỡi, đỏ chín” - nghĩa là nếu ai chọn con gà có buộc băng dính màu xanh ở chân mà thắng thì sẽ được tám triệu rưỡi, còn nếu chọn con gà buộc băng dính màu đỏ mà thắng thì được chín triệu. Như vậy là con có băng dính màu đỏ nhỉnh hơn con màu xanh. Họ vừa hô giá đặt cược, vừa chỉ tay vào mặt những người xung quanh như để hối thúc hãy đặt tiền đi.

Rồi tiếng gà gáy, tiếng loa réo đặt cửa oang oang, tiềng hò hét của đám nhân viên phục vụ, tiếng rao xổ số, tiếng rao cà phê… Tất cả tạo nên bầu không khí náo nhiệt, gấp gáp và rất đặc trưng của trường đá gà.

Những ông chủ có gà đá ngồi hút thuốc lá, uống cà phê và với vẻ mặt vô tư nhất trên đời. Tất cả những việc khác như chăm sóc, chuẩn bị cho gà vào đá, buộc cựa sắt, rồi những động tác nhằm thổi bùng “máu chiến” của chú gà đều được các đệ tử thực hiện.

Một trường gà ở ngoại biên

Sau khoảng mười phút đặt cược cho các cửa, trận đá gà bắt đầu.

Trọng tài ra kiểm tra từng con gà.

Anh ta cầm một quả chanh xọc vào cựa thép của từng chú gà.

Mỗi chú gà đều được buộc thêm một chiếc cựa thép. Chiếc cựa làm bằng inox 1,5mm, dài 7-8cm, đầu mài nhọn hoắt như mũi kim. Hỏi ra mới biết, anh ta dùng quả chanh xọc vào chiếc cựa thép là để “tẩy độc” nhằm ngăn chặn những trò bá đạo như bôi thuốc độc vào cựa sắt. Chú gà kia nếu bị dính cước thì về vĩnh viễn không đá được nữa. Chất axít ở trong quả chanh sẽ vô hiệu hóa chất độc ấy nếu có.

Người trọng tài đếm 1, 2, 3. Bầu không khí căng thẳng, im lặng đến nghẹt thở bao trùm cả trường gà.

Hai con gà lông cổ dựng ngược, đuôi vểnh lên lao bổ vào nhau. Chỉ trong nháy mắt, một con ngã lăn ra, giãy đành đạch.

Tôi không tin vào mắt mình khi thấy chiếc cựa sắt đâm xuyên từ hàm dưới ngược lên đỉnh đầu, xuyên qua xương sọ, lòi ra cỡ gần 1cm nữa và khiến chú gà chết ngay tức khắc. Trận đấu kết thúc chỉ trong vòng có 3 giây. Thế là không gian lại ào lên, đám nhân viên tới tấp đi thu tiền cá cược.

Chỉ 5 phút sau, một cọc tiền 500 nghìn dày đến cả gang tay được xếp thành chồng trước mặt một ông chủ gà.

Nhân viên vệ sinh dùng máy hút bụi hút lông gà rơi vãi, dùng khăn lau máu ở dưới sàn rồi phun một lớp nước mỏng như sương để giúp gà mát chân…

Lại hai người khác ôm gà ra. Một trận đấu mới bắt đầu…

Tôi ngồi nhẩm tính, cứ khoảng 20 phút là có một trận. Thời gian chuẩn bị thì lâu, nhưng mỗi trận đá gà ở đây cùng lắm là kéo dài được đến 5 phút. Bên trong sàn đấu thì không khí sôi sùng sục như vậy nhưng bên ngoài sàn thì lại có những người đang cần mẫn, im lặng chăm sóc những chú gà chuẩn bị vào xới.

Họ bế những chú gà lên, ngậm nước, phun phì phì vào đầu gà. Họ dùng nước Lavie rửa chân cho gà, rồi dùng những chiếc khăn bông trắng nõn lau chùi cho chúng. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao lại phải rửa chân cho gà?”. Một người nói: “Khi gà vào đá, chân phải sạch bong, không được dính một hạt cát. Chỉ cần dính một hạt cát, làm gợn chân là bước đá có thể đã sai lệch”.

À, ra thế. Ờ, mà cũng giống con người. Có hạt cát trong giày là thấy khó chịu rồi. Có lẽ vì thế mà chú gà được ôm ấp suốt từ lúc được rửa chân đến lúc ra sàn đấu.

Sau công đoạn rửa chân là đến buộc cựa sắt.

