Một đời xây dựng hình tượng nghệ thuật Bác Hồ

07:00 | 06/02/2017

1,575 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họa sĩ Văn Giáo (1916-1996) là người đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 10-1945. Ngưỡng mộ và kính yêu Người, họa sĩ Văn Giáo đã dành trọn 30 năm của đời mình để thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những tình cảm của Bác dành cho nhân dân. 
mot doi xay dung hinh tuong nghe thuat bac ho
Họa sĩ Văn Giáo

Nhà phê bình nghệ thuật hội họa, nhà giáo Lê Quốc Bảo nhìn nhận: “Cái duyên, cái số buộc Văn Giáo chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo tôi, chính “trường đời” là một trường đại học lớn đào tạo ông thành danh họa sĩ. Trong lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, không ít họa sĩ thành danh bằng con đường tự học, tự đào tạo. Như một quy luật muôn đời của nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật tất cả tùy thuộc vào tài năng và tâm huyết của nghệ sĩ. Không thể dạy sáng tạo nghệ thuật được, trường đời sẽ phát hiện và đào tạo tài năng nghệ thuật của họ”.

Năm 1946 ông Nam tiến cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Chính chiến trường Nam Trung Bộ là miền “đất hứa” để ông có được không ít tác phẩm đẹp đi vào lịch sử mỹ thuật Cách mạng Việt Nam. Đó chính là “trường đời” - nơi đã tiếp sức cho Văn Giáo bước tiếp trên con đường nghệ thuật của mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó là đại diện Chính phủ Trung ương ở Nam Trung Bộ đã khẳng định: “Trên mặt trận văn hóa, họa sĩ Đỗ Cung và Văn Giáo là những chiến sĩ tiên phong”.

Họa sĩ Văn Giáo được biết đến là một tác giả hầu như dành trọn cả cuộc đời mình cho đề tài Bác Hồ. Với một phong cách sáng tác riêng, ông đã trực tiếp đến sống và vẽ ở những nơi Bác sống, làm việc như: Quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng... Văn Giáo đã để lại cho đời những tác phẩm về Bác: “Chân dung Hồ Chủ tịch”, “Bác viết Tuyên ngôn độc lập”, “Bác về thăm quê”… gây xúc động trong lòng người xem, đi vào lịch sử mỹ thuật Cách mạng Việt Nam.

Văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và các họa sĩ, nhà điêu khắc nói riêng đã dành nhiều năm tháng tình cảm của mình để xây dựng hình ảnh Người trong niềm cảm xúc lớn lao, kính trọng. Với ông, Bác Hồ là một tình yêu bao la, là một nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Nhờ chuyên sâu vào một đề tài nên không ít tác phẩm của ông có khả năng đối thoại với công chúng rộng rãi.

Ông muốn dành toàn bộ suy nghĩ sáng tác của mình vào chủ đề Bác Hồ trên nhiều bình diện, nhiều không gian và thời gian khác nhau, không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào trong cuộc đời Bác, từ bôn ba hải ngoại đến tinh thần vì nước vì dân của Bác trong lòng quần chúng. Từ cảm nhận hình ảnh Bác như vậy, họa sĩ Văn Giáo xây dựng những tác phẩm về Bác hết sức bình dị, gần gũi, chân thành trong cảm xúc, giản dị, dễ hiểu về hình thức, giàu phẩm chất hiện thực và chất thơ.

mot doi xay dung hinh tuong nghe thuat bac ho
Bác thăm trận địa pháo cao xạ hồ Trúc Bạch

Vào các năm 1963, 1964, 1965, ông nhiều lần đi vẽ ở Pác Bó, xây dựng lại hình ảnh Bác khi Người về nước với những tác phẩm tiêu biểu: “Nắm đất Tổ quốc”, “Bác về Tân Trào”, “Bác dịch sử Đảng”. Họa sĩ Văn Giáo đã tập trung sáng tác theo chủ đề “Bác Hồ với quê hương” và hình thành một phòng tranh được công bố vào năm 1980 nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một triển lãm công phu, xúc động bởi họa sĩ đã dành hết công sức khắc họa hình tượng Bác từ ký ức đến hiện tại. Xúc động nhất là tranh “Bác về thăm quê” với ngôi nhà lá đơn sơ, nét mặt bồi hồi xúc động của Bác.

