Mối nguy từ “trục lợi tâm linh”

11:03 | 12/03/2018

1,691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người dân cả nước lại hào hứng tham gia các lễ hội, đi hành hương tại nhiều di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa vãn cảnh, bái Phật thì với nhiều người, đền chùa là nơi để cầu xin và thánh thần đều có thể... mua được.

Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng được coi là ngày vía Thần Tài, những người kinh doanh thường mua đồ lễ cúng Thần Tài, mua vàng để cầu tài lộc cho năm mới. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng này lan tỏa đến tất cả mọi người, cứ đến ngày này người dân lại rồng rắn xếp hàng mua vàng. Vì thế, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng, giá vàng lại “nhảy múa” tăng mạnh.

moi nguy tu truc loi tam linh
Người dân xếp hàng mua vàng ngày Thần Tài năm 2018

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: “Nếu ai mua vàng cũng được may mắn thì có lẽ đất nước sẽ chẳng có ai làm ăn thua lỗ, chẳng doanh nghiệp nào lâm vào cảnh phá sản. Quan điểm cá nhân của tôi là không nên đi mua vàng ngày này để đầu cơ. Nếu mua vàng theo phong trào, chạy theo tâm lý đám đông, vì yếu tố tâm linh cứ mua và chấp nhận lỗ, rồi tạo cơ hội để giới kinh doanh vàng kiếm lời”.

Không chỉ trục lợi từ những ngày lễ, tết, nhiều người còn “kiếm lời” ở chính cổng đền, chùa. Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em tại Yên Tử.

Theo thống kê, năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt, dự tính năm 2018 sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt. Và với mức phí được áp dụng, số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể đạt tới 70 tỉ đồng. Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, số tiền này được dùng vào việc bù đắp chi phí quản lý, an ninh, bảo vệ môi trường, trùng tu tôn tạo di tích.

Tuy vậy, hầu hết người đi lễ đều đã đóng góp khoản công đức, ngoài ra, họ còn phải trả các khoản phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí, cũng như can thiệp vào việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân.

Nhắc đến câu chuyện đi lễ đầu năm, đâu đó trong quan niệm của người dân đã và đang có nhiều cách hiểu, cách nghĩ sai lệch so với những giá trị nguyên bản của việc cầu cúng.

Thay vì bái Phật để tâm an, không ít người tìm đến thần thánh để cầu xin danh lợi. Điều này vô hình trung đã biến các vị thần thánh, anh hùng dân tộc thành “thế lực” phù hộ cho nhu cầu cá nhân, tạo nên tệ nạn mê tín dị đoan tại chính nơi thờ tự.

Chẳng hạn như đền Bà Chúa Kho, theo truyền thuyết ngôi đền được lập để tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho lương thực triều đình tại Núi Kho. Sau khi hy sinh, người dân gọi bà với niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho. Thế nhưng giờ đây, có hàng vạn người đến mỗi ngày, “đốt” tiền thật, vay tiền ảo, mong được làm “con nợ” Bà Chúa để làm ăn “có lộc”.

Hay tại đền ông Hoàng Bảy, tỉnh Lào Cai, thờ “thần vệ quốc” - vị anh hùng lừng lẫy của miền sơn cước đánh giặc phương Bắc. Không biết từ bao giờ, có những người về đây để dâng lễ cầu lộc mà là lộc lô đề, thậm chí buôn bán hàng lậu.

Hay trường hợp lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa nhân văn, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, ngày khai ấn lại trở nên xô bồ, lộn xộn, lá ấn Đền Trần cố tình bị hiểu sai giá trị. Nhiều người đã lầm tưởng ấn đền Trần có giá trị phù trợ cho đường thăng quan tiến chức nên đã đổ xô đi xin ấn, mua ấn.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới những lễ hội có tính chất bạo lực, gây nhức nhối như chọi trâu (Hải Phòng), cướp quả phết (Phú Thọ), cướp giò hoa tre lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)…

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hành vi trục lợi đó được coi như “tham nhũng tâm linh”. Vì lợi lộc, người ta sẵn sàng thêm thắt, đẻ ra nhiều “nghi lễ” kỳ dị, phản cảm, làm méo mó ý nghĩa của lễ hội.

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội, tức là bình quân mỗi giờ ở Việt Nam lại có 1 lễ hội. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất với 1.095 lễ hội. Lai Châu ít nhất với 17 lễ hội.

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội mỗi năm, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội, tức là bình quân mỗi giờ ở Việt Nam lại có 1 lễ hội. Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất với 1.095 lễ hội. Lai Châu ít nhất với 17 lễ hội.

K.An