Mong một cái tết ý nghĩa

21:12 | 04/02/2017

937 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có rất nhiều những nét đẹp văn hóa của tết xưa đã dần thưa vắng, thậm chí là hiếm khi tồn tại trong không khí ngày tết hôm nay. Cảnh gia đình quây quần bên nhau trong đêm trừ tịch bên nồi bánh chưng, bánh tét dần không còn nữa; Thay vì tết là sum hợp gia đình, người ta lại đi du lịch xa; Lễ hội ngày tết thì sa đà vào mê tín; Ngày tết, người ta tổ chức nhậu nhẹt say xỉn rồi đánh nhau khiến cho năm nào thống kê cũng có hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau ngày tết… Song, có phải đó là những biểu hiện đáng quan ngại về ngày tết hiện tại hay không? Và một cái tết ý nghĩa trong thời hiện đại thì sẽ thế nào? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã đi tìm câu trả lời qua cuộc trao đổi với các chuyên gia.

TS Văn hóa - ĐH KHXH&NV Nguyễn Ngọc Thơ: Không đến mức phải bi quan về tết

PV: TS nghĩ sao khi cho rằng nét đẹp văn hóa ngày tết cổ truyền của ta hiện nay đã mai một nhiều so với tết xưa?

mong mot cai tet y nghia

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Cái đẹp hay tính thẩm mỹ mang tính thời đại, tức là mỗi thời đại có nét thẩm mỹ riêng và mỗi cái đẹp phải được đặt nó trong bối cảnh không gian, văn hóa xã hội, kinh tế và những điều kiện rất riêng. Chính vì thế quan điểm cái đẹp ngày xưa khác cái đẹp bây giờ. Đứng ở điều kiện xã hội bây giờ để hoài cổ về cái đẹp xưa thì cũng chỉ có thể ở phạm vi hoài cổ mà thôi chứ làm sao cái đẹp xưa có thể quay trở lại và đứng vững trong môi trường bây giờ được!? Nên việc có những thay đổi về cái đẹp trong ngày tết hiện nay là mang tính tất yếu.

Sở dĩ tết xưa đẹp vì nó mang lại nhiều điều mới mẻ về mặt tâm lý. Ngày xưa, bà con nông dân mình tương đối nghèo khổ, họ đâu được ăn uống đầy đủ như bây giờ, họ ăn kham khổ và trông chờ ngày tết để được ăn những món ăn ngon, quần áo đẹp, trồng những chậu hoa trang trí cho nhà mình. Còn bây giờ thì hoàn toàn khác, ngày nào mà người ta không được ăn ngon, mặc đẹp, hoa thì lúc nào cũng có đầy ngoài chợ hoặc nhà có điều kiện trồng hoa thì thường ngày người ta cũng trồng hoa xung quanh nhà mình rồi... Dưa hấu cũng vậy, ngày xưa dưa đỏ chỉ được bổ vào những ngày giáp tết, còn bây giờ dưa hấu có quanh năm. Tóm lại, bây giờ điều kiện vật chất chúng ta quá đủ rồi nên chuyển biến tâm lý hay dấu ấn về ngày tết không còn nhiều nữa, đó là điều đương nhiên. Và từ đó nên ta cảm giác là cái đẹp của tết mất đi.

PV: Đành rằng, việc ngày tết có những thay đổi theo sự vận động phát triển của đất nước là điều tất yếu, nhưng ngày tết dần mất đi những nét truyền thống căn bản như đoàn viên, yêu thương, sẻ chia… thì rất nghiêm trọng, thưa TS?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Tôi không cho là ngày tết bây giờ mất hết những nét đẹp văn hóa của tết xưa. Ngày tết bây giờ vẫn có những cái đẹp riêng của nó. Và cái đẹp, cái hay là do chính bản thân ta tạo ra mà thôi. Còn những giá trị xâu chuỗi lại các thời kỳ, 20 năm trước cho đến bây giờ và sau đó, đó là cái đẹp của sum vầy, đoàn tụ, san sẻ, yêu thương. Đó là những cái đẹp cốt lõi không thay đổi.

mong mot cai tet y nghia
Phố ông đồ ngày Tết

Bản thân tôi vừa rồi thực hiện một nghiên cứu xã hội học điều tra, kết quả từ việc chọn mẫu ngẫu nhiên 93% cho rằng việc sum họp gia đình trong ngày tết là rất cần thiết và cũng từng ấy cho rằng, nên san sẻ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong những ngày xuân về để mọi người cùng nhau có một cái tết đầm ấm. 7% còn lại cho rằng, có điều kiện thì nên sum họp. Thế là rõ ràng người ta vẫn đang nghĩ cho nhau, cái đẹp của ngày tết vẫn tồn tại như vậy. Còn làm thế nào để đòi hỏi phải là dựng nêu ăn chè ngày tết ở thời bây giờ cho được. Quan niệm về cái đẹp, thẩm mỹ ngày tết cũng nên chấp nhận biên độ biến đổi nào đó về mặt hình thức.

