Mong âm nhạc tử tế kiếm được nhiều tiền!

07:00 | 11/07/2013

910 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làm ra một sản phẩm âm nhạc chất lượng không chỉ tốn nhiều chi phí mà còn là mồ hôi, công sức của nghệ sĩ. Vì thế “âm nhạc tử tế cần được đánh giá đúng với những gì bỏ ra và kiếm được nhiều tiền hơn, để những người làm âm nhạc nghiêm túc có thể tái đầu tư mà sáng tạo”, ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ với phóng viên PetroTimes.

PV: Hoàng Bách sắp xuất hiện với một vai trò mới - vai trò diễn viên trong một bộ phim kinh dị. Đây có thể được xem là một sự trải nghiệm của anh không?

Hoàng Bách: Thực ra, đây là lần thứ 3 Bách thử sức với ngành nghệ thuật thứ 7. Trước đó, Bách cũng tham gia một bộ phim truyền hình, một bộ phim điện ảnh. Những gì mình đã làm chỉ là thoáng qua thôi. Đối với bất kỳ nghề nào, vinh quang cũng như khó nhọc đều phải có thời gian trải nghiệm thì mới có những nhận định chính xác. Mình chỉ thấy rằng, để tạo ra một tác phẩm điện ảnh đã khó, thu hút được người xem đến rạp còn khó hơn. Bản thân mình thì chưa nghĩ đến việc đi xa với nghề diễn, đây đơn thuần là công việc nó đến với mình, trong một chừng mực nào đó mình thấy là mình sẽ làm được thì nhận lời, bằng không mình sẽ từ chối. 

PV: Điều này có thể lý giải cho việc anh im hơi lặng tiếng trong âm nhạc suốt thời gian qua?

Hoàng Bách: Thực ra, mình vẫn ra sản phẩm đều đều. Tuy là nó không nhiều nhưng cũng không đến nỗi thưa thớt quá. Từ đầu năm đến giờ những sản phẩm mới của mình cũng được khán giả yêu thích như: “Tạm biệt em”, “Về đi thôi”... Nếu theo đúng kế hoạch thì thời gian tới Bách sẽ ra album nhạc xưa mang tên “Tình ca Nhật Bản”. Đây là dự án thứ 2 về nhạc xưa mà mình phát hành. Bách tin rằng, những khán giả đã có sự trải nghiệm, đã sống ở thập niên 90 của thế kỷ trước mà yêu thích nhạc xưa sẽ có cơ hội sống lại thời đó qua cách hát hiện tại của mình.

Ca sĩ Hoàng Bách

PV: Tại sao anh không hướng đến đối tượng khán giả trẻ trung hơn để có một lực lượng fan hùng hậu hơn?

Hoàng Bách: Từ trước đến giờ mình chỉ làm những điều mình thích và khi gọi là sở thích thì nó cũng có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Trước đây, mình thích những thể loại sôi động hơn nhưng bây giờ lại là sự trải nghiệm. Hơn nữa, khán giả của mình cũng lớn hơn rồi nên việc nghe và làm cũng sẽ có nhiều tâm sự hơn, có chiều sâu hơn.

Ai cũng có một đối tượng riêng, nhưng điều mình muốn trước tiên là làm hài lòng khán giả của mình, những khán giả cùng một thế hệ, cùng một tiếng nói, ngôn ngữ với mình. Riêng điều này mình còn cảm thấy làm chưa tốt thì cũng không nên tham lam quá làm gì.

PV: Bởi vậy nên một câu hỏi mang tính vĩ mô cho anh là: Nhắc đến nền âm nhạc Việt hiện tại, Bách có nhìn nhận như thế nào? Và điều gì làm Bách băn khoăn nhất?

Hoàng Bách: Một điều rõ ràng là 5 năm trở lại đây, nền âm nhạc Việt Nam nói chung đang bước vào quỹ đạo không mấy sáng sủa. Nó có thể là do sự tràn lan của Internet cũng như không có sự quản lý chặt chẽ về mặt pháp luật đối với âm nhạc. Đa số các nghệ sĩ đều không bằng lòng với cách quản lý và sự phát triển của nền âm nhạc này bởi có quá nhiều tồn tại khiến những người làm nghề cảm thấy bức bối: Đó là tình trạng làm sai, làm ẩu, làm lậu và ăn cắp nhạc tràn lan. Vì vậy, cái gốc của vấn đề vẫn là sự quản lý về pháp luật để những người làm âm nhạc chuyên nghiệp có thể yên tâm hơn mà làm nghề. 