Nói là cựa sắt tôi e rằng không thể hiện đúng bản chất của thứ dụng cụ quái gở này - một loại dụng cụ để rút ngắn thời gian trận đấu mà nên gọi là “dùi” thì đúng hơn. Chiếc dùi thép làm bằng inox đó được tán vào một mảnh da, rồi mảnh da đó được bọc vào chân gà để cựa quay về phía sau, hoặc lệch đi một góc bao nhiêu do thế đá của con gà mà chủ gà nghiên cứu. Sau đó, người phục vụ dùng băng dính mỏng, nhưng không phải là băng nilon mà là một loại băng dính vải quấn lại.

"Cựa gà” nhân tạo

Tôi rụt rè xin xem thử một con gà. Thấy tôi là người lạ mặt và trông bộ dạng cũng ngơ ngáo, gã thanh niên chăm gà đồng ý cho tôi bế thử. Con gà gầy trơ xương, lườn nhọn, hai bên cánh có một lớp gì đó dày dày. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, hắn ta giải thích đó là áo giáp. Hóa ra là ở chỗ sườn, phần giáp cánh con gà, nơi mỏng thịt nhất đã được chủ gà dán cho một lớp áo giáp bằng da. Anh ta nói với tôi: “Có áo giáp thế này mà có khi vẫn bị đá thủng”. Tôi rụt rè sờ vào cựa và thấy lạnh cả người bởi nó sắc nhọn như một chiếc lưỡi câu.

Với người lạ, được sờ vào gà trước lúc ra sàn đấu coi như một “đặc ân” và phải tin lắm mới được như vậy. Bởi nếu đưa gà cho người khác, nếu lại là người của đối phương, chỉ một cú bấm huyệt nhẹ, chỉ một cây kim bé xíu găm vào lườn… thế là xong đời! Gà dùng đi đá phải chắc, hầu như không có tí mỡ nào và do được tập luyện hằng ngày cho nên con nào con ấy khá gầy.

Trong lúc chờ đấu, gã ta vui chuyện mới kể cho tôi nghe, tạm gọi là thâm cung bí sử trong nghề đấu gà.

Gã nói rằng, đấu gà trong Nam và ngoài Bắc khác xa nhau.

Ở ngoài Bắc, thường lấy đá gà làm vui. Cũng có cá độ, cũng có được thua nhưng số tiền không đáng, vài chục triệu là cùng ( !?).

Nhưng ở trong phía Nam thì đá gà là một hình thức cờ bạc. Đây là một hình thức cho hai con vật chém giết nhau để con người hưởng lợi. Gà ngoài Bắc không dùng cựa sắt, mà chỉ dùng cựa tự nhiên của con gà nên gà chọi ngoài Bắc cao lớn, nặng có khi tới 4-5kg, trông oai vệ, cựa ở chân dài có khi đến 3-4cm. Để gà đá bằng cựa “nguyên bản” này thì hầu như không có chuyện gà bị chết và mỗi trận đấu diễn ra rất lâu, có khi hàng nửa tiếng đồng hồ, thậm chí hơn nữa.

Ở trong Nam, các trường gà đều buộc thêm cựa sắt cho gà. Gà chọi ở đây không nhất thiết phải cao lớn, hùng dũng, cổ trụi lông giống như gà ngoài Bắc. Gà chọi ở đây thường từ 2,5kg trở xuống. Trông những con gà chọi này, tôi thấy vô cùng lạ vì nó nom như một thứ gà cảnh, đuôi dài, lông dài và nom rất sặc sỡ.

Anh ta kể cho tôi nghe rằng, ở đây mỗi ngày được thua hàng tỉ là chuyện bình thường. Ngày hôm nay có thể thắng dăm bảy trăm triệu, có khi là một vài tỉ. Ngày mai lại có thể mất sạch chỗ đấy.

Những ông chủ gà thường có trang trại nuôi gà riêng. Gần đây, người ta không những nuôi gà bản địa, mà còn nhập gà từ Mỹ về để chọi. Theo anh ta nói, gà Mỹ có ưu thế hơn gà Việt là khi lâm trận đánh quyết liệt ngay từ đầu, nhảy cao và đặc biệt là vô cùng hung hăng. Nếu như cho gà Mỹ chọi nhau với gà ta ở mức cùng cân, cùng lạng thì gà ta không bao giờ có cửa thắng.