Thế thì những tưởng vọng về ngày tết xưa hãy coi như ký ức đẹp và bây giờ ta phải có trách nhiệm tạo ra không gian tết đẹp để những cái đẹp đó gieo vào lòng con cái ta bây giờ. Để khi 20,30 năm nữa, khi cái đẹp ngày tết tiếp tục biến đổi và đến khi con cái chúng ta đã lớn lên, nó lại nói về cái đẹp của tết xưa như như hôm nay chúng ta ngồi bàn về chủ đề này vậy!

PV: Nhiều bạn trẻ không biết ngày tết có ý nghĩa gì với bản thân họ, thậm chí với nhiều bạn nó đơn giản chỉ là những ngày nghỉ. Có thể nói, trách nhiệm rất lớn trong việc này thuộc về người lớn, TS nghĩ sao?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Gia đình có trách nhiệm một phần, phần còn lại là giáo dục, xã hội. Nhưng thật

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa dịp tết, Hà Nội đã quyết định không tổ chức bắn pháo hoa vào tết Nguyên đán. Các địa phương khác cũng không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp tết.

ra khi mỗi độ xuân về, không khí ngày tết với ý nghĩa sum họp, yêu thương vẫn thể hiện rất đầy đủ trong các mẫu quảng cáo trên tivi. Vì điều kiện mưu sinh nên con cái sống xa gia đình bố mẹ, họ cần lắm một trụ cột, một sự kết nối, một cảm giác thuộc về. Thế thì ngày tết chính là lúc mình tìm về với cảm giác ấy để khẳng định là cảm giác ngày tết vẫn tồn tại trong mỗi con người chúng ta, nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Hình ảnh gia đình, bố mẹ, anh chị em là hình ảnh mang lại sự thanh bình yên ả, một chỗ đứng, một sự tự tin nào đó của một con người… Các mẫu quảng cáo bây giờ vẫn thể hiện nhiều điều đó. Nó có giá trị giúp giới trẻ hiểu hơn về ý nghĩa giá trị ngày tết đoàn viên.

Tuy nhiên, ngày tết là tổng hòa của rất nhiều thực hành từ nhỏ cho đến lớn mà chúng ta nếu không chú ý kỹ thì không thể nào hiểu hết được. Thế thì trách một phần người trẻ bận rộn không đủ thời gian để tìm hiểu, trách phần giới thiệu của chúng ta chưa đủ, như vì sao tết phải có mâm ngũ quả, dưa hấu tròn, bánh chưng vuông… Vì nhiều bạn trẻ chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ thôi, nhưng tôi tin đến độ tuổi nào đó họ sẽ tự tìm hiểu để biết và dạy lại cho con cháu mình. Tôi cũng không băn khoăn lắm về những việc này.

PV: Phong tục nhà nhà nấu bánh chưng, bánh tét bây giờ hầu như không còn là mấy, tất cả đều được mua ngoài chợ. TS nghĩ gì về chuyện này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Ngày trước, phần lớn chúng ta thường sống ở môi trường nông thôn, không gian rộng rãi nên việc tổ chức nấu nướng với một cái bếp củi to cùng nồi bánh chưng, bánh tét thì phù hợp. Nhưng bây giờ phát triển đô thị, không gian không còn phù hợp với điều đó. Hơn nữa ngày trước ở nông thôn, gia đình này nấu bánh còn để biếu cho bà con, hàng xóm xung quanh. Tức là mối quan hệ qua lại giữa láng giềng, thân tình có tương tác, khăng khít do khoảng cách không gian gần gũi. Còn ở thành thị bây giờ nhà kế bên còn không biết là ai thì tặng ai, chẳng lẽ mang ngược về quê tặng gia đình họ hàng hay sao?! Thế thì nhu cầu thưởng thức những món ăn do nhà tự nấu như bánh chưng, bánh tét cũng không nhiều. Nhiều gia đình cũng cân đối điều kiện kinh tế khách quan, chỗ ở nên không nấu mà thay vào đó là bữa cơm gia đình quay quần. Có nghĩa là yếu tố cốt lõi là gia đình quây quần thì vẫn còn, còn không gian nó thay đổi nên hình thức cũng thay đổi.

