Một kiểu kiếm tiền

14:36 | 22/11/2014

6,964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong số những sĩ quan công an bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND) khởi tố lần này, còn có Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) và Phạm Văn Út, nguyên thủ kho tang vật. Đây cũng được coi là vụ án quái quỷ.

>> Họ đã coi thường pháp luật như thế nào?...

Ngày 28/10/2002, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 40 khởi tố vụ án “Buôn lậu” gọi tắt là vụ án 502X. Sau đó, ông Ngô Thanh Phong với tư cách Trưởng phòng CSĐT – Phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan CSĐT ra Quyết định số 225 ngày 30/10/2002, phân công Phạm Thế Kim – Điều tra viên Cơ quan CSĐT chịu trách nhiệm chung về toàn bộ quá trình điều tra vụ án và 4 điều tra viên, 4 cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế điều tra vụ án.

mot kieu kiem tien

Văn phòng Công ty Hưng Thịnh ở Khu Công nghiệp Đồng An (Bình Dương)

Xác định đây là vụ án buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn, tài sản thu giữ trong vụ án nhiều, nên ngày 26/11/2002, UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 4728/QĐUB thành lập Hội đồng định giá tài sản Chuyên án 502X do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Trung là Chủ tịch Hội đồng để xử lý số tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố xét xử vụ án.

Cùng ngày Hội đồng định giá tài sản ra Quyết định số 5047/QĐ-HĐĐGTS thành lập tổ chuyên viên giúp việc gồm đại diện Cơ quan CSĐT, VKSND tỉnh và một số cán bộ đại diện cơ quan hữu quan của tỉnh Tiền Giang giúp việc định giá, xác minh, thẩm định các tài sản của vụ án để chuẩn bị các thủ tục bán đấu giá, chuyển giao tài sản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TATC-VKSTC-BCA-BTC-BTP. Hội đồng định giá đã mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang để gửi số tiền thu được khi xử lý tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng định giá tài sản đã gửi vào tài khoản này số tiền 22.906.065.708 đồng.

Trong khi đó, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang cũng tạm giữ tiền, tài sản, kê biên tài sản của các bị can, đương sự trong vụ án, nhưng không mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý mà đem gửi tiết kiệm lấy lãi, nhập quỹ riêng đơn vị.

Ngày 14/11/2002, ông Nguyễn Văn Nên – Phó trưởng phòng CSĐT phụ trách hậu cần có văn bản viết tay chỉ đạo các điều tra viên Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út (thủ kho vật chứng), Bùi Văn Nhứt: "Toàn bộ số tiền thu của vụ án 502X đem gửi ngân hàng, gửi không kỳ hạn. Các đồng chí thực hiện, có thể gửi ba nơi (Nông nghiệp, Công Thương, Đầu tư)”. Trên cơ sở chỉ đạo đó, các cán bộ dưới quyền đã thực hiện như sau: Tổng số tiền thu giữ của các bị can, đương sự từ tháng 10/2002 đến năm 2004 gồm 12.597.821.136 đồng và 249.419USD. Đã gửi 11.400.516.000 đồng và 206.050USD vào Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang dưới hình thức gửi tiết kiệm có thời hạn 3 tháng bằng 25 cuốn sổ tiết kiệm, đứng tên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn – Điều tra viên Đội án Kinh tế, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang.

Về sau này, Bùi Văn Nhứt giải thích: "Lý do chỉ huy phòng chỉ đạo gửi tiết kiệm không kỳ hạn là để tiện rút về bất cứ lúc nào, nếu phát sinh yêu cầu. Nhưng do gửi có kỳ hạn 3 tháng, lãi suất cao hơn, nếu rút trước hạn vẫn được tính lãi theo thời hạn thực gửi, nên sau đó chỉ huy phòng đã đồng ý gửi tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng. Số tiền còn lại, một số được gửi tiết kiệm lấy lãi để lập quỹ riêng của Đội án Kinh tế. Một số tiền mặt được dùng tạm ứng chi tiêu cho chuyên án, khi xin được kinh phí do UBND tỉnh cấp thì hoàn lại”.

Sau khi gửi tiết kiệm, Nhứt và Sơn nộp sổ tiết kiệm vào kho vật chứng do Phạm Văn Út là thủ kho, kiêm thủ quỹ nhận và quản lý bằng 10 phiếu nhập vật chứng. Phiếu này lập thành 2 bản, điều tra viên và thủ kho, mỗi người giữ một bản. Đến kỳ trả lãi, Út đưa sổ tiết kiệm cho Nhứt và Sơn rút lãi về nhập quỹ và trả lại sổ cho Út giữ.

