Một chuyến trở về chiến trường xưa

13:45 | 01/07/2015

1,679 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
 Hội Cựu chiến binh Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) vừa phối hợp với Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức cho hội viên cựu chiến binh (CCB), đoàn viên, thanh niên, công đoàn và người lao động tiêu biểu về nguồn, thăm lại chiến trường xưa nhằm tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn và nước bạn Lào từ ngày 22 đến 26-5.  

Khúc tráng ca bất tử

Anh Nguyễn Thanh Nghị, Phó tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội CCB PV Gas và đoàn hành hương nhớ mãi chuyến dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.

Trong khói hương nghi ngút tại đài tưởng niệm, tiếng cô hướng dẫn viên nghèn nghẹn khi giới thiệu với đoàn về 81 ngày đêm oanh liệt của quân và dân ta chống trả những đợt mưa bom, bão đạn của quân thù.

Một chuyến trở về chiến trường xưa

Đoàn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị

Trước mắt chúng tôi như tái hiện lại sự hoang tàn, đổ nát trước sự vùi dập của các loại đạn bom. Chỉ có trong vòng 81 ngày đêm mà mảnh đất này phải chịu tới 1.650 lần oanh kích của của không quân Mỹ và 594 lần của không quân ngụy. Mảnh đất chưa đầy 3km2 đã phải oằn mình trước 328.000 tấn bom, 552.000 quả đạn pháo 105 ly, 55.0000 quả loại 155 ly, 8.164 quả loại 175 ly, cùng với 615.164 quả đạn của hải pháo Mỹ…

Những chuyên gia quân sự trên thế giới tính toán: lượng bom, đạn của Mỹ, ngụy vùi dập trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945. Trung bình, một chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu ở đây phải hứng chịu tới 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Đã có nhiều bài viết ví rằng “một mét đất ở Thành cổ là một mét máu xương”. Cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu này như một tráng ca bất tử về những người chiến sĩ quả cảm của các sư đoàn 304, 308, 324, 312 và nhiều, rất nhiều các trung đoàn, tiểu đoàn thuộc các quân, binh chủng khác nhau tham gia chiến đấu tại đây. Người này ngã xuống thì người khác đứng lên với lời thề: “Còn người, còn trận địa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong muôn vàn gian khổ, trong cận kề giữa sự sống và cái chết, hình ảnh những chiến sĩ đầu quấn băng trắng mà súng vẫn chắc tay, giành giật với địch từng góc phố; không ít người bị thương nhiều lần vẫn không rời trận địa. 81 ngày đêm kiên cường bám trụ, là 81 ngày đêm những người lính hầu như thức trắng, bởi sự dồn dập của hàng chục đợt tấn công trong một ngày của quân thù. Tại đây, chúng tôi gặp lại sự quả cảm của chiến sĩ Phạm Văn Ba, dù bị thương nát một bàn tay vẫn xin với cấp trên ở lại chiến đấu; là chiến sĩ Hán Duy Long, người đã kẹp vào nách khẩu trung liên một mình truy kích 58 tên địch, ba lần bị thương vẫn bám chiến hào giữ vững trận địa; là chiến sĩ Nguyễn Duy Bình dù bị thương hỏng một mắt đã tự mình băng bó, tiếp tục chiến đấu… Còn nhiều và rất nhiều những tấm gương quả cảm như vậy.

Và cũng chẳng thể ở đâu có được hình ảnh, dù sống dưới “mưa bom, bão đạn”, mà có phút thảnh thơi giữa hai làn bom đạn, nụ cười chiến sĩ vẫn nở trên môi. Nụ cười bình thản ấy đã tôn thêm vẻ đẹp bình dị người chiến sĩ Thành cổ. Tất cả quyện lại và tấu lên bản hùng ca bất tử của mùa hè đỏ lửa trên chiến trường Quảng Trị 1972, mãi ngân vang trong lịch sử tự hào của quân đội, của dân tộc ta.

Người lính già Hoàng Viết Hùng, có biệt danh là Hùng “cháy”, ông nguyên Chủ tịch Hội CCB đầu tiên của PV Gas, nguyên Trưởng ban Tác chiến Tiểu đoàn Pháo binh thuộc Trung đoàn 368 (Bộ Tư lệnh 351), có thời gian chiến đấu tại Chiến trường Khe Sanh vào năm 1968, nơi được ví là Điện Biên Phủ thứ 2 của Việt Nam.

Lời kể của người lính già đưa cả đoàn trở về với Khe Sanh 47 năm về trước. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã đánh thiệt hại Quân đoàn 3 Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Không kỵ số 1 của Mỹ… Chiến thắng này, như đánh giá của các nhà quân sự là một chiến thắng kép cả về chiến thuật và chiến lược. Khi đã làm chủ Khe Sanh, quân dân ta đã làm thất bại chiến lược xây dựng hàng rào điện tử McNamara, do những nhà khoa học tài ba nhất nước Mỹ nghiên cứu thực thi, nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại của dân tộc. Chiến thắng vang dội của Đường 9 - Khe Sanh đã được Bác Hồ tổng kết trong thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch “... thắng lợi Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam... mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...”.