Và cái chúng ta cần giữ đó là không khí gia đình, là không gian chúng ta ngồi bên nhau, chia sẻ với nhau ở đó, còn nồi bánh chưng chỉ là hình thức nên cũng không nhất thiết phải có để làm gì… Chúng ta chỉ không khuyến khích tổ chức những bữa cơm ở hàng quán nào đó xa lạ mà thôi. Tóm lại, chúng ta không nên quá bi quan về những thay đổi có tính hình thức mà hãy đặt nó trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay. Còn những gia đình nào có điều kiện thì vẫn nên giữ lại. Và cái cần thiết nhất phải giữ gìn, phát huy đó là những giá trị cốt lõi như sự sum vầy, sự kết nối hữu hình, vô hình để răn dạy con cái về truyền thống gia đình, về chữ hiếu…

PV: Hiện nay, lễ hội ngày tết sa đà vào mê tín, rồi nhậu nhẹt say xỉn, đánh nhau là những chuyện khiến ngày tết không còn hấp dẫn với nhiều người. TS có ý kiến gì trước những hiện tượng này những năm qua?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Thật ra những hiện tượng này trong ngày tết ngày trước vẫn có nhưng do người ta không có thông tin, thống kê do truyền thông báo chí chưa phát triển như bây giờ. Nhưng tôi khẳng định là tình trạng ngày trước ít hơn bây giờ, bởi ngày trước người ta sống trong các mối quan hệ chằng chịt, người ta dễ nhường nhịn và thông cảm cho nhau. Bây giờ người ta sống gấp gáp hơn, ít quan tâm nhau hơn, tương tác giữa các thành viên trong xã hội cũng lỏng lẻo hơn, dễ dẫn đến ẩu đả nên tần suất nhiều và nghiêm trọng hơn.

Còn việc tìm đến những không gian đình chùa với tâm thức thực hành và mục đích không còn như trước là vì người ta đang hiểu sai đi ý nghĩa viếng đình chùa ngày tết. Ngày xưa, ông bà ta hiểu rất rõ rằng đi viếng đình chùa ngày đầu xuân là đi tìm một chỗ thanh tịnh trong tâm hồn, để lắng đọng và tinh tế về suy nghĩ. Một suy nghĩ, một hứa hẹn với thần thánh rằng, tôi sẽ trở thành người tốt trong năm mới… để có chút thanh tịnh trong tâm hồn của mình, san sẻ bao dung và sống cuộc sống thanh đạm.

Còn bây giờ chủ nghĩa vật chất lên ngôi nên nhiều người đi chùa không còn tìm khoảng thanh tịnh đó của tinh thần nữa mà để cầu tài, cầu lộc, cầu trúng số, cầu thăng quan tiến chức… đó là hệ quả của sự phát triển ồ ạt của chủ nghĩa vật chất. Người ta cho rằng, chỉ có chút may mắn là được nhưng thật ra họ hiểu rất nhầm và hiểu sai. Ý nghĩa đi viếng chùa chiền thay đổi, cái hiểu bây giờ cũng lệch đi quá nhiều!

PV: Bây giờ, cảm xúc mong chờ đón tết của cá nhân TS có gì khác so với ngày xưa không?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Cảm xúc tôi không còn nguyên vẹn như ngày tết trước, nhưng tôi cảm nhận rằng, mỗi thời đại thì cảm xúc dành cho ngày tết cũng thay đổi, đó là tất nhiên. Tôi chuẩn bị tốt tinh thần về điều đó nên không cảm thấy mất mát quá nhiều, quan trọng là tôi sắp xếp thế nào. Bao giờ cũng vậy, tết là khoảng thời gian tôi dành hết cho gia đình, nội ngoại vợ chồng hai bên. Tôi vẫn theo nguyên tắc là mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Tôi vẫn sắm sửa đầy đủ cái mới cho gia đình.

Tôi có hai động lực để sắp xếp ngày tết tốt nhất có thể, đầu tiên đó là vì sự mong đợi của gia đình; Thứ hai đó là trách nhiệm tạo ra một không gian tết thật sự đẹp để lưu giữ lại trong tâm hồn con tôi. Tôi mong muốn trong những bài văn hay trong ký ức 20 năm nữa con tôi vẫn sẽ nói cái tết bây giờ.