Theo lời khai của Bùi Văn Nhứt thì việc gửi và rút tiền được tiến hành như sau: Tháng 5-2004, lãnh đạo Phòng CSĐT lấy lý do VKSND tỉnh yêu cầu kiểm tra vật chứng nên chỉ đạo rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm về. Phạm Văn Út đã làm phiếu xuất vật chứng để xuất 25 cuốn sổ tiết kiệm cho Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn rút tiền. Trong hai ngày 28/5 và ngày 31/5/2004, Sơn và Nhứt đã rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm, nhập quỹ 11.400.516.000 đồng và 206.050USD (bằng 2 phiếu vật chứng). Số tiền lãi thu được đến ngày 31/5/2004 là 968.889.900 đồng được nộp cho thủ quỹ Phạm Văn Út theo 12 phiếu thu.

Quỹ do Út quản lý và được chi dùng theo quyết định của lãnh đạo phòng, nhưng không phải để phục vụ các chuyên án. Vì số tiền UBND tỉnh cấp cho các chuyên án hàng tỉ đồng, nên không thiếu.

Nhứt còn khai nhận: Thực chất không có việc VKSND tỉnh kiểm tra vật chứng mà do lãnh đạo Phòng CSĐT ngại nhiều người biết việc gửi tiền nên rút về. Kiểm sát viên Nguyễn Trường Sơn – nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, VKSND tỉnh Tiền Giang khẳng định không có việc kiểm tra vật chứng trong quá trình điều tra vụ án 502X.

Cuối tháng 6-2004, theo chỉ đạo của chỉ huy Phòng CSĐT, Phạm Văn Út trực tiếp đứng tên tiếp tục gửi tổng số tiền 12.100.000.000 đồng vào Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang dưới hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng (sổ số NA 0120767 gửi 300 triệu đồng ngày 22/6/2004 và sổ số NA 012767). Đến kỳ hạn, Phạm Văn Út đã rút cả gốc lẫn lãi về. Tiền lãi thu được là 199.650.000 đồng do Phạm Văn Út trực tiếp quản lý.

Cũng trong ngày 24/9/2004, Phạm Văn Út làm phiếu xuất vật chứng, xuất 10.343.516.000 đồng và 195.700USD cho điều tra viên Bùi Văn Nhứt để chuyển vào tài khoản của Cơ quan Thi hành án tỉnh Tiền Giang tại Kho bạc Nhà nước theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang. Ngày 27/9/2004, số tiền này được nộp vào tài khoản của Thi hành án tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, tổng số tiền lãi thu được trong hai đợt gửi tiền này là 1.168.549.900 đồng, do Phạm Văn Út trực tiếp quản lý, không có sự kiểm soát của kế toán đơn vị.

mot kieu kiem tien

Phạm Văn Út, ôm con gái trước khi vào trại giam

Ông Ngô Thanh Phong – nguyên Trưởng phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang (sau này là Đại tá – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) đã khai nhận: Có biết và đồng ý để ông Nguyễn Văn Nên – Phó trưởng phòng PC16 và cấp dưới dùng tiền thu giữ trong vụ án “Hùng Xtẹc” (vụ án 502X) gửi tiết kiệm lấy lãi. Tiền lãi thu về đã chi dùng chung trong phòng (lời khai ngày 30-12-2009).

Còn Nguyễn Trường Sơn, nguyên điều tra viên Phòng CSĐT khai nhận có đứng tên thu giữ trên 2 tỉ đồng do người nhà bị can trong vụ án “Hùng Xtẹc” nộp. Sau đó theo chỉ đạo của lãnh đạo gửi tiết kiệm lấy lãi. Tiền lãi nộp Phạm Văn Út là thủ kho PC16 (lời khai ngày 30/12/2009).