Trong những ngày hoạt động tại Quảng Trị, đoàn đã đến dâng hương, hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9, giao lưu tặng quà Hội CCB tỉnh Quảng Trị. Trong không khí đầm ấm, chan chứa nghĩa tình giữa những người lính đã về hưu, với những người lính rời tay súng chuyển sang làm nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước, chuyện xưa, chuyện nay dường như không dứt. Huỳnh Đỗ Thanh Khiết, đại diện cho đoàn thanh niên khi nghe “các cụ” ôn lại chuyện xưa chia sẻ: “Có đi mới biết, mới hiểu thêm hào khí về thế hệ cha anh mình”.

Xanh mãi nghĩa tình Việt - Lào

Somsach Maniseng là chàng trai hướng dẫn viên du lịch người Lào gốc Việt. Bố anh quê ở Vụ Bản (Nam Định), anh sinh ra và lớn lên ở Viêng Chăn, đã từng theo học khoa du lịch tại một trường đại học ở Việt Nam. Anh nói tiếng Việt, thậm chí hiểu “tiếng lóng” và nói lái còn “siêu” hơn nhiều người có mặt trên chuyến xe này.

Một chuyến trở về chiến trường xưa

Giao lưu tặng quà Hội CCB tỉnh Quảng Trị

Thi thoảng, anh pha trò bằng những câu “tiếng lóng”, “tiếng lái”, tiếng địa phương ở nhiều vùng miền khác nhau, làm cho mọi người vơi đi sự căng thẳng trên chuyến xe đường dài. Ví như khi nói về xứ Nghệ, chàng trai này “thử sức” mọi người bằng một câu hỏi rặt Nghệ “Ngong ngái có chộ mô mồ” (trông xa nào thấy đâu nào), hoặc “Chị em du như tru một bịn/ Chị em gấy như trấy câu non” (Chị em dâu như trâu một dây/ Chị em gái như trái cau non). Hay khi nói về Thanh Hóa, chàng trai này ứng khẩu ngay “Ước mơ của người Thanh Hóa/ Lá rau má to bằng lá sen”… Đại loại là như vậy và cũng nhờ sự tếu táo ấy mà trên những chuyến xe đi tham quan các địa danh ở đất nước Lào anh em luôn đầy ắp tiếng cười.

Chỉ vài ngày trên đất nước Lào cũng để lại trong đoàn chúng tôi nhiều cảm nhận mát lành. Người Lào có câu nói cửa miệng “muốn nhanh thì phải từ từ”. Có lẽ vì vậy nên nhịp sống của người dân chậm rãi. Ra đường, dù là giữa thủ đô Viêng Chăn nhộn nhịp người xe, tịnh không nghe thấy tiếng còi, hay cảnh tranh giành, chen lấn, càng không có cảnh vượt đèn đỏ hay giành đường vượt ẩu, càng không thấy bóng cảnh sát giao thông. Có thể thấy nếp sống văn minh đô thị được người dân xứ sở hoa chăm-pa tự giác tuân thủ chấp hành.

Ở Lào cũng không có cảnh tranh giành lề đường để buôn bán, nên đường phố thoáng đãng sạch sẽ. Lào cũng có hãng bia nổi tiếng, nhưng lại không có cảnh quán nhậu tràn lan như một số địa phương ở ta và lại càng không có cảnh say sưa “phùng mang trợn mắt” khi “tửu nhập tứ chi xuất”, nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, bằng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” của các “bợm nhậu” mà ta thường gặp tại các quán nhậu ven đường như ở xứ ta.

Lào là quốc gia giàu có về tài nguyên rừng, nhưng người Lào lại không lạm dụng gỗ rừng trong việc xây dựng nhà cửa. Quốc lộ, tỉnh lộ ở Lào chạy xuyên qua những cánh rừng mát rượi. Chúng tôi thấy người dân Lào dựng nhà ngay sát bìa rừng, dù gỗ ngay cạnh nhà, nhưng những ngôi nhà sàn họ không hề dùng cột gỗ như ở ta, mà thay vào đó là cột bê tông, chỉ có cánh cửa là làm bằng gỗ.

Tiếng là đi tham quan danh lam, thắng cảnh ở Lào, nhưng thực ra đây lại là chuyến xe đưa những cựu binh đã từng chiến đấu, công tác ở Lào trong những năm chiến tranh thăm lại chiến trường xưa, đưa những người làm dầu khí, mà trực tiếp đang làm việc ở PV Gas có dịp hiểu thêm đất nước Lào, hiểu thêm những năm tháng đầy gian khổ và hy sinh của các đồng nghiệp một thời mặc áo lính, có mặt trong đoàn quân tình nguyện giúp bạn.

