Một nét lạ của võ phái Vĩnh Xuân trên đất Hà Thành

07:37 | 10/08/2011

6,612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở cuối một con hẻm nhỏ trong ngõ 409 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, Y Võ Thiên Phúc yên tĩnh đúng như những gì người ta vẫn thường nghĩ về một võ đường của phái Vĩnh Xuân. Đây là một môn võ không chút khoa trương, không chú trọng hình thức nhưng nó mang một tinh thần chiến đấu rất cao. Giới trẻ muốn nhập học tại võ đường này không hề dễ...

Có lẽ điều ồn ào nhất trong suốt 400 năm lịch sử của môn phái có nguồn gốc Trung Hoa này chính là người đệ tử từng được cả thế giới biết đến – Diễn viên điện ảnh Lý Tiểu Long. Chính sự thành công của võ sư này trên màn ảnh đã đưa Vĩnh Xuân quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc, trở thành một trong những môn phái võ được nhiều người biết đến trên toàn thế giới…

Sức cuốn hút của môn võ huyền thoại

“Đại bản doanh” của Võ đường Thiên Phúc nằm khuất trong con ngõ nhỏ trên đường An Dương Vương, quận Tây Hồ. Đến đây, người ta dễ tưởng mình đi nhầm vào một nơi thuộc về… quá khứ. Tọa lạc giữa mảnh đất là ngôi nhà ba gian hai chái bằng gỗ, trước sân nhà là bức bình phong đã mang nước màu óng ả của thời gian. Những võ sinh đủ lứa tuổi, có cả người nước ngoài đang luyện tập ngoài sân. Còn trong nhà, luôn có nhiều bệnh nhân đến châm cứu, bốc thuốc.

Võ sư Nguyễn Khắc Chương và các đệ tử ở Y Võ Thiên Phúc

Thiên Phúc là võ đường môn phái Vĩnh Xuân ở Hà Nội – môn võ vốn có nguồn gốc Trung Quốc, nên nhiều người nghĩ Võ sư Nguyễn Khắc Chương đang “ngộ nhận” rằng, đó là phái võ của Việt Nam, nhưng ông quan niệm rõ ràng: “Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng cha ông ta đã tiếp nhận, khéo chọn lựa, biến đổi nhiều nét để phù hợp với thể trạng người Việt và sáng tạo ra nhiều bài võ độc đáo của riêng mình. Vĩnh Xuân được người Việt dùng để bảo vệ đất nước, con người. Ta có thể tự hào Vĩnh Xuân trên đất Việt là của người Việt Nam”. Võ sư Nguyễn Khắc Chương sinh năm 1963 ở Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông đã theo thầy học môn võ Thiếu Lâm. Với niềm say mê học võ, ông may mắn gặp được 2 võ sư lớn của môn võ Vĩnh Xuân là thầy Trương Quốc Định và thầy Mạnh Long. Từ đó, ông được các thầy truyền dạy cho võ thuật và khí công Mật tông Tây Tạng.

Cũng giống như những gì người ta thấy trên phim ảnh, môn sinh Vĩnh Xuân ở Y Võ Thiên Phúc thường chỉ tập võ với mộc nhân và tập đối kháng. Giải thích về điều này, Võ sư Nguyễn Khắc Chương – Chủ nhiệm Võ đường Thiên Phúc cho hay: “Tiêu chí đặt ra của Vĩnh Xuân quyền cũng như ở võ đường của chúng tôi là thực chiến, phát quyền phải trúng đích và tiêu quyền không hụt đòn. Do vậy, khi tấn công mộc nhân, các môn sinh phải học cách tự triệt tiêu lực phản đòn của mình để tránh sát thương. Đó là một bài học bắt buộc đối với các môn sinh tại Y Võ Thiên Phúc”.

Do đặt tiêu chí hiệu quả làm đầu nên nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, nhiều người sẽ cho rằng, Vĩnh Xuân là một môn võ nhàm chán. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có tất cả 4 bài quyền, 2 bài binh khí. Thế nhưng, đó lại chính là sự khác biệt của Vĩnh Xuân so với võ phái gốc của nó là Thiếu Lâm. Trong khi Thiếu Lâm dạy võ đại trà với rất nhiều bài quyền thì Vĩnh Xuân lại mang tính chất tâm truyền, tức là chỉ truyền thụ võ công chân truyền cho một vài đệ tử tâm phúc.