PV: Cuối cùng, vậy chúng ta cần làm những gì, làm như thế nào để nhà nhà đón một cái tết ý nghĩa trong ngày tết hiện nay?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Chúng ta không thể bắt buộc cái đẹp của tết hiện nay nó giống như tết xưa được, chúng ta phải chấp nhận được những thay đổi. Nhưng dù là tết xưa hay nay thì cái tết chỉ đầm ấm, hạnh phúc khi những người xung quanh chúng ta có một cái tết như chúng ta. Bản thân chúng ta đã quá may mắn để có thể hưởng thụ một cái tết bình thường sum vầy, còn nhiều người khác không có điều kiện như vậy! Nên bằng cách này hay cách khác, đừng để lại ai phía sau lưng mình. Trong điều kiện có thể, hãy chìa bàn tay về phía họ, những phận đời kém may mắn. Đó là cái tết đầy ý nghĩa nhất, một cái tết ấm áp, san sẻ yêu thương.

PV: Cảm ơn TS!

PGS Phan An - Viện Phát triển Vùng Nam Bộ: Tết phải thay đổi để thích ứng

mong mot cai tet y nghia

Nếu than phiền vì tết mất truyền thống văn hóa đẹp của ngày xưa thì chúng ta cũng cần xem lại vì văn hóa là luôn chuyển động, thay đổi để thích nghi với hiện tại. Văn hóa truyền thống cốt lõi của ngày tết là gì, đó là đoàn tụ, sum vầy, là nhớ ơn ông bà tổ tiên. Những ý nghĩa này được thể hiện qua các hình thức khác nhau như về quê ăn tết, quây quần bên bếp lửa hồng… Điều này thể hiện tính nhân văn của người Việt.

Tuy nhiên, trong mỗi thời đại khác nhau, cụ thể là thời bây giờ đã công nghiệp hóa chứ không còn là văn minh nông nghiệp nữa nên tết cũng phải thay đổi thích ứng. Ví như ngày xưa, tết là ngày ăn chơi vì ngày xưa đa số còn nghèo đói nên trông đến ngày tết để được ăn ngon, mặc đẹp. Còn bây giờ mọi người no ấm rồi nên việc đó không quan trọng. Hoặc vui chơi giải trí cũng vậy, bây giờ không phải đợi đến ngày tết mà ngày nào người ta cũng có thể giải trí với nhiều loại hình phong phú, đa dạng.

Cho nên chúng ta cũng không nên quá băn khoăn hay vội vàng cho rằng, tết bây giờ đã mất mát đi nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ văn hóa tết bây giờ có những chuyển đổi thích ứng với nhu cầu xã hội hiện tại mà thôi. Và những thay đổi đó là cần thiết nên có. Tết bây giờ không phải cứ đốt bếp lên, cùng ngồi bên nồi bánh chưng, bánh tét thì mới ấm. Nó không còn cần thiết nữa. Cho nên chúng ta cần thay đổi cách nhìn.

mong mot cai tet y nghia
Hình ảnh ý nghĩa về ngày tết sum vầy trong một mẫu quảng cáo

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta quên việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống cốt lõi. Thứ nhất, đó là nét văn hóa nhân văn của truyền thống thể hiện lòng biết ơn, tổ tiên ông bà cha mẹ, những người gây dựng cơ đồ, sự nghiệp cho gia đình, bản thân. Rộng hơn là nhớ ơn những người có công với đất nước. Thứ hai là với thế giới hiện tại, chúng ta có những ngày đoàn tụ, chúc mừng nhau, rồi hoạt động từ thiện để cùng giúp cho người nghèo có một cái tết ấm no. Đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp mà chúng ta phải gìn giữ cẩn thận.

Chúng ta cũng không nên bi quan trước những hiện tượng tiêu cực của xã hội trong mấy ngày tết gần đây như nhậu nhẹt, đánh nhau hay lễ hội tràn ngập mê tín… Bởi suy cho cùng, mỗi giá trị văn hóa luôn có mặt phi văn hóa. Việc tết tổ chức nhậu nhẹt, rồi từ đó xảy ra những tệ nạn; Tết tặng quà, hối lộ; Lên chùa cầu thăng quan tiến chức… đó là những mặt phi văn hóa. Nhiệm vụ mỗi cá nhân là làm thế nào để duy trì được những nét đẹp văn hóa ngày tết, hạn chế những mặt phi văn hóa để làm tết trở nên lành mạnh hơn.

Nét văn hóa nhân văn của truyền thống thể hiện lòng biết ơn, tổ tiên ông bà cha mẹ, những người gây dựng cơ đồ, sự nghiệp cho gia đình, bản thân. Rộng hơn là nhớ ơn những người có công với đất nước.

Lê Trúc

Năng lượng Mới 588

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.