Nhưng để nhập một con gà Mỹ về cũng rất nhiêu khê. Ngoài các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho gà từ Mỹ về Việt Nam, việc nuôi nấng cũng phải khác. Ấy là đã có gà Mỹ thì phải có thức ăn Mỹ. Thức ăn Mỹ dành cho loại gà này ở Việt Nam không làm được nên cũng phải nhập về. Mỗi bao 10kg có giá hơn 50 đôla. Giá gà Mỹ nhập về cũng vô cùng. Con nào rẻ thì vài trăm đôla, còn những con đặc biệt thì có khi tới 4.000 đôla. Một chú gà được đầu tư nhiều tiền như vậy nhưng có khi vào sân đá chỉ vài ba phút đã bị cựa sắt đâm thủng tim, thủng phổi thì chủ gà làm sao không đau đớn cho được.

Đã là cờ bạc thì thế nào cũng có lừa đảo, bịp bợm.

Ngón bịp bợm trong đá gà thường chỉ có một cách là lừa người đến xem và cá độ.

Hai gã thông đồng với nhau, mang gà ra chọi. Một con yếu và một con khỏe hơn. Nhưng chúng đóng kịch với nhau để mọi người nghĩ rằng, con gà yếu kia mới là con “oách”, là “cửa trên”. Và đám đệ tử thì “thổi giá” cá độ… Trò này thường chỉ lừa được những ai mới đến chơi và không hiểu biết gì. Họ chỉ bừng tỉnh khi chú gà “cửa trên” kia lăn ra giãy sau mươi giây, hoặc vừa thấy gà kia xông vào đã “ù té quyền”. Các tay chủ gà có máu mặt thường không chơi kiểu “lưu manh” như thế.

Người ngoài Bắc không mê đá gà lắm nhưng người Nam Bộ thì đặc biệt mê. Chính vì vậy, ở suốt tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã có tới 35 trường đá gà ngoại biên. Nhiều nhất là tỉnh Tây Ninh có 10 trường gà, Long An có 8 trường gà, An Giang có 8 trường gà… Và cũng chẳng ai có thể tính được mỗi ngày có bao nhiêu người Việt sang đây chơi đá gà.

Nói đến nuôi gà để đi đá (ngoài Bắc gọi là gà chọi) cũng cực kỳ nhiêu khê và đòi hỏi người nuôi phải rất tinh.

Những người chủ gà này có thể bỏ ăn, bỏ ngủ để chăm sóc một chú gà hơn chăm con đẻ của mình, con ốm không lo bằng gà ốm. Một chú gà ngày hôm sau được mang đi đá thì chủ gà hoặc người trực tiếp nuôi phải theo dõi từng giờ từng phút. Nào là phải xem gà hôm nay ăn có ngon miệng không, có “xơi” hết khẩu phần không? Rồi phải ngắm nghía xem thần sắc gà có tươi tỉnh không, rồi lại tính toán xem cho gà ăn loại vitamin gì, dùng thuốc tăng lực nào để cho phù hợp. Đã có không ít chủ gà chết dở khi cho gà dùng doping trước khi vào đấu. Chú gà vốn đang bình thường, khi rỏ 1-2 giọt doping thì lập tức bị “rực” lên, khi ra ngoài sàn đấu cứ vỗ cánh gáy te te mà quên mất việc phải lao vào đánh đối phương. Khi bị ăn đòn nhiều quá thì nằm lăn đùng ra giãy hoặc bỏ chạy.

Các chủ gà biết việc dùng doping cho gà là rất có hại, nhưng vì cái lợi nên vẫn nghiến răng cho gà uống. Một chú gà chọi bình thường nếu không có doping thì thời gian thi đấu có thể kéo dài hằng tháng nếu như không bị cựa sắt đâm đúng chỗ hiểm. Nếu dùng doping thì có khi chỉ mươi ngày là phải loại. Chính vì thế, đối với những chú gà cho uống nhiều vitamin hoặc doping thì cứ sau một thời gian, chủ gà lại phải cho đi “tẩy độc”. Cách tẩy độc thứ nhất là cho gà không có cựa sắt chọi nhau với gà khác để chất độc trong máu theo mồ hôi mà ra. Cách thứ hai có vẻ nhân đạo hơn là cho đi sống với lũ gà mái ít ngày. Hết thời gian tẩy độc, chú gà được mang về vỗ lại để thi đấu tiếp.