Điều “tâm phục khẩu phục” của người học trò Tây

Bước chân đến võ đường có đủ thành phần lứa tuổi, có nhiều em nhỏ trong dịp hè được bố mẹ đưa đến để rèn luyện sức khỏe, quan trọng hơn các em được thầy Chương dạy về sự bản lĩnh, lấy tinh thần võ học để chống lại điều ác. Qua đó giúp các em có được sự dạn dày trong cuộc sống, cảm thụ được nét tinh hoa trong môn võ có nguồn gốc từ Phật giáo. Khá bất ngờ trong khi đi dạo 1 vòng trong khuôn viên võ đường, tôi bắt gặp một người ngoại quốc, anh cởi trần mồ hôi đầm đìa khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị đang hướng dẫn các em nhỏ. Hỏi ra mới biết lai lịch anh chàng này là một người Italia chính hiệu…

Ezio Rosa đang luyện võ với mộc nhân

Môn võ Vĩnh Xuân vốn chẳng xa lạ gì với thế giới trong những lần thầy Chương mang đi du đấu Quốc Tế. Duyên kỳ ngộ hay sự bén duyên nào đó, chẳng thế mà Võ sư Nguyễn Khắc Chương còn thu nhận được cả một cậu học trò ngoại quốc đã từng là một võ sĩ quyền Anh. Dáng người dong dỏng, mảnh khảnh “cao như Tây, gầy như Ta” của môn đệ Ezio Rosa đối nghịch với cú đấm trời giáng vào mộc nhân khiến cả võ đường lại rộn lên những tràng pháo tay giòn giã.

Theo lời Ezio Rosa, anh từng học quyền anh khi còn nhỏ và đã từng thi đấu nghiệp dư ở Italia. Niềm đam mê với võ thuật đã đem anh đến với một số môn võ khác như Taekwondo, Thiếu lâm… Nhưng rồi cuối cùng, khi đặt chân đến Việt Nam, anh đã bén duyên với võ phái Vĩnh Xuân.

Chính sư phụ Nguyễn Khắc Chương đã giúp anh lĩnh ngộ được một triết lý võ học hoàn toàn khác với những gì trước đây anh quan niệm về nó. Đó là: Học võ để tu tâm dưỡng tính và học võ là để cứu nhân độ thế.

Sự kết hợp hài hòa giữa y học và võ thuật

Đây cũng chính là cách giải thích cho tên gọi Y Võ Thiên Phúc: Y võ ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa y học và võ học nhằm tạo ra những phương pháp phòng ngừa và chữa trị bệnh tật. Thiên phúc thì có hai chữ "Thiên” và "Phúc”, thiên ở đây không phải là trời mà là nương vào thiên nhiên dựa vào quy luật vận động của thiên nhiên. Chính vì lẽ đó mà "Thiên Phúc” có nghĩa là tận dụng tối đa những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng mà sống, mà tập luyện. Qua đó hạn chế tối đa những tác động xấu mà thiên nhiên tạo ra trong cuộc sống như: phong, hàn, thử, thấp… tạo phúc cho thiên hạ.

Võ sư Nguyễn Khắc Trương trong chuyến du giảng ở 13 nước trên TG

Võ sư Nguyễn Khắc Chương vốn sinh ra tại vùng quê không có truyền thống về võ nhưng ông lại say mê võ thuật từ nhỏ. Sau này khi đi xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc, ông lại theo học môn võ Taekwondo. Về nước năm 1983, ông mở lớp dạy võ. Chính thời điểm này ông Chương may mắn gặp các võ sư lớn của võ phái Vĩnh Xuân như: thầy Trịnh Quốc Định truyền võ, thầy Nguyễn Mạnh Long truyền dạy cho môn khí công Mật tông Tây Tạng. Chính vì một lòng say mê nghiệp võ và có tư tưởng cứu nhân độ thế mà võ đường của ông sau này không hề đặt nặng mục đích kinh doanh. Từ lâu, Võ sư Nguyễn Khắc Chương đã nổi tiếng với việc chữa bệnh giúp người nghèo với mong muốn đưa bài khí công dưỡng sinh phổ biến rộng rãi cho mọi người tự chữa và phòng chống bệnh. Những người bệnh ở xa chỉ cần gửi các kết quả xét nghiệm cho võ sư, sẽ nhận được băng hướng dẫn tập luyện, và giúp kê đơn rồi người bệnh tự cắt thuốc ở nơi mình sinh sống.