Bách nghĩ rằng, phải có sự quản lý nghiêm bằng pháp luật. Những người làm sai, làm lậu, ăn cắp nhạc... phải bị xử lý. Còn người đưa âm nhạc ra thị trường phải được đãi ngộ xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Mặt khác, sự vận hành guồng quay âm nhạc công nghiệp ở Việt Nam phải có hệ thống hơn và công bằng hơn với tất cả mọi người. Chính điều này sẽ giảm bớt được những dạng ca sĩ theo thời vụ và những khán giả muốn nghe âm nhạc tử tế sẽ tìm được và nghe được sản phẩm mình yêu thích.

PV: Đúng là nhìn nhận vào thực trạng của nền âm nhạc hiện nay thật khó có thể phân định giữa các ranh giới. Hơn nữa, việc sáng tác thì tưởng chừng bế tắc khi quanh quẩn với đề tài yêu đương tầm thường, ca sĩ lại dễ dãi trong lựa chọn ca khúc để thể hiện. Vô hình trung mang đến một hệ lụy khôn lường đó là nguy cơ lệch lạc về thẩm mỹ âm nhạc?

Hoàng Bách: Theo Bách nghĩ thì cái đầu tiên là nhìn lại vấn đề về thị trường âm nhạc. Muốn có nền âm nhạc tử tế thì phải có nền công nghiệp âm nhạc được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Làm như vậy thì người làm âm nhạc tử tế sẽ không bị nản. Cứ nhìn thực tế xem, những người làm âm nhạc tử tế gần đây phải bám vào các game show hoặc âm thầm làm nhạc quảng cáo để mà sống. Còn khi cho ra một sản phẩm, thì sản phẩm đó nhanh chóng rơi vào quên lãng. Chính bản thân họ còn không đủ thời gian để chăm chút những điều tốt đẹp và sáng tạo nhất mà mình tạo ra.

Còn những ca sĩ thật sự chất lượng thì cũng rất lâu mới cho ra được một sản phẩm mới. Những đầu tàu như thế họ chán nản trước sự hoành hành của nhạc bẩn và sự ăn cắp trắng trợn của nhạc lậu thì thật khó có thể an tâm mà làm việc được. Tất nhiên, ở thời đại nào cũng có thể loại như bạn nói. Và điều này cũng không quá đáng lo nếu khán giả còn đón nhận. Bởi vậy, cái cần làm là xếp nó vào với đúng vị trí của nó. Không thể đặt ngang hàng và có sự đãi ngộ tương đương được.

PV: Sự bùng nổ quá nhiều các tài năng âm nhạc mới và sự dễ dãi được gắn mác nghệ sĩ có phải là một trong những nguyên nhân đem đến sự khó phân định rạch ròi, cũng như sự bát nháo của âm nhạc hiện tại?

Hoàng Bách: Bách nghĩ rằng, những tài năng âm nhạc trẻ được phát lộ qua các cuộc thi thực sự đều là những người có khả năng. Vì thế nếu họ thật sự có niềm đam mê, những bước đi có hệ thống và đúng đắn thì họ sẽ tồn tại. Không thể phủ nhận thời điểm hiện tại có những thuận lợi quá mức đối với người trẻ nhưng cái gì cũng có hai mặt, biết đâu nó lại là cạm bẫy. Điều quan trọng nhất là chất lượng của những gương mặt trẻ từ cách họ được xuất hiện đến cách họ được tung hô... Và rồi, họ có đi được đến cuối con đường hay không? Nếu đi được, có những sản phẩm tốt, có sức ảnh hưởng đối với thế hệ của mình thì tại sao chúng ta lại phải nghi ngờ những gì họ đáng được hưởng.

Với những bạn trẻ bước ra từ game show thì xét cho cùng là một quân cờ trên một bàn cờ. Bách nghĩ rằng, khi người ta bỏ bàn cờ, tức là bỏ game show để hướng đến một cái khác thì các bạn cũng phải tạo ra được cho mình một bàn cờ khác, một thế cờ khác. Bằng không thì không sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải. Bởi vậy mới nói, không nên nhìn vào cái hào nhoáng của game show đang lan tỏa.

PV: Vậy điều mong mỏi của Hoàng Bách dành cho nền âm nhạc Việt trong tương lai là gì?

Hoàng Bách: Mong mọi thứ được đặt đúng vị trí của nó, âm nhạc tử tế sẽ được đánh giá đúng hơn, cao hơn. Những người làm âm nhạc tử tế sẽ kiếm được nhiều tiền. Bởi làm ra những sản phẩm âm nhạc tử tế không chỉ tốn nhiều tiền mà còn là mồ hôi, công sức. Vì thế mà nó cần phải được đãi ngộ đúng đắn, để những người làm âm nhạc nghiêm túc có thể tái đầu tư mà sáng tạo.

PV: Cảm ơn Hoàng Bách về cuộc trò chuyện này!

Trúc Mai (thực hiện)