Câu chuyện của anh Đỗ Ngọc Giao, Chi hội trưởng CCB Công ty Khí miền Bắc, những năm 70 của thế kỷ trước đã từng có mặt trong đội hình Trung đoàn 335, thuộc Sư đoàn 31 sang giúp bạn tiễu phỉ Vàng Pao, rồi sau đó lại có mặt trong đội hình những người đi tìm hài cốt đồng đội những năm sau giải phóng. Anh kể, năm 1972 phỉ Vàng Pao tấn công lực lượng quân đội Pa Thét Lào tại tỉnh Xiêng Khoảng tới gần khu vực Noọng Hét giáp biên giới Việt Lào khu vực Nậm Cắn tỉnh Nghệ An, anh trong đội hình được tăng cường giúp bạn, cùng với quân đội Pa Thét Lào tấn công truy đuổi bọn phỉ về tận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Tháng 4-1976, nước bạn Lào hoàn toàn giải phóng, Đỗ Ngọc Giao cùng một bộ phận của đơn vị tiếp tục ở lại Lào làm nhiệm vụ quy tập các phần mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam hy sinh tại khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Bàn chân người chiến sĩ trẻ Đỗ Ngọc Giao lại tiếp tục ngày đêm xuyên rừng, vượt núi. Các địa danh như: Phu Pha Xay, Phu Tâng, Phu Keng, Phu Sản, Phu Huổi Xạng… dấu chân các anh vẹt mòn dép lốp, có người tiếp tục hy sinh khi đi tìm đồng đội vì sốt rừng, vì rắn độc, vì những viên đạn bắn lén của bọn phỉ lẩn khuất trong các cánh rừng.

Về nguồn nơi đất bạn lần này còn có anh Trần Văn Tâm, nguyên Chủ tịch Hội CCB PVGas. Trong chiến tranh, anh có mặt trong đội hình quân tình nguyện tại Mặt trận Trung Lào. Với anh Tâm, Mặt trận Trung Lào là một phần máu thịt trong cuộc đời. Tại đây, nói như anh, dù anh sống không nhiều, nhưng đó lại là giai đoạn giàu ý nghĩa.

Trần Văn Tâm có mặt trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam cùng với bộ đội Pa Thét Lào tấn công tiêu diệt bọn phỉ Vàng Pao, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ bản chất phản động của quân địch, xây dựng lại hệ thống chính quyền. Anh kể những năm tháng ấy, các anh lăn lộn với dân, xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở trở lên. Có lẽ tình hữu nghị Việt - Lào mãi xanh tươi, mãi keo sơn, gắn kết bắt nguồn từ những việc “giúp bạn là tự giúp mình” như vậy.

Mãi là ngọn hải đăng doanh nghiệp

Xin được mượn tên giải thưởng của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nói về những đóng góp to lớn của PV Gas trong lĩnh vực an sinh xã hội với các địa phương trong cả nước.

Chắp nối câu chuyện trên từng chặng đường của anh Nguyễn Thành Nghị, Phó tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội CCB PV Gas, trong chuyến về nguồn vừa qua. Có thể nói rằng, trong nhiều năm qua PV Gas là một trong những đơn vị dẫn đầu của PVN trong công tác an sinh xã hội. Mỗi năm, PV Gas chi hàng trăm tỉ đồng cho lĩnh vực này. Dấu chân của những CCB, của đoàn viên Công đoàn, Đoàn Thanh niên PV Gas tỏa về mọi miền đất nước, đến với những vùng quê nghèo khó, đến với những vùng bị bão lũ thiên tai, mang đến những vùng quê này những món quà tình nghĩa của những người làm dầu khí. Và chính những món quà ấy đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.

Tôi còn nhớ vào khoảng nửa đầu tháng 10-2013, khi ấy tôi còn công tác ở Báo Quân đội Nhân dân, đang tác nghiệp ở Quảng Bình thì gặp một đoàn công tác, trong đoàn già có, trẻ có, nam nữ đều có cả. Nghe các anh lãnh đạo địa phương nói, họ (đoàn công tác) ở Tổng Công ty Khí Việt Nam từ Vũng Tàu ra làm công tác từ thiện ở địa phương. Tôi chỉ biết vậy, rồi chuyện ấy cũng bẵng quên theo thời gian. Trong chuyến về nguồn này, tôi ngờ ngợ nhận ra một vài gương mặt dường như đã gặp ở đâu. Mấy ngày “cùng ăn cùng ở”, cùng trò chuyện, té ra những người mà tôi ngờ ngợ ấy, là một trong những cán bộ trong đoàn công tác ra Quảng Bình vào tháng 10-2013 mà tôi đã gặp.