Được biết, cách đây hơn 10 năm, võ sư thường đến nhà người quen chữa giúp những bệnh liên quan đến cột sống, dây chằng… Những người bệnh phục hồi tốt, nên bạn bè khuyên võ sư đem kiến thức mình có ra để giúp đời. Sau rất nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối cùng vào tháng 11/2007, Y Võ Thiên Phúc đã được bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, khoa Nội Bệnh viện Xanh Pôn, cùng Võ sư Nguyễn Khắc Chương và Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Huyền Nga, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội đồng sáng lập.

Phương pháp rõ nét nhất để nâng cao năng lực điều trị bệnh tật được áp dụng ở Y Võ Thiên Phúc chính là luyện tập khí công. Tuy đã được khoa học đương đại công nhận là có những đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng nhìn chung, phương pháp tập khí công vẫn còn mang trong mình nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết. Ngồi trong căn phòng nhỏ chật chội với những bằng khen của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, Võ sư Nguyễn Khắc Chương chia sẻ với các môn sinh rằng: “Chúng ta được tạo hóa ban tặng nhiều đặc ân như tay để cầm nắm, tai để nghe, mắt để nhìn… nhưng đặc ân lớn nhất và huyền diệu nhất chính là hơi thở. Vì nó có thể đem tiên khí của trời, địa khí của đất, hấp thu vào cơ thể”. Nói một cách khác là trên cơ sở điều khiển hơi thở đi sâu vào các cơ quan trong lục phủ ngũ tạng, con người hoàn toàn có thể khám phá ra được những công năng tiềm ẩn trong cơ thể mà lâu nay, có thể họ vẫn chưa biết cách sử dụng.

Cách đây 3 năm, báo chí đã từng nhắc đến nhiều về một bệnh nhân được Võ sư Nguyễn Khắc Chương chữa khỏi. Căn bệnh quái ác khiến Tuấn phải nằm yên vị một chỗ, không đi lại được, hai chân co quắp, cơ thể đau nhức, chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả, tình cờ đi kiểm tra tại một bệnh viện, Tuấn được giới thiệu đến với thầy Chương. Võ sư Nguyễn Khắc Chương đã dùng võ công của môn võ Vĩnh Xuân chữa bệnh cho Tuấn. Hằng ngày, Tuấn được điều trị bằng các phương pháp xoa bóp, kéo nắn, bấm huyệt, đắp thuốc để hồi phục dần dần. Sau ba tháng Tuấn đã đi lại được, cơ thể không còn đau nhức, các xương khớp bắt đầu hồi phục. Tôi thật bất ngờ khi trở lại thăm võ đường lại gặp Tuấn ở đây – trong vai trò huấn luyện viên ở Võ đường Thiên Phúc. Tuấn tự hào chia sẻ: “Trước đây tôi chẳng mơ được rằng có ngày mình lại trở thành huấn luyện viên thực thụ trong võ đường của thầy Chương. Môn võ này có sự kết hợp giữa y và võ đã mang lại cuộc sống đầy ý nghĩa cho tôi”.

Thay cho lời kết trước khi ra về, Võ sư Nguyễn Khắc Chương nói với tôi về điều mà ông luôn tâm niệm: “Chúng tôi là con nhà võ, không biết làm kinh tế, chỉ nguyện một điều rèn luyện thật tốt để phục vụ dân tộc. Hướng con người có được sự đồng tâm, nhất chí, tôn kính người trên, rèn luyện tinh thần, sức khỏe, dùng võ để tự vệ và bênh vực cho lẽ phải. Tất cả vì tinh thần thượng võ của người Việt…”.

Mạnh Kiên