Nguyễn Văn Nên khai: Năm 2002, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang có thụ lý vụ án “Buôn lậu xăng dầu…” còn gọi là chuyên án 502X. Trong lãnh đạo phòng gồm ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và các phó, trưởng phòng khác bàn bạc và quyết định sử dụng tiền thu giữ trong chuyên án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi và giao cho một số cán bộ cấp dưới thực hiện. Quá trình thực hiện, cấp dưới yêu cầu phải có ý kiến chỉ đạo cụ thể việc gửi tiền, nên Nguyễn Văn Nên đã viết ra giấy ý kiến chỉ đạo, đưa cho cấp dưới. Tổng số tiền gửi Nên chỉ nhớ khoảng vài tỉ. Tiền lãi thu về khoảng vài trăm triệu đồng, giao Phạm Văn Út quản lý. Việc chi tiêu do lãnh đạo phòng quyết định.

Theo Nên nhớ, đã dùng tiền từ quỹ này mua khoảng 10 xe Honda cấp cho lãnh đạo cấp phòng, các đội thuộc phòng để sử dụng, mua máy vi tính cho phòng, trả khoản nợ trên 100 triệu do bộ phận đời sống của Phòng CSĐT kinh doanh thua lỗ trước đó để lại… Cuối năm 2004, khi thành lập Cơ quan CSĐT theo mô hình mới, số tiền còn lại chia hết cho anh em trong phòng. Ông Nên biết việc làm trên là sai nhưng vì lợi ích của phòng, vì phải trả món nợ của phòng nên đồng ý thực hiện (lời khai ngày 8/4/2010).

Và cũng thật kỳ lạ, việc chi tiêu từ tiền vụ án như thế vậy mà có hai Phó trưởng phòng là Nguyễn Chí Kiên, Trần Thanh Trước lại không biết gì về việc đưa ra chủ trương đem tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi làm quỹ riêng đơn vị cũng như việc chia tiền tháng 10/2004.

Phạm Văn Út – nguyên thủ kho, thủ quỹ của Phòng CSĐT khai: Cuối năm 2002 thấy điều tra viên trong chuyên án 502X thay vì nộp tiền thu giữ trong vụ án vào kho lại nộp sổ tiết kiệm. Nhưng khi biết đó là chủ trương của lãnh đạo phòng, Út chấp hành và làm phiếu nhập kho (lập 2 bản, Út giữ 1 bản, điều tra viên giữ 1 bản). Người đứng tên gửi tiền chủ yếu là Bùi Văn Nhứt. Đến thời hạn lấy lãi, Út làm phiếu xuất vật chứng đưa sổ cho điều tra viên đứng tên đi rút lãi về nhập lại cho Út. Tổng số tiền gửi theo Út nhớ khoảng 7-8 tỉ đồng. Có cả ngoại tệ nhưng Út không nhớ số lượng. Tiền lãi thu được khoảng 700-800 triệu đồng do điều tra viên Nhứt, Sơn nộp cho Út có làm phiếu thu gồm 2 bản, điều tra viên nộp tiền và Út mỗi người giữ 1 bản. Việc chi dùng do lãnh đạo Phòng CSĐT duyệt theo đề xuất của cán bộ trong phòng. Việc mua sắm Út khai như Nên đã khai, trong đó có việc mua 4 xe Honda Future, đăng ký biển trắng cấp cho 4 cán bộ chỉ huy phòng sử dụng.

Tháng 10/2004 khi chuyển đổi Phòng CSĐT thành Văn phòng Cơ quan CSĐT đã chia nốt tiền quỹ cho cán bộ, chiến sĩ trong phòng theo 3 mức: Chỉ huy phòng được chia 24 triệu một người, chỉ huy đội được 8 triệu, cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ được 4 triệu đồng. Sổ theo dõi và chứng từ thu chi quỹ này Út đã để thất lạc từ khi chuyển đổi mô hình Cơ quan CSĐT theo pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đến nay chưa xuất trình được. Do vậy, chưa có cơ sở để xác định cụ thể số tiền lãi 1.168.549.900 đồng do Phạm Văn Út quản lý từ tháng 11/2002 đến tháng 10/2004 được sử dụng như thế nào.

Tháng 9/2005, Cơ quan CSĐT ra Quyết định 06/QĐ xử lý vật chứng: Giao cho Phạm Thị Ánh (là bị can trong vụ án 502X, được tại ngoại, là vợ bị can cầm đầu vụ án Trần Thế Hùng) tìm khách hàng và ký Hợp đồng mua bán vỏ tàu (là vật chứng trong vụ án). Sau đó Phạm Thị Ánh bán vỏ tàu 5.000 tấn cho Công ty CP Vận tải và Du lịch Hải Phòng được 16,5 tỉ đồng, thể thức thanh toán nhiều lần. Ngày 4/12/2005, Phạm Thị Ánh làm đơn xin nộp số tiền 10.302.559.000 đồng vào tài khoản Cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh Tiền Giang.