Huỳnh Đỗ Thanh Khiết, Bí thư đoàn PV Gas, chàng trai vui nhộn nhất trên xe, với nhiều câu chuyện tiếu lâm thời hiện đại kể với tôi, dịp ấy đoàn công tác của PV Gas do đồng chí Trần Văn Tâm, Chủ tịch Công đoàn; Hồ Hữu Tiến, cán bộ kế toán của Công đoàn cùng với anh, đại diện cho Đoàn thanh niên đã ra 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An để trao số tiền tài trợ 1 tỉ đồng cho các địa phương. Khiết bảo, đây là số tiền của ba tổ chức: CCB, Công đoàn và Đoàn Thanh viên vận động hội viên, đoàn viên đóng góp để giúp các địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Qua tâm sự với anh Trịnh Công Định, Phó chủ tịch Hội CCB PV Gas, tôi được biết, trong những năm qua dấu chân làm công tác từ thiện và công tác an sinh xã hội của CCB và các tổ chức khác trong tổng công ty còn đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa ở các địa phương miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Điện Biên… Kinh phí được trích từ lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh, từ sự đóng góp của hội viên, đoàn viên; đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà “Đại đoàn kết” tặng đồng bào nghèo, gia đình chính sách, giúp bà con có nơi ở ổn định, có nơi thờ tự liệt sĩ, có đồng vốn để sản xuất, chăn nuôi, làm ăn thoát nghèo.

Tôi nêu mấy số liệu dưới đây về công tác an sinh xã hội của PV Gas trong những năm qua, hoàn toàn không phải “ca ngợi” một chiều, cũng không nhằm mục đích “đánh bóng” thương hiệu và cũng không ngoài mục đích gì khác là viết đúng, viết trúng, viết để tôn vinh tấm lòng của những người lao động Dầu khí. Vì vậy xin anh Nguyễn Thanh Nghị, Phó tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội CCB PV Gas hoàn toàn yên tâm. Sở dĩ tôi phải có mấy lời như vậy, bởi khi kết thúc chuyến về nguồn, chia tay nhau tại sân bay, anh Nghị cứ nhắc đi nhắc lại “ông viết sao thì viết, đừng tô hồng…”.

Xin thưa, mấy lời mộc mạc của tôi không làm các anh phải “đỏ mặt” đâu, bởi đó là sự thật, là “đồng tiền bát gạo” của các anh, các chị đã góp phần không nhỏ vào việc giúp cho nhiều địa phương, nhiều gia đình, nhiều mảnh đời có điểm tựa để vươn lên. Xin được kể ra đây một vài công trình tiêu biểu. Năm 2010, với sự tài trợ của PV Gas, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã khánh thành và đưa vào sử dụng trạm y tế chuẩn quốc gia trị giá 2 tỉ đồng tại xã Xuân Thủy. Cùng thời điểm đó, PV Gas còn hỗ trợ cho tỉnh Nam Định 500 triệu đồng để xây dựng nhà “Đại đoàn kết”. Cũng trong 2 năm 2009 - 2010, PV Gas còn hỗ trợ 6 tỉ đồng để xây dựng trường trung học tại xã Cô Mạ, huyện Thuận Châu; lớp học mầm non Chiềng Xôm, thành phố Sơn La (Sơn La). Rồi năm 2013, ngoài 1 tỉ đồng trong chương trình khám chữa bệnh cho bà con nghèo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, PV Gas còn hoàn thành và bàn giao Trường trung học cơ sở xã Đông Kết, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) trị giá gần 22,5 tỉ đồng; hoàn thành 6 phòng học chức năng cho Trường trung học số 2, xã Quảng Hà, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trị giá 2 tỉ đồng… Mới đây nhất, PV Gas là một trong 7 doanh nghiệp của PVN được vinh danh “Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng”.

Qua tìm hiểu được biết, kể từ năm 1995 đến hết tháng 4-2015, PV Gas đã cung cấp cho thị trường trên 95 tỉ m3 khí khô, gần 8,6 triệu tấn LPG và trên 1,5 triệu tấn condensate. Hiện nay, mỗi năm PV Gas cung cấp khí để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện, 70% nhu cầu phân đạm và duy trì khoảng 70% thị phần LPG trong nước, phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước. Trong 25 năm qua, PV Gas đã đóng góp doanh thu cho ngành Dầu khí hơn 475.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 51.000 tỉ đồng; là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành Dầu khí về tổng doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận. Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân về các chỉ tiêu chính như sau: doanh thu 8%, nộp ngân sách 9%, lợi nhuận trước thuế 20%...

Gọi PV Gas là “ngọn hải đăng doanh nghiệp”, quả không phải quá lời.

Đặng Trung Hội

DMCA.com Protection Status