Bộ tranh “Đường mang tên Bác” của họa sĩ là chứng nghiệm một cách sáng tạo hình ảnh Bác lan tỏa cùng non sông đất nước được thực hiện vào mùa hè năm 1974. Trên con đường này, họa sĩ đã gắn bó tinh thần gan dạ, bất khuất của chiến sĩ đồng bào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước theo lời kêu gọi của Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do - Miền Nam trong trái tim tôi.

Họa sĩ Văn Đức, con trai của họa sĩ Văn Giáo kể: “Sinh thời, cha tôi từng có dự định vẽ 100 tranh về Hồ Chủ tịch để trưng bày khi ông trăm tuổi. Nhưng dự định đó không thành, ông ra đi năm 1996, đến nay vừa tròn 20 năm. Năm 2016, cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Vào tháng 10 vừa qua, gia đình và bạn bè đã dày công tìm kiếm, sưu tầm để xuất bản một tuyển tập tranh hoàn chỉnh và một triển lãm tranh “Văn Giáo trên những nẻo đường” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng coi như đã toại nguyện ước vọng của cha tôi”.

Cùng dân tộc trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, họa sĩ Văn Giáo đã cầm bút vẽ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước bằng cả trái tim say đắm và lòng đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Không chỉ thành công trong khắc họa hình ảnh của Bác Hồ, toàn bộ sáng tác của ông là một dòng chảy biến thiên theo lịch sử không ngừng nghỉ. Mỗi tác phẩm là một lời kể chuyện tâm tình về quê hương, đất nước, là những khắc họa các dấu mốc lịch sử trong các cuộc chiến đấu khốc liệt giành độc lập của dân tộc Việt Nam, là chân dung những con người bình dị cho tới lãnh tụ Hồ Chí Minh.

mot doi xay dung hinh tuong nghe thuat bac ho
Bác viết Tuyên ngôn độc lập

Họa sĩ Văn Giáo còn nổi tiếng là một họa sĩ rất thành công về thể loại tranh phong cảnh quê hương, có nhiều tác phẩm đẹp nhờ biết xử lý ánh sáng tinh tế mà không phải ai cũng có thể đạt được. Bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi, họa sĩ đi khắp từ Nam chí Bắc để ghi lại những thời khắc lịch sử. Ông đã để lại những tác phẩm hội họa quý báu cho nền Mỹ thuật Việt Nam.

Chất liệu mà họa sĩ Văn Giáo xử lý nhuần nhuyễn nhất chính là bột màu. Tranh bột màu của Văn Giáo không chỉ là sở trường mà đã trở thành một thương hiệu mang tên Văn Giáo. Nhắc đến Văn Giáo vẽ bột màu như nhắc đến Nguyễn Gia Trí vẽ sơn mài, Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa, Tô Ngọc Vân vẽ sơn dầu.

Họa sĩ Đỗ Đức đã đánh giá về ông như sau: “Thế hệ cha anh trong đó có Văn Giáo đã làm nên những trang nghệ thuật thực sự có sức nặng tình cảm, để bạn bè năm châu phải nể phục. Chỉ có tình yêu thiên nhiên đất nước đến tầm say đắm mới làm được như ông”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ca ngợi: “Anh Văn Giáo quả là một họa sĩ tài ba của dân tộc. Phòng tranh làm cho người xem sống lại những ngày tháng hào hùng của đất nước. Qua các bức tranh đầy sức sống và rất đẹp, có thể thấy tâm hồn sôi nổi và đầy tâm huyết của người nghệ sĩ...”.

Ngân Hà