Trong thời gian đó, ông Ngô Thanh Phong (lúc này là Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT – Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang) chỉ đạo kế toán của đơn vị mở tài khoản gửi tiền không kỳ hạn số 710100000442405 cho Văn phòng Cơ quan CSĐT do ông Phong đứng tên chủ tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang. Ngày 30-12-2005, Công ty CP Vận tải và Du lịch Hải Phòng đã chuyển 5,8 tỉ đồng vào tài khoản này. Sau đó ông Phong lại yêu cầu kế toán Lê Anh Tuấn mở tài khoản tiền gửi có thời hạn 1 tháng, lãi suất 0,4%/tháng để chuyển số tiền 5,8 tỉ đồng vào tài khoản mới này (TK 71010000423018) vào ngày 3/1/2006.

Đến ngày 26/10/2006, Cơ quan CSĐT chuyển 5,8 tỉ đồng sang tài khoản của Phòng Thi hành án tỉnh Tiền Giang. Số tiền lãi thu được là 199.989.412 đồng. Tháng 3/2007, ông Ngô Thanh Phong bị bà Nguyễn Thị Thu Vân, trú tại xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong đó có hành vi gửi 5,8 tỉ đồng vào ngân hàng lấy lãi. Thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xác minh, xác định vi phạm trên là có thật.

Ngày 30/7/2007 có báo cáo kết quả, đề xuất Ban Giám đốc thu hồi 199.989.412 đồng tiền lãi thu từ việc gửi tiết kiệm 5,8 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước; đồng thời đề nghị kiểm điểm kỷ luật ông Ngô Thanh Phong theo quy trình do Bộ Công an quy định. Quá trình kiểm điểm, ông Phong trình bày việc gửi tiền bán thanh lý vật chứng vào ngân hàng lấy lãi là chủ trương chung của ban chỉ huy và cấp ủy đơn vị. Tuy nhiên, kết quả xác minh của Cơ quan Điều tra thuộc VKSND Tối cao thể hiện ông Phong đã tự quyết định việc gửi tiền mà không thông qua tập thể chỉ huy và cấp ủy. Cuối năm 2007, Bộ Công an đã ra Quyết định cảnh cáo đối với ông Ngô Thanh Phong. Số tiền lãi 199.989.412 đồng, ông Nguyễn Chí Phi – Giám đốc Công an tỉnh có ý kiến: Theo kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy không thu hồi số tiền 199.989.412 đồng theo đề xuất của Thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang. Còn việc gửi tiền thu trong vụ án 502X diễn ra trước tháng 10-2004 chưa được phát hiện, xử lý.

Như vậy trong quá trình điều tra, xử lý vụ án 502X, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang đã ba lần gửi tiền thu trong vụ án vào ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Lần thứ nhất: Gửi 25 khoản, tùy theo thời điểm thu giữ tiền, từ tháng 11/2002 đến cuối tháng 5/2004, tổng cộng 11.400.516.000 đồng và 206.050USD, kỳ hạn 3 tháng. Thu lãi: 968.899.900 đồng; Lần thứ hai: Gửi hai khoản tổng cộng 12.100.000.000 đồng kỳ hạn ba tháng, từ 22/6/2004 đến 24/9/2004. Thu lãi: 199.650.000 đồng; Lần thứ ba: Gửi số tiền 5,8 tỉ đồng từ 30/12/2005 đến 26/10/2006 kỳ hạn 1 tháng. Thu lãi 199.989.412 đồng. Tổng cộng tiền lãi thu được là 1.368.539.312 đồng. Người có trách nhiệm xuyên suốt quá trình vi phạm này là: Ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên; Phạm Văn Út.

Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang còn có một số vi phạm khác trong việc thu giữ bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Đến nay, còn 424 triệu đồng thu giữ của một số đối tượng được tách khỏi vụ án 502X khi truy tố, nay chưa rõ để ở đâu, ai quản lý. Điều tra viên Phạm Thế Kim thụ lý chính vụ án (nay là Phó văn phòng Cơ quan CSĐT) chưa giải trình được. Ngoài ra, còn có dấu hiệu vi phạm trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong các vụ án hình sự khác, chưa có điều kiện làm rõ.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P

N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc