Một bản hợp đồng có mùi?

08:15 | 08/01/2012

719 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
VFF đã bán bản quyền bóng đá như bán "cầu Long Biên" và AVG đã mua thứ tài sản do người khác ngộ nhận mà có. Quả thực, đây là bản hợp đồng mà sặc mùi... bất minh(!?)

Vào những ngày cuối cùng của năm 2011, trên trang thể thao của nhiều tờ báo đã chạy những dòng tít “Cuộc chiến truyền hình”, việc tranh chấp bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VN). Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều có công văn "đấu nhau” mạnh mẽ.

Trong Công văn số 1102 gửi đến VPF vào chiều ngày 30/12, VFF nêu rõ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định là tổ chức duy nhất sở hữu các quyền liên quan đến các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và đã ký kết hợp đồng độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) từ năm 2011 đến năm 2030.

VFF cũng khẳng định: Công ty VPF chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, của FIFA, AFC và VFF; Công ty có nhiệm vụ kế thừa và tiếp tục thực hiện những Hợp đồng VFF đã ký kết với các đối tác liên quan đến giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa giải 2011 trở về trước.

Trở lại câu chuyện tranh chấp này, được biết VFF đã ký hợp đồng với AVG ngày 8/12/2010, bán cho AVG trong 20 năm bản quyền truyền hình các giải đấu: V-League (nay đổi tên thành Ngoại hạng – Super League), giải Hạng nhất Quốc gia, cúp Quốc gia và trận Siêu cúp. Cùng ngày, AVG đồng thời ký hợp đồng có thời hạn tương tự với Liên đoàn Điền kinh. Ngày 8/9/2011, tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 và chuẩn bị cho mùa giải mới 2012, Chủ tịch CLB bóng đá HN.ACB Nguyễn Đức Kiên đã phát biểu, đề nghị VFF xem xét lại hợp đồng bán độc quyền bản quyền truyền hình tới 20 năm cho AVG.

Ngày 23/12/2011, VPF gửi công văn do TGĐ Phạm Ngọc Viễn ký, đề nghị Ban Lãnh đạo AVG làm việc cùng VPF để giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình vào ngày 27/12/2011. AVG có công văn từ chối làm việc với VPF vì lý do Chủ tịch Phạm Nhật Vũ bận công tác tại TP HCM.

Câu chuyện bản quyền truyền hình đã “nóng” từ cuối mùa giải 2010 khi AVG mua lại bản quyền truyền hình hầu hết các giải đấu quốc nội của VFF trong thời hạn 20 năm với giá trị 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến tăng 10% mỗi năm.

Được biết, ngay sau cuộc mua bán bản quyền dài tới 20 năm cho AVG, giới truyền thông và người hâm mộ đã phản ứng dữ dội về sự phi lý ở thời hạn 20 năm của hợp đồng.

Theo VPF, một khi VFF đã chuyển giao quyền sở hữu các giải bóng đá nói trên, trong đó có Super League, cho VPF theo một nghị quyết do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 28/12. Do đó kể từ mùa giải 2012, VPF chính là đơn vị chủ sở hữu đối với bản quyền truyền hình các giải đấu nêu trên. Đó là lý do khiến VPF có cơ sở để bán lại cho VTV mà không cần quan tâm đến việc VFF đã bán bản quyền truyền hình các giải này cho AVG với thời hạn 20 năm vào năm 2010

Theo các luật sư, nếu VFF đã ký hợp đồng 20 năm với AVG chưa bị hủy bỏ thì bản hợp đồng đó vẫn có hiệu lực. Nếu hợp đồng đang tồn tại có hiệu lực, theo quy định của pháp luật, AVG đang có quyền khai thác bản quyền các giải đấu này. Khi VFF chuyển giao cho VPF, VPF phải kế thừa quyền và nghĩa vụ mà VFF đã chuyển giao. Khi VPF tự ý bán cho VTV tường thuật các trận đấu mà VFF đã bán độc quyền cho AVG đã xảy ra xung đột về mặt pháp lý. Về nguyên tắc, nếu thắc mắc về giá cả, thời hạn, hai bên phải đàm phán lại. AVG đang độc quyền thì AVG mới có quyền mời các đài khác vào để khai thác chứ VPF không có quyền mời đài khác vào. Hợp đồng VFF ký với AVG vẫn còn hiệu lực nên vẫn còn giá trị thực thi giữa VFF và AVG. Về khả năng khi VFF ký hợp đồng với AVG có sai phạm vì quá thẩm quyềm cần phải có một bản án tuyên đó là hợp đồng sai trái thì việc làm của VPF mới có giá trị.

Xung quanh tranh chấp giữa VPF và AVG về bản quyền truyền hình của giải Super League, sáng ngày 5/1/2012, Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử. Ông Lưu Vũ Hải cho biết: Công ty Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) được cấp các giấy phép cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình. Hồi 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10/10/2010, AVG đã thực hiện việc phát sóng thử nghiệm. Hiện nay, các kênh truyền hình AVG chỉ có thể đến được với người dân thông qua đầu giải mã kỹ thuật số (set-top box) trên thị trường, với sự hợp tác sản xuất cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương. Chương trình của Công ty này cũng chủ yếu liên quan đến thể thao, bao gồm cả bóng đá lẫn các môn thể thao đỉnh cao.

Trả lời câu hỏi xung quanh tranh chấp bản quyền truyền hình của giải Super League đang “nóng” từ nhiều tuần nay, ông Hải khẳng định: Câu chuyện mới chỉ bắt đầu, với tranh chấp thương mại đơn thuần giữa các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình Super League. Khi nào lên sóng, Cục quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử mới vào cuộc nếu có đài nào vi phạm bản quyền. Dư luận nên phân biệt rõ vấn đề sở hữu và vi phạm. Ví dụ, Công ty A sở hữu bản quyền Super League, nhưng nếu không nhà đài nào có nhu cầu sử dụng thì bản quyền đó coi như không có giá trị.

Về quan điểm của Cục, tôi cho rằng, các bên liên quan nên giải quyết theo hướng tích cực, đảm bảo phục vụ nhu cầu xem bóng đá của người hâm mộ. Người hâm mộ có quyền được thưởng thức những giải đấu do chính cầu thủ Việt Nam trình diễn. Super League đã bắt đầu, yếu tố thời gian nên được tính đến.

Xung quanh việc báo chí đang vào cuộc quá rầm rộ về đề tài này, Cục trưởng Lưu Vũ Hải cho rằng, báo giới không nên đưa mọi việc đi quá xa. Cốt lõi của vấn đề là dư luận phải hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong các quyết định giải quyết triệt để, tránh để lại tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến việc truyền hình các giải thể thao trong nước. Như mọi người đã biết, bên cạnh Super League, chúng ta còn cả một hệ thống các giải thi đấu đỉnh cao đáng rất xem khác như SEA Games, AFF Cup hay Giải VĐQG các môn bóng chuyền, bóng bàn, tennis…

Vụ việc ồn ào này vượt ra khỏi chuyện đá bóng cần giải quyết bằng một bản án. Với VFF vốn đã mất uy tín sau thảm bại tại SEA Games 26 vừa qua đang bê bối vì mất uy tín. Lệ thường, hợp đồng bản quyền dạng này trên thế giới chỉ kéo dài 3 năm, in lưu ý nhiệm kỳ của các quan chức VFF cũng chỉ có 5 năm. Câu hỏi ai cho VFF quyền bán bản truyền hình V-League cùng các giải đấu quốc nội tới 20 năm? Lợi ích nhóm nào đã chi phối hành động bán bản quyền cho công ty tư nhân để kinh doanh chứ không để phục vụ yêu cầu xem đá bóng của người hâm mộ? VFF đã bán bản quyền bóng đá như bán "cầu Long Biên” và AVG đã mua thứ tài sản do người khác ngộ nhận mà có. Quả thực, đây là bản hợp đồng mà sặc mùi… bất minh(!?)

Thảo – Tùng