Nếu như người đánh bạc ở casino chỉ cần ít tiền là có thể chơi được thì những người chơi đá gà phải có rất nhiều tiền. Tiền cá độ mà tôi thấy ở đây nhẹ thì cũng phải dăm triệu, còn nếu không thì hàng chục, thậm chí cả trăm triệu cho một lần cá độ. Cuối ngày, chủ trường gà sẽ cộng lại tất cả các trận đấu và biết ngay được ngày hôm nay thu được bao nhiêu tiền. Chủ trường gà giữ lại 10-15%, còn lại trả cho chủ gà. Đội quân phục vụ ở trường gà khá đông và thường được ăn tiền “bo” của những chủ gà thắng trận, còn tiền lương mà chủ trường gà trả chỉ đủ cho họ 3 bữa cơm và vài cốc cà phê đen loãng tuệch.

Tôi đi vòng quanh trường gà, nhìn những chiếc lồng gà được phủ màn xanh mà thấy trong lòng buồn vô hạn. Chọi gà - một thú vui mang hơi hướng của tinh thần thượng võ từ rất lâu đời, nay đã bị biến tướng trở thành một công cụ cho những kẻ máu me cờ bạc.

Vừa rồi, một số tỉnh đã có những biện pháp mạnh để ngăn chặn những người mang gà sang các trường gà ở biên giới. Họ giao cho lực lượng Công an, dân quân du kích phục bắt và vớ được con gà nào thì đập chết ngay. Cách làm này xem ra không ổn, bởi chẳng có thứ luật pháp nào lại bắt người ta vì mang gà qua biên giới. Nếu bắt tại chỗ gà đang đá, thu được tiền, xử phạt, đập chết gà thì đi một lẽ, đằng này gà đang chở đi trên đường lại bắt, đập chết thì cách hành xử này quả thực không ổn. Nhưng không làm như vậy thì làm… kiểu gì? Nghĩ cũng thật khó cho các cấp chính quyền.

Từ xưa đến nay, các cụ đã có câu: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Ruộng vườn bán hết, đưa chân vào cùm”. Cái họa của nạn cờ bạc cũng đã nhìn thấy từ rất lâu. Ngay từ thời phong kiến, vua chúa đã có những biện pháp hết sức khắc nghiệt để trừng phạt tội cờ bạc, nhưng rồi cờ bạc vẫn tồn tại, trong đó có đá gà. Như một quy luật tất yếu, đã có cờ bạc nảy sinh thì sẽ có cho vay nặng lãi, cầm đồ và bảo kê. Có thể nói, hầu hết các băng nhóm tội phạm hình thành đều từ cờ bạc.

Tôi nhớ mãi lời Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm hiện nay, khi anh còn là Trưởng Công an thành phố Nam Định từ năm 1991: “Tôi chưa thấy có thằng nào đánh bạc thắng mà lại mang tiền đi gửi tiết kiệm hoặc đem đầu tư vào sản xuất. Đã có cờ bạc thì sẽ nảy sinh tội phạm có tổ chức, có đâm thuê, chém mướn, cho vay nặng lãi, có bảo kê… Các băng nhóm tội phạm hầu hết đều hình thành từ cờ bạc. Vậy nên, muốn triệt tội phạm có tổ chức thì đầu tiên phải triệt nạn cờ bạc. Mà muốn triệt cờ bạc, cứ bắt đầu từ cấp phường…”. Cùng với quan điểm như anh, Trung tướng Trần Bá Thiều - Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, khi còn là Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã từng yêu cầu các trưởng công an phường ký cam kết, phường nào để xảy ra các ổ nhóm cờ bạc trên địa bàn mình quản lý mà công an quận, thành phố triệt phá thì kỷ luật trưởng công an phường. Chính vì thế mà một thời gian dài ở Nam Định, Hải Phòng không có các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Tình hình cờ bạc ở vùng ngoại biên phát triển như thế này chứng tỏ những biện pháp của chính quyền, của lực lượng Công an chưa đủ mạnh. Cái chính là đã đến lúc chúng ta phải nhìn vào một sự thật chẳng vui vẻ gì: người Việt có máu cờ bạc. Khi cái gì đã nhiễm vào máu thì những biện pháp hành chính đơn thuần không thể ngăn được, dẹp chỗ này thì lại bùng lên ở chỗ khác, xóa hình thức này lại nảy ra hình thức khác. Cho nên, xin các nhà quản lý xã hội đừng duy ý chí quá mức, mà phải nghĩ cách tổ chức, quản lý và coi thứ cờ bạc này như một nghề kinh doanh đặc biệt, giống như xổ số hiện nay.

 N.N.P