Một cuộc hội thảo sôi động và lý thú

08:05 | 19/06/2011

673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 18/06, Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về: "Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Chủ trì cuộc hội thảo là Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Lương Khắc Hiếu, Phó giám đốc Học Viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhà báo Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo

Tới dự buổi Hội thảo có các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử trong cả nước.

Sau lời khai mạc và đề dẫn cho buổi hội thảo của giáo sư Lương Khắc Hiếu là bài tham luận của nhà báo Hữu Thọ. Dù tuổi đã cao nhưng đúng là ” gừng càng già càng cay”, ông đã phân tích rất chí lý về tính chuyên nghiệp của nhà báo mà trong đó, tính chuyên nghiệp nhất của nhà báo là phải thể hiện được trách nhiệm công dân đối với sản phẩm mà mình làm ra. Ông khẳng định rằng báo chí nước ta là một tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp, do đó, người làm báo chuyên nghiệp Việt Nam là phải rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Ông cho rằng đối với nhà báo, mối quan hệ với bạn đọc là quan trọng nhất, báo chí là sản phẩm có tác động mạnh vào tâm lý xã hội, tạo hiệu ứng lớn, cho nên nhà báo phải có trách nhiệm với từng câu chữ của mình. Người làm báo chuyên nghiệp là người đáng kính trọng, không bao giờ né tránh khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm vì sự nghiệp cao cả là hướng tới sự thật để thông tin cho mọi người và vì lẽ đấu tranh cho công bằng của cuộc sống. Ông cũng phê phán bệnh lười đọc, lười học của không ít nhà báo hiện nay; trong tác nghiệp thì lấy thông tin hời hợt, đến hội nghị chỉ để nhận phong bì, không nghe thảo luận… Nhiều nhà báo bằng cấp thì cao nhưng kiến thức xã hội thiếu sâu sắc… Những cái đó thể hiện tính không chuyên nghiệp của nhà báo.

Đoàn chủ tịch buổi Hội thảo

Nhà báo Phan Quang thì bày tỏ sự lo lắng về báo chí chúng ta vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt trong việc thể hiện bản sắc dân tộc và thiếu sự khác biệt…

Một số tham luận khác cũng thẳng thắn nêu lên thực trạng là "thừa và thiếu” ở rất nhiều cơ quan báo chí. "Thừa” là thừa những nhà báo xoàng, và ” thiếu” là thiếu những nhà báo giỏi, có tâm, có tầm…

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đã chúc mừng các nhà báo lão thành và các bạn đồng nghiệp nhân ngày Báo chí Cách mang Việt Nam. Nhà báo Đinh Thế Huynh cho rằng tính chuyên nghiêp của nhà báo phải thể hiện ở tính chuyên môn hóa cao. Có một thực tế là có rất nhiều nhà báo viết nhiều nhưng không có được một bài báo hay, trong khi đó, không ít người chẳng là nhà báo lại lại viết hay; có người được đào tạo rất bài bản nhưng cả đời không được một bài báo để nhớ. Nhà báo Đinh Thế Huynh nhấn mạnh về tác động của báo chí vào tâm lý con người, cho nên trách nhiệm của nhà báo là rất cao cả đối với con người, với xã hội. Ông kêu gọi các nhà báo hiện nay hay học tập gương lao động của các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang… Nhà báo phải lăn vào cuộc sống, phải tôn trọng sự thật. Muốn hành nghề nhà báo thì phải thạo nghề và người viết báo cũng phải có "đạo”- đó là đạo đức nghề nghiệp. Ông phê phán tính tự cao, tự đại của một số nhà báo, viết được vài bài hay, được dự luận chú ý, thế là sinh kiêu ngạo. Ông khẳng định: Tính chuyên nghiệp của nhà báo là gồm có bản lĩnh chính trị – bản lĩnh nghề nghiệp – trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp.

Nhà báo Phan Quang phát biểu tại hội thảo

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đề cập đến sự cần thiết phải có những cải tiến, thay đổi về chính sách, chế độ đối với nhà báo. Khó có thể có được đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và một nền báo chí chuyên nghiệp nếu như không có môi trường hoạt động chuyên nghiệp. Nếu nhà báo không thể sống được bằng chính sức lao động của mình, thì những tiêu cực trong một bộ phận phóng viên, người làm báo sẽ còn xảy ra, và những cái đó cản trở việc xây dựng một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp.

Buổi hội thảo kéo liền một mạch từ 8 giờ sáng đến 12 giờ, không có nghỉ giải lao, bởi lẽ rất nhiều đại biểu muốn tranh thủ từng phút để bộc bạch suy nghĩ của mình.

Đó cũng là điều hiếm có ở một buổi hội thảo khoa học.

Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc